Top 10 game có thưởng khi tải về - game doi thuong

e magazine
20/07/2023 20:58
Miếng ăn, máu và nước mắt

20/07/2023 20:58

Trong hành trình làm báo của mình, tôi vẫn gặp những cảnh đời quá cơ cực để mưu sinh, đến mức phải buột lên một câu ngửa cổ cảm thán: Miếng ăn, máu và nước mắt!

Miếng ăn, máu và nước mắtMiếng ăn, máu và nước mắt

Mới chưa đầy 16 tuổi, gầy gò và lấm lét trong mọi lần tôi nhìn thấy cậu bé. Quê tít mãi xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, đang học lớp 8 thì bỏ ngang, Duy đi theo anh trai và chị gái, vượt cả nghìn rưỡi cây số để đến huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh làm thuê. Cái tuổi “trẻ em như búp trên cành”, không được học hành tiếp đã đành, lại bị đối xử quá tàn ác khi cắm mặt đi làm thuê ở quán “Bánh xèo Miền Trung”. Gần nhà cậu có ông anh nữa, cũng thông qua quen biết, được chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, cùng người tỉnh Quảng Ngãi) “chiêu mộ” vào làm bưng bê phục vụ tại quán bánh xèo của chị ta và chồng (tên là Vũ).

Chúng tôi bắt đầu điều tra từ cuối năm 2020. Chuyện gì diễn ra trong quán bánh xèo đó, sẽ mãi là một bí mật, nếu tình cờ không có cô bé Dưỡng là công nhân khu công nghiệp đi ăn quà vặt, quan sát, trò chuyện với các cháu, rồi bỗng thảng thốt linh cảm điều gì rất xấu. Chị chủ quán rất khéo tay, nghe nói đó là bánh “truyền thống” ở xứ chị đã sinh ra, gia đình mở mấy quán trong cả khu vực Yên Phong, phát tài ra phết. Hai cậu bé “bồi bàn” rất nhanh nhẹn và chu đáo.

Miếng ăn, máu và nước mắt

Cháu Duy đầy thương tích khi làm bồi bàn phục vụ thực khách tại quán Bánh xèo Miền Trung - Ảnh: Hoàng Quân

Vài lần, Dưỡng bắt đầu để ý ánh mắt lấm lét của cậu bé gầy gò, đặc biệt trên tay, vai và cả mặt của các cậu bé có khá nhiều vết sẹo cũ, cả vết đứt da thịt mới còn mưng mủ, có vết khâu y tế trên da. Rõ ràng là bị thương nặng và phải đi điều trị hẳn hoi. Tai nạn lao động hay ai đó đã tra tấn các cậu bé? Dưỡng và bạn cứ chịu khó gọi thêm đồ ăn uống để lựa lúc ông bà chủ bận chế biến bánh xèo hoặc giao dịch với khách thì tranh thủ nói chuyện với hai cậu bé thuê. Cậu bé tiết lộ là bà chủ đánh em đấy. Rồi như biết mình lỡ miệng, cậu bỏ ra sau nhà rửa bát và không quay lại nữa. Linh cảm có chuyện chẳng lành, lập tức Dưỡng gọi điện, tố cáo đến hơn chục đơn vị mà cô bé nghĩ là có thể sẽ ra tay cứu các cậu bé được (nếu việc tra tấn có thật). Cuối cùng, không thể chờ đợi “hồi âm” được nữa, Dưỡng đã gọi cho nhóm nhà báo điều tra chúng tôi.

Miếng ăn, máu và nước mắtBàn tay của lao động trẻ quán bánh xèo bị thương tích và phải đi khâu - Ảnh: Hoàng Quân

Quán “Bánh xèo miền Trung” mọc lên ở Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chỉ vài chục cây số. Kế bên có quán cà phê, kế nữa có một cái nhà nghỉ, sân đỗ xe gần quán cũng kha khá lớn, vì các dịch vụ thời thượng này là phục vụ một khu công nghiệp ồn ào và đông đúc có tiếng của miền Bắc. Chúng tôi cắt cử nhau, người ngồi ngoài xe quan sát, người thuê nhà nghỉ dùng ống nhòm theo dõi động tĩnh; người lấy lý do uống cà phê, trốn lên nóc quán quay xuống theo dõi việc “hành hạ” các cậu bé. Và từ sự phục kích này, câu chuyện mưu sinh của lũ trẻ hiện ra như những thước phim câm buốt lòng (vì quan sát từ xa nên hầu như không có âm thanh).

Miếng ăn, máu và nước mắtCả hai tay của Đức đều đầy vết thương, khi chúng tôi đóng vai thực khách đến tiếp cận lần đầu - Ảnh: Hoàng Quân

Cháu Trương Quang Duy (chưa đầy 16 tuổi) được anh trai rủ ra Bắc Ninh làm ăn. Duy vào quán bánh xèo phục vụ. Võ Văn Đức (cùng quê) cùng được số phận đem dạt về góc quán xập xệ đó cùng thời điểm. Bỏ học, nhà nghèo, bố Duy là anh Trương Quang Thái bị chứng bệnh tâm tầm ngơ ngẩn - đến mức có cả sổ bệnh nhân tâm thần. Mẹ Duy mất sớm. Các cháu bị “ném” vào đời một cách thẳng tay và có gì đó quá ư nhẫn tâm và tuyệt vọng. “Đi làm thế này, chưa cần tính đến tiền công, cứ bớt một miệng ăn cho cái nhà nghèo ấy, là đã vui rồi!”. Khi biết tin các cháu bị tra tấn như tội nhân thời trung cổ, chúng tôi gọi cho lãnh đạo xã tìm người nhà, cũng chẳng ai có ý định ra thăm. Hơn nữa, muốn đi cũng không có tiền. Hết cách, tôi và luật sư Tạ Ngọc Vân, bèn thuê ô tô, mua vé máy bay khứ hồi mời ông bà bác (nôm na là anh em ruột ông bà nội) các cháu ra Hà Nội. Họ đều là những người lần đầu ra Thủ đô và lần đầu đi máy bay.

Miếng ăn, máu và nước mắtNgười nhà từ Quảng Ngãi được các nhà hảo tâm đài thọ ra Bắc Ninh thăm nạn nhân - Ảnh: Hoàng Quân

Miếng ăn, máu và nước mắt

Duy, Đức vào phụ việc quán bánh xèo. Đức, hơn 20 tuổi, bị đánh gãy mấy cái răng, khoang miệng cậu lởm chởm. “Chủ” còn dùng cả cái bàn chông sắt để đánh vảy cá mà bỗ vào lưng cậu bé, chi chít vết đâm chưa lành mến. Trốn ra ngoài, vạch lưng cho chúng tôi xem, Đức khiến tôi thật sự… rợn người. Đêm cũng phải làm việc đến gần sáng. Hàng xóm kể, cứ 1-2 giờ sáng là bà chủ đem hai cậu ra đánh, chửi, ý là “chấn chỉnh” mọi thứ một ngày vừa xong và ra lệnh cho ngày mới.

Mỗi ngày Đức chỉ được lái xe máy cà tàng ra khỏi nhà 5 phút, ấy là lúc sắp đóng cửa quán, gần 0 giờ. Để đỡ phải thu gom rác để trước cửa và tốn tiền cho lao công hàng tháng. Cậu bé xách các túi rác đi vứt ngoài bãi công cộng, sau 5 phút mà chưa thấy về là chồng chị chủ phi xe máy đi tìm. Họ giám sát, thu điện thoại, là bởi sợ thông tin “tra tấn” lọt ra ngoài; khi các cậu bé bị máu me đau quá, họ cũng sợ lộ mà đem đi khâu ở chỗ quen biết, tránh ra viện “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Các lao động vị thành niên và trẻ tuổi ở quán bánh xèo này bị “giam lỏng” theo đúng nghĩa. Chúng tôi rình Đức đi ra khỏi nhà để tiếp cận, cậu bé há miệng chỉ vào từng cái răng gãy mẻ, nói về việc tra tấn gãy răng. Có lần, nghi Đức ăn trộm điếu thuốc lá, chủ nhà lôi cậu bé ra đánh, rồi treo tấm bìa các -tông trước ngực viết rõ “Đồ ăn cắp” để xỉ nhục. Không chỉ bị hành hạ về thể xác, các cậu bé còn bị tra tấn về tinh thần.

Đêm, chúng tôi nằm trên gác xép tối tăm để xem có thật sự các cậu bé bị hành hạ, quỵt lương, tra tấn như dư luận đồn thổi. Lúc đầu họ còn nhìn thấy, vì lỗ giữa nhà dân và khu quán bánh xèo lợp tôn khá lớn. Rồi chủ quán biết ý bịt hết các khe hở lại để tránh “dư luận”.

Miếng ăn, máu và nước mắtLưng của Đức đầy vết thủng do bị tra tấn bằng bàn chông cạo vảy cá - Ảnh: Hoàng Quân

Hơn một lần tôi đã đặt vấn đề, hay là Tuyết bị tâm thần nên mới thế. Tôi đã ứa nước mắt, khi mà trời gần về sáng, Đức vẫn bị bắt ở trần trùng trục ngồi rửa bát đũa, cốc chén cho cả một cái quán bánh xèo đông khách vô cùng như thế. Nước xối ào ào, cậu bé làm hùng hục. Bát, đũa, đĩa, ché, cốc, thìa… xếp cao chất ngất. Và cơn đói ập đến, tôi lặng đi (!): Đức vớ lấy thức ăn thừa bỏ vào miệng thoăn thoắt, bao nhiêu cốc nước ngọt, Coca thừa, Đức “tấp” cả vào miệng mình. Nâng cốc, uống cạn, bỏ cốc xuống, nâng cốc khác. Cậu ăn uống vội vàng và liên tục như một con rô-bốt.

Không thể nào tin ở thời buổi này vẫn có những trẻ em - lao công tí hon, người làm thuê bị bạc đãi tàn nhẫn đến mức đó. Ngạc nhiên hơn, người phụ nữ gây ra vụ này có cái tên có vẻ dịu dàng “Ánh Tuyết” và bấy giờ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Ngày 21/6/2022, Toà án Nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt Tuyết mức án 30 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Miếng ăn, máu và nước mắt

Kết thúc hành trình đi làm thuê ở cách nhà hơn nghìn cây số của hai cậu bé “nhân viên quán bánh xèo” tạm thời có vẻ “có hậu”. Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm. Lại thêm việc cháu Duy quá hoang mang hoảng loạn, đã bỏ trốn khỏi quán bánh xèo, đi lạc trong khu dân cư, khi đói khát và mình đầy thương tích, được người dân cho ăn uống, cho quần áo mặc và trình báo công an. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong, các nhà hảo tâm liên tục kéo đến, công an sở tại phải “dẹp đường” vì các hoạt động thiện nguyện tấp nập. Bởi “nghe đồn” về hai cậu bé bị tra tấn như thời trung cổ, ai cũng rớt nước mắt. Chưa đầy 16 tuổi, bé Duy ngồi ne nép bên giường bệnh, băng bó đầy người, tinh thần thật sự hoảng loạn.

Miếng ăn, máu và nước mắtCác nhà hảo tâm và cơ quan chức năng sửa sang nhà cửa cho gia đình cháu Duy tại Quảng Ngãi - Ảnh: Hoàng Quân

Hàng trăm triệu đồng đã được người tốt ủng hộ để chữa trị các vết thương và góp phần “đổ nền móng” cho tương lai các cháu. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đến thăm hỏi, động viên các cậu bé làm thuê bị bạo hành và chỉ đạo xử lý nghiêm những kẻ thủ ác. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi còn quyên góp thêm cả trăm triệu đồng, nhiều đoàn viên đến sửa chữa nhà cửa, vườn tược trên ba sào đất bị bỏ hoang lâu nay của nhà cháu, họ đã trồng thêm 300 cây cau và 200 cây bưởi da xanh, giúp đỡ gia đình khi các cháu hồi hương sau chuyến mưu sinh ám ảnh suốt đời, nhất là với trẻ vị thành niên như cháu Duy. Bố Duy mắc bệnh tâm thần, anh trai và chị gái đều ngoài hai mươi tuổi đầu, cùng đi làm thuê khổ sở như Duy ở tỉnh Bắc Ninh. Khi Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đến nhà thăm, đồng chí đã đề nghị các cấp các ngành cùng chung tay, đưa cháu Duy đi học trở lại, vì cậu bé mới học lớp 8 thì đã phải đi kiếm ăn, với hy vọng có tiền về chăm sóc ông bố bệnh tật…

Tương tự, Võ Văn Đức cũng được hỗ trợ pháp lý, ủng hộ về tái chính để ổn định cuộc sống và nghề nghiệp.

Miếng ăn, máu và nước mắt

Cháu Trương Quang Duy, sau khi được giải cứu, sửa sang nhà cửa, vườn tược, đã được cơ quan chức năng hết lòng giúp đỡ để tiếp tục đi học lớp 8 tại quê nhà Quảng Ngãi. Và, đến nay, cháu đã học xong lớp 9 rồi đi học nghề tại Trường Cao đẳng Cơ giới và sẽ sớm được giúp đỡ để làm việc trong một công ty uy tín với phúc lợi xã hội đầy đủ và nhân văn. Số tiền đền bù nhận sau phiên toà là vài chục triệu đồng, số tiền nhà hảo tâm giúp đỡ, sau khi sửa sang nhà cửa và chữa bệnh, tổng cộng đến nay vẫn còn khoảng 250 triệu đang được giao cho người đại diện hợp pháp của cháu đứng tên tài khoản khi gửi vào ngân hàng. Bao giờ cháu đủ 18 tuổi sẽ trao trả cho cháu.

Anh trai Duy, cũng đã được làm ở một công ty ở phía Nam, thay vì dẫn hai em (trong đó có Duy) ra làm thuê ở Bắc Ninh và chịu nhiều đày đoạ như trước.

Hai cháu Đức và Duy chỉ là một trong rất nhiều hoàn cảnh bị cái đói nghèo và sự ít học đẩy ra khỏi mái ấm trong những hành trình mưu sinh khổ cực, với cả máu và rất nhiều nước mắt ở đó. Vòng luẩn quẩn nghèo đói - thất học - áo cơm ghì sát đất - đôi khi họ mê muội cho ra đời và chấp nhận các giá trị phản nhân văn trong ứng xử người với người… sẽ vẫn còn và chúng ta còn phải phấn đấu để chống lại tình trạng đó. Nhiều người tốt, nhiều tấm gương có sức truyền cảm hứng đã xuất hiện trong câu chuyện được giải cứu và kết thúc có hậu của Đức, Duy. Nhưng, vẫn còn không ít những trẻ vị thanh niên, những thanh niên nghèo như hai cậu bé còn chưa gặp được cuộc giải cứu may mắn như vậy. Trách nhiệm giám sát xã hội, bảo vệ trẻ em, sự an toàn văn minh trong lao động và sử dụng lao động - cũng như nhiều giá trị Người khác - còn đè nặng lên khát vọng tử tế của tất cả chúng ta.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:

Báo cáo chung của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố ngày 9-6-2021, trên thế giới có 160 triệu trẻ em là đang phải lao động kiếm sống và 9 triệu em khác đang gặp rủi ro do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, trẻ em ở độ tuổi 5-11 phải tham gia lao động đang có xu hướng tăng lên; số trẻ ở độ tuổi 5-17 tuổi làm công việc độc hại tăng từ 6,5 triệu (năm 2016) lên 79 triệu.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến cho trẻ em có nguy cơ phải làm việc nhiều, trong điều kiện xuống cấp, thậm chí là bị bóc lột do thu thập của gia đình bị ảnh hưởng, cha mẹ bị mất việc làm.

Việt Nam còn là một trong số ít quốc gia đang phát triển đã thực hiện điều tra quốc gia về lao động trẻ em (năm 2012 và năm 2018). So sánh hai kỳ khảo sát này, toàn cảnh về lao động trẻ em ở Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Khảo sát năm 2018 cho thấy lao động trẻ em đã giảm từ 9,6% xuống còn 5,3% (thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương). Trong số hơn 1 triệu lao động trẻ em thì có tới 63% trẻ em được tiếp cận giáo dục (tăng gần 20% so với năm 2012); 51,2% trẻ từ 15 đến 17 tuổi; trẻ em trai chiếm 59%, trẻ em gái chiếm 41%; chủ yếu các em sinh sống ở nông thôn (84%).

Ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, lao động trẻ em tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu thuộc khu vực kinh tế không chính thức nên khó phát hiện, kiểm soát và xử lý; 50,4% lao động trẻ em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; bỏ học hoặc chưa từng đi học chiếm 50%.

Nguyên nhân chủ yếu của lao động trẻ em vẫn là tình trạng nghèo. Hầu hết các em đều thuộc hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp, không ổn định hoặc gia đình dễ bị tổn thương như ly hôn, cha, mẹ mắc tệ nạn xã hội, khuyết tật, di cư… Trẻ em tham gia hoạt động kinh tế hay trở thành lao động đã tạo ra rào cản khiến trẻ khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là tiếp cận dịch vụ giáo dục.

PHÓNG SỰ CỦA HOÀNG QUÂN

Ảnh & Video: HOÀNG QUÂN, TRẦN YẾN, TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động