Đã có một miền tưởng niệm thẳm sâu ruột rà với đất thiêng Quảng Trị. Và đi qua những khúc ca bi tráng của chiến tranh, chúng ta hân hoan khi Quảng Trị đệ trình Chính phủ phương án chọn đất này để thiết kế festival hòa bình. Một trang mới an lành sẽ được hứa hẹn mở ra, hoa sẽ nở trên những dấu tích đạn bom để hiến dâng khát vọng thái hòa. |
LÀM "SÁCH THỜ" ĐỒNG ĐỘI Cách đây mấy chục năm tôi đã tìm lại mộ người thân bạn mình là kiến trúc sư Cao Việt Dũng ở Hà Nội. Anh có chú ruột là liệt sĩ Cao Mười, hy sinh tại Quảng Trị khi tuổi mới đôi mươi vừa rời ghế nhà trường dấn thân trận mạc. Chúng tôi vào Hải Lăng cải táng giữa bời bời cát trắng. Khi đưa hài cốt lên tàu hỏa, tôi cầm theo mấy chai rượu Kim Long đưa cho bạn và dặn Cao Việt Dũng: "Ra tới nơi khi mai táng nhớ rót rượu quê Quảng Trị cho chú nhé!". Mấy đứa tôi lên tàu, dùng dằng chia tay, tàu Thống Nhất chỉ dừng lại Ga Đông Hà vài phút rồi tiếp tục hành trình. Vậy là tiễn chú Cao Mười ra tận ga Đồng Hới mới quay lại về nhà. Nhớ lại vẫn rưng rưng! |
Toàn cảnh Thành cổ Quảng Trị tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. |
Lại nhớ một người Hà Nội khác mà tôi may mắn được trò chuyện vào một đêm mùa hè khi tìm hiểu về một công trình được tiến hành bằng cả tâm nguyện của một cựu chiến binh. Và khi tìm hiểu thông tin về một cuốn sách đặc biệt liên quan mật thiết đến Thành Cổ Quảng Trị, tôi tìm cách liên hệ với một cựu binh đặc biệt từng kinh qua trận mạc ở Quảng Trị cũng vào giữa tháng 7. Đó là đại tá Trần Ngọc Long (SN 1941, quê ở Hà Nội), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn) từng vào sinh ra tử. Ông là "hạt gạo trên sàng" còn lại sau 81 ngày đêm năm 1972 khốc liệt chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị, nung nấu ý tưởng làm một cuốn sách về đồng đội đã hy sinh khi đã bảy mươi tuổi, cái tuổi gần đất xa trời. Ông còn là Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 48. |
Độc bản sách Thành cổ Quảng Trị được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. |
"Vì sao tưởng niệm đồng đội đã hy sinh, ông lại chọn cách làm sách mà không phải là một công việc khác, thưa ông?" – tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng thắc mắc như thế. "Đúng vậy, tôi nghĩ nhiều về chuyện này. Vì sao ư? Bởi vì chúng tôi may mắn còn sống sót trở về, nhưng biết bao đồng đội máu xương đã hòa vào đất đai, sông nước. Nhưng nhiều, rất nhiều gia đình mấy chục năm khi chiến sự đã qua vẫn không tìm thấy được người thân đã hy sinh, chỉ trông có một mẫu hài cốt để mà khói hương cũng đành chịu. Tôi muốn làm một cuốn sách nói về Thành Cổ, trong đó có tên những đồng đội đã quên mình vì Tổ quốc. Để các gia đình này có được những cuốn sách gọi là "Sách Thờ", chứ không phải là sách thường, anh có hiểu không?". |
THƯỢNG TƯỚNG ĐỒNG HÀNH "THỦ TRƯỞNG CŨ" "Dạ, nhưng thưa ông, việc làm sách về Thành Cổ Quảng Trị có thể không khó nhưng trong đó, việc đi tìm tên tuổi liệt sĩ là một chuyện lớn, rất phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi thời gian và sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều người. Nhưng với ông, phải làm sao trước một núi khó khăn như vậy ?". "Anh nói đúng, đây chính là linh hồn của cuốn sách này. Lúc khởi sự tôi cũng đã gần bảy mươi tuổi. Nhưng tôi tâm nguyện phải cố làm cho bằng được. Anh biết khi bắt tay vào thì cái khó nhất là gì không? Tư cách pháp nhân khi đi khảo sát để lập danh sách liệt sĩ". Ông may mắn gặp một người đồng đội cũng tràn đầy tâm huyết khi ấy có chức vụ rất cao trong quân đội, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Ông Nghiên nguyên là Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn ông Long từng chỉ huy ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Ông Nghiên đồng tình cao với khát vọng của thủ trưởng cũ, coi đó là công việc ân tình nhất định phải làm với đồng đội, kể cả người đang sống và nhất là cho những chiến binh đã ngã xuống năm xưa. Sau khi cân nhắc, Thượng tướng Nghiên đã đề xuất cấp cho ông Long một giấy giới thiệu đến các đơn vị quân đội trong toàn quân và các địa phương để sưu tra danh sách liệt sĩ Thành Cổ Quảng Trị, một công việc đòi hỏi công phu, cẩn trọng, tỉ mỉ, nhiều khi như mò kim đáy bể. Cựu chiến binh Trần Ngọc Long viếng Thành cổ Quảng Trị. Ông Long đã có danh chính ngôn thuận để bắt đầu hành trình khó nhọc mà hầu như chỉ có một mình. Khi nghe tôi hỏi vì sao ông không tìm thêm cộng sự làm việc với mình để san sẻ gánh nặng, ông đáp: "Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng liệu ai có thể giúp được. Ngoài việc đi đến các đơn vị quân đội, tôi chỉ có thể làm việc một mình. Vì sao? Vì phải là người bao quát được tình hình, biết được các đơn vị tham chiến, lại sâu sát với chiến sự Thành Cổ ngày đó, có mặt từ đầu đến cuối mới có thể kiểm định, sàng lọc thông tin chính xác, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, mà đây lại là câu chuyện liệt sĩ nữa nên càng phải thận trọng. Tôi lấy ví dụ: có rất nhiều đơn vị tham gia chiến dịch này nhưng phải là những đơn vị, cá nhân trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu cho 81 ngày đêm Thành Cổ mới đưa vào diện xem xét, đó cũng là việc không hề đơn giản". Nhưng gian nan cũng chỉ mới bắt đầu… |
TỪ KỲ THƯ ĐẾN FESTIVAL HÒA BÌNH Ông Trần Ngọc Long đi ròng rã hầu khắp các địa bàn. Ông đã đi xe máy lên Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, vào Khu Bốn cũ... Về nhà ông lại trần lưng đánh vật với từng tài liệu, danh tính để rà soát đơn vị, quê quán, tên tuổi của từng liệt sĩ. Nội một chuyện chia tách các đơn vị hành chính quê quán các liệt sĩ cũng đã mất nhiều công sức xác minh. Có khi một vài chi tiết thôi cũng có thể mất cả vài ngày. Ông bồi hồi nhớ lại: "Nhiều đêm tôi thức trắng theo việc, vợ tôi xót cứ nhắc chồng đi ngủ sợ tôi ốm. Riêng tiền điện thoại của tôi, cũng đã mất gần 30 triệu đồng, tất nhiên là tiền túi của tôi". Mất hai năm như thế, năm 2011 ông mới hoàn thành công việc của mình, có được danh sách chính xác của hơn 4.000 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị lần đầu tiên trang trọng xuất hiện trong cuốn sách này. Một kỳ công vượt quá sức nhiều người chứ không chỉ với một người. |
|
Một số hình ảnh được ghi nhận tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, vào ngày 12/7/2022.
Và kỳ thư lại có thêm kỳ sự: Lễ rước sách từ Hà Nội vào Thành Cổ. Đúng là chuyện lạ thời nay. Ông Long cho hay: "Ngày 8/7/2011 từ Tượng đài Liệt sĩ Ba Đình, một đoàn xe diễu hành, nghi lễ trang trọng rồi từ Hà Nội vào Quảng Trị. Có cả đội tiêu binh, quân nhạc hẳn hoi. Vào đến Thành Cổ Quảng Trị khi rước sách xuống chúng tôi vui mừng khôn xiết. Bà con Quảng Trị cũng rất hân hoan. Vậy là tâm nguyện bao người đã thành hiện thực. Đó là ngày 10/7/2011". Một ngày thiêng liêng không thể nào quên với không chỉ riêng mảnh đất Quảng Trị. Và đã có một miền tưởng niệm thẳm sâu ruột rà với đất thiêng Quảng Trị. Và đi qua những khúc ca bi tráng của chiến tranh, chúng ta hân hoan khi Quảng Trị đệ trình Chính phủ phương án chọn đất này để thiết kế festival hòa bình. Một trang mới an lành sẽ được hứa hẹn mở ra, hoa sẽ nở trên những dấu tích đạn bom để hiến dâng khát vọng thái hòa.
|
PHẠM XUÂN DŨNG Ảnh: TRƯỜNG SƠN - PV |
Thành cổ Quảng Trị: Giấc mơ thành phố Hòa Bình
Nằm cạnh đường thiên lý Bắc - Nam theo quốc lộ 1A, có con sông Thạch Hãn chảy qua, Thành cổ Quảng Trị được cả ... |
LĐLĐ tỉnh Quảng Trị: Sẽ huy động kinh phí, xây dựng 75 căn nhà tình nghĩa
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đặt ra chỉ tiêu, sẽ huy động nguồn lực của cán bộ, đoàn viên, các cấp Công đoàn ... |
“Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi”
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (01/5/1972 – 01/5/2022), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị ... |