Người công nhân mù khóc khi đón nhận món quà của Thủ tướng
Trong số hơn 20 công nhân lao động được Thủ tướng Chính phủ tặng quà tại chương trình "Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động", anh Phạm Văn Sơn (sinh năm 1993, công nhân Công ty TNHH Luxshare - ICT Vân Trung) là người đặc biệt. Anh ngồi xe lăn, không nhìn được, không đi lại được và trí óc không minh mẫn. Nhưng vào giây phút ấm áp được Thủ tướng trao quà, anh đã rơi nước mắt với tất cả nỗi xúc động. |
“Tai nạn biến Sơn trở thành một người khác”
Không may bị tai nạn giao thông từ tháng 10/2021, anh Phạm Văn Sơn (sinh năm 1993) mất đi các khả năng nhìn, đi lại và sự minh mẫn của trí óc. Anh Phạm Văn Quang (33 tuổi, anh trai của anh Sơn) kể: “Đã 7 tháng trôi qua, vụ tai nạn xảy đến với Sơn vẫn ám ảnh gia đình. Hôm ấy, vào khoảng 19 giờ 30 phút, Sơn chạy xe máy đến Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để làm ca đêm. Không may, xe của Sơn va chạm với xe của một công nhân khác. Vụ tai nạn để lại cho Sơn những di chứng nặng nề”. Anh Quang và anh Sơn sinh ra và lớn lên tại xã Ngũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Vào thời điểm bị tai nạn, anh Sơn đã có một cô con gái học lớp 2. |
Khu công nghiệp Vân Trung (tỉnh Bắc Giang) - nơi anh Phạm Văn Sơn làm việc. Ảnh: ST |
Khi gặp nạn, anh Sơn được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Vết thương quá nặng, anh tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để điều trị. Trong lúc vừa chạy chữa cho anh, cả gia đình phải dồn sức vay mượn tiền trả viện phí, lo thuốc thang. Hơn 1 tỉ đồng là số tiền quá lớn với cha mẹ anh - hai người nông dân luống tuổi. Cả đời họ gắn bó với ruộng nương và phải tằn tiện từng bao thóc để nuôi các con khôn lớn. Khi con trai gặp nạn, cha mẹ anh lực bất tòng tâm, chỉ còn trông cậy vào người anh cả Phạm Văn Quang. Vào thời điểm ấy, anh Quang cũng chỉ làm ruộng, chưa có thu nhập thường xuyên và ổn định. Cả nhà cũng xác định, dù có phải bán đi một phần diện tích đất ở để chữa chạy cho anh cũng cam lòng. Tổng diện tích nhà ở hơn 300 m2 vốn được cha mẹ dự định chia cho anh Sơn và anh Quang lập nghiệp. Đó còn là nơi gắn bó, lưu giữ nhiều kỷ niệm của gia đình. Nhưng vào lúc bí bách, túng quẫn và phải ưu tiên cứu người ấy, không ai nghĩ ra được phương cách nào khác. Chẳng lẽ vay mượn mãi? Rồi trả nợ thế nào? Bán đất là giải pháp nhanh nhất để có tiền chữa chạy cho anh. |
Anh Phạm Văn Sơn được anh trai đưa tới chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân - Ảnh: Ý YÊN
Mặc dù được cứu chữa tận tình, sau khi xuất viện, chấn thương sọ não khiến anh Sơn bị mù, liệt, thần kinh không ổn định. Từ một người đàn ông chăm chỉ, hoạt bát, trắng trẻo, anh Sơn thành một con người khác hẳn. “Cái đêm định mệnh, tôi nghe điện thoại người ta thông báo Sơn bị nạn mà tôi ngất xỉu. Miệng tôi muốn nói và không thốt nên lời. Người ta mô tả đúng biển số xe, màu xe và dáng người của Sơn khiến tôi bàng hoàng. Bây giờ, sức khỏe của con tôi đã phục hồi nhưng không thể tự đi lại, vận động, vệ sinh cá nhân. Trí nhớ suy giảm 50% so với trước kia. Trí óc thì khi tỉnh, khi mơ. Hồi mới ở viện về, Sơn nói nhiều lắm. Sau này, Sơn bỗng trầm mặc hẳn. Tôi chắc chắn rằng Sơn trở nên ít nói vì buồn và mặc cảm. Tôi đã khóc hết nước mắt vì con, giờ không khóc được nữa” - bà Nguyễn Thị Thoa, mẹ anh Phạm Văn Sơn cho biết. |
Cuộc sống khó nhọc vẫn tiếp diễn với 5 con người
Sau tai nạn, không chỉ riêng anh Sơn mà cả gia đình đang phải vật lộn cho cuộc sống mưu sinh và tương lai. Lúc tỉnh táo, anh Sơn hướng đôi mắt mù lòa về phía bà Thoa, nói: “Con thương mẹ lắm. Giá như con không bị tai nạn thì có thể đỡ đần được mẹ”. |
"Biết con buồn, tôi lại khóc. Có lúc, Sơn nghe con gái ríu rít kể về thành tích học tập. Sơn khen con học giỏi, ôm con vào lòng, động viên, cười đùa khúc khích và căn dặn con phải nghe lời ông bà, bác Quang. Khi không tỉnh táo, Sơn còn quát lại tôi và buông lời chê con gái: “Giấy khen thì làm gì, chỉ là tờ giấy chứ đâu có giá trị gì” làm con bé Thảo buồn mãi" - bà Thoa kể. Mỗi lần mua thuốc cho anh Sơn, gia đình phải bỏ ra 20 triệu đồng. Số thuốc này chỉ dùng trong 2 tháng. Gánh nặng này chủ yếu do anh Phạm Văn Quang đảm đương, gánh vác. Sau khi anh Sơn điều trị ổn định, anh Quang đã quyết định xin phép cha mẹ đi tìm việc làm. Anh đi kiếm tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày của 5 người, tiền thuốc của anh Sơn, tiền học của cháu Thảo. Tạm gác chuyện lập gia đình của bản thân, anh Quang chỉ ước mong em trai mình nhìn thấy được, đi lại được. |
Anh Phạm Văn Sơn trong thời gian điều trị ở bệnh viện. Ảnh: Gia đình cung cấp |
“Ngoài những lúc đắm mình trong công việc, tôi lại buồn và thương em. Dù có phải bán hết đất đai, tài sản mà chạy chữa cho Sơn đi lại được, nhìn thấy được dù chỉ là 1/10, dù Sơn không làm việc được nữa thì đó cũng là nguồn động viên của gia đình tôi. Nhưng ước muốn sẽ khó thành hiện thực. Bác sĩ nói Sơn bị tổn thương khu nhìn, cộng thêm mất quá nhiều máu, lại tổn thương hệ thống thần kinh nên không hồi phục được. Thời điểm này, gia đình đã hết hi vọng. Mỗi lần nhìn thấy Sơn cô đơn, trầm mặc ngồi một mình, cả nhà ai cũng xót thương em vô hạn. Bản thân tôi không sớm tối chăm sóc em được vì phải đi kiếm tiền. Thu nhập của tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này dùng để trang trải chi phí cá nhân của tôi, trả nợ tiền vay chữa chạy cho Sơn. Còn lại là tiền học cho cháu Thảo, mua thuốc cho Sơn và sinh hoạt trong gia đình. Cuối tuần, tôi mới về nhà. Mỗi lần chăm sóc Sơn, mẹ lại khóc. Tôi rất lo mẹ không được khỏe, thêm ốm yếu vì nghĩ ngợi, thương em. Có lần Sơn đi viện, mẹ cũng phải đi cấp cứu. Mong muốn của tôi lúc này là cả nhà được khỏe mạnh. Bây giờ trong nhà có thêm một người ốm, tôi thật sự kiệt sức" - anh Phạm Văn Quang chia sẻ. |
Anh Sơn trong thời gian ở bệnh viện. Ảnh: Gia đình cung cấp
7 tháng qua, ngày nối ngày, anh Sơn phải sống trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ. Anh còn trải qua nhiều cuộc kiểm tra, điều trị chuyên sâu. Mỗi lần như vậy lại thêm tốn kém. Cô bé Phạm Lương Thương Thảo - con gái anh dù phải sống xa mẹ, bố bệnh tật nhưng luôn tràn đầy nghị lực, nỗ lực đạt thành tích học tập xuất sắc. Cháu còn nhỏ nhưng biết thương bố. Cháu chăm sóc bố bằng cách xoa bóp chân tay. 3 ngày trước khi biết tin bố Sơn được đi gặp Thủ tướng Chính phủ, cháu cảm thấy vinh dự lắm. Còn anh Sơn, khi được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tận tay trao quà, anh đã rơi nước mắt. Anh không thể thấy được Thủ tướng dáng vóc thế nào. Anh chỉ có thể nghe lời động viên ân cần của Thủ tướng. "Lúc đó, Sơn đã khóc. Sơn hoàn toàn tỉnh táo" - anh Quang kể lại. |
Để được đi gặp Thủ tướng, hai anh em phải đi quãng đường dài 30km. Em tôi đã rất vui. Những người công nhân kém may mắn như Sơn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp Công đoàn quan tâm, gia đình tôi rất cảm kích. Anh Phạm Văn Quang |
Theo ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, anh Phạm Văn Sơn là trường hợp công nhân bị tai nạn, có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn cơ sở, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang kiến nghị LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đưa vào danh sách công nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng quà nhân dịp "Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động". Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022, anh Sơn cũng là một trong những trường hợp được tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp ưu tiên quan tâm, chăm lo. Được biết, Công đoàn cơ sở đã phối hợp với chuyên môn thăm hỏi, động viên người lao động, trao những phần quà ý nghĩa để người lao động vượt qua khó khăn. Công ty cũng đang hỗ trợ người lao động làm hồ sơ xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định. THU CHINH Đồ họa: AN NHIÊN |
Công nhân được Thủ tướng đến thăm: "Cả tháng nay tôi chỉ ăn 1 bữa cơm/ngày..."
Nhận quà từ tay Thủ tướng Chính phủ, công nhân Sùng Mí Ná chưa hết ngỡ ngàng. Món quà với anh quá lớn. Anh đã ... |
Công nhân khổ sở vì tín dụng đen
Bộ Công an thông tin, đã xử lý hơn 2.700 vụ tín dụng đen, khởi tố gần 2.000 vụ với 4.000 bị can, trong đó ... |
Công nhân lao động các tỉnh Tây Nguyên náo nức trong “Ngày hội đối thoại” toàn quốc
Cùng với hơn 4.500 công nhân lao động (CNLĐ) tại hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang và hàng vạn CNLĐ cả nước ... |