Là một nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), song người lao động (NLĐ) ở các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tại tỉnh Quảng Trị vẫn làm việc với nguy cơ “3 không”: Không được tập huấn, hướng dẫn về ATVSLĐ; không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ); không được khám sức khỏe định kỳ.
Xưởng mộc của gia đình ông Lê Quang Lư, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh là một trong những hộ sản xuất gỗ trong làng,
3 lao động làm thường xuyên, 2 lao động làm thời vụ tại đây đều không sử dụng bảo hộ lao động (BHLĐ) khi làm việc. Trong xưởng không có các dụng cụ y tế cấp cứu tạm thời; không có bình phòng cháy, chữa cháy (PCCC)...
Ông Lê Quang Lư cho biết: “Mỗi CNLĐ đều được chúng tôi trang bị găng tay, khẩu trang để bảo vệ sức khỏe, hạn chế các rủi ro tai nạn lao động (TNLĐ). Tuy nhiên, do việc sử dụng các đồ bảo hộ rất khó làm, nên CNLĐ ít sử dụng”.
Hiện hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ ở Quảng Trị hoạt động theo hình thức bán thủ công, 60% khối lượng công việc đã có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự mất an toàn khi sử dụng máy móc, thiết bị điện, bụi bặm, tiếng ồn... Thợ mộc còn kiêm luôn việc khuân vác, di chuyển các khúc gỗ lớn, nếu không may có sự cố, có thể dẫn đến thương vong.
Xưởng mộc Nguyễn Tư ở phường 2, TP. Đông Hà, có 5 lao động làm việc thường xuyên. Để có những chiếc giường, tủ, bàn ghế xuất xưởng vừa ý khi đến tay khách hàng, xưởng đã đầu tư mua sắm, trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy ráp, bào cuốn, máy xẻ, máy vanh dọc... để phục vụ cho sản xuất.
Người lao động làm việc “3 không” tại xưởng mộc của gia đình ông Lê Quang Lư, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, NLĐ ở đây cũng không sử dụng BHLĐ khi làm việc, xưởng không được trang bị các thiết bị PCCC, CNLĐ không được tập huấn, hướng dẫn về ATVSLĐ trước khi vào làm việc. Ông Nguyễn Tư cho hay: “Đã nhiều lần chúng tôi động viên CNLĐ ký kết HĐLĐ dài hạn, đóng BHXH để được hưởng các quyền lợi khi không may xảy ra TNLĐ nhưng họ không đồng ý, vì hầu hết NLĐ chỉ làm thời vụ, ngắn hạn”, ông Tư nói. |
NLĐ tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ ở Quảng Trị cho biết, hầu hết công nhân lao động trong các xưởng, từ chủ xưởng cho tới công nhân đều không được đào tạo bài bản về ATVSLĐ. Những kiến thức, kỹ năng về vận hành máy móc, làm nghề đều do họ tự mày mò, tìm hiểu, thông qua kinh nghiệm, truyền dạy theo kiểu truyền thống “cầm tay chỉ việc”, người đi trước chỉ người đi sau.
Với môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại cho NLĐ tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nhỏ lẻ.
“Vẫn biết là nghề mộc ẩn chứa nhiều nguy hiểm, chỉ một thao tác lỗi với máy cưa, máy làm mộc có thể gây hậu quả khôn lường. Để hạn chế TNLĐ xảy ra, tôi thường xuyên nhắc nhở NLĐ phải hết sức cẩn thận, kiểm tra máy móc trước khi vận hành, tránh xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng. Điều quan trọng, NLĐ phải tự ý thức để bảo vệ mình”, ông Lê Quang Lư, chủ xưởng mộc chia sẻ.
Anh Lê Văn Anh, sinh năm 1996, một lao động có thâm niên 4 năm trong nghề sản xuất, chế biến gỗ tại cơ sở gia đình ông Lê Quang Lư cho biết, công việc trong xưởng tương đối vất vả, thường xuyên phải tiếp xúc với bụi gỗ và tiếng ồn, không được trang bị bất cứ dụng cụ BHLĐ nào.
“Làm nghề này, xây xát chân, tay là khó tránh khỏi, thậm chí chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể mất tay như chơi. Ngay như bản thân tôi cũng đã từng dính vào lưỡi cưa, suýt chút nữa thì mất ngón tay”, anh Anh nói.
Ông Lê Văn Trắc, Trưởng Phòng Lao động, việc làm, an toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho hay, nguyên nhân mất ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ chủ yếu là do người sử dụng lao động và NLĐ chưa ý thức được hậu quả của TNLĐ. Nhiều chủ sử dụng lao động chưa xây dựng, niêm yết các nội quy, quy trình vận hành các loại máy hay cảnh báo mối nguy hiểm để NLĐ phòng tránh; xem nhẹ công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa phù hợp...Công nhân lao động tại Xưởng mộc Nguyễn Tư ở phường 2, TP. Đông Hà không được trang bị bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất.
“Để giảm thiểu TNLĐ ở các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nhỏ lẻ trên địa bàn, Sở đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng liên quan để tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ đến NLĐ và chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên việc quản lý an toàn lao động trên địa bàn đang còn gặp nhiều khó khăn”, ông Trắc cho biết thêm.
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN Đồ họa: AN NHIÊN |