Luôn nghĩ mình được tiêm đủ 2 mũi vắc xin là điều may mắn, Nguyễn Huy Nam 42 (Liên đội 3.5, Đoàn Tiếp viên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines) tình nguyện góp tiền của, công sức để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Nguyễn Huy Nam là một tiếp viên trẻ, ở độ tuổi 9X. Khi Nam bắt đầu bước vào nghề bay thì dịch Covid-19 bùng phát. Có ”, chuyến bay không có, tiếp viên hàng không như Nam phải nghỉ bay rất nhiều. Không chịu ngồi yên chờ dịch bệnh qua đi, Nam đã chọn cách tình nguyện hỗ trợ cho người dân, lao động nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19 nơi vùng ven của TP. HCM. Tháng 3 năm nay, Nam mở thêm một nhà hàng chay để kinh doanh và làm từ thiện. Khi thấy người lao động nghèo lao đao vì dịch bệnh, Nam đăng ký tham gia tình nguyện trong nhóm "U23 Bồ Đề Tâm". Các thành viên trong nhóm tự góp tiền của, công sức để trao những suất quà là nhu yếu phẩm gửi đến bà con, người lao động nghèo. |
tiếp viên hàng không biết nấu cơm chay kiêm bốc vác... Nam tâm sự: “Em nghĩ bản thân may mắn được tiêm vắc xin sớm hơn thì tại sao không chia sẻ với người ít may mắn hơn bằng những việc làm có ích gì đó. Chúng em tự dùng tiền tích lũy của mình, kêu gọi thêm những người thân trong gia đình, bạn bè cùng chung tay ủng hộ. Sau 2 - 3 ngày huy động được nguồn hỗ trợ đủ mua 100 suất quà, tụi em lại chia thành những phần quà để đi trao. So với các anh chị trong nhóm, số tiền ủng hộ và công sức của em còn rất nhỏ bé". Tùy theo số tiền đóng góp và kêu gọi được, mỗi lần nhóm của Nam đi trao hơn 100 suất quà gồm mì, gạo, muối, trứng, mì,... (trị giá 140 - 150.000 đồng/suất). Nếu còn thiếu, anh chị em trong nhóm lại tự góp thêm tiền vào. Để tìm được những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, Nam sử dụng ứng dụng của Zalo, tiếp nhận thông tin của từng người rồi thông báo cho trưởng nhóm. Nhóm của Nam khảo sát kỹ lưỡng, phối hợp với chính quyền, công an địa phương để đảm bảo trao quà đúng đối tượng. |
Mấy tháng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, anh Nguyễn Huy Hoàng (quê ở Sóc Trăng) cùng hàng chục lao động nghèo sống trong dãy trọ thuộc phường Tân Thới Nhất, Quận 12 rơi vào cảnh thất nghiệp. Bữa cơm của gia đình anh nhiều ngày qua chỉ xoay quanh một vài món đơn sơ như: mì tôm, trứng, rau… Không có việc làm, không có thu nhập, nhiều hôm nhìn các con ăn mà vợ chồng anh rơi nước mắt. Anh Hoàng cũng như hàng chục lao động nghèo ở khu vực này được nhóm thiện nguyện của Nam trao quà hỗ trợ. Đối với anh Hoàng, món quà đó có thể giúp gia đình anh sinh hoạt, ăn uống được một tuần. “Đi vào vùng dịch trong thời điểm TP. HCM có hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, em cảm thấy có phần e sợ. Nhưng mỗi lần thấy ánh mắt hy vọng của bà con, em không ngần ngại và suy nghĩ làm thế nào để có thêm nhiều cảnh ngộ khó khăn được giúp đỡ. Và một lần, em nảy ra ý định vừa hỗ trợ người dân, vừa “giải cứu” những vườn rau” – Nam kể. |
|
Huyện Hóc Môn có nhiều vườn rau đến kỳ thu hoạch nhưng có nguy cơ không tiêu thụ được vì dịch Covid-19. Nam đã thông báo với nhóm trưởng về kế hoạch "giải cứu" rau cho người dân, vừa giúp người lao động nghèo có rau xanh trong mỗi bữa ăn. Thay vì phải đặt xe chở rau, củ từ miền Tây lên TP. HCM với giá cao hơn, thì việc mua rau "tại chỗ" sẽ nhanh hơn, giá rẻ hơn và giúp nông dân không bị mất trắng vườn rau. Mỗi lần, nhóm của Nam mua 100kg, 120kg, 130kg hay 200kg rau xanh. Bằng cách làm này, nhóm thiện nguyện của Nam đã “giải cứu” giúp bà con hàng tấn rau xanh. So với trước thời điểm 15/8, việc mua những nhu yếu phẩm này trở nên khó khăn hơn, giá cả đắt đỏ hơn. Do đó, các hội nhóm thiện nguyện, trong đó có nhóm của Nam đã chia sẻ rau xanh, dầu ăn, nước tương, muối... khi nguồn hàng khan hiếm để hỗ trợ bà con khó khăn. |
chia sẻ sự may mắn với mọi người Không chỉ làm bốc vác, shipper, đi chợ, Nam còn tình nguyện giúp đỡ gia đình có người thân tử vong do Covid-19. “Khi được một lao động nghèo chia sẻ về nỗi đau mất người thân nhưng không làm sao tiếp cận được với dịch vụ "mai táng 0 đồng" của thành phố, em đã nhờ nhóm trưởng giúp đỡ. Và chính em được phân công giúp gia đình lo thủ tục đưa tro cốt người đã mất về nhà. Gia đình xúc động không nói thành lời. Đây là lần đầu tiên em làm việc này. Nhưng thấy đồng bào mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, em tình nguyện làm và tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch của Nhà nước" – Nam cho biết. Ước muốn của Nam là tiếp tục được giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn. Dịch bệnh khiến Nam phải nghỉ ở nhà, không được thường xuyên đi bay. Nhưng Nam tâm niệm đây cũng là dịp để cống hiến sức trẻ cho cộng đồng trên tinh thần san sẻ yêu thương. |
"Em may mắn vì có mẹ, có nhà. Em còn tích cóp, dành dụm được một ít tiền. Dù ngành Hàng không bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh nhưng chúng em vẫn được đơn vị và Công đoàn hỗ trợ, dù không nhiều. Em coi đó là may mắn và hạnh phúc và muốn chia sẻ với những người còn đang chật vật với cuộc sống nơi nhà trọ" - Nam cho biết. Nói về Nguyễn Huy Nam, anh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng nhóm thiện nguyện “U23 Bồ Đề Tâm” nhận xét: “Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại rất khó khăn, mình phải tuyển chọn những bạn tình nguyện viên có sức khỏe, ưu tiên tiêm đủ vắc xin và là nam. Nguyễn Huy Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện đó. Nam rất nhiệt tình. Có những chuyến hàng dù về muộn, đêm khuya, phải bốc vác, Nam làm việc với tất cả sự nhiệt tình. Sáng kiến của Nam về tiếp cận và tìm kiếm người cần hỗ trợ qua Zalo đã giúp nhóm tiết kiệm thời gian, nhân lực và đưa những món quà đến từng địa chỉ thật kịp thời". |
|
Nam vừa là shipper vừa là cửu vạn, đi chợ mua nhu yếu phẩm cùng nhóm thiện nguyện gửi đến bà con, người lao động nghèo. |
Mấy hôm nay, Nam tiếp tục tham gia nấu cơm miễn phí cho y, bác sĩ, bệnh nhân ở các khu cách ly. Nấu ăn là sở trường của Nam và cũng là cách Nam tiếp tục chia sẻ với cộng đồng khi "hết tiền". Nam nấu thêm vài chục suất ăn chay mỗi ngày. Gạo do nhóm vận động được. Tiền mua đồ chay do nhóm tự đóng góp. Nam kể, bằng những bữa ăn chay, các y, bác sĩ, bệnh nhân sẽ được thay đổi khẩu vị, ăn ngon, ăn no và có dinh dưỡng để chiến đấu với dịch bệnh. |
|
Bài viết: Duy Minh |