Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người lao động trên địa bàn TP. HCM mất việc làm, hoãn việc… Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao (quận 9, TP. HCM) đã tổ chức Ngày hội việc làm lần 2 trong năm 2020. Tại đây, người lao động được giới thiệu việc làm, các lớp học nghề đóng phí và miễn phí để định hướng tương lai cho mình. |
Trên thực tế, dịch bệnh khiến cho người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), khu công nghệ cao trên địa bàn TP. HCM gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thất nghiệp, hoãn việc, giảm ngày làm diễn ra với số lượng lớn. Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TP. HCM, hiện có 93 doanh nghiệp tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó có hơn 19.800 lao động bị ảnh hưởng việc làm với 5.780 người lao động bị chấm dứt hợp đồng ; 1.758 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động; 1.523 người lao động nghỉ việc không hưởng lương và 10.780 lao động bị ngừng việc có hưởng lương. Từ tình hình trên, Ban Quản lý các KCX-KCN TP. HCM đã triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP. HCM đến các doanh nghiệp. Cụ thể, Ban Quản lý đã tiếp nhận, giải quyết 136 hồ sơ của người lao động bị mất việc làm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, 3.350 hồ sơ tạm hoãn hợp đồng lao động/nghỉ việc không hưởng lương của người lao động tại 24 doanh nghiệp. Tổng số tiền đã chi cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại các KCX-KCN TP. HCM là 3,4 tỷ đồng. |
Cán bộ Công đoàn TP. HCM tư vấn cho người lao động. Ảnh L.T |
Chị Nguyễn Trúc Mây (công nhân tại KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP. HCM) chia sẻ rằng, hai vợ chồng chị cùng bị giảm giờ làm, không tăng ca gần cả năm nay, con cái gửi về cho ông bà ngoại ở quê. Vậy mà chật vật mãi hai vợ chồng mới bám trụ lại được thành phố trong năm dịch bệnh này. Ngoài thời gian làm ở công ty, chị Mây đã tìm thêm công việc phụ tại tiệm uốn tóc, làm móng để có thêm thu nhập. Chị cũng có học một cái nghề cho tương lai. LĐLĐ TP. HCM đã phối hợp với nhiều LĐLĐ quận, huyện, trung tâm giới thiệu việc làm, dạy nghề để hỗ trợ người lao động. Theo đó, hơn 1.000 người lao động và sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP. HCM và các tỉnh lân cận được tiếp cận với hàng trăm vị trí thuộc nhiều lĩnh vực. |
Cụ thể, các vị trí cần việc làm hiện tại trên địa bàn thành phố như trưởng bộ phận quản lý sản xuất, trưởng ban thiết kế sản phẩm, nhân viên thiết kế, nhân viên bảo trì, tư vấn viên, nhân viên kinh doanh, nhân viên IT, nhân viên kế toán, nhân viên xuất nhập khẩu… Hơn nữa, đã có 18 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ cao đã tham gia để tìm kiếm các ứng viên tiềm năng. Dịp này, người lao động và các sinh viên năm cuối còn được tham dự Hội thảo "Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin việc - dự phỏng vấn chuyên nghiệp" để ghi điểm với nhà tuyển dụng. |
Người lao động tham gia Ngày hội Tư vấn việc làm. Ảnh N.N |
Ngoài ra, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa phối hợp với Văn phòng Đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tại Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề HRD Korea và Trường Đại học Thành Đô tổ chức khai giảng khóa đào tạo nghề miễn phí dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng hạn hợp đồng. Tổng thời lượng khóa đào tạo là 120 giờ, với các nội dung về tiếng Hàn, quản lý văn phòng, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng và nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết khác cho người lao động. Tham gia khóa học, người lao động sẽ được miễn tiền học phí, được hỗ trợ tiền ăn và tiền ký túc xá, được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sau khi kết thúc khóa đào tạo. |
Người lao động được tư vấn nghề nghiệp chu đáo, nhiệt tình.
Dương Thùy Đồ họa: Rusia |