Miền Trung thiệt hại nặng nề sau bão số 9
Sau hơn 2 giờ quần thảo tại các tỉnh miền Trung, bão số 9 đã để lại hậu quả nặng nề. Hàng nghìn ngôi nhà tốc mái, cây xanh gẫy đổ và úng ngập cục bộ tại nhiều địa phương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra sau bão số 9.
Lúc 13h chiều nay (28/10), vị trí tâm bão số 9 trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (từ 90 đến115km/h), giật cấp 13. Thiệt hại về tài sản là rất lớn khi gió mạnh kèm mưa lớn đã làm sập nhiều nhà dân và làm tốc mái 1.095 nhà. Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều nhà bị tốc mái nhất 934 nhà, tiếp theo là Gia Lai 109 nhà, Phú Yên 44 nhà. Số liệu nhà dân bị hư hỏng đang được tiếp tục cập nhật.
Khi đi sâu vào đất liền, hoàn lưu bão số 9 đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại tỉnh Kon Tum. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9, từ 19h ngày 27/10 đến 14h ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Kon Tum có mưa rất lớn 200-450mm.
Còn tại Quảng Ngãi, thông tin ban đầu do lãnh đạo tỉnh báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, 2 trường hợp tử vong ở địa phương này do chằng chống nhà ở, chặt tỉa cành cây để chống bão. Ngoài ra, có 26 thuyền viên bị mất tích do 2 tàu bị chìm.
Trước đó, 2 tàu của tỉnh Bình Định bị chìm khi di chuyển tránh bão số 9. Đó là tàu cá BĐ 97469 TS của ông Võ Ngọc Đoan ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có tổng cộng 14 lao động, bị chìm khi đang chạy tránh, trú bão số 9 vào lúc 16h30 ngày 27/10. Tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn ở xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn đang trên đường chạy về cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để tránh bão thì tàu bị phá nước và chìm vào lúc 13h cùng ngày, 12 ngư dân trên tàu này đang mất tích.
Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng yêu cầu người dân không chủ quan sau bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ tàu cá BĐ 98658 TS đang gặp nạn trên vùng biển Bình Định. Dự kiến khoảng 20h tối nay các tàu cứu hộ sẽ tiếp cận tàu cá gặp nạn. Hiện, sức khỏe các thuyền viên trên tàu cá gặp nạn đã ổn định.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, toàn bộ tàu thuyền hiện đang neo đậu phải đảm bảo trật tự, an toàn. “Nếu như sơ sẩy một cái là xảy ra những thiệt hại đáng tiếc sau bão. Bên cạnh đó, một công việc nảy sinh, cấp thiết nhất hiện nay đó là, lũ tại các sông, đặc biệt là sông Vệ đã lên trên báo động 3, những giờ tới tiếp tục lên cao, thậm chí dự báo trên báo động 3 đến 1 mét. Vậy công tác tập trung số 1 của chúng ta là ứng phó, di chuyển, di dời tiếp người dân ở hạ du của tất cả các lưu vực sông khu vực Nam Trung bộ để đảm bảo an toàn. Công việc này phải tiến hành khẩn trương ngay từ giờ phút này, thậm chí trong đêm để đảm bảo không xảy ra thương vong”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.
Thông tin từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, nước sông Vệ đang dâng cao, công tác di dời dân ở vùng trũng ven sông tại các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp thuộc huyện Tư Nghĩa và các xã Đức Hiệp, Đức Nhuận, Đức Thắng... thuộc huyện Mộ Đức đến nơi an toàn đang được đặt lên hàng đầu. Công tác di dời phải đảm bảo không hộ nào bị nguy hiểm bởi tình trạng lũ lụt sau bão, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật phải được hỗ trợ di dời trước tiên.
Cuối giờ chiều nay 28/10, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 16h, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 16h chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Bài và ảnh: Hoài Nam