“Nắng gió công trường đã rèn giũa nên con người tôi hôm nay”
Đảng với công nhân - 18/10/2024 19:32 Minh Hưng - Ngô Khiêm
Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?” |
Đời tôi như “Bài ca xây dựng”
Anh Ngô Văn Nghị sinh năm 1981 tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2002, anh đầu quân vào Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại COMA 25 với công việc là công nhân xây lắp. Hơn 20 năm qua, anh đã đi qua nhiều nẻo đường, từ vùng sâu biên giới đến hải đảo xa xôi, có mặt trong các công trình từ nhỏ đến lớn, như BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, công trình thủy điện Hương Sơn, dự án đường ven biển Bình Định…
Anh Nghị kiểm tra máy móc thiết bị phục vụ cho việc trồng nho theo công nghệ 4.0. |
Năm 2019, Công ty triển khai dự án xây dựng đường ven biển Bình Định, đoạn Cát Tiến - Đề Gi. Đây là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, nằm trong hệ thống đường ven biển quốc gia. Bởi vậy chủ đầu tư đặt ra yêu cầu rất cao đối với các nhà thầu.
Với tiêu chí “tiến độ nhanh - chất lượng tốt - an toàn lao động, đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, các nhà thầu xây lắp phải thực hiện đúng, đủ các cam kết trong hợp đồng đã ký kết, nhất là đảm bảo về năng lực tài chính, máy móc thiết bị, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề.
Lúc đó anh Nghị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm kỹ thuật của quá trình thi công, xây dựng nền mặt đường, công trình thoát nước đoạn Km26+000 – Km30+000. Gần 5 năm triển khai dự án, đó là những năm tháng “vượt nắng – thắng mưa”, nỗ lực hơn cả khả năng của mình mới có thể đảm bảo được yêu cầu đề ra.
Anh Ngô Văn Nghị nhớ lại: “Bình Định là vùng đất có điều kiện tự nhiên rất khó khăn do ảnh hưởng từ thời tiết, gió bão, lại thêm cảnh xa nhà, xa vợ con nên thực sự là rất vất vả”.
Nhớ lại những ngày đó, trước mỗi lần nhập vật liệu để thi công, anh Nghị cùng với anh em công nhân luôn thấy rất áp lực trong quá trình kiểm tra, thí nghiệm vật liệu đầu vào. Yêu cầu đặt ra là vật liệu phải đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Nhưng không phải đưa vật liệu vào là xong, anh phải giám sát thường xuyên trên công trường. Nếu có sự trà trộn của vật liệu không đảm bảo chất lượng, dứt khoát phải đưa ra ngoài.
Đặc biệt là tiến độ dự án với hàng trăm hạng mục, hàng ngày anh Nghị phải báo cáo về tiến độ thi công, động viên anh em công trường thực hiện 3 ca 4 kíp kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thành công việc.
Khi dự án thực hiện đến năm 2021 thì dịch Covid-19 bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp. Cứ mỗi lần thêm một thông tin người nhập viện, người tử vong… cả công trường hoang mang dao động. Rồi yêu cầu giãn cách xã hội khiến chuỗi cung ứng bị đứt quãng. Đã có lúc không thể thi công, anh em chỉ muốn xin nghỉ, về quê với gia đình. Vậy phải làm sao để hoàn thành tiến độ dự án?
Để thay đổi tình hình, anh Nghị trực tiếp tổ chức lại các mũi thi công, “miệng nói tay làm”, xông vào công việc, động viên anh em bĩnh tĩnh vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính tinh thần hăng hái, đi đầu, không quản ngại hiểm nguy, gian khó đó mà công trường dần hoạt động trở lại.
Không phải bản thân anh không lo lắng, không có những nỗi niềm riêng. Nhưng anh đã nén lại những tâm tư tình cảm đó để giữ tinh thần lạc quan, làm gương cho anh em phấn đấu. Những ngày thi công trên công trường Bình Định cũng là những ngày vợ anh mang nặng đẻ đau.
Anh chỉ kịp về vài hôm trong những ngày vợ “vượt cạn” bởi khi đó trùng với dịp Tết Nguyên đán. Sau đó anh đi biền biệt trên công trường đến nửa năm chưa một lần về thăm nhà. Chỉ đến khi dịch Covid-19 được khống chế, ngày về thăm nhà con anh không nhận ra bố mà òa khóc sợ hãi. Đó là nỗi niềm xót xa của người công nhân .
Anh Nghị (bên trái) trao đổi với đồng nghiệp về công trình đang thi công. |
Anh Ngô Văn Nghị chia sẻ: “Sợ mình đi lại nhiều sẽ mang virus Covid-19 về cho gia đình nên mãi nửa năm tôi mới về thăm vợ con. Khi vừa về đến nhà, tôi vội chạy xuống bế thằng nhóc mới gần 6 tháng tuổi nhưng nó òa khóc thật to không đồng ý. Lúc đó bà ngoại nói “bố nó chỉ lo làm không chịu về thăm con đâu”. Lúc đó lòng tôi như thắt lại, thương vợ, thương con, mình cứ đi biền biệt theo tiếng gọi của nghề nghiệp”.
Trước những khó khăn khắc nghiệt trên công trường hơn 20 năm qua, cũng nhờ lãnh đạo công ty luôn quan tâm, sâu sát, môi trường làm việc chuyên nghiệp, đồng nghiệp giỏi về chuyên môn, luôn sẵn sàng sẻ chia, nên anh Nghị đã thêm vững vàng, trưởng thành từng ngày. Anh đã nói về công ty, về những người đồng nghiệp bằng tất cả sự biết ơn.
“May mắn tôi được vào trong công ty, một môi trường thực sự chuyên nghiệp. Lãnh đạo công ty thực sự quan tâm chúng tôi. Tôi được làm việc với nhiều đồng nghiệp giỏi, từ đó tạo cho tôi nhiều động lực để vượt qua khó khăn”, anh Nghị chia sẻ.
Cuộc đời mình, anh Nghị cảm thấy cũng giống với những giai điệu của “Bài ca xây dựng”, luôn sẵn sàng lên đường đến những chân trời mới, lấy niềm vui chung sau mỗi công trình là niềm tự hào của đời mình.
Không ngừng học hỏi để thích nghi
Năm 2024, Công ty mở thêm một hạng mục kinh doanh mới là dự án nông nghiệp 4.0. Anh Nghị cũng như bộ phận công nhân kỹ thuật của công ty phải thực hiện một công việc với yêu cầu, tính chất hoàn toàn khác. Anh phải học, tìm tòi, nghiên cứu để làm việc với hệ thống máy móc hoàn mới.
Khi nhận nhiệm vụ xây lắp hệ thống nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiêu cùng những hạng mục công trình khác cho dự án nông nghiệp 4.0, anh Nghị mang nhiều lo lắng. Nhưng ngay từ đầu anh đã xác định một tinh thần là phải cầu thị, sẵn sàng thay đổi để tiến bộ và thích nghi.
Anh Nghị nói: “Con người xã hội chủ nghĩa 4.0 buộc phải thích ứng với mọi điều kiện, mọi công tác được lãnh đạo công ty giao. Tất nhiên là từ ngành này sang ngành khác thì mất thời gian, khoảng trống để mình đọc, tìm hiểu tài liệu nghiên cứu. Nhưng bây giờ không gian mạng phát triển, không rõ thì mình lên mạng tra cứu google để tự học”.
Điều may mắn là anh Nghị được sinh ra trong gia đình nông nghiệp, lớn lên từ cây lúa, cây ngô nên anh hiểu tiếng nói và ngôn ngữ của nông nghiệp. Cùng với ý chí vươn lên, ham học hỏi, mỗi lần công ty tổ chức những buổi bồi dưỡng kiến thức với các chuyên gia, anh lại chăm chỉ, say sưa học kiến thức mới.
Bởi vậy mà anh Nghị đã đảm đương tốt những nhiệm vụ mới. Các công trình của dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0 mà công ty triển khai cũng sắp sửa được đi những công đoạn cuối cùng để chính thức hoạt động.
"Bố không cần tiền nhưng đưa “chính trị” về cho bố"
Ngày rời quê hương đi lập nghiệp, anh Nghị được bố dặn: “Bố không cần tiền nhưng đưa “chính trị” về cho bố. Nhất định phải nỗ lực để vào ”. Lời đề nghị đó cứ văng vẳng bên tai anh và anh khát khao thực hiện lời hứa với người cha già. Vào ngày 19/5/2005, anh đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng và theo anh “cái đó còn hơn cả tiền tỉ mà mang về cho bố tôi”.
Quá trình trở thành đảng viên, được sinh hoạt trong Chi bộ Công ty, anh Nghị dần trưởng thành về nhận thức chính trị cũng như tác phong công tác. Điều anh tâm đắc nhất trong quá trình sinh hoạt là bản thân đã học được cách thực hiện việc tự phê bình và phê bình để tổ chức ngày càng lớn mạnh.
Công trình ven biển Bình Định - nơi anh Nghị và những đồng nghiệp thi công trong nhiều tháng. |
Anh Nghị nhớ lại thời điểm có những anh em công nhân trên công trường bỗng nhiên uể oải, năng suất lao động giảm đi trông thấy. Trong kỳ sinh hoạt chi bộ, anh đã mạnh dạn đưa vấn đề này ra chi bộ bàn bạc. Lúc đó, anh thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình bởi trên cương vị là , là người anh cả trong hàng ngũ công nhân vậy mà lại để tình hình nghiêm trọng mới phát hiện ra.
Anh chia sẻ: “Đầu tiên mình tự phê bình, là do mình, để sự việc xảy ra trong thời gian dài. Một ngày, hai ngày chứ mười ngày không nắm được đó là lỗi của mình. Mình chưa gắn bó hoặc chưa sát sao để lắng nghe anh em cần gì”.
Từ việc nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm khắc với chính bản thân mình như vậy, anh Nghị đã có ngay những giải pháp “đúng và trúng”. Sau đó anh xuống tận nhà từng anh em, nắm bắt từng trường hợp cụ thể. Quả nhiên, có người thì bố mẹ ốm đau, có người lại gia đình đổ vỡ. Vậy nên anh em tư tưởng dao động, không tập trung vào công việc.
Bằng sự chân thành của mình, anh đã gần gũi anh em để động viên, chia sẻ. Những trường hợp gia đình khó khăn, anh còn đề xuất lên Chi bộ Công ty để có những phần quà thăm hỏi. Mối quan hệ giữa công ty với người lao động cũng vì thế mà trở nên gắn bó.
Trưởng thành từ nắng gió công trường, anh Nghị giờ đây không chỉ là người “anh cả” với anh em công nhân mà còn ghi dấu trong lòng đồng nghiệp hình ảnh của người đảng viên nhiệt huyết.
Tinh thần sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng học hỏi và thích nghi của anh cũng chính là tinh thần của một thế hệ công nhân mới trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với anh, niềm tự hào không chỉ nằm ở những thành tựu cá nhân đạt được mà tự hào là khi bản thân được cống hiến cho sự phát triển của công ty, được cống hiến cho Đảng và đất nước.
Chị Nguyễn Thị Bình - Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Thương mại COMA 25 khẳng định: “Anh Nghị là công nhân lăn xả trên mọi công trình. Từ nơi đường sá xa xôi, cho đến rừng sâu, nước thẳm… công việc gì anh ấy cũng sẵn sàng trên mọi mặt trận và sau đấy cũng đã điều hành những công việc chính. Ở anh có một tinh thần, sự ham mê lao động, sáng tạo, vươn lên để cống hiến cho công ty, dựng xây cho quê hương, đất nước”.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Bình, với 23 đảng viên trong hơn 200 cán bộ, công nhân viên (thời điểm mùa vụ có thể lên đến hàng nghìn người), Chi bộ Công ty đã thực sự trở thành hạt nhân chính trị, góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh không ngừng của công ty và đảng viên Ngô Văn Nghị chính là một trong những đảng viên góp phần đưa hoạt động của chi bộ ngày càng chất lượng.
Người lao động lưu ý khi xuống tiền mua nhà tại 3 dự án này ở Đà Nẵng Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng công bố, có 3 dự án quy mô hàng nghìn căn hộ, nhà ở liền kề và biệt thự ... |
Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?” Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng ... |
“Với tôi, Công đoàn đã trở thành người thân, ruột thịt” Với tất cả đoàn viên chúng tôi, Trường Mầm non Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) chính là ngôi nhà thứ ... |