Muôn nỗi lo Tết của người lao động
Đời sống - 14/12/2023 13:28 TRẦN LƯU
Thưởng Tết 500 tỷ đồng và bí quyết đàm phán của công đoàn |
Những cái Tết buồn!
3 năm trước, gia đình chị Trần Thị Tuyết (SN 1987, ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) quyết định khóa cửa, bỏ lại căn nhà ở dưới quê rồi dắt díu nhau lên Bình Dương mưu sinh.
Hồi đó, căn nhà "Mái ấm tình thương" của gia đình chị vừa khánh thành được 1 năm. Ngoài tiền hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, vợ chồng chị vay ngân hàng thêm 20 triệu đồng cất nhà. Những tưởng “an cư” thì sẽ “lạc nghiệp”, nào ngờ căn nhà trở thành gánh nặng. Vốn không ruộng vườn canh tác, không có việc làm nên việc trả nợ ngân hàng với gia đình chị là bất khả thi.
Vợ chồng chị Tuyết chưa biết tương lai ngày mai sẽ như thế nào?. Ảnh: Tr.L. |
Lên Bình Dương, vợ chồng chị xin vào làm việc tại một doanh nghiệp gỗ trên địa bàn huyện Phú Giáo. Niềm vui không kéo dài vì 3 tháng sau, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, đường sá phong tỏa. Vợ chồng chị bị , phải sống nương tựa vào sự hỗ trợ của chính quyền, công đoàn và các nhà hảo tâm.
Đến khi dịch bệnh lắng xuống thì lại gặp lúc kinh tế khó khăn, suy thoái, những người công nhân như chị liên tục bị cắt việc, giãn việc. Trong lúc đó chị mang thai đứa con trai nhưng cuộc sống đủ bề thiếu thốn. Hôm nào được đi làm thì có bữa no, gặp hôm thất nghiệp chỉ ăn mì gói cầm cự qua ngày. Cứ vậy, người mẹ mang thể trạng yếu ớt, còn thai nhi trong bụng bị thiếu hụt dinh dưỡng. Ngày đứa con vừa hạ sinh đã mắc bệnh viêm màng não, rồi nhiều căn bệnh khác, qua đời vào tháng 10/2023.
Ngày vợ chồng chị đưa con về quê chôn cất, căn nhà nhỏ sau nhiều năm bỏ hoang đã trở nên ẩm mốc, trở thành nơi trú ngụ của chuột, gián… Chị kiệt sức nằm bệt xuống đất.
Cuộc đời những người công nhân như chị Tuyết là những cuộc ly hương đầy nước mắt. Ảnh: Tr.L. |
Vì nhà nghèo quá, hai người con gái của chị Tuyết phải bỏ học giữa chừng theo cha mẹ lên Bình Dương làm việc chung trong xưởng gỗ, phụ giúp những việc lặt vặt.
Gần đây, dù gặp khó khăn do ít đơn hàng nhưng công ty nơi chị Tuyết làm việc vẫn cố gắng duy trì để công nhân có thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do sức khỏe không đảm bảo, chị Tuyết không thể tiếp tục, phải xin nghỉ việc, cùng 2 đứa con gái trở về quê.
“Mấy bữa nay, tui ra trước cổng trường xã Hòa An để bán bánh cho học sinh, mỗi ngày kiếm được khoảng 50.000 đồng. Hai đứa con chưa biết làm gì. Bà con lối xóm có thuê gì thì làm đó, ai cho được gì thì cho. Hiện mức thu nhập của chồng tui trên Bình Dương khoảng 8 triệu đồng, nói chung vẫn duy trì được 4 miệng ăn. Chồng tui từ nhỏ đã mắc chứng khù khờ, nên Tết này, tui phải lên Bình Dương đón ổng về quê, rồi sau Tết đưa trở lại lên đó”, chị Tuyết tâm sự.
Bà Trần Thị Mau, 65 tuổi, một người dân cố cựu ở ấp Xẻo Trâm, kể: “Ở xứ này bây giờ chỉ còn người già và trẻ con, vì phụ nữ, thanh niên, trai tráng đều đã đi lên miền Đông làm công nhân hết rồi. Họ đi, vì buộc phải đi bởi vùng quê nghèo khó không có việc làm, không đất đai canh tác, thì chỉ có nước… chờ chết”.
Bà Mau cũng có con trai út lên TP. HCM làm công nhân may mặc để lại cháu nhỏ cho bà nội chăm sóc. Mỗi tháng anh này gửi về cho bà Mau khoảng 5 triệu đồng để nuôi cháu. Mấy tháng gần đây, công ty bị cắt việc, nên thu nhập giảm đi, tiền gửi về cho bà Mau cũng ít dần.
Nhiều lần muốn gọi con để hỏi han về tiền bạc, nhưng sợ con lo lắng, thêm gánh nặng, bà Mau bèn đạp xe đi thu mua phế liệu, rồi bán lại cho các vựa lớn để kiếm lời. Bà nói: “Mình còn sức khỏe, mần được gì thì mần để phụ giúp con nuôi cháu. Tết này con tui nó nói sẽ về thăm nhà. Nghèo thì nghèo, miễn sao gia đình vui vẻ là được”.
Tại các tình miền Đông Nam Bộ, làn sóng mất việc, giảm việc do thiếu đơn hàng vẫn đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Nhiều công nhân lao động dù chưa mất việc nhưng vì phải làm việc cầm chừng, đã chủ động xin nghỉ để kiếm cách khác sinh nhai.
Hai tháng trước, Phạm Thị Tuyên (33 tuổi) đã phải nộp đơn xin nghỉ việc tại một doanh nghiệp thuộc Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP HCM) – nơi chị đã gắn bó và làm việc 12 năm.
Chị kể, do thiếu đơn hàng, công ty liên tục . Dù may mắn không bị mất việc nhưng chị không còn được tăng ca, dẫn đến thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Sau nhiều lần đắn đo, chị đã nộp đơn xin nghỉ việc để đi học nghề làm tóc.
Chị Phạm Thị Tuyên (phải) đang trong giai đoạn học nghề làm tóc, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ về quê mở tiệm. Ảnh: T.H. |
“Em rất nuối tiếc khi phải nghỉ việc ở công ty nhưng không còn cách nào khác. Hiện tại, tình hình công ty đang rất khó khăn, những người còn trụ lại được còn không sống nổi, huống gì những người đã mất việc. Thôi thì phải tự lo cho bản thân, tự tính đường khác để sinh sống. Hiện tại, em đang trong thời gian học việc nghề tóc, dự kiến dịp Tết sẽ về quê mở tiệm làm tóc”, chị nói.
“Tết này, với em có lẽ là cái Tết buồn nhất vì không lương, không thưởng, công việc cũng không còn. Nhưng em tin tưởng mình sẽ thành công trên hướng đi mới”, chị bộc bạch.
Kỳ vọng thị trường lao động cuối năm
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 3/2023 đã có hơn 118.000 lao động bị mất việc, tập trung chủ yếu ở TP. HCM, Bình Dương.
Hai địa phương này chiếm quá nửa trong tổng số lao động mất việc trên cả nước, do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành Dệt may và Da giày vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo LĐLĐ TP. HCM, hiện có hơn 80 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có nhiều nhà máy dệt may, da giày, muốn tuyển khoảng 20.000 lao động dịp cuối năm.
Riêng tại Đồng Nai, trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 2.500 doanh nghiệp, văn phòng kinh doanh giải thể, tạm ngưng kinh doanh; hơn 60.000 lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng trên địa bàn TP. HCM. Ảnh: Tr.L. |
Điều đáng mừng là sau thời gian dài trầm lắng, thị trường lao động tại TP. HCM và các tỉnh lân cận đã nhộn nhịp trở lại vào những tháng cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng và đang tuyển dụng lao động. Một số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất cũng bắt đầu tuyển dụng và đào tạo nhân lực để phục vụ vị trí làm việc khi nhà máy đi vào hoạt động.
Như tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, TP. HCM) đã liên tục tuyển hàng trăm lao động mỗi tháng để bù vào số lao động nghỉ việc. Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty thông tin, hiện doanh nghiệp có hơn 5.000 lao động; thu nhập người có tay nghề là trên 10 triệu đồng/tháng, lao động mới vào làm, tính cả phụ cấp, tăng ca thì được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng.
Ông Hồng cho hay, vào cuối năm 2022, do công ty gặp khó khăn nên giảm gần 30% số lao động. Đến đầu năm 2023, đơn hàng ổn định trở lại, công ty tuyển lao động liên tục cho đến nay, trung bình mỗi tháng tuyển 600-700 người.
Người lao động tham gia một phiên giao dịch việc làm ở TP. HCM. Ảnh: Tr.L. |
Bà Lê Thị Kim Liên - Phụ trách Nhân sự Công ty CP Thực phẩm Cholimex Food (huyện Bình Chánh, TP. HCM) cho biết, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 150 lao động phổ thông và nhiều vị trí để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, theo kế hoạch trong năm 2024, Công ty sẽ mở thêm nhà máy ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự là rất lớn, với 300 lao động phổ thông trong quý 1 và 50 vị trí chuyên môn khác.
“Gần đây, người lao động tại các thành phố lớn đang có xu hướng chuyển dịch về quê, vì họ được ở gần nhà, chi phí mức sống lại thấp. Nên việc mở rộng quy mô sản xuất tại các địa phương này sẽ không lo chuyện thiếu lao động”, bà Liên nói.
Các cấp công đoàn đã và đang tích cực vào cuộc để , hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán.
Đồng chí Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP. HCM cho biết, đơn vị sẽ tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân tri ân" để chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động khó khăn, trong đó ưu tiên những người làm việc tại các doanh nghiệp bị cắt giảm giờ làm, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.
LĐLĐ TP. HCM đề nghị các công đoàn cấp trên khảo sát, lập danh sách đoàn viên thuộc đối tượng được chăm lo trước ngày 15/12.
Tại Bình Dương, tổ chức Công đoàn đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Mức chi quà Tết tương đương năm ngoái. Theo đó, mỗi đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được 500.000 đồng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh sẽ đến thăm, chúc Tết, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất quà trị giá 1,3 triệu đồng. Ngoài ra còn tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”, chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024”...
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH TP. HCM đã gửi văn bản đến hơn 3.000 doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố để thu thập phương án lương, thưởng tết. Các doanh nghiệp có phương án thưởng Tết được yêu cầu gửi báo cáo tới Sở trước ngày 22/12. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH 24 quận, huyện, TP Thủ Đức và 2 ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp để khảo sát phương án lương thưởng Tết, nắm bắt quan hệ lao động trước Tết. Mỗi đơn vị sẽ thị sát tại ít nhất 20 doanh nghiệp nên sẽ có khoảng 300 doanh nghiệp được kiểm tra trực tiếp. Đến nay, số ít doanh nghiệp đã thực hiện việc công bố lương, thưởng Tết Dương lịch 2024, trong đó cơ bản có chiều hướng giảm so với năm trước. |
"Tết này tôi có nhà mới” "Tôi không thể tin nổi khi mình được các anh chị công đoàn lựa chọn tặng tiền để xây nhà. Tết này tôi có nhà ... |
Nỗ lực thương lượng thưởng Tết cho người lao động Dù tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có khởi sắc hay khó khăn, công đoàn cơ sở vẫn nỗ lực đàm phán, ... |
Những quy định về tiền thưởng Tết cho người lao động Thưởng Tết là khoản tiền mà người lao động trông đợi sau một năm làm việc. |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...
Đời sống - 23/08/2024 19:44
Trong 54 đảng viên hiện nay thì có tới 36 đảng viên (chiếm gần 67%) là công nhân trực tiếp sản xuất, lao động tại các đội vệ sinh, đội cây xanh, lái xe... Đó cũng là thành tích nổi bật của công tác phát triển Đảng ở Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Kon Tum.
Đời sống - 23/08/2024 16:51
Xin chào tất cả mọi người, tôi là Trần Thanh Sang, nhân viên kinh doanh Khách hàng doanh nghiệp tại MobiFone tỉnh Tiền Giang. Có thể câu chuyện tôi kể về cuộc đời mình nó không có nhiều cảm xúc với các bạn, nhưng đó là những gì rất thật tôi đã trải qua: Chính “vòng tay Công đoàn” Công ty MobiFone KV9 đã cho tôi cuộc đời thứ hai!