Nghệ An: Tăng cường hướng dẫn thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động. Tại Nghệ An, Ngân hàng CSXH đang phối hợp với các đơn vị tăng cường hướng dẫn thực hiện chính sách.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An (ở giữa). |
Nới lỏng điều kiện cho vay
Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc cho biết: Năm 2020, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung giao Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Qua thực tế triển khai chính sách đã gặp những khó khăn, vướng mắc, do đó Chính phủ đã kịp thời ban hành để sửa đổi, bổ sung cho Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, đồng thời ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020. Việc kịp thời sửa đổi chính sách thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp và người lao động.
Để kịp thời đưa chính sách đi vào cuộc sống, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động. Tại Nghệ An, ngân hàng CSXH đã chủ động báo cáo, tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT cùng cấp chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp cùng ngân hàng trên địa bàn triển khai cho vay. Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, các ngành, các địa phương và các hội doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đến doanh nghiệp và người lao động. Ngày 26/10/2020, Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi giám đốc các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH về việc triển khai cho vay trả lương ngừng việc do dịch bệnh. |
Bà Hoàng Thị Hương - Trưởng ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết: "LĐLĐ tỉnh đã nhận được văn bản của Ngân hàng CSXH Nghệ An đề nghị phối hợp tuyên truyền về chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do dịch bệnh theo Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ. Chúng tôi thấy rằng Nghị quyết sửa đổi lần này về điều kiện và thủ tục cho vay đã được nới lỏng hơn. Cụ thể, như về điều kiện cho vay gồm: Thứ nhất, có người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 31/12/2020; thứ hai, có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; thứ ba, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Mức cho vay tối đa 01 tháng của 01 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với số người lao động bị ngừng việc và mỗi khách hàng được vay vốn không quá 03 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Lãi suất vay 0%. Đặc biệt, thời gian giải ngân nhanh, chỉ trong 5 ngày làm việc khi Ngân hàng CSXH tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện. LĐLĐ tỉnh sẽ hướng dẫn LĐLĐ các huyện, thành, thị thực hiện tuyên truyền chính sách này trong các buổi tuyên truyền về chính sách, pháp luật lao động tại các doanh nghiệp".
Doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất kinh doanh
Chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, giúp duy trì việc làm và lương cho người lao động trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhưng đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, các doanh nghiệp đang dần ổn định sản xuất kinh doanh, có doanh thu để trả lương cho người lao động.
Các doanh nghiệp ở Khu kinh tế (KKT) Đông Nam, Nghệ An đang dần ổn định sản xuất kinh doanh. |
Tại KKT Đông Nam Nghệ An có 100 doanh nghiệp với gần 20.000 người lao động. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng đã nhanh chóng tìm các giải pháp linh hoạt để ổn định sản xuất kinh doanh, bố trí đủ việc làm cho người lao động. Trải qua hai đợt dịch, tại KKT Đông Nam, chưa có doanh nghiệp nào phải cho người lao động ngừng việc không lương.
Ông Vương An Nguyên – Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An cho biết: "Đến thời điểm này các doanh nghiệp đã cơ bản vượt qua hoặc khắc phục được khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã trở lại bình thường, nguyên liệu sản xuất và đơn hàng đầy đủ, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng bổ sung lao động. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên chưa thể khẳng định các doanh nghiệp đã ổn định và phát triển. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi lần này khá quan trọng. Chúng tôi sẽ thông tin ngay đến các doanh nghiệp và người lao động để nếu trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, họ có thể làm hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ".
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng mong muốn được . Nhiều doanh nghiệp lựa chọn cho người lao động nghỉ việc, dừng trả lương và dừng đóng BHXH. Bên cạnh đó, nhiều người lao động cũng tự nguyện xin nghỉ việc để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do đó, tại một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động đã tự thỏa thuận với nhau về việc dừng trả lương, dừng đóng BHXH hoặc chỉ duy trì đóng BHXH.
Tại Nghệ An, lĩnh vực kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và nhiều công ty đã cho số lượng lớn người lao động nghỉ việc. Ông Võ Hồng Sáng – Giám đốc Công ty CP Lữ hành Quốc tế Thái Sơn, Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch Nghệ An chia sẻ: "7 tháng qua, công ty chúng tôi không có việc để làm, không có doanh thu và buộc phải cho 13 người lao động ngừng việc không lương và dừng đóng BHXH. Người lao động cũng chia sẻ với hoàn cảnh của công ty nên tự nguyện nghỉ việc, họ đang tìm kiếm việc làm tạm thời để sau khi công ty ổn định sẽ đi làm trở lại và đóng BHXH nối tiếp. Để hoạt động kinh doanh khởi sắc cũng phải chờ đến quý 2 của năm sau, khi đó công ty mới có thể trả lương được cho người lao động. Nhưng thực tế là nhiều công ty không muốn giữ chân người lao động khi khó khăn, họ có thể tuyển mới khi khôi phục nên sẽ không mặn mà vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động". Ông Phan Thanh Miện – Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An cho biết: "Trải qua hai đợt dịch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu thấp, nhiều doanh nghiệp không có doanh thu nên họ không muốn vay thêm khoản trả lương ngừng việc cho người lao động. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn cân đối được nguồn tiền để trả lương cho người lao động mà không cần phải tính đến phương án vay để trả lương ngừng việc. Đặc biệt, có những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên họ vẫn sản xuất kinh doanh bình thường và trả lương đầy đủ cho người lao động. Do đó, tôi thấy số lượng doanh nghiệp có nhu cầu vay để trả lương ngừng việc cho người lao động là không nhiều". |
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều công ty đã dừng trả lương và dừng đóng BHXH cho người lao động. |
Sợ phải đi vay nợ là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thảo – Giám đốc Công ty TNHH Phân bón Việt – Mỹ đóng tại KCN Nghi Phú chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp để giữ chân người lao động vẫn duy trì trả lương tối thiểu trong những tháng qua và đến nay đã cần vay để trả lương ngừng việc. Dù Nghị quyết mới của Chính phủ có nới lỏng về điều kiện vay vốn thì doanh nghiệp vẫn e ngại về thủ tục vay, trong khi chỉ vay được 3 tháng, đến thời điểm trả nếu doanh nghiệp chưa khôi phục được sản xuất kinh doanh thì lại thêm khó khăn..
Trao đổi về băn khoăn của doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An cho biết: Chính sách này thể hiện sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động nên Chính phủ đã lắng nghe về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và Ngân hàng CSXH đã kịp thời tham mưu bổ sung, chỉnh sửa về điều kiện, thủ tục cho vay để phù hợp với tình hình thực tế. Để thực hiện chính sách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã chỉ đạo toàn hệ thống nhanh chóng triển khai thực hiện, đảm bảo cho vay “Đúng – Trúng – Hiệu quả".
Hiện nay, các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo trả lương cho người lao động là điều rất đáng mừng. Đối với những doanh nghiệp còn gặp khó khăn, muốn được hưởng chính sách vay vốn để trả lương cho người lao động thì ngân hàng sẽ tiếp nhận hồ sơ, nếu đủ điều kiện sẽ cho vay kịp thời, đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn.
Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách vay trả lương ngừng việc cho nguời lao động. |
Bài: Mai Liễu