|
|
Trong phần đời còn lại của “ngày trở về”, họ gửi gắm sức khỏe, thân thể cho những y, bác sĩ, nhân viên y tế tại trung tâm. Những bóng dáng áo blouse trắng cũng vì thế mà dần trở nên quen thuộc, gắn bó, trở thành người thân, người bạn. Qua cơn kích động, ổn định tâm lý, họ lại quay về làm “người em”, hòa nhập với các nhân viên y tế ở thế giới hoàn toàn riêng biệt này. Nói “làm em” là bởi có ai hỏi họ cũng chỉ nhận mới 18, 20 tuổi, dù đã quá thất tuần. Chọn theo học điều dưỡng đa khoa nhưng chị Đỗ Thị Thúy chưa từng nghĩ sẽ gắn bó với những bệnh nhân tâm thần. Năm 1997, chị nhận công tác về Trung tâm, mang theo sự háo hức và nhiệt huyết được cống hiến. Thế nhưng, những ngày đầu về đây, cô gái mới ngoài đôi mươi cảm thấy sợ hãi, muốn “bỏ của chạy lấy người”. Bắt gặp những ánh mắt vô hồn, những đôi bàn tay không lành lặn, run rẩy bám lấy hàng rào sắt, thỉnh thoảng có tiếng la hét thất thanh, nữ điều dưỡng trẻ chỉ biết đứng nhìn, lặng người. Chị kể: “Thời đó, tình trạng các bác nặng hơn bây giờ nhiều. Sau lần bị đuổi đánh đó, tôi sợ nhưng cũng hiểu ra giá trị của công việc mình đang theo đuổi. Một công việc phải làm bằng trách nhiệm và cả sự biết ơn”.
Gần 30 năm gắn bó với những bệnh nhân tâm thần, chị Thúy giờ đã là điều dưỡng trưởng của Khoa điều trị I-A, bản lĩnh của chị cũng “rạn” hơn trước nhiều. Khác với các cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện thông thường, những y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở đây không chỉ là thầy thuốc, mà còn là bạn, là người thân, chăm sóc bệnh nhân trong mọi sinh hoạt đời thường. Từ việc đánh răng, rửa mặt, tắm giặt, thay quần áo, đến việc ăn uống, ngủ nghỉ của các thương bệnh binh đều do các nhân viên y tế thay nhau phụ trách. Phải học cách đánh răng làm sao để không làm bệnh nhân đau, tránh kích động thần kinh. Với những bệnh nhân không nhớ cách súc miệng, phải kiên trì hướng dẫn, làm mẫu; mọi việc không thể làm trong ngày một, ngày hai. Người làm công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần đều phải nhân đôi trách nhiệm, giám sát chặt chẽ 24/24 và đặc biệt, là sự thấu hiểu, gần gũi, dùng tâm lý liệu pháp để cảm hóa, tạo thành thói quen tốt cho các bệnh nhân. Sở dĩ nói phải theo sát vì nguy hiểm luôn rình rập các bệnh nhân và nhân viên y tế.
“Trước khi đi ngủ, chúng tôi sẽ lật từng cái chiếu, cái đệm để kiểm tra xem có vật thể lạ mà các bác “giấu” đi hay không. Không chỉ vật sắc nhọn đâu, mà chỉ đơn giản là quả sấu, miếng cam,... cũng có thể trở thành “vũ khí” khiến các bác bị nghẹn, đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, đồ ăn người nhà mang đến cũng phải được kiểm tra kỹ, đôi khi đó có thể là đồ mà các bác phải kiêng, hoặc bị dị ứng, cần người nhà thông cảm điều này”, điều dưỡng Thúy chia sẻ. Cũng theo lời chị Thúy, việc nắm rõ các thói quen, sở thích, đặc điểm tích cách của từng bệnh nhân cũng đặc biệt quan trọng. Có khi phải gỡ xương cá cho bệnh nhân, gỡ trước mặt họ sẽ bỏ bữa vì nghĩ “có người hạ độc”; có người thức ăn phải cắt nhỏ; có người ngủ sớm và hay tỉnh vào ban đêm; có người hay đạp chăn khi ngủ; có người ghét người khác động vào đồ của mình, nhưng cũng có người thì cái bánh, quả chuối cũng chia nửa cho “đồng đội”... Hiểu và nhớ những cá tính đó, nhân viên y tế sẽ có sự chăm sóc, sắp xếp phòng cho bệnh nhân phù hợp, tránh việc bệnh nhân tấn công lẫn nhau, hay thậm chí là tấn công bác sĩ.
“Không kiên trì, không đồng cảm, không thấu hiểu, thì chắc chắn sẽ không gắn bó với các bác được lâu đâu. Hãy nghĩ đơn giản thế này, các bác giờ đây chỉ có thể mãi đắm chìm trong thế giới riêng này, không biết “đòi hỏi”, không biết “hưởng thụ”, đôi khi gánh chịu cả những nỗi đau thể xác. Vậy những vất vả này có sá gì so với những máu xương mà các bác đã hy sinh?”, điều dưỡng Đỗ Thị Thúy nghẹn ngào. Phía sau dãy nhà hành chính và khu khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, các khoa điều trị nội trú hiện ra với hàng cửa sổ được rào kín. Trên hành lang, vài bóng người lững thững đi lại, vài người chọn thu mình đơn độc một góc. Tiến sâu vào trong, âm thanh của tiếng bóng chạm đất, tiếng vỗ tay reo hò rõ hơn, xóa tan bầu không khí tĩnh lặng. Khoảng sân sau trở thành sân vận động tự chế của bệnh viện, là nơi để các bệnh nhân phục hồi chức năng bằng các môn thể thao như: bóng rổ, bóng đá, pickleball,... Vận động viên vừa có người mang bộ đồ kẻ sọc xanh, vừa có cả những người khoác áo blouse trắng. Họ cùng vui đùa, cười nói như chẳng có rào cản bệnh tật, mà chỉ có sự gắn bó như người thân, người bạn. Tạm rời vị trí trọng tài, anh Trần Phương - Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị lạm dụng chất và Các loạn thần thực thể, dành vài phút tranh thủ để kể về nghề mà anh đã gắn bó gần 30 năm nay. Những bệnh nhân của anh có đủ ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, quê quán và cả những bệnh nhân “vô danh”. Đó là những người trong trạng thái không tỉnh táo, được phát hiện lang thang ở đường phố, các khu chợ, không có giấy tờ tùy thân hoặc thông tin cá nhân rõ ràng để xác định danh tính. Chừng đó năm công tác là chừng đó năm anh Phương được biết và lắng nghe về những số phận đặc biệt. Ở đó, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện đời. Một gia đình có cả bố và mẹ đều làm cán bộ, đúng chuẩn “gia giáo kiểu mẫu”, thế nhưng, cậu con trai cao ráo, khôi ngô bỗng chốc bị lôi kéo, dụ dỗ và trở thành một con nghiện. Quá xót xa, bố mẹ chàng thanh niên thậm chí không tin vào kết luận của bác sĩ mà chỉ nghĩ con mình bị rối loạn tâm lý thông thường.
“Khi ấy phải dùng đến cả các xét nghiệm chuyên sâu, gia đình mới tin. Nhưng vì quá xót con mà cũng dẫn đến suy nhược tâm lý. Vậy là chúng tôi phải làm biện pháp điều trị cho cả nhà. Mỗi khi nhắc đến bệnh nhân tâm thần hay còn gọi là “người điên”, người ta thường nghĩ đến những số phận không may mắn khi mắc phải căn bệnh ngây ngây, dại dại… và có chút e dè. Nhưng với chúng tôi, làm việc phần vì trách nhiệm, nhưng hiểu về câu chuyện của họ rồi lại thấy thương nhiều hơn”, anh Phương cho biết. Nhớ lại thời điểm cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa có bình nóng lạnh, mùa Đông đến, các nhân viên y tế thường thay nhau đun nước bằng bếp than, gánh về phòng tắm để phục vụ các bệnh nhân tâm thần. Có những người ở nhà chẳng chịu để ai tắm gội, ấy vậy mà ở đây, lại từng ngày "lột xác". Đó là thành quả của những nỗ lực, sự yêu thương chân thành và liệu pháp điều trị phù hợp của các bác sĩ, nhân viên y tế với mỗi bệnh nhân của họ. |
|
Thuộc danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần cũng đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Khó khăn lớn nhất đến từ việc người bệnh không hợp tác trong quá trình điều trị và khả năng phát bệnh bất cứ lúc nào. Trực tiếp làm công tác thăm khám, điều trị cho thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng gần 10 năm nay, y sĩ Nguyễn Văn Huân từng không ít lần tạo áp lực cho chính mình khi không thể can thiệp chữa trị vì bệnh nhân “không chịu kể bệnh”. Khác với những bệnh nhân thông thường, bệnh nhân tâm thần không biết kêu đau, hoặc đau cũng giấu vì sợ uống thuốc, sợ đi viện, hoặc sợ nơi đông người. “Với những trường hợp đó, chúng tôi phải chủ động hỏi, khám tổng thể và quan sát những biểu hiện lạ của bệnh nhân để phán đoán tình hình sức khỏe. Chẳng hạn, qua dáng đi, nếu lệch về một bên, có thể các bác đang gặp vấn đề về xương khớp; hoặc khi đau bụng, có bác không ôm bụng, mà chỉ nằm co người, mình cũng phải để ý những chi tiết nhỏ như thế để kịp thời can thiệp”, y sĩ Huân cho biết. Trở về phòng sau khi "đi tour" một lượt các phòng bệnh, y sĩ Huân vẫn chưa thể chợp mắt. Thông thường, trong các kíp trực, y sĩ vẫn luôn “trực chiến” như vậy. Kiểm tra khu vực nằm của từng bệnh nhân, đắp lại chiếc chăn mỏng, cài lại góc màn bị bung, hay đơn giản là tắt chiếc đài phát thanh bị bỏ quên trên đầu giường, nhưng mọi hành động đều phải thật nhẹ nhàng, tránh làm các bệnh nhân thức giấc.
Gần 10 năm với số lần trực chẳng thể đếm, nhưng lần “cướp” bệnh nhân trở về từ tay tử thần vẫn luôn là ký ức khó quên trong cả sự nghiệp của y sĩ Nguyễn Văn Huân. Khoảng 2 giờ sáng, phía khu B có tiếng hô hào thất thanh, toàn bộ kíp trực đổ dồn về khu phòng bệnh. Một bệnh nhân đang trong tình trạng tím tái, mất tri giác, giãn cơ, đại tiện ra quần, dù đã được nỗ lực cấp cứu 15 phút. Hy vọng dường như không còn. Nhận diện tình hình, y sĩ Huân nhanh chóng vạch miệng, móc được từ họng bệnh nhân 4 quả sấu gây nghẹn ở cổ, kết hợp với ép tim và hồi sức cấp cứu, cơn nguy kịch đã qua. “Không nghĩ được nhiều đâu, làm được gì có thể là thử thôi, miễn sao giành giật được mạng sống cho các bác. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của những người làm nghề y”, y sĩ Huân khẳng định. Cùng với đó, những lần đưa bệnh nhân đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên cũng là chuyến công tác đặc biệt khó khăn, khiến các nhân viên y tế căng thẳng. Đa phần chỉ có một điều dưỡng đi kèm một bệnh nhân, mọi sinh hoạt đều trở nên vất vả và thiệt thòi hơn cả. Là người trực tiếp điều phối, phân công công việc của điều dưỡng tại khoa, chị Đỗ Thị Thúy gần như nắm chắc mọi công việc. Chị chia sẻ: “Mọi việc chăm sóc từ A đến Z đều do nhân viên y tế đi kèm phụ trách một mình, thay vì có thể san sẻ với đồng nghiệp như khi ở trung tâm. Cho các bác ăn, tắm, thay quần áo, đưa đi khám, thực hiện chỉ định của bác sĩ, đến khi mình đi ăn cũng phải đưa các bác theo vì không thể “gửi” ai trông hộ được. Tắm cũng phải tranh thủ lúc các bác ngủ. Ăn vội, tắm vội, ngủ cũng chẳng ngon giấc, vì bệnh nhân của mình đặc biệt, nên đây là nhiệm vụ mà tôi cho là vất vả nhất với các nhân viên y tế”.
Tất nhiên, việc bệnh nhân bất ngờ phát bệnh, nhổ nước bọt, đánh nhân viên y tế là những chuyện không hiếm ở các cơ sở điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Với tâm lý không nhận mình có bệnh, không uống thuốc, giấu thuốc ở hai bên má, dưới lưỡi, là một trong những cách “né thuốc” của các bệnh nhân. Vì thế khi được yêu cầu kiểm tra, nhiều người đã không kiểm soát được hành vi, nóng giận và đánh người đối diện một cách bất ngờ. Hay như tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, từng có nữ điều dưỡng trẻ vừa một tuần đặt chân vào nghề đã phải đối diện với cú sốc tinh thần khi chứng kiến một bệnh nhân tự sát. Nỗi ám ảnh quá lớn khiến cô rơi vào trạng thái suy sụp, không ăn không ngủ. Tuy nhiên, nhờ sự động viên kịp thời của gia đình và hỗ trợ của đồng nghiệp, cô đã dần lấy lại cân bằng và tiếp tục gắn bó với công việc ý nghĩa này.
|
|
Khó khăn, vất vả, môi trường làm việc căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng những y bác sĩ, nhân viên y tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần vẫn chọn ở lại với nghề. Một trong những động lực giữ “lửa nghề” cho họ chính là tình cảm của những người bệnh, dù đôi lúc, đó chỉ là những cảm xúc được thể hiện trong vô thức. - Thúy à, cho này, hôm qua người nhà xuống thăm. Vừa nói, thương binh Bùi Ngọc Chung vừa lấy trong túi áo ra một quả táo đặt trước bàn làm việc của điều dưỡng Đỗ Thị Thúy, trên môi khẽ nở nụ cười. Người nhà anh đến thăm vào cuối tuần, đúng ngày chị Thúy không đi làm, nên anh đã “giấu phần” cho người “bạn thân” của mình. Mỗi ngày, chị Thúy vẫn thường dành ra khoảng 15 ngồi “giao lưu” cùng các thương bệnh binh; khi thì trò chuyện, khi thì nghe hát, khi thì nhờ các bác kể lại những câu chuyện thời chiến tranh, trong những lúc tỉnh táo hiếm hoi của họ. Những câu chuyện đó có thể không còn chính xác, hoặc đứt đoạn, nhưng vẫn là sợi dây gắn kết các bệnh nhân với nhân viên y tế ở đây như thế. - Chị Thúy mở cho em cái vô tuyến. - Bà Thúy ơi, bà cần tôi giúp gì không? - Đưa đây, đưa đây xách cho. Đó là những lời đề nghị "đáng yêu" mà điều dưỡng Đỗ Thị Thúy nhận được mỗi ngày. Gặp ai cũng xưng “em” là vì thế. Ở đó thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của bệnh nhân dành cho chị, nên ngay cả những việc nhỏ nhất cũng muốn nhờ “chị Thúy”. Hay như lúc thấy chị đang khiêng đồ gì đó nặng, lời đề nghị giúp đỡ ấy cũng khiến chị vơi đi phần nào những mệt mỏi.
Khi được hỏi về những điều nuối tiếc trong quá trình làm việc, điều dưỡng Đỗ Thị Thúy vẫn luôn băn khoăn vì “nhiều khi thương các bác nhưng chẳng thể làm được gì”. “Ví như với những bác bị tiểu đường, muốn đổi sang gạo lứt để tốt cho sức khỏe, nhưng không hợp khẩu vị nên các bác lại không ăn. Hay kể cả những món khác đắt tiền, rất tốt cho sức khỏe người già, nhưng vì chẳng phải hương vị quen thuộc, nên các bác thường từ chối tiếp nhận”, điều dưỡng Đỗ Thị Thúy tâm sự. Mỗi năm, đến dịp Tết, có nhiều thương bệnh binh được người nhà lên đón về quê ăn Tết. Có người “bịn rịn” chẳng chịu về vì “thích ở đây hơn”; có người vừa về được hai hôm đã “đòi” quay lại trung tâm; có người quay lại sau Tết nhưng không quên “lì xì” cho những nhân viên y tế cơ số quà, nào là bánh chưng, thịt gà, hoa quả,... Ở chiều ngược lại, những người khoác áo blouse trắng cũng đã hóa người thân của những bệnh nhân “khi tỉnh, khi mê” ấy. Chẳng vậy mà điều dưỡng Đỗ Thị Thúy vẫn luôn khẳng định: “Tôi tin rằng một phần nào đó nơi trái tim, họ vẫn cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi của những nhân viên y tế nơi đây dành cho mình. Chỉ cần mình quan tâm họ, họ sẽ tự khắc yêu quý và tin tưởng mình. Sau cơn phẫn nộ, họ sẽ lại trở thành những người rất đỗi nhân từ”. Còn với điều dưỡng Trần Phương, những cái Tết xa nhà, những lần đón Giao thừa ở bệnh viện cũng dần trở thành thói quen “khó thiếu”. Anh nhìn thấy niềm vui, sự hân hoan, mong ngóng trong mắt người bệnh. Anh coi họ như gia đình thứ hai của mình, thấy thật ấm lòng khi được chia sẻ khoảnh khắc năm mới với những người bệnh đặc biệt này. Ở nơi cách biệt với thế giới của người thường vẫn có những hoạt động rất đỗi “đời thường”.
Bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh vẫn cùng nhau gói bánh chưng, thi các trò chơi dân gian, cùng hát, cùng reo hò trong khoảnh khắc bước sang năm mới. Trong số họ có những người sẽ trở về nhà sau cái Tết đó, có người sẽ tiếp tục điều trị tại bệnh viện, nhưng ngay tại khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, họ đã hòa chung không khí như người một nhà. Anh cũng chẳng thể quên cái ngày một bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện, quay về đây với mong muốn tìm gặp và cảm ơn cô điều dưỡng đã chăm sóc mình những ngày cơ cực. “Chẳng nhớ tên, chỉ nhớ độ dài mái tóc và cổ tay có đeo chiếc lắc bạc vì thường xuyên chăm sóc mình, nhưng bệnh nhân này vẫn nuôi hy vọng tìm lại “ân nhân” của đời mình. Và tất nhiên, với một lời đề nghị hết sức ý nghĩa như vậy, chúng tôi không thể không giúp. Khoảnh khắc nhìn họ nắm chặt tay, cảm xúc nghẹn ngào không nói thành lời, chúng tôi tin, mình đã chọn đúng con đường để cống hiến”, điều dưỡng Trần Phương chia sẻ. Hai chữ “cảm ơn” ngắn ngủi nhưng lại trở thành nguồn động lực to lớn với những người đang ngày ngày làm cái nghề căng thẳng và đòi hỏi tinh thần “thép” ấy. Có lẽ cũng vì vậy mà những người như chị Thúy, anh Huân, anh Phương, hay hàng nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tâm thần khác vẫn muốn tiếp tục gắn bó và cống hiến với công việc này. Có thể với họ đây không phải lựa chọn đầu tiên, nhưng lại lựa chọn phù hợp và ý nghĩa nhất trong những năm tháng làm nghề. Trong gần 30 năm công tác, điều dưỡng Đỗ Thị Thúy cũng không ít lần chứng kiến những thương bệnh binh vì tuổi cao, vì bệnh lý nghiêm trọng mà ra đi. Những lần như vậy, khi đi “tuần” qua các phòng bệnh, nhìn chiếc giường chỉ còn lại bộ chăn gối, vắng tiếng hát, tiếng gọi, trong lòng các nhân viên y tế lại như hẫng hụt. “Nói là khó khăn, nhưng chúng tôi cũng hiểu công việc mình đang làm là rất đỗi tự hào. Những lúc suy sụp tinh thần, lại động viên nhau, rằng công việc của mình như một sự biết ơn với thế hệ cha anh đi trước, nên hãy cứ làm bằng cả trái tim, cứ thế cố gắng thôi”, điều dưỡng Đỗ Thị Thúy tâm sự. Phía sau cánh cổng sắt, rời xa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, có những cuộc đời khác đang ngày ngày chống chọi với nỗi đau về thể xác và tinh thần. Và cũng có những cuộc đời khoác trên mình áo blouse trắng, sống song song giữa hai thế giới của “người thường” và “người điên”. Nhìn về tương lai, chẳng biết sẽ có điều gì chờ đợi phía trước, chỉ biết nếu được chọn lại, họ vẫn sẽ chọn con đường này, con đường giành giật sự sống, giành giật niềm tin cho hàng trăm cuộc đời hẩm hiu khác…. |
|