Chiếc xe rác mới nhìn qua tưởng cũng không khó khăn lắm khi bắt nó di chuyển theo ý mình. Nhưng tôi đã nhầm! Nó chòng chành, chòng chành như chực đổ kềnh, 3 bánh xe tròn xoay tứ phía không tuân theo sự điều khiển của tôi, khiến tôi suýt ngã! Vậy mà, đã gần 10 năm nay, người phụ nữ ấy “làm bạn” với chiếc xe này, bất kể mưa hay nắng, thời tiết khắc nghiệt hay thuận hòa, chị vẫn lặng lẽ đẩy không biết bao nhiêu chuyến rác ngất ngưởng cao quá đầu vào bãi tập kết. Nhưng từng đó chưa là gì, ám ảnh nhất đối với tôi có lẽ là mùi khi đứng đằng sau xe rác. Từ “khủng khiếp”, “nôn nao”, “choáng váng” cũng chưa đủ để lột tả hết cảm giác của tôi lúc ấy. Một cái mùi xộc thẳng vào mũi rồi xoáy tận vào trong não, khiến cơ thể tôi co cứng lại để chống đỡ theo phản xạ tự nhiên. Nhưng nhìn sang chị Hường và những công nhân khác, họ vẫn bình thản… |
“Gần 10 năm làm nghề, tôi cũng từng vài lần bị đinh hay vật sắc nhọn đâm vào tay, chân gây xước xát, chảy máu. Hay có lần tôi bị chó thả rông cắn phải…”, chị Hường bộc bạch. Mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn những túi bóng đựng rác, làm gì có công nhân VSMT (vệ sinh môi trường) nào mở từng túi rác ra xem có vật sắc nhọn để mà đề phòng! Tai nạn có thể đến từ những nhánh hoa hồng nhiều gai, hay mảnh thủy tinh vỡ, hoặc kim tiêm quên đậy nắp... “Những năm 2000, đối tượng nghiện hút chủ yếu là tiêm chích. Nếu ai có dịp ra bờ sông Hồng thu gom độ khoảng 1 tiếng có thể được đầy bao tải kim tiêm vứt chỏng chơ trên đất”, chị Nguyễn Hồng Huệ - Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ. Chẳng nói đâu xa, chị Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Urenco chính là nạn nhân của những chiếc kim tiêm đáng sợ đó! Chị kể, hồi đó khoảng năm 2002, khi chị còn đang là Tổ trưởng tổ sản xuất, trong một lần thu gom rác gần khu Chợ Giời, chị đã bị kim tiêm không đậy nắp đâm thẳng vào tay, xuyên qua cả lớp bao tay dày, chảy rất nhiều máu. Thời đó, làm gì có thuốc chống phơi nhiễm, nên tôi cũng chỉ biết rửa tay bằng xà phòng! |
Hết “thời kì cửa sổ”, chị đến bệnh viện xét nghiệm mới cho kết quả đúng. Suốt 3 tháng trời chị mất ăn mất ngủ, sống trong sợ hãi, bởi ai biết được chị có thể bị nhiễm “căn bệnh thế kỉ” từ chiếc kim tiêm “tai ương”! Ngày lấy kết quả, sáng chị đến thật sớm nhưng bác sĩ lại hẹn 2 giờ chiều, thẫn thờ đạp xe về, chị miên man trong suy nghĩ nếu kết quả là dương tính HIV thì cuộc đời sẽ ra sao? Tội nhất là có một mầm sống đang lớn lên trong chị… Cuối cùng, thì nhờ trời thương, chị thở phào khi nhận kết quả âm tính. Đối với công nhân VSMT thì điều đáng sợ nhất là nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. Chị Hạnh kể, đã có không ít vụ tai nạn giao thông khiến công nhân môi trường bị thương vong. Vài năm trước, có anh công nhân đang gom rác thì bị tên say rượu cầm lái chiếc xe con tông trực diện khiến anh tử vong tại chỗ. Đầu năm nay, có chị công nhân Chi nhánh Cầu Diễn nhà ở Thạch Thất, trên đường đi làm về bị xe tải tông vào tử vong. Hay mới gần đây có anh công nhân tên Hào bị tai nạn trên đường đi làm dẫn đến chấn thương đốt sống cổ, có nguy cơ liệt vĩnh viễn… Đó là chưa kể những tai nạn kiểu “tai bay vạ gió” như trường hợp chị công nhân đang đi thu gom rác trong ngõ thì bị chậu hoa cây cảnh từ trên tầng 3 nhà dân rơi xuống do gió lớn. May mắn chỉ xượt qua đầu và gây thương tích ở vai. “Nhiều người quẳng ra đường một đống đồ gỗ như giường, tủ hỏng… khi tôi nhắc nhở thì bảo “tao đóng tiền rác, đây không là rác thì là gì?”. Tôi xác định, mình làm nghề phục vụ nên thôi cũng phải chấp nhận tất cả những chuyện như thế, dân cũng có người nọ người kia, mình không dọn thì ai dọn”. Anh Nguyễn Văn Luân – công nhân Tổ môi trường 6, Chi nhánh Ba Đình, kể với tôi. “Chuyện bị ném rác vào người hay công nhân thu gom rác đi qua rồi, người ta đổ rác đằng sau là chuyện “như cơm bữa”. Nhiều trường hợp, do nhắc nhở đổ rác đúng nơi quy định mà công nhân của chúng tôi còn bị chửi, mạt sát, thậm chí đuổi đánh… Xã hội vẫn còn cái nhìn định kiến, coi khinh nghề nghiệp này…”, chị Hạnh chua chát. |
Nhắc đến chị Nguyễn Thị Thanh Hường, công nhân Tổ 6, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), ai trong tổ cũng bày tỏ sự thương cảm. Chị và chồng đã ly hôn từ chục năm về trước, mỗi người nhận nuôi một đứa con, bé trai út ở với chị. Cuộc sống làm mẹ đơn thân vốn không dễ dàng gì, nhất là khi chị Hường lại làm công việc thu gom rác vốn giờ giấc không phù hợp để chăm sóc con nhỏ. Chị quyết định chuyển về sống cùng với cha mẹ già và em trai trong căn nhà nhỏ phố Kim Ngưu, để nương tựa lẫn nhau. Con trai chị Hường vốn khỏe mạnh, khôi ngô thì khoảng cuối năm 2020, trong giai đoạn học sinh Hà Nội học online khi dịch Covid-19 bùng phát, cháu bỗng nhiên kêu mệt mỏi, mắt sưng lên. Đưa con đi khám ở Bệnh viện Thanh Nhàn, sau đó chuyển qua Viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chị chết lặng khi nhận hung tin – con trai bị ung thư máu. “Nếu đúng tuổi thì cháu năm nay lên lớp 6, nhưng việc học bị gián đoạn do phải đi chữa bệnh nên nếu đi học lại cháu phải học lớp 4 thôi! Nhìn con thẫn thờ khi chứng kiến bạn bè ngày ngày tung tăng đến trường, còn cháu thì phải nghỉ học đã 2 năm nay để điều trị bệnh, tôi đau lòng lắm!”, giọng chị nghẹn lại, đôi mắt mọng nước. |
Đến nay, chị Hường đã gắn bó gần 10 năm trong nghề công nhân vệ sinh môi trường - Ảnh: Hồng Nhung |
Ung thư máu của cháu không giống như các bệnh ung thư ở người lớn, bác sĩ không nói chi tiết bệnh ở giai đoạn nào mà chỉ nói bệnh ở dạng thể nào thôi. Đến hiện tại, cháu đã truyền 5 đợt hóa chất, mỗi lần truyền cháu rất mệt mỏi, sốt, nằm bê bết một chỗ không dậy được… Bệnh này chi phí rất tốn kém, mỗi đợt điều trị tiêu tốn khoảng vài chục triệu đồng, bảo hiểm hỗ trợ không đáng bao nhiêu. Đồng lương công nhân môi trường chỉ đủ trang trải cuộc sống đời thường, làm gì có tích lũy, nên khi con ốm, chị Hường chỉ còn cách đi vay mượn tất cả các chỗ có thể vay mượn được để điều trị cho con. Cứ vậy, chị vay chỗ nọ đập chỗ kia. Chị cũng không biết còn có thể cầm cự được bao lâu nữa, nhưng trái tim người mẹ buộc chị “còn nước còn tát”, chị đã và sẽ làm mọi cách để chữa bệnh cho con. Cùng công tác tại Tổ môi trường 6 với chị Hường, anh Trần Văn Quảng cũng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Có thâm niên 17 năm trong nghề, anh Quảng bị bệnh xơ gan nhiều năm nay, sức khỏe yếu nhưng vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc. Chị Phạm Thị Hòa, vợ anh, hiện đang công tác tại Tổ môi trường số 4, chung Chi nhánh Ba Đình, vừa tròn 12 năm bôn ba với nghề. Cuộc sống khó khăn, phải thuê nhà trọ, đồng lương eo hẹp nên anh chị phải gửi con trai về Bắc Ninh nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Số phận như không ngừng trêu ngươi, khi vừa mới đây, chị Hòa phát hiện bị ung thư gan giai đoạn 2. Chi phí điều trị tốn kém, anh Quảng sức khỏe yếu nên cũng không thể làm thêm gì khác để tăng thu nhập, giờ lại phải xin nghỉ phép để đi chăm vợ ốm, khó khăn thêm chồng chất… |
Công nhân VSMT bắt đầu ca làm việc lúc 5h chiều và kết thúc đến khi rác hết, xe cẩu đến chở rác đi. Đa số kết thúc công việc lúc 1giờ đến 2 giờ sáng, như anh Luân nhà mãi Tả Thanh Oai, cách nơi làm việc 16km thì phải 3 giờ sáng anh mới về đến nhà, khi vợ con đã chìm trong giấc ngủ. Ngoài ra, do khách quan, bãi rác trên Nam Sơn hiện nay đang quá tải, trong khi nhà máy Thiên Ý chưa hoạt động hết công suất nên lượng rác mang lên đó nhiều hôm bị ùn lại, cũng kéo dài thời gian làm việc của công nhân. Ngày xưa, nếu trôi chảy thì chỉ 1 giờ sáng là công nhân hoàn thành ca đêm nhưng hiện nay 2,3,4 thậm chí 5,6 giờ sáng mới xong việc, bởi phải chờ xe cẩu chở hết rác họ mới được về. Ca tối bắt đầu lúc 5 giờ chiều, nhưng với những địa bàn nhiều ngõ xóm thì công nhân VSMT phải đi làm từ 3,4 giờ chiều gom rác từ trong các ngõ ra nơi tập kết. “Công nhân của chúng tôi không có khái niệm làm 8 tiếng một ngày mà phải làm 10 đến 12 tiếng. Đối với họ, không có khái niệm “hết giờ” mà phải “hết rác”! Tức là thu gom hết rác trong ca sản xuất, không có rác phát sinh mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ”, chị Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Urenco cho biết. Đối với công nhân VSMT, có lẽ, thời điểm sau ngày Ông Công Ông Táo (23 tháng Chạp) cho đến Giao Thừa là bận rộn nhất trong năm. Theo cách gọi vui, đây là lúc công ty bắt buộc phải “vay tour, vay phép” của công nhân. Thấy tôi còn bối rối trước khái niệm lạ lẫm này, chị Hạnh cười xòa nói: “Ngày nghỉ hằng tuần chúng tôi gọi là nghỉ tour, còn nghỉ phép năm gọi là nghỉ phép. 1 năm công nhân có 14 ngày phép, công ty yêu cầu anh chị em đăng kí nghỉ phép mỗi tháng một ngày nhưng vào dịp này quá nhiều rác (gấp 3, 4 lần ngày thường) nên bắt buộc phải vay tour vay phép, động viên công nhân ở lại. Và công ty cũng không giải quyết phép, giải quyết tour, trừ trường hợp bất khả kháng như “cha già mẹ héo”, hay ốm đau”. |
Chị Nguyễn Hồng Huệ - Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Ba Đình bổ sung thêm: “Đêm Giao Thừa ai ai cũng vội vã trở về quây quần bên gia đình, nhưng công nhân VSMT còn đang tất tả thu gom rác đảm bảo cho Thủ đô xanh – sạch – đẹp trước khoảnh khắc sang năm mới. Hầu hết là không kịp về đón Giao Thừa cùng với gia đình. Trước theo phong tục tập quán, người dân không đổ rác ngày mùng 1 Tết nên công nhân đa số được nghỉ nhưng giờ quan niệm đó cũng mai một, nên 50% công nhân đã phải đi làm, đến mùng 2 Tết thì 100% quân số đã có mặt đông đủ”. Bản thân chị Huệ đã có thâm niên 20 năm trong nghề, nhưng cũng từng đó năm chị không có Tết, bởi còn phụ trách bếp ăn cho công nhân trong mấy ngày Tết. Lúc này hàng quán không có, nên Công đoàn tổ chức nấu ăn cho công nhân đều đặn ngày 3 bữa để họ đảm bảo sức khỏe làm việc. Tranh thủ thời gian rảnh giữa ca, chị Huệ tất tả đi chợ mua sắm Tết cho gia đình. Những năm trước, tầm 11h30 đêm Giao Thừa, xong mâm cơm cúng trên công ty, chị mới vội vã về nhà. Vài năm nay, con gái lớn hơn, chị yên tâm giao mọi việc cho cháu để ở lại công ty cùng mọi người. “Công nhân của chúng tôi phải nói rất kiên cường, có những gia đình hai vợ chồng đều làm công nhân VSMT, suốt 30 năm không biết đến cúng Giao Thừa. Có lẽ, chỉ đến khi về hưu mới làm được việc đó”, chị Huệ chia sẻ thêm. Vất vả, cực nhọc là thế, nhưng khi nói đến thu nhập thì công nhân VSMT đều có chung tâm trạng buồn lặng lẽ. Anh Luân, công nhân Tổ môi trường 6, Chi nhánh Ba Đình cho biết, nếu làm đủ 28-29 ngày công (tức là cả làm thêm, tăng ca) thì mỗi tháng anh được khoảng 8 triệu đồng. Đó là mức thu nhập khá cao so với nhiều anh chị khác, ví dụ như ở Đống Đa thì thu nhập chỉ loanh quanh 5-6 triệu đồng/tháng. “Thu nhập bình quân của công nhân môi trường chỉ là con số tương đối, vì còn phụ thuộc vào diện tích đơn giá quét gom, ngõ xóm, rác hợp đồng, ngày công thực tế… Ví dụ như Tổ 6 ngày trước thu nhập cao nhất nhì Chi nhánh Ba Đình vì rác nhiều, nhưng sau khi Thành phố đổi lại định mức xây dựng đơn giá, ưu tiên mặt đường hơn thì tổ này ngõ xóm nhiều, đường to ít… nên thu nhập bị giảm”, chị Huệ cho biết. |
Anh Luân thường kết thúc công việc lúc 2 giờ sáng và về đến nhà đồng hồ điểm gần 3 giờ, khi vợ con đã say giấc. Đó là đặc thù của công nhân vệ sinh môi trường - Ảnh: Hồng Nhung
“Thu nhập như vậy có đủ lo cho vợ con không?” – tôi hỏi anh Luân. “Bây giờ chi phí cái gì cũng đắt đỏ, nên để đủ chi tiêu tôi phải đi làm thêm. Tôi đi giao hàng Grab, từ 7-10 giờ sáng hằng ngày, ngày nọ bù ngày kia, tháng thu nhập thêm cũng được 3,5 – 4 triệu đồng”. Chị Huệ kể với tôi, không riêng anh Luân, hầu hết công nhân môi trường đều làm thêm nghề đồng nát, tức là thu gom phế liệu có thể tái chế được để bán lại cho chỗ buôn đồng nát kiếm thêm đồng ra đồng vào mua sữa cho con. Bởi vậy, nếu anh chị nào sức khỏe yếu, hay bận việc gia đình như chị Hường đang chăm con bị ung thư máu, hay anh Quảng bản thân mắc bệnh xơ gan, lại chăm vợ đổ bệnh như trong câu chuyện tôi kể lúc đầu chỉ chòng chọc trông vào đồng lương ít ỏi, cuộc sống càng khó khăn hơn. Chị Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Urenco cho biết: “Năm 2022 thống kê có tới 324 trường hợp khó khăn trên tổng số 3000 công nhân lao động, tức là chiếm hơn 10%, một con số quá lớn, đây cũng là trăn trở của lãnh đạo công ty và Công đoàn! Không ai mong muốn con số này, bởi nó phản ánh mức sống của công nhân lao động và “sức khỏe” của doanh nghiệp”. Thực tế này dẫn đến nhiều hệ lụy. Công việc có thu nhập không tương xứng nên công nhân VSMT nghỉ việc nhiều, trong khi tuyển người mới rất khó khăn. Bởi lẽ, người lao động có nhiều lựa chọn khác tốt hơn, còn công việc này nắng nôi vất vả, suốt ngày tác nghiệp ngoài đường, đối diện với nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Những người còn bám trụ được với nghề chủ yếu là đã có thâm niên làm việc hàng chục năm trở lên. Nhưng họ cũng đang quá tải bởi thiếu người nên phải “gánh đỡ”, tháng chỉ được nghỉ 1-2 ngày. Với mức thu nhập như vậy thực sự quá thiệt thòi! “Tôi bận chăm con ốm nên cũng không nghĩ đến chuyện tìm công việc khác. Hơn nữa, ở đây tôi coi như ngôi nhà thứ 2 của mình. Anh chị em trong tổ và Công đoàn luôn yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ mẹ con tôi” – chị Hường xúc động nói khi nghe tôi hỏi: “Có lúc nào chị nghĩ sẽ đi tìm việc làm khác không?”. |
Chị Thanh Hường, Tổ trưởng tổ môi trường 6, nơi chị Hường đang công tác cho biết, chị Hường vốn sức khỏe yếu nên ngay từ đầu chị đã có ý sắp xếp cho chị phụ trách đường ít rác, bằng phẳng. Kể từ khi con chị lâm bệnh trọng, chị cũng nói chuyện với mọi người trong tổ, mỗi người xúm vào giúp chị Hường một chút tùy theo hoàn cảnh của mình. Người thì giúp đỡ vật chất, người giúp ngày công, thường xuyên động viên, an ủi chị, hy vọng có thể tiếp thêm động lực để chị mạnh mẽ trong hành trình dài cam go trước mắt… Mỗi đợt con chị Hường đi xạ trị kéo dài cả tháng, khi đó anh chị em trong tổ luân phiên nhau làm đỡ chị, giúp chị vẫn giữ nguyên lương thưởng và các chế độ khác. “Tổ rất đoàn kết, yêu thương nhau. Chị nào yếu sẽ được phân công đường nhẹ hơn, những anh nam giới khỏe mạnh thì được phân công khu vực nhiều rác, như khu chợ… Theo quy định, cứ mỗi năm đổi đường một lần, nhưng riêng các trường hợp đặc biệt như chị Hường thì được ưu tiên giữ nguyên”, Tổ trưởng tổ môi trường 6 chia sẻ thêm. “Từ khi con chị Hường ốm thì tất cả chế độ chính sách gì mà công đoàn ngành, công đoàn công ty có thì bao giờ tôi cũng đề xuất chị có trong danh sách được hỗ trợ”, chị Huệ - Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Ba Đình nói với tôi. Không riêng chị Hường, mới đây, Công đoàn Chi nhánh Ba Đình đã thay mặt Chi nhánh kêu gọi tấm lòng hảo tâm của toàn thể anh chị em trong Chi nhánh giúp đỡ gia đình vợ chồng anh Quảng – chị Hòa (chồng bị bệnh xơ gan, vợ bị ung thư). Anh Quảng vì ngần ngại “do từ trước đến giờ tôi đã được ưu ái quá nhiều!” nên phải đến khi “cực chẳng đã”, được sự động viên của Công đoàn anh mới dám nhận sự giúp đỡ của đồng nghiệp toàn Chi nhánh. Công nhân môi trường thì ai cũng khó khăn cả, nhưng phát huy tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, anh chị em đều chia cơm sẻ áo, mỗi người giúp đỡ một chút để giúp đồng nghiệp của mình lúc hoạn nạn, khó khăn. “Công nhân của tôi cứ “ráo mồ hôi là hết tiền” nên họ chỉ trông vào đồng lương để chi các khoản đang chờ sẵn. Khối văn phòng có thể chậm lương 5-7 ngày nhưng với khối sản xuất thì công ty có nguyên tắc là không bao giờ để chậm lương dù chỉ 1 ngày. Cho nên, nhiều thời điểm chưa có nguồn chi lương (do đơn vị chủ thầu chưa quyết toán xong), công ty phải lấy nguồn quỹ phúc lợi để trả lương đúng kì hạn cho người lao động, quỹ phúc lợi hết thì công ty chấp nhận đi vay nóng”, chị Hạnh chia sẻ. |
“Hiện nay, thu nhập của người lao động Urenco là theo đơn giá của gói thầu với Thành phố nên đang giảm, đang thấp so với mặt bằng chung. Bởi vì, khi Công ty làm thầu từ năm 2020, giá xăng chỉ 8-9 nghìn đồng/lít, nhưng bây giờ thì lên tới hơn 23 nghìn đồng/lít. Trong khi đó, tất cả giá xăng dầu, cũng như nhân công, chi phí quản lý chung, công ty đều tính vào trong đơn giá của Thành phố. Vì vậy, công ty đang phải bù lỗ”, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Urenco thông tin. Năm 2017, Thành phố đã tiến hành chủ trương đấu thầu công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội. Urenco với bề dày truyền thống 60 năm, nên liên tiếp hai gói thầu 2017-2020 và 2020-2023 Urenco chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải ở 4 quận lõi của Thủ đô bao gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ngoài ra, gói thầu 2020-2023 công ty mở rộng thêm địa bàn phụ trách là quận Nam Từ Liêm, Thanh Oai và Mỹ Đức. Mới đây nhất, Urenco trúng gói thầu 2021-2024 phụ trách địa bàn quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. “Gói thầu xây dựng trong 3 năm, có những cái cố định nhưng có cái trượt giá, điển hình là giá xăng dầu đã tăng lên gấp 1,5 đến 2 lần nên Urenco đã làm tờ trình đề nghị bổ sung tiền chênh lệch nhiên liệu lên UBND Thành phố và đã được Chủ tịch UBND thành phố thông qua từ ngày 9/3/2023, yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan phối hợp thực hiện. Nhưng đến hiện tại, Urenco vẫn chưa nhận được nguồn bổ sung này”, chị Hạnh cho biết. 35 tỷ tiền chênh lệch nhiên liệu là một con số vô cùng giá trị với 3000 lao động của Urenco, nhiều người đã xin nghỉ việc, nhưng được Công đoàn thuyết phục ở lại chờ đợi nguồn tiền bổ sung này, đã cố chờ, mong cuộc sống sẽ được cải thiện hơn… “Kiến nghị, đề xuất thì nhiều lắm! Nhưng bên cạnh việc mong mỏi Thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn để chúng tôi có khoản tiền chênh lệch nhiên liệu bù đắp thiệt thòi cho anh em, thì tôi còn mong muốn Chính phủ nên xem xét, cho nữ công nhân làm công việc nặng nhọc, độc hại như nữ công nhân VSMT được nghỉ hưu trước tuổi 55. Bởi vì, theo quy định hiện hành, tuổi 60 mới được nghỉ hưu thì họ rất khó đáp ứng được công việc thực tế”, chị Hạnh bày tỏ. |
PHÓNG SỰ CỦA HỒNG NHUNG Ảnh: HỒNG NHUNG Video: TRẦN YẾN - HỒNG NHUNG - TUYẾT HẰNG Đồ họa: AN NHIÊN |