|
Sau nhiều ngày liền bị ảnh hưởng do mưa lớn, các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã bị ngập nước. Hàng quán, cơ sở kinh doanh phải tạm hoãn, người lao động trong khu phố cổ muộn phiền vì liên tiếp phải dọn nhà chạy lũ.Từ nhiều ngày nay, có mưa to, kết hợp với việc thủy điện xả lũ từ thượng nguồn, mực nước trên sông Thu Bồn liên tục dâng cao, gây thấp trũng, ven sông. Theo ghi nhận của PV Cuocsongantoan.vn, nước lũ dâng đã khiến nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm phố cổ chìm trong biển nước. Đáng chú ý, đường Bạch Đằng trải dài men theo bờ sông Hoài có mực nước đo được lên hơn 1 mét, một số đoạn trên đường Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ… bị ngập từ 0,6 – 0,7m. |
Người dân trong khu phố cổ di chuyển chủ yếu bằng ghe, thuyền. |
Người dân sống trong khu phố cổ đã chủ động dọn dẹp nhà cửa trước khi lũ tràn về. Các nhà hàng, quầy lưu niệm, cơ sở kinh doanh,... cũng được thông báo tạm thời ngưng kinh doanh cho đến khi nước lũ rút xuống. "Thực tế vài tháng trở lại đây nước lũ liên tục dâng cao nên người dân đã dọn dẹp nhà cửa, tất cả người dân đều đã đưa tài sản có giá trị đến nơi khô ráo. Công việc còn lại chỉ là chờ nước rút xuống và dọn vệ sinh mà thôi. Nhưng dọn liên tục như vậy rất mệt, năm nay không kinh doanh gì được nhưng liên tục phải chạy lũ khiến nhiều người chán nản”, anh Nguyễn Văn Điệp - người dân địa phương nói. Ngồi canh nước lũ đang lên, bà Nguyễn Thị Hà - chủ một cửa hàng ăn uống trên đường Nguyễn Thái Học - cho biết, từ đầu năm đến nay, phố cổ Hội An hứng chịu 6 đợt lũ. Đặc biệt, trong vòng mấy ngày qua, người dân sống trong khu phố cổ như bà trải qua 2 trận ngập lụt. Các khu vực trũng lân cận cũng bị ngập. Ảnh hưởng từ lũ lụt trong suốt thời gian qua, trước đó là dịch bệnh nên nhiều cửa hàng trong khu phố cổ phải sang nhượng để giảm chi phí, người lao động làm dịch vụ, buôn bán tại các cửa hàng cũng phải nghỉ việc trong thời gian dài. “Trước mắt chúng tôi chỉ có thể cố gắng qua hết mùa lũ này của Hội An, sau đó mới mở lại cửa hàng, hy vọng là đến Tết - khi thời tiết thuận lợi hơn thì khách du lịch đến thành phố sẽ đông hơn, chúng tôi sẽ buôn bán khá lên”, bà Hà cho biết. |
Các hàng quán đều phải đóng cửa trong nhiều ngày liền. |
Không chỉ ngập lụt ở phố cổ, các khu vực thấp trũng của TP Hội An cũng bị chìm trong nước. Nhiều ngày qua, người dân khối phố Nam Diêu (phường Thanh Hà) và các khu vực lân cận cũng bắt đầu dọn đồ đạc để sẵn sàng chạy lũ. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam, năm nay thành phố đã đón hơn 6 cơn lũ nhỏ nên người dân rất chủ động trong việc ứng phó với lũ. Nhà trong khu phố cổ đến hiện nay đã được gia cố kiên cố, đảm bảo vì vậy phương án ứng phó được triển khai là 4 tại chỗ, chủ động di dời tại chỗ. Người dân đã nắm rõ việc ở mức báo động nào là ở tại chỗ và mức nào là cần di dời. “Việc quan trọng hiện nay là làm sao để thông tin về cảnh báo lũ đến người dân kịp thời, thường xuyên và liên tục để người dân biết. Khi người dân nắm được thông tin sẽ chủ động dọn nhà cửa và ứng phó, hơn nữa còn chuẩn bị những vật thiết yếu khi cần phải tổ chức di dời ngay”, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết. |
Nhiều khu vực ngập sâu nguy hiểm. |
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, đối với các di tích trong phố cổ, công tác bảo vệ đã được triển khai trước mùa lũ của địa phương. Chùa Cầu, những ngôi nhà cổ có dấu hiệu xuống cấp đều được chèn chống cẩn thận và chưa thực hiện việc tháo cho đến khi địa phương qua mùa lũ năm nay. |