Nghĩa tình Công đoàn |
Nghĩa tình Công đoàn là tên gọi chúng tôi nói về những việc làm mà Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Laihỗ trợ, chăm lo đoàn viên, công nhân lao động trong cơn đại dịch Covid-19 vừa qua. Khi mà Covid gần như là bệnh đặc hữu, không còn là nỗi ám ảnh, lo sợ của người dân thì nghĩa tình này càng được giữ gìn và trân quý. |
Đồng chí Lã Thị Loan, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Lương Thạnh và các giáo viên đang thu hoạch chuối tại vườn nhà cô Quế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Vào tháng 7/2021, cô giáo Phạm Thị Quế, giáo viên Trường Tiểu học Lương Thạnh (TP. Pleiku, Gia Lai) khi vừa hay tin LĐLĐ tỉnh và Công đoàn nhà trường vận động đoàn viên ủng hộ nông sản cho các tỉnh phía Nam đang thiếu thực phẩm vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cô Quế có vườn chuối (khoảng hơn 2 ha) bắt đầu cho thu hoạch đã quyết định tặng cho Công đoàn. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là những lúc tỉnh nhà bị thiên tai, lũ lụt, chính người dân, đồng bào các tỉnh phía Nam là những người đầu tiên hỗ trợ, giúp đỡ người dân Gia Lai. Đến khi họ gặp hoạn nạn thì mình giúp lại họ, đó là nghĩa tình trong lúc khó khăn", cô Quế trải lòng. Những buồng chuối của cô giáo Phạm Thị Quế được tập kết về LĐLĐ tỉnh Gia Lai để gửi vào cho người dân các tỉnh phía Nam. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Gia Lai. Do khu vườn này cách xa TP. Pleiku (hơn 60 cây số) nên cần phải có lực lượng và phương tiện để thu hoạch và đưa về thành phố. Đồng chí Lã Thị Loan, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Lương Thạnh đã huy động toàn thể đoàn viên trong trường cùng ô tô của người thân, bạn bè chạy xuống vườn của cô Quế để thu hoạch chuối. Chỉ trong chưa đầy một ngày, hàng tấn chuối và hoa chuối đã được thu hoạch và chở về trụ sở LĐLĐ tỉnh Gia Lai để đóng gói đưa lên xe. Tất cả đoàn viên ai nấy đều mệt mỏi nhưng họ cảm thấy vui và hạnh phúc. Chia sẻ lại câu chuyện này, cô giáo Phạm Thị Quế nói: "Khi đó tôi thấy hoạt động của LĐLĐ khá hay, chưa biết tặng gì thì nhớ ra nhà có vườn chuối đang vào vụ thu hoạch nên tôi trao đổi với Công đoàn và bắt tay thực hiện ngay trong ngày. Tôi không nhớ cụ thể số lượng bao nhiêu nhưng lúc đó nếu vườn còn chuối tôi cũng tặng hết vì tôi thấy hoạt động này thiết thực và nhân văn. LĐLĐ tỉnh Gia Lai cũng rất chu đáo trong khâu tổ chức và tiếp nhận". |
Mô hình “Bếp ăn nghĩa tình” đã cung cấp hàng nghìn phần ăn sáng mang đến 22 khu cách ly trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Gia Lai. |
Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam,... LĐLĐ tỉnh Gia Lai đã kêu gọi, vận động đoàn viên, người lao động ủng hộ hơn 6,5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hơn 4 tỷ đồng "Ủng hộ khẩn cấp công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” và Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19. Khi công nhân lao động ở các tỉnh phía Nam đang "oằn mình" chống chọi với dịch bệnh Covid-19, chỉ trong 2 ngày, Công đoàn Gia Lai đã huy động 27 tấn rau, củ, quả, trứng, gạo, mì tôm, thịt,… và nhiều nhu yếu phẩm khác để kịp thời gửi tặng đồng bào các tỉnh phía Nam đang thiếu lương thực, thực phẩm. Để làm được việc này Công đoàn Gia Lai đã vận động hàng chục ngày công của cán bộ, đoàn viên, thậm chí cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai cùng xắn tay áo, khuân vác, bưng bê, phân loại và tập kết hàng chục tấn hàng lên xe để nông sản tươi ngon kịp thời đến tay người dân TP. HCM, Bình Dương,... Đồng chí Trần Lệ Nhung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai đang ngồi kiểm kê lại số hàng hóa trước khi đưa lên xe tải. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Gia Lai Theo đồng chí Trương Thị Mỹ Lệ, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Gia Lai, do thời gian gấp rút, nông sản, thực phẩm phải gửi đi trong ngày, lực lượng khuân vác lại thiếu nên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai chỉ đạo tất cả cán bộ công đoàn ở cơ quan phải khẩn trương bắt tay vào làm. Nếu thiếu người thì huy động thêm người từ các công đoàn cơ sở, bạn bè, người thân vào phụ giúp. Đồng chí Trần Lệ Nhung cũng trực tiếp xuống sân, cẩn thận gói ghém từng bó rau, trái chuối để khi di chuyển hàng hóa không bị hư hỏng, bầm dập, đảm bảo thực phẩm đến tay người dân các tỉnh phía Nam phải còn tươi xanh. Bên ngoài những kiện hàng đều được dán mảnh giấy với dòng chữ “TP. HCM (hoặc Bình Dương) cố lên! Cả nước cùng đồng hành đẩy lùi Covid-19”. Dòng chữ tuy ngắn nhưng chứa đựng cả nghĩa tình của đoàn viên và người dân Tây Nguyên. "Chỉ sau vài giờ huy động, hàng chục cán bộ công đoàn đã có mặt, ai cũng hối hả, người khiêng, người vác, người sắp xếp hàng lên xe,... không khí thật náo nhiệt. Sau hơn 3 giờ làm việc, ai nấy cũng thấm mệt, quần áo lấm lem, lưng ướt đẫm mồ hôi nhưng đều nở nụ cười thật tươi. Nhìn chuyến xe đầy ắp hàng hóa vừa lăn bánh rời khỏi cơ quan LĐLĐ tỉnh Gia Lai ai nấy đều vui mừng vì vừa thực hiện xong một công việc ý nghĩa, thiết thực để giúp đỡ đồng bào miền Nam ruột thịt", đồng chí Mỹ Lệ chia sẻ. |
Khi những cuộc "hồi hương bão táp" diễn ra, công nhân lao động các tỉnh phía Nam chạy xe máy thành từng đoàn dài trên quốc lộ 14B để về quê giữa cơn mưa tầm tã, những cán bộ công đoàn, đoàn viên của LĐLĐ tỉnh Gia Lai lại đứng dọc hai bên đường để phát nước uống, thức ăn nóng để họ không bị đói khi vượt quãng đường dài hàng trăm cây số trong đêm lạnh của núi rừng Trường Sơn. Khi thấy được sự cơ cực của dòng người hồi hương, Công đoàn Gia Lai đã chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai rà soát danh sách gần 16.000 công dân tỉnh Gia Lai (trong đó có hơn 9.000 công nhân) tạm trú tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... và đề nghị UBND tỉnh Gia Lai tổ chức xe đón họ về. Người dân, công nhân về đến địa phương, những đoàn viên công đoàn ở Gia Lai lại góp công, góp sức để những “Bếp ăn nghĩa tình” luôn đỏ lửa và cung cấp hàng nghìn phần ăn sáng mang đến 22 khu cách ly trên địa bàn. Việc làm này đã góp phần cùng lực lượng tuyến đầu chăm lo để Nhân dân, công nhân lao động an tâm thực hiện cách ly y tế tập trung. Đồng thời Công đoàn Gia Lai cũng dành kinh phí hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ người lao động hồi hương. |
LĐLĐ tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong cơn đại dịch Covid-19. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Gia Lai. |
Đặc biệt trong các đợt dịch bệnh trong năm 2021, tình trạng khan hiếm máu diễn ra thường xuyên, các cấp Công đoàn ở Gia Lai đã vận động đoàn viên, người lao động tham gia hiến máu cứu người. Đã có hơn 7.000 người tham gia với hơn 6.000 đơn vị máu đã được đưa đến các bệnh viện để kịp thời cứu chữa bệnh nhân. Hàng nghìn đoàn viên, người lao động cũng đã tự nguyện xung phong tham gia cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch, thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát và tham gia công tác hậu cần nấu ăn tại các khu cách ly tập trung. |
Ảnh: Nam Trân |
Đồng chí Rơ Lan Nga, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai cho biết, những ngày tháng chống dịch là những thời khắc không bao giờ quên trong tâm trí của những đoàn viên, CNVCLĐ ở Gia Lai. Với tinh thần đoàn kết, "chống dịch như chống giặc", “Mỗi công đoàn cơ sở là một pháo đài, là mái nhà bình yên”, “Mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động là một chiến sĩ”, đã góp công, góp của vào công tác phòng, chống dịch chung của tỉnh Gia Lai. Cùng với các mô hình “Tổ an toàn Covid-19”, “Nghĩa tình Công đoàn”, “Công đoàn chung tay cùng tuyến đầu chống dịch”, “Bếp ăn nghĩa tình”,... ra đời trong mùa dịch, Công đoàn Gia Lai đã góp phần chung tay cùng lực lượng tuyến đầu chăm lo tốt cho đoàn viên, công nhân lao động và người dân trên địa bàn và "không để ai bị bỏ lại phía sau". |
"Minh chứng rõ nhất cho việc này là việc vận động nông sản ủng hộ các tỉnh Bình Dương, TP. HCM. Chỉ sau hai ngày vận động, chúng tôi đã nhận được 27 tấn rau, củ, quả, và lương thực của đoàn viên. Đó là một con số quá lớn và khó tin. Thậm chí có những người đồng bào ở vùng núi, vùng biên giới cũng đã quyên góp măng rừng, củ sắn, mớ rau,... và những đặc sản tốt nhất để gửi đồng bào miền Nam. Thậm chí có người còn làm thịt con heo đang nuôi trong nhà, chia thành từng phần nhỏ, gói cẩn thận để gửi tặng người dân TP. HCM. Hay như một đoàn viên ở Trường Tiểu học Lương Thạnh, sau khi tiếp nhận thông tin kêu gọi từ LĐLĐ tỉnh đã tặng cả vườn chuối để cùng góp chút thực phẩm tươi xanh gửi vào Nam", đồng chí Nga kể. Khi tiếp nhận nông sản từ người dân, chính cán bộ công đoàn là người đi đến từng nhà để khuân vác từng buồng chuối, bao gạo, mớ rau,... và tập kết về Trụ sở LĐLĐ huyện, thị trấn. Từ đây, xe ô tô nhỏ chở nông sản về LĐLĐ tỉnh. Ở cơ quan LĐLĐ tỉnh đã tập trung hàng chục cán bộ công đoàn để phân loại, bảo quản thực phẩm, nông sản. Sau đó được đưa lên xe tải, chở vào miền Nam. Chính vì sự tỉ mỉ, tận tâm này mà thực phẩm khi đến các tỉnh phía Nam không bị hư hỏng. Theo đồng chí Nga, nông sản, thực phẩm từ LĐLĐ tỉnh Gia Lai đã được Trung tâm Công tác xã hội, Công đoàn TP. HCM, Công đoàn Bình Dương tiếp nhận, phân phối đến tay công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và người dân ở các quận, huyện. Để làm được nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong lúc dịch bệnh đang hoành hành, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai, trước tiên là sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo LĐLĐ tỉnh khi triển khai các hoạt động. "Có những hoạt động của chúng tôi từ ý tưởng đến thực hiện chỉ tính bằng giờ. Như sự việc người lao động hồi hương đi qua địa bàn Gia Lai. Buổi sáng khi vừa nhìn thấy đoàn xe của người lao động hồi hương, chở theo vợ con, không được dừng lại dọc đường để ăn uống thì ngay trong buổi chiều đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã họp và triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động. Đến sáng hôm sau, chúng tôi đã vận động đoàn viên và CNVCLĐ mang thức ăn, nước uống và xăng để tặng người lao động", đồng chí Nga kể. Cũng theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai, bên cạnh việc dám quyết, dám làm của lãnh đạo thì tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân, đoàn viên trong toàn tỉnh cũng được Công đoàn phát huy để tạo nên những hoạt động nghĩa tình, thiết thực và hướng đến công nhân lao động. |
NAM TRÂN |