Mệ Tuyệt làng hương
Đời mệ Tuyết

Bà là Tôn Nữ Ánh Tuyết, 75 tuổi, thợ làm hương, chủ quán hương, bán đồ lưu niệm ở số 69 đường Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người ta gọi bà Tuyết là “mệ” phần do bà xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc và cũng là cách gọi dành cho một người phụ nữ lớn tuổi khả kính, gần gũi.

Mệ Tuyết người nhỏ, gầy, thoạt trông có phần lam lũ, khắc khổ nhưng lại “mê hoặc” người khác với nụ cười hiền luôn tươi rói trên môi. “Con ơi con ơi... ghế đó ngồi nghỉ đi con, mua hàng cho mệ cũng được không mua cũng vui. Cứ chụp ảnh đi. Vô đây lấy cái nón mà đội, vừa duyên vừa che nắng. Áo dài bên nớ, lấy đi mà thay con.” – giọng mệ Tuyết đặc sệt tiếng Huế, lại trong trẻo, từ tốn, ấm áp như thường nghe từ những cô Tôn Nữ, Công Huyền dòng dõi hoàng tộc.

Nhìn lượng khách tấp nập vào ra quán, đông nhất là giới trẻ nam thanh nữ tú, tôi phần nào hiểu được vì sao “mệ Tuyết làng hương” là một từ khóa gợi ý trên công cụ tìm kiếm của Google, cũng như mạng xã hội.

Đời mệ Tuyết

Mệ Tuyết, tháng 10/2023 - Ảnh: Đình Toàn

Thấy quán đã vãn khách, tôi nửa đùa nửa thật: “Mệ, con thấy ở đây bán quán ai cũng ăn mặc áo quần tươm tất, trang điểm son phấn đẹp lộng lẫy, mà mệ lại ít chăm chút bản thân thế? Mệ mà trang điểm, chăm chút, sắm sửa tí thì nhìn xa cũng nhận ra mệ là cành vàng lá ngọc, dòng dõi quyền quý đấy”.

Mệ Tuyết tếu táo: “Ha ha. Rứa là con không biết mệ rồi. Hồi con gái mệ đẹp nhất cái làng này đó nghe. Con trai theo mệ tán tỉnh kể không ngạ mô hí”.

Nói rồi mệ Tuyết kéo cái ghế đẩu ngồi xuống kể luôn một mạch chuyện đời, chuyện nghề của mình. Thi thoảng mệ dặn tôi chuyện này lần đầu mệ mới tiết lộ, đừng nói ra. Ví như mấy chục năm qua mệ chưa từng sắm cho mình một bộ đồ mới, toàn mặc áo quần cháu chắt, người thân tặng cho. Điện thoại thì xài “cục gạch”, tivi cũng chả có để biết trên mạng họ viết gì về mình. Bởi hằng ngày mệ làm hương, bán hương, dịch vụ du lịch để dồn vào cuối tháng mà đi trao quà giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ít nhất 14 năm nay đều như thế.

9 tuổi, cô bé Tôn Nữ Ánh Tuyết được bà ngoại kèm cặp dạy cho làm hương, chủ yếu là hương trầm như truyền thống nghề này ở Thủy Xuân. Lớn lên ở tuổi thiếu nữ, tranh thủ thời gian ngoài giờ học, bé Tuyết chịu khó làm hương để có tiền tiêu vặt, mua thêm sách vở đồ dùng học tập.

Vừa học vừa làm nhưng thành tích học tập của cô gái này rất đáng nể. “Khi lên học cấp 3 ở Trường Quốc học, mệ học cũng giỏi lắm nghe, làm lớp phó học tập luôn đó.”, mệ Tuyết khoe.

Hết học cấp 3 cô nàng Ánh Tuyết thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Huế chuyên ngành Hóa học. Ánh Tuyết học đại học được nửa chừng thì giải phóng, gia đình gặp hữu sự, khó khăn, nên cô nàng gác bút trở về làm nghề hương mưu sinh. Với tính hiếu học của mình, Ánh Tuyết một thời gian sau cô vừa làm hương vừa đăng ký học lớp trung cấp kế toán.

Đời mệ Tuyết

75 tuổi, mệ Tuyết vẫn ngồi vào bàn se hương để bán và phục vụ khách trải nghiệm - Ảnh: Đình Toàn

Lấy được bằng trung cấp kế toán, Ánh Tuyết đi xin việc nhiều nơi nhưng không thành. Rồi “tiếng sét ái tình” cũng đến đúng lúc trong chuỗi ngày mộng mơ ấy. Cô nàng rời Huế vào Đắk Lắk theo tiếng gọi con tim để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Được chừng 7 năm, cuộc tình tan vỡ, cô nàng Tôn Nữ rời mảnh đất Tây Nguyên rạo rực trở về xứ Huế thân yêu. Trong vòng tay ôm ấp của mẹ cha và người thân, những vết thương lòng của Ánh Tuyết cũng dần nguôi ngoai. Cô nàng trở lại công việc của một người thợ làm hương.

Quá khứ lùi dần, khổ đau tuổi thanh xuân chôn vào dĩ vãng. “Năm nớ mệ cũng mới ngấp nghé 30 tuổi thôi. Còn đẹp lắm. Cũng nhiều anh chàng theo đuổi lắm… Nhưng mệ không muốn. Mà thôi đừng khơi dậy đống tro tàn năm xưa ấy nữa. Cuộc sống cần lạc quan, vui lên con à. Nhờ rứa mà mệ làm hương, đứng vững, được nhiều tin yêu như hôm nay đó”, người phụ nữ tuổi 75 đang sống đơn thân tâm sự.

Đời mệ Tuyết

Thủy Xuân vốn là vùng đất thuần nông, cây trái vườn tược xanh ngút từ đầu làng đến cuối làng. Theo thống kê chưa đầy đủ toàn phường có khoảng trên 50 cơ sở thờ tự, chiếm phần lớn là các chùa trong đó có một số cổ tự nổi tiếng như: Từ Hiếu, Trúc Lâm, Tường Vân…

Có trên 80% người dân nơi đây theo Phật giáo nên dễ hiểu vì sao người dân Thủy Xuân dễ mến, thuần thành và vùng đất này là điểm đến quen thuộc về du lịch tâm linh.

Thủy Xuân cũng có hai điểm du lịch nổi tiếng là lăng vua Tự Đức và danh thắng đồi Vọng Cảnh, đều cùng trên đường Huyền Trân Công Chúa nơi hình thành “làng hương” sau này. Có lẽ là vùng đất có nhiều cơ sở thờ tự nên từ bao đời Thủy Xuân có 3 nghề thủ công truyền thống là nghề làm mõ, đẫy (tạo tác) trầm, nghề làm hương.

Riêng về nghề làm hương, có mối liên hệ mật thiết với nghề đẫy trầm. Những giác (lớp thân mỏng) cây trầm ít dầu được người thợ dùng đẫy trầm (vật chuyên dụng làm bằng kim loại sắc bén) loại bỏ, sẽ được người thợ làm hương tận dụng xay thành bột hương trầm.

Mệ Tuyết kể, thông thường để cho ra những cây hương, người thợ tìm mua nguyên liệu là thảo dược, cây trái như vỏ bưởi, vỏ quế, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi… để xay mịn nhằm tạo ra hương liệu. Bột hương sẽ được nhồi dẽo, đưa vào bàn dùng tấm ván se hương bằng gỗ láng để se với lõi hương, hay còn gọi là chân hương chiết ra từ thân tre chẻ nhỏ phơi khô.

Cây hương đốt lên tùy vào mỗi loại mà tỏa ra mùi hương đặc trưng khác nhau. Thủy Xuân là vùng đất của bao lũy tre, nứa nên loài thổ sản này góp phần quan trọng trong việc hình thành nghề hương truyền thống nơi đây, nhất là truyền thống sản xuất hương trầm. Tay nghề thợ càng cao, cây hương se càng nhanh mà đẹp.

Mệ Tuyết kể thời kỳ sung sức của đời nghề mình, mệ làm một ngày đến 10 ngàn cây hương, có người làm giỏi hơn đến 15 ngàn cây hương mỗi ngày. Sau này được máy móc hỗ trợ, nghề làm hương cũng đỡ nhọc nhằn hơn.

Những cây hương se xong được bà con mang ra phơi nắng cho khô. Có người bỏ lên những chiếc giá để phơi, có người bó thành từng nạm tay rồi xòe chúng ra phơi. Những chân hương đan níu vào nhau và giữ chặt cho nhau xòe đều bó hương trên sân phơi mà không ngả để đón nắng gió cũng là một hình ảnh ấn tượng với du khách, nhất là khách nước ngoài.

Đời mệ Tuyết

Tác giả trải nghiệm làm hương trầm truyền thống Thủy Xuân dưới sự hướng dẫn của mệ Tuyết - Ảnh: Đình Toàn

Cùng với nghề làm mõ, đẫy trầm, nghề hương Thủy Xuân chủ yếu duy trì sau những lũy tre làng bởi những người thợ yêu nghề, cố bám lấy dù thu nhập bấp bênh do khó khăn của thị trường bởi sự xuất hiện đại trà các loại hương làm máy “mùi gì cũng có”.

Cách đây gần 20 năm, mệ Tuyết là một trong số ít người đầu tiên mở quán hương bên vệ đường Huyền Trân Công Chúa để vừa se hương bán, vừa bán đồ lặt vặt, phục vụ du lịch trải nghiệm cho khách nước ngoài.

“Thuở ban đầu, mệ ngồi se hương để bán nơi đây chỉ có 2 – 3 quán thôi. Mệ cũng như người ta, thi thoảng có vài khách du lịch nước ngoài họ dừng lại, tìm hiểu nghề làm hương. Họ thấy mệ làm hương và kể chuyện nghề này họ rất thích thú. Họ cũng nhờ mệ vẽ cho cách làm hương để họ ngồi vô bàn làm ra cây hương. Được cây nào họ mang đi cây đó để làm kỷ niệm. Xong việc họ rời đi thì tặng mệ 1 – 2 đô la. Chỉ rứa thôi”, mệ Tuyết kể.

Rồi một ngày đẹp trời nghề làm hương của mệ Tuyết thay đổi, làng hương Thủy Xuân sang trang mới sau phát kiến của chính người thợ này.

Để thuật lại, mệ Tuyết đi tìm một cuốn sách lớp 5, trong đó có vẽ một số hình ngôi sao, một số đóa hoa nhiều màu sắc. Rồi mệ chậm rãi: “Chuyện cũng gần 20 năm rồi. Bên Ban Tổ chức Festival Huế họ mời mệ vào Đại nội Huế triển lãm, trưng bày và thao diễn nghề làm hương truyền thống. Trời ơi. Đi thì mệ sẵn sàng đi, nhưng trưng bày hương thì trưng bày kiểu chi cho khách họ coi đây. Rứa là mệ nghĩ mãi, mấy đêm mất ngủ. Một đêm mệ cứ nằm trằn trọc mãi, bỗng nhớ tới cuốn sách đứa cháu có vẽ mấy cái hình có mấy ngôi sao, hình bông hoa nhiều màu. Mệ choàng dậy, bật điện đi tìm cuốn sách. Đây rồi, có cách rồi. Nhìn mấy cái hình vẽ, mấy cái hoa trong sách mệ nói thầm. Lúc nớ khoảng hai giờ rưỡi sáng. Mệ ngủ một giấc ngon thì trời sáng.

Mệ thức dậy đi tìm mua màu để nhuộm chân hương. Màu phải làm từ cây lá thiên nhiên và có các màu xanh, đỏ, vàng… Mệ nhuộm các bó chân hương thành nhiều màu xong mang đi phơi khô. Đến ngày trưng bày, trình diễn làm hương ở Đại nội Huế mệ đưa những bó chân hương đó đi. Trong không gian họ dành cho mệ thao diễn nghề làm hương, mệ xếp các bó chân hương đó lên, trông lạ mắt lắm.

Mấy cái “bông hương” ban đầu tạo ra là như rứa. Khách họ tìm tới coi mệ làm hương. Họ tỏ ra thích thú với mấy cái bông hương đó. Khách tham quan trong Đại nội cứ thế tìm tới điểm trưng bày của mệ đông đến bất ngờ. Họ chớp ảnh, quay phim khiến mệ vui lây. Thấy cái nghề mình cũng thăng hoa, tự hào lắm.”

Đời mệ Tuyết

Nhóm bạn trẻ từ TP.HCM đến Huế ghé quán mệ Tuyết trải nghiệm, mua hàng ủng hộ và chụp hình lưu niệm - Ảnh: Đình Toàn

Sau đợt trưng bày triển lãm đó mệ Tuyết về mang những chân hương nhuộm xanh, đỏ, vàng, tím ra quán hương của mình. Những bó chân hương được xòe ra làm những “bông hương” theo hình chiếc quạt hay bó mạ rồi xếp chồng lên nhau, theo hình vòng tròn, hay xếp thẳng hàng để tự nhiên trên các giá hương đều đẹp.

Tất cả tạo thành những tác phẩm sắp đặt, khiến chúng như những bản vũ điệu của những gam màu phối trộn trên nguyên liệu thô mộc nhưng có sức quyến rũ đặc biệt. “Bông hương” mang lại hiệu ứng thẩm mỹ cho những tấm hình, shot hình trên chiếc máy ảnh hay điện thoại cầm tay của du khách vượt ra khỏi lũy tre làng, đi ra thế giới.

Thoạt đầu người dân xung quanh thấy mệ Tuyết làm đâm nghi ngại, nhưng thấy khách du lịch dừng chân ghé quán mệ ngày một đông họ cũng làm theo.

Để làm đẹp cho gian quán, tăng hiệu ứng thẩm mỹ cho “phim trường”, mệ Tuyết cũng như các hàng quán khác sắm những đạo cụ như đàn nguyệt, đàn tỳ bà, sắm thêm phục trang là những bộ áo dài ngũ thân, khăn đóng cho nam lẫn nữ mặc; trồng hoa, trang trí lồng đèn chung quanh hàng quán...

Tất cả làm nên những “phim trường” thu nhỏ để du khách, người dân đến tham quan, trải nghiệm, check-in, chụp hình. Đây cũng chính là điều làm nên sự đặc sắc của làng hương Thủy Xuân, mang lại sức cuốn hút đặc biệt với du khách, nhất là đối với các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một “làng hương Thủy Xuân” trong diện mạo mới hình thành. Bây giờ thì cả một góc phố kéo dài chừng 400m trên đường Huyền Trân Công Chúa từ ngã 3 đường Lê Ngô Cát hướng lên lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh trở thành cửa ngõ du lịch, là điểm dừng chân lý thú trên hành trình du lịch tâm linh lẫn tham quan các di tích, danh thắng phía Tây Nam thành phố Huế.

Đời mệ Tuyết

Những tấm hình lưu niệm không thể thiếu của các bạn trẻ vượt hàng trăm cây số đến gặp, tham quan quán hương mệ Tuyết - Ảnh: Đình Toàn

Từ phát kiến của mệ Tuyết, người dân Thủy Xuân đã biết tận dụng những lợi thế địa phương, liên kết cộng đồng để tạo sự đột phá trong phương cách tiếp cận kinh tế du lịch, góp phần lớn làm thay đổi sinh kế và diện mạo của một làng hương truyền thống, tăng thu kinh tế du lịch.

Nhắc câu chuyện này với ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP.Huế, nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân tỏ ra rất hứng thú. Ông Toàn kể, từ một cơ sở làm hương, bán buôn của mệ Tuyết ban đầu, đến nay đã lan tỏa thành sản phẩm du lịch “Làng hương Thủy Xuân” hấp dẫn, với 23 cơ sở vừa làm nghề vừa bán hàng lưu niệm, kinh doanh dịch vụ du lịch.

“Tôi có nhiều năm công tác ở Thủy Xuân, sau này chuyển sang Phòng Kinh tế thành phố cũng theo dõi, đồng hành với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đất này nên tôi rất trân trọng những đóng góp của mệ Tuyết cho nghề hương truyền thống của phường Thủy Xuân. Mệ là một trong những người có tay nghề cao, luôn tâm huyết với nghề và mong muốn gìn giữ nghề làm hương trầm truyền thống của Huế.

Mệ cũng là người tích cực truyền dạy nghề hương cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát triển nghề hương của làng. Mệ là người có công lớn hình thành điểm đến du lịch thu hút khách du lịch trải nghiệm nghề làm hương tại tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, trục du lịch quan trọng phía Tây Nam thành phố”, ông Toàn tấm tắc.

Cũng theo ông Toàn, mệ Tuyết còn khiến nhiều người thương yêu, ngưỡng mộ bởi tấm lòng nhân hậu, luôn hướng về cộng đồng. “Nhiều năm qua mặc dù cuộc sống chưa thật dư dả, nhưng mệ vẫn dành dụm từng đồng tiền lãi từ việc bán hương để giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh ung thư. Hành động của mệ đã lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia đến với mọi người.”, ông Toàn kể thêm.

Đời mệ Tuyết

Đời mệ Tuyết

Bây giờ thì hình ảnh mệ Tuyết đã khá quen thuộc với du khách trong và ngoài nước. Quán hương của mệ Tuyết là một “hội quán” của du khách thập phương, đặc biệt là các bạn trẻ.

Họ đến với quán mệ Tuyết không chỉ đơn thuần là để check-in, chớp hình lưu niệm mà còn được gặp mệ, trò chuyện và ủng hộ chút kinh phí và hay tinh thần để nối dài câu chuyện thiện nguyện của người thợ làm hương lớn tuổi này. Có người mua hàng ủng hộ, có người không mua hàng mà gửi mệ Tuyết vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng gọi là “đóng góp thêm chút quà” cho các bệnh nhi, người bệnh ung thư mà mệ Tuyết đã làm nhiều năm qua.

Lại có những tổ chức, cá nhân biết việc mệ Tuyết làm, từ nhiều vùng miền khác nhau đã gửi ủng hộ thêm chút kinh phí cho mệ Tuyết, tiếp sức cho hành trình xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo của mệ Tuyết.

Chuyện mệ Tuyết làm thiện nguyện đã lấy đi nước mắt của không biết bao người. 14 năm là một chặng đường dài và nhiều khó nhọc của một người thợ làm hương chắt chiu từng đồng kiếm được để đi làm từ thiện, chuyên tâm giúp bệnh nhi ung thư.

Mệ Tuyết kể, mệ có người thân mắc căn bệnh hiểm nghèo này nên mệ rất hiểu nỗi đau mà người bệnh và gia đình nếm trải. Đặc biệt trong một lần tận mắt chứng kiến các bệnh nhi mắc ung thư và đang “chiến đấu” với căn bệnh này mệ đã phát tâm làm từ thiện, nguyện dành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời kiếm tiền giúp đỡ bệnh nhân ung thư, xoa dịu những thương tổn…

Đời mệ Tuyết

Mệ Tuyết “trút ống” cuối tháng, phân việc cho các tình nguyện viên mang tiền vào viện thăm, tặng cho bệnh nhân ung thư đang được điều trị ở Huế - Ảnh: Đình Toàn

“14 năm trước mệ có một người bạn vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, nằm chờ kết quả sau khi nghi mắc ung thư. Mệ vào thăm bạn với trong túi chỉ 110 ngàn đồng. Khi thấy mệ đến, người bạn mệ lao ra, ôm chầm lấy mệ vừa khóc vừa báo tin vui là bạn mệ không mắc ung thư. Mệ lau nước mắt xong thì lấy chút tiền trong túi ra gửi bạn, nhưng bạn từ chối.

Trong phút giây đó mệ nhìn qua cánh cửa thấy có hai mẹ con đang ôm nhau, đứa bé thì mắt đã bị phẫu thuật đi một con, con còn lại sưng tấy lên trông vô cùng thương tâm. Thấy rứa nên mệ đến gần hỏi thăm mới biết là đứa bé mắc ung thư và vừa trải qua đợt phẫu thuật, đang tiếp tục chữa trị.

Lần đó mệ lấy hết tiền trong túi 110 ngàn đồng rồi dúi vào tay người mẹ như để động viên họ. Nhìn chung quanh còn nhiều đứa bé khác, cứ hồn nhiên vui đùa mà ứa nước mắt. Từ đó mệ về nhà phát tâm làm thiện nguyện, dành những đồng tiền kiếm được từ sản xuất, bán hương, đồ lưu niệm để giúp các bệnh nhi ung thư”, mệ Tuyết kể.

Người ta nói vui “Startup” thiện nguyện của mệ Tuyết với số “vốn” ban đầu là 110 ngàn đồng ấy đã thật sự “mát tay”. Ngay sau khi phát tâm nguyện công việc sản xuất, kinh doanh của mệ Tuyết ngày một tốt hơn. Rất nhiều khách hàng từ Hà Nội, TP.HCM gọi điện đặt hàng mua, hương của mệ Tuyết bán được ngày một nhiều, có khi số lượng rất lớn phải đóng xe chở đi. Để đáp ứng nguồn hàng, ngoài số hương tự sản xuất, mệ Tuyết mua hương bà con trong làng để cung ứng, tạo thêm thu nhập cho họ.

Đời mệ Tuyết

Mệ Tuyết trong một lần đến thăm, tặng quà cho bệnh nhi mắc ung thư đang được điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Phan Hòa

Có tiền mệ Tuyết lại dồn vô từ thiện, giúp đỡ bệnh nhi ung thư. Chuyện mệ Tuyết làm thiện nguyện lan tỏa, nhiều người ủng hộ sẻ chia, đến quán mua hàng, gửi tiền ủng hộ.

“Từ 5 – 10 triệu đồng mỗi tháng, sau này lên 20 - 30 triệu đồng, rồi 70 – 80 triệu đồng mỗi tháng để giúp các cháu. Dường như tháng nào mệ cũng đi, ít nhiều chi mệ cũng vô thăm, tặng quà cho mấy cháu. Ngay cả trong dịch Covid-19, mệ cũng tìm cách vô viện thăm, tặng quà cho các cháu. Có những cháu bệnh nặng, khi mình trở lại thì bệnh viện vừa cho về nhà… Nghe buồn lắm. Còn những cháu ở bệnh viện dài ngày, gặp mệ nhiều lần thành quen. Bác sỹ biểu mệ không vào là mấy đứa hắn nhớ tội lắm.”, mệ Tuyết kể.

Trong nhiều giờ ngồi hầu chuyện với mệ Tuyết, cuộc chuyện trò hai bà cháu bị gián đoạn bởi những đoàn khách ghé vào, trong đó rất đông các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế. Họ đến tham quan chụp hình xong mua cho mệ vài món quà vặt, có khi chỉ là hộp dầu cù là, cái vòng đeo tay, cái quạt, chiếc nón… Không mua gì thì gửi mệ 2 – 3 chục ngàn đồng gọi là góp quỹ từ thiện cho mệ.

Mạnh Duyên, cô gái tuổi 20 đã cùng bạn bè đi một quãng đường dài từ TP.HCM về Huế để được vào quán hương của mệ Tuyết trải nghiệm, chụp hình, mua hàng lưu niệm...

“Mệ Tuyết là người rất gần gũi, thân thương, quan tâm chăm lo cho tụi em khi vừa đi vào quán. Trước khi tới quán, em có đọc thông tin về mệ trên mạng xã hội, biết mệ hay giúp đỡ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo nên ở đây dù có nhiều quán, tụi em vẫn chọn quán của mệ để vào tham quan, ủng hộ mệ”, Duyên chia sẻ.

Đời mệ Tuyết

Sau phát kiến tạo ra những “bông hương”, làng hương Thủy Xuân ngày càng tấp nập khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm - Ảnh: Đình Toàn

Ngoài những người cháu ruột luôn hiếu thảo, đồng hành và sẻ chia với mệ Tuyết, tôi khá bất ngờ về con số những người “gieo duyên” cùng mệ Tuyết.

14 năm vừa làm hương, bán quán phục vụ du khách vừa làm thiện nguyện, có vô số tình nguyện viên, nhà hảo tâm mà mệ Tuyết xem như con cháu, người bạn. Một trong những tài sản quý giá của mệ Tuyết hiện nay là mấy cuốn vở hàng chục trang giấy chi chít số điện thoại nhà hảo tâm, tình nguyện viên, khách hàng thân thuộc.

“Tài sản” này hiện ngày càng dày thêm. Người ở xa thì điện thoại chuyện trò, người ở gần thì sẵn sàng đồng hành với mệ trên mỗi bước chân đi vào từng phòng bệnh tặng quà cho bệnh nhân, bệnh nhi ung thư ở hai cơ sở điều trị lớn là Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Ngay cả những tân sinh viên mới nhập học vào Đại học Huế nghe tiếng mệ Tuyết cũng tìm đến để nghe mệ kể chuyện nghề, chuyện đi từ thiện và sẵn lòng gia nhập vào đội hình tình nguyện viên làm “đôi chân” của mệ Tuyết trên hành trình thiện nguyện.

“Em cảm động lắm luôn. Em đến đây chứng kiến mệ se hương, phục vụ khách du lịch thân thiện rồi tích cóp tiền của để giúp đỡ người bệnh, em thật sự không ngờ tới. Em sẵn sàng giúp mệ bằng khả năng của mình, cũng sẽ kể nhiều hơn với bạn bè, lan tỏa chuyện này lên mạng cho nhiều người biết hơn. Là sinh viên ngành Y, em cũng sẽ học chăm để có kết quả tốt, ra trường giúp được cho nhiều bệnh nhân”, Nguyễn Phan Quốc Tiến, tân sinh viên Trường Đại học Y Dược Huế, chia sẻ.

Hai năm gần đây chân mệ Tuyết đau nặng, đi lại rất khó khăn nhưng việc thiện nguyện thì không thể dừng. Vậy là đội tình nguyện viên lại làm đôi chân thay mệ. Mệ Tuyết nói mệ cũng có thể cố gắng đi nhưng sợ những bước chân khó nhọc của mệ khi vào viện người bệnh và người nhà cám cảnh mà từ chối nhận quà của mệ.

Giữa tháng 10, khi mưa lũ trắng trời, mệ Tuyết cũng trút bọc dồn được gần 70 triệu đồng nên gọi các tình nguyện viên đến, phân chia công việc rồi làm thủ tục xin phép ở bệnh viện để vào thăm, tặng quà cho bệnh nhân ung thư. Tôi theo chân những tình nguyện viên, đi hết mấy tầng lầu để trao quà, gửi lời hỏi thăm mệ Tuyết đến hàng trăm bệnh nhân, bệnh nhi ung thư ở hai Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế mà không biết bao lần cay xè khóe mắt.

Tôi cảm nhận được vì sao mà mệ Tuyết lại quyến luyến với người mắc căn bệnh hiểm nghèo này đến vậy. Những món quà chuyển đến từng bệnh nhân có thể không lớn, nhưng phần nào xoa dịu những tổn thương, nỗi buồn và tiếp thêm cho họ nghị lực sống, cùng với người thân chiến đấu với bệnh tật đến phút giây cuối cùng.

“Mẹ con mình chiến đấu ở đây cũng được hai năm rồi. Cũng đã mấy lần nhận được quà mệ Tuyết, được mệ động viên. Cảm động lắm. Mệ Tuyết như người bà tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho mẹ con tụi mình trong quá trình chữa trị”, chị Đoàn Thị H., mẹ của một bệnh nhi mắc ung thư quê ở Quảng Trạch - Quảng Bình, bày tỏ.

Đời mệ Tuyết

Mệ Tuyết nói chuyện nghề, chuyện giúp đỡ bệnh nhân truyền cảm hứng cho Quốc Hiệp, tân sinh viên Trường ĐH Y dược Huế - Ảnh: Đình Toàn

Với những cống hiến của mình cho cộng đồng, đặc biệt là góp phần quan trọng về bảo tồn và phát huy nghề truyền thống tỉnh nhà, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, năm 2022, mệ Tuyết được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế phong tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.

Mệ Tuyết cũng được một số tổ chức, diễn đàn, trường đại học ở Huế mời đến làm talkshow, nói chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ, lan tỏa những câu chuyện sống đẹp, tử tế đến mọi người.

Nhìn những cơn mưa như trút nước ngoài kia, mệ Tuyết thoáng chút ưu tư: “Mùa mưa lũ tới rồi. Mùa này vắng khách lắm con”. Sợ mệ buồn phiền, tôi trêu: “Là người nổi tiếng, lại từng là nàng Tôn Nữ dung nhan, trí tuệ khiến bao anh chàng say đắm, sao giờ mệ không chăm chút bản thân tí cho đẹp lão. Ít ra là sắm cho mình bộ đồ mới, bôi lên tí son phấn, trồng lại những chiếc răng đã rụng cho khỏi móm mém?”.

Mệ Tuyết cười một tràng: “Quan trọng chi con ơi. Lâu lắm rồi mệ không sắm đồ mới. Cháu chắt, người quen cho bộ đồ mô thì mặc bộ nấy, mặc tới cũ rích luôn. Nói thiệt chứ làm thợ mà mặc áo dài, đồ đẹp rồi tô son đánh phấn ngồi vô bàn se hương hắn vướng, thấy hắn không thật, mệ không chịu được. Mà con đừng nói mệ nghèo nghe. Mệ không nghèo mô, đừng kể khổ mà bệnh nhân họ biết, họ không nhận quà của mệ đó”.

Mệ Tuyết làng hương

Phóng sự của ĐÌNH TOÀN

Ảnh: ĐÌNH TOÀN, PHAN HÒA

Video: ĐÌNH TOÀN - TRẦN YẾN - NGUYỄN HẰNG

Thiết kế: AN NHIÊN