"Mấy tháng nay thất nghiệp, lấy tiền đâu lo cho con vào năm học mới?" |
Ngày 3 mẹ con Tuyết trở về nhà sau thời gian cách ly tập trung cũng là ngày các trường học đang nô nức tổ chức khai giảng năm học mới. Khi đó hầu như mọi đứa trẻ khác đã được ba mẹ sắm sửa quần áo, sách vở còn hai đứa con trai chị Tuyết thì vẫn chưa được mua gì. Gần nửa năm qua gia đình chị không có nguồn thu nhập nào. Chồng bị tai nạn lao động, chị Tuyết bị mất việc làm do tình hình sản xuất của công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Mặc khác chị cũng xin nghỉ thời gian dài để ở nhà chăm sóc chồng bị tai nạn. Mới đây gia đình chị có 3 người thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung. Khi vừa hết thời gian cách ly tập trung cũng là lúc hai đứa con của chị bắt đầu vào năm học mới. Trên chuyến xe trở về nhà, nghe tiếng trống khai trường vang lên giục giã mà lòng chị Tuyết thấp thỏm, lo âu. Sắp bước vào năm học mới, gia đình chị và hai đứa con chưa biết xoay xở ra sao. |
Tai HỌA ập đến |
Chị Lưu Thị Tuyết ở thôn Phú Lâm, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là công nhân thời vụ của Công ty TNHH MTV S&H Garment, chuyên về may mặc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và hoàn cảnh gia đình nên chị đã thất nghiệp gần 5 tháng nay. |
Hai đứa con chị Tuyết sau khi dự lễ khai giảng trực tuyến do nhà trường tổ chức đã tự học tại nhà.
Mở đầu câu chuyện, chị Tuyết ngậm ngùi kể: "Cách đây 5 tháng khi tôi đang làm việc tại công ty thì có người gọi điện báo tin chồng bị tai nạn gãy chân đang cấp cứu tại bệnh viện. Khi đó đầu tôi choáng váng, ngã quỵ xuống". Anh Nguyễn Văn Nam, chồng chị Tuyết là thợ cơ khí, đi làm thuê ở TP Đà Nẵng, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Số tiền đó cộng thu nhập từ lương công nhân (khoảng 4 triệu đồng/tháng) của vợ cũng đủ cho gia đình anh sống ổn định và đủ sức nuôi con ăn học. Anh Nam không ngờ có ngày mình bị tai nạn, phải nhập viện điều trị dài ngày và trở thành gánh nặng của gia đình. Anh kể "Hôm đó tôi đứng trên giàn giáo thì bị điện giật và ngã xuống đất. Tôi bị gãy chân khá nặng nên phải nhập viện cấp cứu để mổ. Khi tôi bị tai nạn, TP Đà Nẵng đang có dịch bệnh Covid-19 nên không ai được vào bệnh viện chăm sóc. Mình tôi phải tự lo liệu mọi việc". Lúc anh Nam gặp tai nạn, nhà thầu cũng hỗ trợ được ít tiền để anh chi trả viện phí. Còn lại các khoản chi phí khác gia đình anh tự lo liệu. Sau gần một tháng điều trị, anh Nam được xuất viện nhưng số tiền gia đình tiết kiệm được cũng "đội nón ra đi". Do còn yếu nên anh Nam gần như nằm một chỗ, cần người chăm sóc. Cũng trong thời gian này, do ảnh hưởng dịch bệnh, đơn hàng công ty giảm sút, ngày nghỉ kéo dài, thu nhập bấp bênh nên chị Tuyết cũng chủ động xin nghỉ để tiện chăm sóc chồng. Đến giữa tháng 8, anh Nam quay lại bệnh viện mổ chân lần thứ hai thì cũng là lúc xã Đại Hồng bùng phát dịch Covid-19. Khi anh Nam xuất viện vừa về đến nhà thì vợ và 2 đứa con của anh phải đi cách ly y tế tập trung do tiếp xúc gần với một ca F0 là người nhà. |
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm ở vùng dịch huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. |
nỗi lo đè trên vai người mẹ trẻ |
Mặc dù đã được chính quyền địa phương giải thích về những lý do phải đi cách ly tập trung nhưng chị Tuyết và các con vẫn lo sợ bị lây nhiễm bệnh. Nguyễn Nam Sơn, học lớp 5, Trường Tiểu học Đại Hồng, con trai nhỏ của chị Tuyết oà khóc khi thấy xe đón vào khu cách ly. "Nghe tin cả nhà con và nhà bà ngoại đều phải đi cách ly tập trung, con sợ lắm! Thời gian đầu vào đó (khu cách ly tập trung - PV) buồn lắm, con và anh chẳng dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong phòng. Mẹ nói nếu bị dính bệnh thì không còn được về nhà, không được đi học nữa nên con lại buồn hơn. Vì vậy con luôn tuân thủ phòng bệnh để mong sớm được về nhà để đến trường đi học, vui chơi với bạn bè", Sơn kể lại. Những ngày đi cách ly, chị Tuyết vừa lo lắng vì dịch bệnh vừa thấp thỏm lo âu vì hai đứa con chị sắp bước vào năm học mới. Mọi năm hai vợ chồng đều đi làm, có lương hằng tháng nên việc mua sắm sách vở, quần áo, đóng học phí cho con chị đều lo được. Nhưng gần nửa năm qua, vợ chồng chị không có thu nhập, chồng lại bị tai nạn gần như nằm một chỗ, cuộc sống rất khó khăn. |
"Mấy tháng qua chạy vay mượn đủ chỗ để đóng viện phí cho chồng. Tiền nợ bây giờ cũng gần cả trăm triệu rồi. Dịch bệnh ập đến, khu vực tôi ở bị phong tỏa, gia đình đi cách ly. Khi đi cách ly tiền bạc trong túi cũng không có nên phải mượn anh em, hàng xóm. Sắp tới đi đóng học phí cho con chắc tôi cũng sẽ đi mượn họ hàng chứ mấy tháng nay thất nghiệp, lấy tiền đâu lo cho con vào năm học mới?", chị Tuyết tâm sự. Những ngày chuẩn bị kết thúc đợt cách ly tập trung, chị Tuyết được giáo viên chủ nhiệm của hai con thông báo về việc chuẩn bị sách, vở và trang bị điện thoại hoặc laptop để các con học trực tuyến. Do khu vực nơi chị ở bị phong tỏa "cứng", dài ngày nên chưa kịp mua sách vở cho con. Trong vùng phong tỏa cũng không còn sách giáo khoa để mua. Nhà chị chỉ có một chiếc điện thoại thông minh có thể kết nối mạng và học trực tuyến, giờ hai đứa con cùng học một lúc chị cũng chưa biết tính sao. Bao nhiêu nỗi lo cứ đè trên vai người mẹ trẻ. Trong lúc khó khăn thì có người anh trong gia đình chị Tuyết đã mua tặng hai đứa con chị 2 bộ sách, vở. Chính vì vậy mà khi vừa về đến nhà là Nam Sang và Nam Sơn (hai đứa con chị Tuyết - PV) đã có sách, vở mới tinh để bước vào năm học mới. "Giờ con đã có sách vở để học rồi. Con vui lắm! Mấy ngày qua con và anh Hai dùng chung điện thoại của ba để học trực tuyến. Nếu hai anh em học chung một buổi con sẽ chạy qua nhà ngoại mượn điện thoại để học", Nam Sơn vui vẻ khoe. Ngoài ra chị Tuyết cũng cho biết công ty nơi chị làm việc cũng vừa gọi điện hỏi thăm và thông báo sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng để gia đình chị vượt qua khó khăn trong mùa dịch. |
Nhà trường sẽ giúp đỡ HỌC SINH khó khăn |
Thầy Nguyễn Khánh Hòe, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa qua địa phương chịu thiệt hại nặng nề khi xuất hiện chùm ca bệnh Covid-19. Trong đó có nhiều giáo viên, học sinh trên địa bàn là F0, F1 phải đi điều trị, cách ly tập trung. |
Hiện tại xã Đại Hồng vẫn đang còn phong tỏa và thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên nhà trường chỉ cho học sinh học trực tuyến tại nhà. Hiện tại có khoảng 15% học sinh nhà trường chưa thể tham gia học trực tuyến. Trong đó có nhiều học sinh do gia đình khó khăn nên chưa có thiết bị để học trực tuyến. Một số khác do đang ở trong khu cách ly nên chưa tham gia học tập. "Đối với những học sinh F0, F1, là con công nhân khó khăn, người lao động nghèo không thể học trực tuyến, khi vào học tập trung ở trường, chúng tôi sẽ yêu cầu giáo viên tập trung các em lại để tiến hành ôn tập, bồi dưỡng thêm kiến thức để các em tiếp cận được với chương trình học. Điều này chúng tôi đã phổ biến với giáo viên trong nhà trường để họ kịp thời thông báo với phụ huynh để tránh gây hoang mang", ông Hòe chia sẻ. Cũng theo ông Hòe, thời gian qua nhiều phụ huynh cũng có phản ánh khó mua sách giáo khoa cho học sinh nên nhà trường đã đứng ra đặt và mua sách giúp phụ huynh. Đã có hơn 17 phụ huynh mua sách giáo khoa cho con thông qua hình thức này. "Đối với những gia đình có học sinh khó khăn như chị Tuyết, chúng tôi cũng đã nắm bắt được tình hình. Hiện chúng tôi đang yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thống kê, tổng hợp và gửi danh sách học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Lộc, Hội Khuyến học,... để có những chính sách hỗ trợ kịp thời", ông Hòe cho biết thêm. Clip lễ khai giảng năm học mới ở vùng bị ảnh hưởng bởi Covid-19: |
Nam Trân |
Đối thoại với dân
Tối 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi trao đổi trực tuyến với người dân qua ... |
Hà Nội đề xuất những người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19 được phép đi lại
Về những người đã tiêm 2 mũi vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Việc tiêm không đồng nghĩa họ được ... |
Người lao động sản xuất "3 tại chỗ" vui mừng nhận hỗ trợ 1 triệu đồng tiền ăn
Người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” tại Bình Dương đã và đang nhận được hỗ trợ 1 triệu đồng tiền ăn từ ... |