Một nhà giáo tận tâm và công chính
Đời sống - 19/11/2023 18:11 PHẠM XUÂN DŨNG
"Nếu đã đi xa thì đến tận cùng đất nước"
Thầy giáo Thái Quốc Khánh sinh năm 1961 ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Năm 1985, thầy tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Thầy tâm sự lý do chọn nghề giáo là muốn truyền thụ kiến thức và đạo lý cho học sinh.
Hồi đó ra trường, nhà nước phân công công tác, tùy theo nhu cầu của các địa phương mà có người công tác gần nhà, có người đi xa. Thân sinh thầy Khánh là một sĩ quan cao cấp, công tác ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Trị Thiên, nếu muốn thì chắc thầy Khánh sẽ không khó xin một suất dạy học ở Huế.
Thầy giáo Thái Quốc Khánh thắp hương tại Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma ở Trường THPT Lê Thế Hiếu vào năm 2017 - Ảnh: P.X.D |
Nhưng không, cụ thân sinh nói tùy theo Nhà nước phân công và thầy Khánh cũng tâm thế sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, miễn là được dạy học, làm đúng thiên chức mà mình lựa chọn. Và người thanh niên đó đã hăm hở xách ba lô lên đường nhận nhiệm sở ở tận tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) với câu nói tràn đầy nhiệt huyết thanh xuân: “ Nếu đã đi xa thì đến tận cùng đất nước!”.
Thầy Khánh được phân công về dạy tại Trường cấp 3 Cái Nước của miền Tây Tổ quốc. Hồi đó, cả nước còn quá khó khăn nên trường lớp còn tạm bợ, điện chưa có, vất vả đủ điều. Nhưng thầy Khánh cùng các đồng nghiệp của mình vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dạy học bằng cả tấm lòng của mình. Và phụ huynh, học sinh cũng rất yêu mến các thầy, cô giáo, nhất là những người ở xa.
Nhớ lại những năm đó, thầy Khánh không nói nhiều đến khó khăn, thiếu thốn mà cứ nhắc đến tình nghĩa của bà con. Thầy xúc động hồi tưởng: “Ngoài giờ dạy học, tôi về thăm nhà các em học sinh trên những chiếc xuồng ba lá. Bà con sống chân chất, bộc trực và rất hiếu khách. Tôi tới nhà nào là cả xóm đều biết và cứ nằng nặc mời cơm, uống rượu và nghe ca vọng cổ… Nhớ lại thật trân quý tấm lòng thơm thảo của phụ huynh và học sinh”.
Thầy Khánh công tác 5 năm ở đây trước khi về dạy học tại quê nhà Cam Lộ.
Hè vừa rồi, thầy Khánh quay lại thăm Trường THPT Cái Nước sau hơn 30 năm xa cách. Gặp lại đồng nghiệp, học sinh mừng vui không nói hết. Lạ nhất là có một học sinh nữ trước đây tìm gặp và nói: “Thưa thầy, chắc thầy không nhớ em đâu. Em là Diệp ở thị trấn Cái Nước. Hồi đó thầy không dạy lớp em nhưng em lại có kỷ niệm với thầy. Một lần trong giờ học thể dục, một bạn nam đá bóng bất ngờ trúng vào áo em. Lúc ấy thầy đi ngang, chứng kiến việc này, bèn gọi bạn nam sinh đá bóng tới trước mặt em và bảo bạn ấy xin lỗi em. Và bạn ấy làm theo, em nhớ chuyện ấy đến giờ”.
Dạy học sinh không chỉ là dạy kiến thức, kỹ năng học tập mà còn dạy đạo lý, từ những việc nhỏ như cám ơn và xin lỗi hàng ngày. Đó cũng là bài học mà thầy Khánh muốn trao truyền cho học sinh.
Năm 1990 thầy Khánh về công tác tại Trường THPT Cam Lộ, được phân công làm Phó Hiệu trưởng, đến năm 2008 thì được cử lên vùng Cùa, miền núi huyện Cam Lộ làm Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu cho đến năm 2022 mới nghỉ hưu. Đây là một chặng đáng nhớ khi thầy Khánh đứng đầu một ngôi trường ở mảnh đất Tân Sở - Cần Vương, nơi vua Hàm Nghi truyền hịch kháng Pháp.
Tam tự của Trường THPT Lê Thế Hiếu
Là một trường miền núi cũng còn nhiều khó khăn nhưng giai đoạn thầy Khánh làm Hiệu trưởng, trường đã gặt hái nhiều kết quả. Trường luôn được xếp hạng khá của giáo dục THPT toàn tỉnh, cả về chất lượng dạy và học, đặc biệt là về nền nếp.
Thầy Khánh luôn nhắc nhở cán bộ, giáo viên của trường phải tận tâm, tận lực với thiên chức , phải thực sự yêu thương học sinh như con em của mình, phải dạy và học một cách thực chất, chứ không phải đối phó chạy theo thành tích nhất thời.
Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị), nơi thầy giáo Thái Quốc Khánh từng là hiệu trưởng - Ảnh: P.X.D |
Thầy Khánh tâm sự: “Trường mang tên một nhà cách mạng, một liệt sĩ đã tận hiến đời mình cho Tổ quốc nên nhà trường càng chú trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Còn về triết lý giáo dục, tôi tâm đắc với phương châm tam tự: Tự tin, tự trọng và tự tôn, đó là điều tâm huyết mà các thầy cô muốn gửi gắm đến học sinh của mình. Đương nhiên mình cũng tham khảo những điều hay của thế giới trong thời kỳ mở cửa và hội nhập”.
Còn nhớ năm 2021, anh Phạm Dương - Hội trưởng Hội phụ huynh Trường THPT Lê Thế Hiếu tâm sự rằng: “Phụ huynh hết sức yên tâm khi gửi gắm con em mình cho các thầy cô nơi đây. Dù là trường miền núi nhưng nội quy nghiêm túc, dạy ra dạy, học ra học, thầy ra thầy, trò ra trò. Học trò không những được giáo dục kiến thức, kỹ năng mà còn được truyền dạy tình người, lòng nhân ái”.
Chị Trần Thị Ái Quỳnh, một phụ huynh có các con học ở đây chia sẻ: “Nhiều gia đình có điều kiện cho con học ở các trường thành thị với nhiều thuận lợi hơn. Nhưng nói về tinh thần dạy và chăm lo học sinh thì Trường THPT Lê Thế Hiếu là một “địa chỉ đỏ”. Tôi rất yên lòng, nếu tôi quay lại thời học trò cũng sẽ chọn ngôi trường này”.
Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 12 nói đầy xúc cảm: “Em nhớ nhất dịp 26/3 trường tổ chức cắm trại. Nhờ vậy mà chúng em hiểu hơn về nhau và hiểu thêm các thầy, cô giáo của trường. Đúng là ngoài thiên chức dạy học, các thầy cô đều xem học sinh như những đứa em của mình. Điều đó thật quan trọng với lứa tuổi học trò. Xa trường, chắc em nhớ lắm!”.
|
Một điều đáng ghi nhận là Trường THPT Lê Thế Hiếu trong thời kỳ thầy Khánh làm Hiệu trưởng, mỗi lần các em lớp 12 về thị trấn Cam Lộ thi tốt nghiệp THPT, trường đã không thu thêm kinh phí như nhiều trường khác mà thầy hiệu trưởng còn tặng mỗi em 10.000 đồng uống nước để động viên các em thi tốt.
Thầy Khánh chia sẻ: “Mình đi coi thi đã có chế độ Nhà nước, không việc gì phải thu thêm của phụ huynh. Còn chuyện tặng các em tiền uống nước là tiền riêng cá nhân tôi, lấy từ công tác phí của bản thân, không phiền ai cả”.
Giáo dục tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc
Trường mang tên nhà cách mạng Lê Thế Hiếu, có nhà bia tưởng niệm ngay trong khuôn viên của trường. Thầy hiệu trưởng duy trì thường xuyên việc thắp nhang cho người đã khuất, qua dó giáo dục truyền thống cho học sinh.
Đặc biệt trường THPT Lê thế Hiếu là trường có sáng kiến mời các cựu chiến binh của trận Gạc Ma lịch sử xảy ra vào 14/3/1988 đến giao lưu. Năm 2017, trường mời hai cựu binh Gạc Ma là ông Trần Thiên Phụng (Quảng Trị) và ông Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh) đến giao lưu với giáo viên, học sinh của trường. Buổi tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma và nghe các nhân chứng lịch sử nói chuyện diễn ra thật trang trọng, ý nghĩa và xúc động, được dư luận hết sức đồng tình, các đài, báo địa phương và Trung ương đã ghi nhận và biểu dương một cách làm hay, thiết thực trong việc truyền cảm hứng yêu nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay, rường cột của quê hương, đất nước mai sau.
Anh Từ Linh Nhân, một học sinh cũ đã nói về sự kiện này của Trường THPT Lê Thế Hiếu: “Là một người từng học thầy Thái Quốc Khánh, tôi rất kính trọng thầy bởi đây là con người tận tụy và công chính. Riêng việc tổ chức lễ tưởng niệm Gạc Ma là một việc làm cần nhân rộng để lớp trẻ hiểu hơn truyền thống yêu nước và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Ngành Giáo dục rất cần những người như thầy Thái Quốc Khánh”.
Bây giờ đã về hưu nhưng thầy giáo Thái Quốc Khánh vẫn luôn đau đáu với sự nghiệp giáo dục, vẫn nhớ về những mái trường mình đã công tác. Một người con đã nối nghiệp thầy làm cô giáo và con út là sĩ quan quân đội sắp sánh duyên với một cô giáo đang công tác ở miền Nam. Con cái đã thừa hưởng những điều tốt đẹp từ người cha, người thầy Thái Quốc Khánh.
Video: Học sinh khoá 2008-2011 Trường THPT Lê Thế Hiếu hát tri ân thầy cô trong lễ tổng kết. Thời điểm này thầy Thái Quốc Khánh đang là Hiệu trưởng Nhà trường. (Nguồn: Facebook THPT Lê Thế Hiếu)
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: "Tạp chí luôn trăn trở để thích nghi, tìm tòi để lớn mạnh" Đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh chặng đường 94 năm Tạp chí Lao động và Công đoàn có những thăng trầm nhưng điều đọng ... |
Sơn La: Điểm sáng công đoàn vì lợi ích đoàn viên Qua 10 năm hoạt động, Công đoàn Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc ngày càng khẳng định rõ vai trò đồng hành cùng doanh ... |
Tuyển chọn 80 ứng viên thực tập sinh hộ lý Nhật Bản Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) vừa thông báo tuyển chọn 80 ứng viên Chương trình thực tập sinh hộ lý Nhật Bản năm ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 23/09/2024 20:57
Ít nhất 2 ngôi làng với 211 nhân khẩu ở hai huyện Nam Trà My, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam phải di dời khẩn cấp khỏi vùng sạt lở. Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo xử lý tình trạng sạt lở, sớm ổn định đời sống người dân.
Đời sống - 23/09/2024 15:57
Đồng bào ở trong và ngoài nước đang hướng về Làng Nủ, sẻ chia mất mát với những người còn sống...
Người lao động - 22/09/2024 09:25
Nhiều năm sau này, khi nhắc về Làng Nủ, người ta sẽ nhắc về một bản làng xinh đẹp, nhưng không may phải hứng chịu trận đại hồng thủy, cuốn trôi tất cả. Ở đó có một Làng Nủ tang thương nhưng vẫn kiên cường, trong gian khó vẫn sáng lên tình người và hy vọng về một tương lai hồi sinh.
Người lao động - 20/09/2024 19:01
Công ty TNHH MSV ở Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều hoạt động khích lệ người lao động hăng say lao động sản xuất.
Đời sống - 19/09/2024 06:38
Ngày 18/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, có những điểm mưa như trút nước. Các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế có những chỉ đạo, biện pháp ứng phó để đảm bảo an toàn cho công nhân, lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đời sống - 18/09/2024 16:29
Trước tình hình mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều đoàn viên, người lao động gặp khó khăn khi di chuyển, làm việc.