Một địa chỉ thân thương

Một địa chỉ thân thương

Ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, không mấy người không biết “mái ấm” Bà Rá của ông Bùi Quang Ánh và Công đoàn cơ sở (CĐCS) xã Phước Tân. Có lẽ đây là mô hình đặc biệt kết hợp giữa công đoàn và một người giàu lòng thiện nguyện. Hai bên cũng khai thác, thu hút được nhiều nguồn lực để giúp đỡ những đứa trẻ không may mắn, những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

“Mái ấm” của tình người

Chứng kiến tận mắt “mái ấm” Bà Rá tràn đầy tình yêu thương nơi núi rừng hoang sơ, điều có được nhờ sự chung tay giúp sức của CĐCS xã Phước Tân và ông Bùi Quang Ánh, các “mạnh thường quân”, tôi tin những điều tốt đẹp có thật trên đời.

Đây là “mái ấm” ngoài công lập do ông Bùi Quang Ánh (sinh năm 1967) thành lập và cùng CĐCS xã Phước Tân quản lý, với mong muốn hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn, người già neo đơn không nơi nương tựa, bệnh nhân nghèo và trẻ mồ côi. Năm 2017, ông Ánh bán đất ở TP Hồ Chí Minh về Phước Tân mua đất, xây dựng “”.

“Thời gian đầu, tôi không nhận được sự đồng tình của gia đình. Vợ và con đều ngăn cản vì sợ tôi cực khổ, không làm nổi, nhưng sau một thời gian thuyết phục, cả nhà đã ủng hộ”, ông Ánh nói.

Cán bộ CĐCS xã Phước Tân, ông Ánh và các nhà hảo tâm tặng quà, suất ăn cho bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước.

Một địa chỉ thân thương

Vẫn theo ông Ánh, “mái ấm” cũng không hoạt động được nếu thiếu sự chung tay góp sức của CĐCS xã Phước Tân, LĐLĐ huyện Phú Riềng.

“Sự hỗ trợ này lớn lắm, vô hình có, hữu hình có. Từ động viên, giúp đỡ thủ tục mua đất đến xây dựng phương thức quản lý, cộng đồng trách nhiệm; từ ủng hộ vật chất tới ủng hộ tinh thần. Nhiều người nghĩ đây là cơ sở của tôi, nhưng phải nói của cả CĐCS xã Phước Tân nữa mới đúng”, ông Ánh bày tỏ.

Hiện “mái ấm” có khoảng 50 người già neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo. Trong đó có 9 trẻ em dưới 15 tuổi đang học từ lớp 1 đến lớp 4; 3 người có tiền sử về bệnh thần kinh, còn lại đa số là người già, người mắc bệnh nan y. Rất nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân, nhất là người từ Campuchia di cư về và trẻ mồ côi.

Anh Lê Quang Điền, ở thôn 5, xã Long Hà, huyện Phú Riềng là một trong số đó và được “mái ấm” cưu mang giữa lúc bệnh tật. Khi khỏi bệnh, anh đã tìm việc quanh khu vực để có cơ hội gắn bó với “mái ấm” mà với anh đã là một địa chỉ thân thương.

“Lúc đó em bi quan muốn từ bỏ cuộc sống. Em bị bệnh, không có tiền cứu chữa. Các anh chị công đoàn ngày nào cũng vào thăm, động viên, tiếp sức cho em nên em mới từ bỏ ý định quên sinh. Hiện em đang làm tại một công ty chế biến điều trên địa bàn”, anh Điền nghẹn ngào nói.

Đến thăm “mái ấm” Bà Rá vào những ngày này, chúng tôi thêm hiểu những việc làm vô cùng ý nghĩa của ông Ánh và CĐCS xã Phước Tân. “Mái ấm” Bà Rá đón nhận , “màn trời chiếu đất”. Có những người nhà cửa đàng hoàng nhưng lại trắng tay vì lý do nào đó. Có người không may mắn mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc sinh ra không biết cha mẹ mình là ai và những người mắc bệnh hiểm nghèo, những hoàn cảnh éo le do bệnh tật, không có tiền chữa trị...

“Tôi coi "mái ấm" là ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi đi lang thang và được đưa về đây. Ông Ánh, CĐCS xã cư xử, đối đãi với mọi người rất tốt. Mọi người cũng coi ông và CĐCS xã như người thân của mình. Mọi việc từ ăn uống đến chạy chữa khi có người bệnh đau, tất cả đều do ông và công đoàn lo liệu. Tôi đã gặp rất nhiều người tốt nhưng không thấy ai tốt như ông và CĐCS ở đây”, ông Võ Đình Dũng (sinh năm 1968), một thành viên “mái ấm” bày tỏ.

Điều đặc biệt, ở “mái ấm” còn có cả đoàn viên của CĐCS xã Phước Tân, đó là anh Lê Văn Hậu. Anh Hậu cho biết, anh có hai con nhỏ, vợ bệnh tật quanh năm, đời sống vô cùng khó khăn. Chia sẻ với anh, CĐCS xã Phước Tân và ông Ánh đã giúp đỡ, cưu mang nên anh có khoản kinh phí nuôi hai con nhỏ ăn học thành người; cuộc sống gia đình anh đỡ khó khăn hơn.

“Nhưng mấy năm nay tôi bị liệt không thể kiếm sống được nên ông Ánh và CĐCS xã Phước Tân đưa về đây. Đến nay cũng hơn một năm rồi”, anh Hậu nói.

“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”

Bên cạnh việc trang trải mọi sinh hoạt trong “mái ấm”, CĐCS xã Phước Tân và ông Ánh còn tích cực đóng góp, ủng hộ các bếp cơm từ thiện ở bệnh viện. Từ năm 2017 đến nay, đều đặn mỗi tuần vào các buổi sáng thứ tư và chiều thứ sáu, ông Ánh cùng nhóm “Tương chao, đậu hũ” của mình nấu 400 suất ăn miễn phí phát cho bệnh nhân nghèo của bếp cơm từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và khoảng 150 suất ăn vào các buổi chiều thứ bảy cho bệnh nhân nghèo điều trị ở Trung tâm Y tế thị xã Phước Long.

“Tiếng lành đồn xa”, “mái ấm Bà Rá” và việc làm của ông Ánh, CĐCS xã Phước Tân đã lan tỏa, thu hút các “mạnh thường quân”. Nhờ đó, “mái ấm” có thêm nguồn lực trang trải cho các hoạt động của mình.

“Tôi thấy việc làm của ông Ánh và công đoàn rất ý nghĩa, nên tôi chủ động tham gia và kêu gọi bạn bè, người thân góp tiền, công sức cùng ông Ánh làm những ”, bà Nguyễn Thị Mai ở thị xã Phước Long, Bình Phước nói.

Một địa chỉ thân thương

Vợ chồng ông Bùi Quang Ánh với các cháu nhỏ của “mái ấm”.

Ông Hồ Văn Nhật, Chủ nhiệm Bếp cơm tình thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Binh Phước xúc động cho biết: “Tôi rất bất ngờ với “mái ấm” Bà Rá của ông Ánh và CĐCS xã Phước Tân. Việc làm của ông và CĐCS ở đây quá lớn lao. Mở một “mái ấm” không phải đơn giản vì ngoài cái tâm còn đòi hỏi phải có nguồn lực chăm lo cho “mái ấm”. Ông Ánh còn chia sẻ hàng trăm suất ăn mỗi tuần với người bệnh ở bệnh viện. Thật đáng khâm phục”.

Nói về mong ước của mình, ông Ánh chia sẻ: “Rất mong chính quyền địa phương quan tâm cấp cho “mái ấm” giấy tờ hoạt động cũng như xác nhận cho những trường hợp không có giấy tờ tùy thân để mua bảo hiểm y tế. Vì “mái ấm” có hơn hai phần ba là người già và người bệnh, mỗi lần người bệnh đau đi bệnh viện phải “chạy tiền” khắp nơi để lo. Điển hình, tháng 11/2020, ông Nguyễn Hoàng Long, đoàn viên CĐCS xã Phước Tân lên cơn hen suyễn phải nhập viện điều trị hơn 1 tháng với chi phí gần 35 triệu đồng. Tôi và CĐCS xã phải nhờ đội công tác xã hội của bệnh viện kêu gọi hỗ trợ tiền viện phí, còn lại nhờ các nhà hảo tâm, bạn bè giúp đỡ”.

Những năm qua, LĐLĐ huyện Phú Riềng cũng vận động, góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và chia sẻ cùng “mái ấm”. Chị Trần Thị Hảo, ở thôn 5, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng tâm sự, gia đình chị có bố mẹ già yếu, bệnh tật, ba con nhỏ đang tuổi ăn học, chị không có việc làm ổn định. Sức người có hạn, ngôi nhà của chị được xây dựng từ hàng chục năm trước đã xuống cấp nghiêm trọng. May mắn, chị được LĐLĐ huyện Phú Riềng, đặc biệt là CĐCS xã Phước Tân và ông Ánh giúp kinh phí, công sức để xây dựng một căn nhà nhỏ, khang trang.

Anh Trương Văn Cương, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Riềng khẳng định: “Chúng tôi luôn quan tâm, động viên những đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.

Cán bộ CĐCS xã Phước Tân và các “mạnh thường quân” tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại “mái ấm” Bà Rá.

Một địa chỉ thân thương

Để có nguồn thu nhập ổn định trang trải sinh hoạt hằng ngày cho “mái ấm”, CĐCS xã Phước Tân đã đứng ra giúp ông Ánh mua 7 ha đất trồng mì, điều, cao su các loại. Do giá nông sản giảm, hiện ông đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sầu riêng. Hơn 3 năm qua, ngoài nguồn lực tự thân, để duy trì mái ấm hoạt động ổn định, ông Ánh cũng được xã Phước Tân, huyện Phú Riềng ủng hộ, hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm và tiền mặt. LĐLĐ tỉnh Bình Phước và huyện Phú Riềng cũng chung sức cùng “mái ấm”, nhờ đó, “mái ấm” Bà Rá vẫn tiếp tục đón nhận thêm nhiều mảnh đời nghèo khó.

Anh Lê Văn Hiền, cán bộ CĐCS xã Phước Tân cho biết: “Thực hiện kế hoạch “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn“ và triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả “Tháng Công nhân năm 2021” nhằm chăm lo, phục vụ đoàn viên, NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn xã; CĐCS xã cùng LĐLĐ huyện Phú Riềng sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế, Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho những người ở “mái ấm” Bà Rá và CNLĐ các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, mỗi công nhân sẽ được trao tặng 01 phần quà gồm đường, sữa trị giá 100.000 đồng/phần”.

Chia tay CĐCS xã Phước Tân và ông Ánh, cũng là đoàn viên công đoàn, lòng tôi tràn ngập niềm tự hào về tổ chức của mình. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Với tôi, cuốn đi, ấy cũng là đọng lại...

Một địa chỉ thân thương
Ảnh: NVCC

Bài viết: Xuân Hiệp

Cả 3 công nhân tử vong đều nuôi con nhỏ Cả 3 công nhân tử vong đều nuôi con nhỏ

Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh và công đoàn cơ sở đã thăm hỏi, hỗ trợ 3 công nhân tử vong trong vụ cháy ...

Học lớp 6 mà đọc, viết không được là do bệnh thành tích còn nặng Học lớp 6 mà đọc, viết không được là do bệnh thành tích còn nặng

Một lần nữa dư luận lại xôn xao vụ có 6 học sinh lớp 6 đọc, viết khó khăn, có chữ đọc được, chữ không ...

Gần 32 triệu người chưa tham gia BHXH Gần 32 triệu người chưa tham gia BHXH

Tính đến hết tháng 12/2020, cả nước vẫn còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia