|
Nhiều người lao động ngoại tỉnh mong muốn xây dựng một tổ ấm an yên cùng gia đình để gắn bó lâu dài tại Đà Nẵng. Vậy nhưng, để làm được điều đó, công nhân, người lao động trước hết phải có nơi “an cư” phù hợp với điều kiện của mình. |
Nhu cầu lớn về nhà ở |
Dọc tuyến đường Âu Cơ gần KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu là nơi tập trung của rất đông công nhân, người lao động thuê trọ sinh sống. Đây cũng là nơi mà anh Đặng Văn L. (quê Quảng Nam, công nhân Công ty Lắp ráp điện tử tại KCN Hòa Khánh) gắn bó hơn 10 năm qua. Anh L. tâm sự, khi gia đình khó khăn không đủ chi phí để học tập, anh quyết định nghỉ học và đến Đà Nẵng để tìm công việc. Hơn 1 năm làm “thợ đụng”, anh L. chuyển trọ đến chỗ ở hiện nay và nộp đơn xin làm công nhân tại công ty. Từ cơ duyên đó, anh đã có nhiều năm gắn bó và dành tình cảm với chỗ ở này. Tuy vậy, anh L. cũng không thôi lo lắng vì sự xuống cấp của dãy trọ mỗi mùa mưa bão. Từ nhiều năm qua, một góc nhỏ trong phòng trọ đã trở thành nơi anh L. dự trữ gạch đá để... chống ngập. Nền phòng trọ thấp hơn do mặt đường được nâng cấp nên không ít lần mưa lớn khiến nhiều vật dụng của phòng anh “bơi” trong nước. |
Anh L. gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt vì căn phòng trọ quá nhỏ. |
“Mùa mưa lớn năm ngoái, đang nằm ngủ thì tôi giật mình tỉnh giấc thấy nước đã tràn vào phòng từ bao giờ. Tôi vội gọi mọi người cùng dãy trọ dậy đi tìm gạch, đá kê các đồ điện tử của phòng lên cao. Từ đó đến nay thì tôi luôn giữ số gạch đó trong phòng, khi nào cảm thấy mưa lớn quá là phải kê vật dụng lên cao”, anh L. kể. Cũng bởi mưa lớn kéo dài, mái tôn của phòng trọ bị thấm dột khiến căn phòng nhỏ trở nên ẩm ướt và phải dùng nhiều xô chậu để hứng nước mưa. Tình trạng xuống cấp này không chỉ riêng phòng anh L. mà những căn trọ khác cùng dãy cũng chung số phận. Sinh hoạt bất tiện là vậy, song khi được hỏi lý do sao không tìm căn phòng trọ mới khang trang hơn hay đề nghị chủ nhà trọ tu sửa, anh L. chỉ lắc đầu. Anh tâm sự: “Ngày trước khi mới đến ở, căn phòng này cũng khá ổn nhưng thời gian lâu khiến dãy trọ xuống cấp. Chủ trọ cũng vài lần nói sẽ tu sửa nhưng không thể hết được, nay dịch bệnh khó khăn thì không có kinh phí. Hơn 10 năm gắn bó tại đây, so với mặt bằng chung, tôi được thuê với giá rẻ hơn. Bây giờ lương tháng phải gửi về cho vợ lo cho 2 con ở quê ăn, học nên tôi càng phải chi tiêu tiết kiệm”. |
Số tiền dành cho việc chi tiêu chỉ chiếm phần nhỏ, trong đó, khoảng tiền cứng dành cho việc thuê nhà cũng được anh L. tính toán cẩn thận. Vì vậy, việc tìm nơi ở mới khang trang hơn cũng trở thành điều xa vời với những công nhân như anh L.. Sắp đến đây, anh L. dự tính sẽ đưa vợ và hai con ra Đà Nẵng sinh sống. Căn phòng trọ chật chội này sẽ đón thêm thành viên và là nơi nương náu cho gia đình 4 người của anh L.. Điều này khiến anh trăn trở thời gian dài với mong muốn tìm được nơi “an cư” cho gia đình. “Mình tôi thì sao cũng được, nhưng có gia đình ra ở cùng thì phải tìm chỗ ở phù hợp. Mong muốn lớn nhất của tôi vẫn là có được chỗ ở tốt hơn với giá cả hợp lý cho các con sinh hoạt, phát triển. Tôi sẽ yên tâm để làm việc lo cho cuộc sống”, anh L. tâm sự. Mong ước của anh L. cũng là mong ước chung của nhiều người lao động đang sinh sống tại các dãy trọ xuống cấp tại Đà Nẵng. Tìm được nơi “an cư”, nhiều người lao động sẽ gắn bó lâu dài hơn với thành phố. |
Nỗ lực để công nhân được"an cư" |
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng thì nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động là cấp thiết. Đà Nẵng cũng ban hành kế hoạch về việc triển khai chiến lược phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 6 khu công nghiệp, tuy nhiên phần lớn công nhân phải ở trọ hoặc ở các khu dân cư xuống cấp, đặc biệt không đảm bảo chất lượng, nhu cầu sinh hoạt trong mùa mưa bão. Thành phố có chủ trương và giải pháp thu hút đầu tư của các Nhà đầu tư trong và ngoài nước cho căn hộ, nhà ở xã hội công nhân, người lao động thuê. Ngoài công trình nhà ở trên KCN Hoà Cầm thì tại KCN Hoà Khánh, các doanh nghiệp cũng đầu tư một số công trình nhà ở cho công nhân thuê. |
Tuy nhiên, với khả năng và tài chính tích luỹ của công nhân thì việc mua hay thuê các căn hộ của doanh nghiệp đầu tư còn hơi cao so với khả năng của họ. Nếu như từ nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội giá ưu đãi và hỗ trợ hơn thì công nhân và người lao động sẽ thuê nhiều hơn. “Tổ chức Công đoàn cũng tiếp tục tìm kiếm các khu vực để phối hợp với các đơn vị như Ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, tham mưu đề xuất với lãnh đạo thành phố khu vực quy hoạch, bố trí khu đất có nhà ở cho công nhân. Trong Quyết định 1729 của Thủ tướng Chính phủ cũng có mục tiêu là từ năm 2025-2026 trở đi thì tất cả các KCN trên cả nước đều phải có thiết chế Công đoàn trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Vì vậy, các cấp Công đoàn thành phố đang nỗ lực để giúp công nhân thực hiện mong ước “an cư lạc nghiệp””, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cho biết. |
Ông Nguyễn Duy Minh đã đề xuất nghiên cứu sử dụng tiền lãi đầu tư của Quỹ BHXH để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động mua hoặc thuê trước Quốc hội. |
Ngoài ra, mới đây (27/10), trong phát biểu thảo luận trước Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020, ông Nguyễn Duy Minh đã đề xuất nghiên cứu sử dụng tiền lãi đầu tư của Quỹ BHXH để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động mua hoặc thuê. Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn, ông Minh cho rằng việc sử dụng tiền lãi của Quỹ BHXH đầu tư thì không làm giảm số dư tích luỹ của quỹ, việc này Quốc hội và Chính phủ đang triển khai hình thức để đầu tư để tăng khả năng sinh lợi và an toàn. Trước nhu cầu lớn từ người lao động ở nhiều địa phương có KCN thì việc sử dụng lãi này để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động là hợp lý. “Trước đây Chính phủ đã có chiến lược phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên trong thực tế triển khai còn một số việc chưa đáp ứng được nhu cầu, cho nên sử dụng tiền lãi từ đầu tư của quỹ BHXH sẽ giảm áp lực chi tiêu ngân sách Nhà nước”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng nhận định. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Duy Minh vấn đề này cần phải nghiên cứu cụ thể, có báo cáo Quốc hội và Chính phủ cho ý kiến để làm kỹ hơn chứ không phải là đầu tư được ngay. |