|
Trong số hàng chục nghìn công nhân mắc kẹt tại các khu công nghiệp vì dịch bệnh, có nhiều mẹ bầu trải qua những tuần cuối của thai kỳ không có người thân bên cạnh. Nhưng, không ai phải một mình trên hành trình thiêng liêng và ý nghĩa này vì luôn có những bàn tay sẵn sàng chào đón những sinh linh bé nhỏ ngay giữa tâm dịch Bắc Giang. 12 giờ trưa ngày 16/06, nhận tin nữ công nhân T.T.L đi sinh một mình tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, làn “hành trang chào đời” được nhanh chóng mang đến bệnh viện, vội đưa cho mẹ bầu trước khi vào phòng sinh. Chiều ngày 15/6, theo lời hẹn, đúng ngày dự sinh, mẹ bầu N.T.P nhận được đầy đủ tã, bỉm, sữa, khăn xô, quần áo, ... 20 giờ ngày 14/06, hai công nhân L.T.H và N.T.L bất ngờ chuyển dạ, nhập viên chuẩn bị sinh khi chưa kịp chuẩn bị đồ dùng cần thiết. Hai làn “hành trang chào đời” được hoả tốc mang vào tận phòng, kịp cho hai thiên thần nhỏ có quần áo mới, sạch sẽ và thơm tho. ... Đây chỉ là một số trong hàng trăm trường hợp mẹ bầu tại Bắc Giang được chị Huyền và nhóm thiện nguyện Huyền Minh hỗ trợ. Những làn "hành trang chào đời" kịp đến tay các mẹ bầu trước khi sinh. |
Từ chuyện nữ công nhân sinh con tại phòng trọ ... Ngày 31/5, thông tin nữ công nhân hạ sinh con trai, được chủ nhà trọ ở thôn My Điền 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đỡ đẻ được dư luận đặc biệt quan tâm. Biết đến câu chuyện qua mạng xã hội, chị Nguyễn Minh Huyền (sinh năm 1990, sống tại thành phố Bắc Giang) không khỏi xót xa vì dịch bệnh khiến mẹ bầu phải cách ly tại nhà, nhân viên y tế không kịp hỗ trợ khi nữ công nhân chuyển dạ. Trộm vía, em bé chào đời khoẻ mạnh nhờ có bác chủ trọ đỡ đẻ “bất đắc dĩ”. Từ chuyện mẹ bầu sinh con tại phòng trọ, chị Huyền nghĩ đến những công nhân thực hiện cách ly theo quy định phòng, chống dịch, chắc chắc có những bạn đang trong thai kỳ. Chị Huyền chia sẻ: “Dịch bệnh bùng phát, quyết định cách ly khẩn cấp khiến nhiều mẹ không kịp chuẩn bị thực phẩm, sữa, quần áo bầu, đồ cho em bé, ... Mình không muốn các mẹ phải lo lắng nhiều. Bình thường, có bầu tâm lý đã dễ buồn, dễ tủi. Giờ thiếu thốn, khó khăn về vật chất, các mẹ lại càng suy nghĩ hơn, như thế em bé trong bụng cũng sẽ bị ảnh hưởng.” Đồ dùng của mẹ và bé được nhóm gửi vào tận trong bệnh viện cho mẹ bầu. |
Nghĩ là làm, chị Huyền rủ thêm một vài người bạn và hàng xóm bàn bạc kế hoạch hỗ trợ mẹ bầu trong các khu cách ly. Không thể đến từng xóm trọ để hỏi thăm, rà soát, chị Huyền nhờ đến quản trị viên các hội, nhóm Bắc Giang lớn trên Facebook chia sẻ đường link đăng ký để các mẹ bầu chủ động cập nhật thông tin, tình trạng và mong muốn của riêng từng mẹ. “Cơ địa của mỗi người là không giống nhau và trong từng giai đoạn của thai kì, cơ thể cũng cần được bổ sung các loại dưỡng chất khác nhau. Mình để các mẹ tự nguyện đăng ký sau đó cân đối lại với nguồn thực phẩm, vật phẩm được các mạnh thường quân hỗ trợ. Tránh tình trạng người cần không có, người có lại không cần”, chị Huyền cho biết. Mở đăng ký từ ngày 1/6, 10 ngày sau, nhóm thiện nguyện Huyền Minh do chị Huyền làm trưởng nhóm đã nhận được hơn 600 lượt đăng ký của các mẹ bầu tại các khu cách ly ở Bắc Giang. Một mẹ bầu vừa sinh nhận đồ dùng và quần áo cho thiên thần nhỏ mới chào đời. |
Trong danh sách đăng ký, phần đông các mẹ muốn được hỗ trợ đa dạng các loại thực phẩm và sữa vì dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng để có một thai kì khoẻ mạnh. Được mọi người tin yêu, chỉ trong thời gian ngắn, tiệm hoa nhỏ trên đường Lê Lợi (TP. Bắc Giang) của chị Huyền đã được lấp đầy bởi gạo, rau củ, trái cây, trứng, lạc và sữa. Nhiều người tâm lý, biết các mẹ bầu thường thèm đồ chua còn gửi thêm cả trăm cân mận. “May mắn được người thân, bạn bè và cả những người chưa từng quen ủng hộ, mình và nhóm mới có thể chuẩn bị được nhiều phần quà đến như thế. Hàng cứu trợ về ngày một nhiều, mình càng phải cố gắng nhanh hơn nữa để chuyển quà đến tay các mẹ bầu sớm nhất, không phụ lòng tin của mọi người”, chị Huyền chia sẻ. |
... đến hàng trăm làn “hành trang chào đời” Ngoài thực phẩm, chị Huyền đặc biệt lưu tâm đến đồ dùng cho mẹ và bé. Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều cửa hàng, tạp hoá phải đóng cửa. Các mẹ bầu là công nhân thực hiện cách ly tại các khu trọ, chắc chắn không thể chuẩn bị được đầy đủ vật dụng cần thiết. Biết như vậy, chị Huyền chủ động kết nối với một số mạnh thường quân và góp thêm chi phí để mua quần áo sơ sinh, quần áo bầu, bỉm, tã, khăn xô, ... Làn "hành trang chào đời". Nhóm có tất cả 6 người, đều là bạn bè thân thiết, hàng xóm và nhân viên của chị Huyền. Công việc bắt đầu từ sáng sớm, mỗi người một việc, nhận đồ cứu trợ, kiểm đếm rồi phân chia đồ vào các làn. Làn nào cũng đầy đủ đồ dùng theo tiêu chuẩn đi sinh, được cả nhóm đặt cho cái tên đầy yêu thương và ấm áp “hành trang chào đời”. Sắp xếp xong xuôi, theo danh sách đã xác minh từ trước, nhóm chia nhau mang làn đồ dùng đến từng khu vực có mẹ bầu. Cả nhóm đều thống nhất, nguồn lực sức người, sức của đều có hạn, vì vậy nhóm ưu tiên mẹ bầu sắp sinh trước, các mẹ đang mang thai những tuần đầu được nhận thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé. “Nhu cầu của mẹ bầu không giống những người khác. Trong thai kì, có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra và đến gần ngày dự sinh, mẹ có khả năng chuyển dạ bất cứ lúc nào. Để kịp gửi đồ đến tay mẹ bầu, nhóm đã chuẩn bị vài trăm làn “hành trang chào đời” cho bé gồm quần áo mới, bỉm, tã, khăn xô,... Xe đã được cấp phép lưu hành, chỉ cần nhận được tin mẹ bầu nào cần là sẵn sàng lên đường bất kể ngày đêm”, chị Huyền chia sẻ về công việc thường xuyên “tăng ca” và làm “ngoài giờ” của nhóm. 10 ngày liên tiếp kể từ khi nhận những chuyến hàng hỗ trợ mẹ bầu đầu tiên, cả nhóm chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày. Bắt tay vào việc từ 6 giờ sáng, công việc chính của nhóm là phân loại đồ bầu, sắp xếp gọn gàng thành từng phần quà đầy đủ đồ của mẹ và bé. Trong suốt quá trình làm việc, nhóm vẫn duy trì việc tiếp nhận thông tin đăng ký mới, trò chuyện và động viên các mẹ bầu. |
"Mẹ bầu tâm tính thay đổi, không thể chỉ gửi một giỏ đồ đến là xong. Nhóm vừa nhận đồ ủng hộ, phân loại, sắp xếp cẩn thận, vừa cố gắng luôn có người nói chuyện với các mẹ để không ai phải tủi thân vì chỉ có một mình." |
Tiệm hoa nhỏ của chị Huyền được lấp đầy bởi những làn đồ đặc biệt.
Làm bạn với mẹ bầu “ba không”: không có việc, không có tiền đi sinh, không có bạn bè và người thân bên cạnh “Nhiều hoàn cảnh thương lắm nhưng mình không dám khóc vì thời gian làm việc còn chẳng đủ. Đọc tin xong mũi cay cay, mắt đỏ hoe mà phải nín lại ngay, chỉ mong trời mau sáng còn dậy làm việc”, chị Huyền chia sẻ có những trường hợp mẹ bầu giấu gia đình, cách ly chỉ có một mình, không biết trông cậy vào ai. Nữ công nhân N.N.C (sinh năm 1996, quê ở Lạng Sơn) là một trong những trường hợp khiến chị Huyền và cả nhóm rơi nước mắt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất, nhà chỉ còn mẹ và em gái. Là con gái lớn trong nhà, C. xin phép mẹ xuống Bắc Giang làm công nhân để kiếm thêm phụ giúp gia đình. Nhưng, dịch bệnh đã khiến cuộc sống của nữ công nhân một thân một mình giữa nơi đất khách bị xáo trộn. Nhóm đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung thêm hoa quả vào các túi thực phẩm của mẹ bầu. “Mình có làm tại công ty A. nhưng khi có bầu, thai yếu phải xin nghỉ ngang từ lúc 4 tháng nên không được hưởng bảo hiểm. Vì lí do riêng, mình bầu phải giấu gia đình và bạn bè ...”, nghĩ lại bản thân một mình trọ tại My Điền với bụng bầu không dám công khai, đôi mắt của C. ngấn lệ. Trước khi các khu trọ tại Bắc Giang bị phong toả, C. ở cùng với bố của bé. Do tình hình dịch bệnh, cả hai phải thực hiện cách ly, mỗi người một nơi. Nhiều đêm tủi thân một mình, C. chỉ biết nằm khóc đến sáng rồi mệt quá mà ngủ thiếp đi. Được chủ trọ hỗ trợ tiền phòng và chút lương thực, C. vẫn lo lắng vì ngày càng gần đến thời gian dự sinh mà đồ dùng cho cả mẹ và bé đều chưa có, tiền đi sinh cũng chưa nhìn thấy khoản nào. Đọc được bài chia sẻ về những suất đồ sơ sinh của chị Huyền đăng trên nhóm, C. thử nhắn tin nhờ chị giúp. |
"Mình tâm sự và kể với chị về chuyện của mình, chị bảo không phải tủi, nghĩ ít thôi cho con khoẻ. Chị còn gửi cho mình bài nhạc bầu nghe cho dễ ngủ." Ngày hôm sau, chị Huyền và nhóm thiện nguyện đã chuẩn bị một làn “hành trang chào đời” thêm cả sữa bầu và cháo tươi gửi đến khu trọ của C. Thu nhập không cao, hằng tháng nhận lương công nhân, C. chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt và gửi một ít về cho gia đình. Nay C. nghỉ việc dưỡng thai, bố bé cũng nghỉ việc do dịch bệnh. Tiền không có, nghĩ đến ngày sinh cận kề, C. không biết phải xoay xở thế nào. Thực phẩm hỗ trợ được các mạnh thường quân gửi đến tiệm hoa nhỏ của chị Huyền. “C. là một trong những trường hợp đặc biệt mà mình và cả nhóm rất quan tâm. Mình có trao đổi lại với một số mạnh thường quân. Mừng nhất là mọi người đều nhất trí hỗ trợ toàn bộ chi phí đi sinh cho C”, chị Huyền trò chuyện. C. và chị Huyền vẫn thường tâm sự với nhau. Chị Huyền động viên, an ủi C. phải giữ cho tinh thần thoải mái, yên tâm vì luôn có nhiều người tốt trong xã hội, luôn sẵn lòng đưa tay để đón nhận và giúp đỡ hai mẹ con. “Em không biết phải nói gì để bày tỏ hết sự biết ơn đến chị Huyền và nhóm thiện nguyện đã dang tay đón lấy mẹ con em trong lúc khó khăn nhất không có ai bên cạnh. Em chỉ biết nói lời cảm ơn từ tận tâm gửi đến chị và mọi người. Mong cho chị thật nhiều sức khỏe và luôn là mẹ đỡ đầu cho các con có hoàn cảnh kém may mắn”, trước khi dừng cuộc trò chuyện, C. nhờ tôi ghi lại lời nhắn và chuyển giúp đến chị Huyền và mọi người trong nhóm thiện nguyện. |
Những chuyến xe chở đầy yêu thương.
“Mẹ đỡ đầu” của hàng trăm đứa con Danh sách đăng ký của các mẹ bầu có một mục, đó là ngày dự sinh. Hằng ngày, chị Huyền và nhóm đều kiểm tra ngày dự sinh của các mẹ. Với những mẹ gần ngày sinh, nhóm liên hệ trước để gửi tất cả đồ dùng cần thiết cho hành trình vượt cạn. Từ sữa, bỉm, tã lót, ... đều được nhóm chuẩn bị kĩ càng, sắp xếp gọn gàng trong những làn “hành trang chào đời”. Quần áo mới của các bé đều được giặt sạch, ủi và gấp cẩn thận trước khi gửi đến tay các mẹ. Số lượng mẹ bầu cần giúp đỡ lên đến hơn 600 trường hợp. Không thể đến tận nơi hỏi thăm tình hình sức khoẻ và gửi trực tiếp quà cho từng mẹ, tại các khu cách ly, chuyến xe của nhóm dừng tại các chốt kiểm dịch, làn đồ đi sinh được bàn giao cho tổ Covid cộng đồng kèm danh sách đăng ký. Đối với khu trọ tại các khu công nghiệp, nhóm thiện nguyện chủ động tìm người đại diện, làm đầu mối để nhận đồ. Đầy đủ đồ dùng để mẹ an tâm đi sinh. Chị Trịnh Thị Lệ, chủ trọ tại Bắc Giang cho biết: “Khu nhà mình có ba công nhân đang mang bầu. Giờ dịch bệnh không ai ra ngoài để mua đồ bầu được mà có ra thì các cửa hàng cũng đóng cửa hết. Thấy có nhóm chị Huyền hỗ trợ mẹ bầu, mình liên hệ để kết nối giúp các bạn.” Ba trường hợp mẹ bầu tại khu trọ của chị Lệ đều là công nhân người dân tộc thiểu số, quê tại Sơn La xuống Bắc Giang xin việc. Nhờ có những món đồ mẹ và bé được nhóm gửi tặng, ngày 5/6 vừa qua, một trong ba mẹ bầu là C.T.T đã yên tâm vượt cạn thành công, chào đón một thiên thần nhỏ. Hai mẹ còn lại hiện bầu gần 6 tháng cũng nhận được đầy đủ thực phẩm hỗ trợ và đồ dùng cần thiết. Sữa bầu không thể thiếu trong những làn "hành trang chào đời". Không chỉ hỗ trợ đồ đi sinh cho các mẹ bầu, những chuyến xe lưu động của nhóm thiện nguyện Huyền Minh còn đưa, đón sản phụ bất kể ngày hay đêm. Nhiều khi mệt, mọi người trong nhóm tính chợp mắt... nhưng nhận được tin nhắn có mẹ bầu mới sinh, xin xe hỗ trợ đưa về nhà; mẹ bầu đi sinh một mình, chưa kịp chuẩn bị đồ; trường hợp khó khăn, chưa chuẩn bị đủ viện phí... gác lại hết mệt mỏi, chuyến xe yêu thương của nhóm thiện nguyện Huyền Minh lại tiếp tục lăn bánh. “Công tác hỗ trợ mẹ bầu có phần khác biệt so với các hoạt động thiện nguyện hướng đến các đối tượng còn lại. Đối với mẹ bầu, thời gian rất quý, chậm trễ một chút thôi cũng có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của mẹ và bé. Mọi người trong nhóm vẫn thường trêu nhau là phải luôn vặn sẵn dây cót để có mẹ cần là đi ngay và luôn”, chị Huyền cho biết mọi thành viên dù mệt nhưng vẫn hăng hái và nhiệt tình, tranh nhau nhận việc khi có tin nhắn xin hỗ trợ. Nhờ có những túi thực phẩm đa dạng; những chuyến xe đưa, đón sản phụ không quản ngày đêm; những làn đồ đi sinh và cả những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn tâm sự, động viên, an ủi, hành trình vượt cạn của nhiều mẹ bầu tại tâm dịch Bắc Giang đã vơi đi phần nào khó khăn, vất vả. Mẹ bầu được chị Huyền giúp đỡ, ai cũng nhắn xin cho các con nhận chị làm “mẹ đỡ đầu”. Người phụ nữ nhỏ bé nay làm mẹ của trăm con. Chia sẻ với phóng viên, chị Huyền cho biết dù dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát nhưng không vì thế mà hoạt động của nhóm dừng lại. Những chuyến xe vẫn sẽ tiếp tục hành trình bảo vệ và chào đón những sinh linh bé nhỏ ngay tại tâm dịch Bắc Giang này. |