Tại TP.HCM, để đoàn viên, người lao động được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, cán bộ, công nhân viên của một số nhà văn hóa lao động đã đưa nhiều chương trình xuống tận nhà xưởng, nhà lưu trú để phục vụ công nhân.
Nhà văn hóa… di động!
“Nhà văn hóa… di động”, “” là những “biệt danh” của Nhà Văn hóa Lao động quận 11 (TP.HCM). Để có được “biệt danh” đó là sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đây. Từ 5h sáng đến 23h đêm, nơi đây luôn rộn ràng tiếng cười của người lao động đến sinh hoạt. Không những “sáng đèn” từ sáng sớm cho đến đêm, các hoạt động ở đây còn được đưa về nơi ở, nơi làm việc của người lao động trên địa bàn quận.
Ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động quận 11 cho hay, do đặc thù công việc của anh chị em đoàn viên, người lao động là đi làm sớm, về trễ, công việc gia đình chiếm hết thời gian nên không có thời gian đến nhà văn hóa để vui chơi, sinh hoạt. “Chúng tôi nghĩ, được vui chơi, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ai cũng thích cả, chỉ là hoàn cảnh của anh chị em không cho phép để đến các trung tâm văn hóa sinh hoạt. Do đó, với nhiệm vụ tổ chức Công đoàn giao là phục vụ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho anh chị em, chúng tôi đã tìm cách đưa các hoạt động về tận nơi ở, nhà xưởng của anh chị em với tên gọi là Giờ thứ 9, kết hợp với các hoạt động chăm lo cho anh chị em công nhân. Hoạt động này đã được anh chị em công nhân, chủ doanh nghiệp trên địa bàn đón nhận”.
Các lớp học võ tự vệ dành cho nữ công nhân vệ sinh được Cung Văn hóa Lao động TP.HCM đưa xuống địa bàn. |
Đưa các hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động xuống địa bàn sẽ giúp công nhân có điều kiện tham gia tốt hơn. |
Đưa các hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động xuống nơi có công nhân đang cần cũng là cách làm của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM thực hiện nhiều năm qua. Các hoạt động như sân chơi “Giờ thứ 9”, chương trình văn hóa, văn nghệ vào các ngày lễ lớn, dịp Tết hay các chương trình dạy võ tự vệ cho công nhân… khi đưa xuống địa bàn được anh chị em công nhân rất hưởng ứng. Ông Phạm Hữu Phước Huy - Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM cho hay, sân chơi “Giờ thứ 9” là sáng kiến của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, mục đích ban đầu là tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động sau 8 giờ làm. Ban đầu chỉ là các tiết mục văn nghệ đơn giản do anh chị em công nhân dàn dựng, biểu diễn cho nhau nghe, sân khấu được dàn dựng đơn giản ở ngay nhà xưởng, nhà lưu trú, khu tập trung đông công nhân.
“Mặc dù, hiện nay sân chơi của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM đã dừng lại nhưng từ sân chơi đó, nhiều Nhà Văn hóa Lao động trên các địa bàn quận, huyện của thành phố có những hoạt động tương tự, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho anh chị em công nhân”, ông Phạm Hữu Phước Huy chia sẻ.
Sân chơi "Giờ thứ 9" là sáng kiến của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM |
Theo ông Hồ Xuân Lâm – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, hệ thống công đoàn TP.HCM đang quản lý Cung Văn hóa Lao động và 17 Nhà Văn hóa Lao động quận, huyện, khu công nghệ cao với nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động trên toàn thành phố. Trong bối cảnh còn nhiều hạn chế, khó khăn, một số Nhà Văn hóa, Cung Văn hóa Lao động TP.HCM đã có những hoạt động “mang” nhà văn hóa xuống tận nơi ở, nơi làm việc của người lao động.
“Chúng tôi gọi đó là "Nhà văn hóa di động", các anh chị em đã không ngồi yên chờ công nhân lao động đến sinh hoạt mà mang các hoạt động đó về tận cơ sở, đó là một điều rất đáng quý” – Ông Hồ Xuân Lâm bày tỏ.
Mỗi năm, Cung Văn hóa Lao động TP.HCM thu hút hơn 1,2 triệu công nhân lao động, người dân đến tham dự, sinh hoạt. |
Phục vụ cái công nhân cần, không chỉ phục vụ cái mình có!
Ngoài các hoạt động sẵn có như tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình của đơn vị, thành lập và đưa vào sinh hoạt các câu lạc bộ năng khiếu, tổ chức phục vụ công nhân lao động đến sinh hoạt, tập luyện thể dục, thể thao, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ và học tập các kỹ năng, nghiệp vụ… các Nhà Văn hóa Lao động, Cung Văn hóa Lao động TP.HCM còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động theo nhu cầu của công nhân, người lao động.
Đơn cử, hiện nay các hoạt động văn hóa, văn nghệ đang gặp khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thế nhưng tại Nhà Văn hóa Lao động quận 11, các cán bộ ở đây vẫn không thiếu việc. Anh Chí Văn – Trưởng phòng Nghiệp vụ, đang lên kế hoạch đưa giáo viên xuống các doanh nghiệp dạy người lao động các bài nhảy phục vụ hoạt động tập thể dục giữa giờ, sắp xếp lịch ghi hình game show “Gia đình vui vẻ” phối hợp với VTV1…
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ tập trung đông người cũng hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp muốn thúc đẩy tinh thần cho nhân viên, tạo không khí phấn khởi khi làm việc đã liên hệ với chúng tôi, đưa các giáo viên xuống dạy các bài thể dục giữa giờ cho nhân viên. Hiện, chúng tôi đang triển khai ở Công ty TNHH TM Sim Ba, Ngân hàng Agribank đóng trên địa bàn quận 11”, anh Chí Văn cho hay.
Phục vụ cái công nhân cần, điều người lao động muốn, đó cũng là cách làm mà Cung Văn hóa Lao động TP.HCM hướng đến thời gian qua. Ông Phạm Hữu Phước Huy cho hay, ví dụ cụ thể cho cách làm này là bắt đầu từ năm 2016, Cung Văn hóa Lao động TP.HCM đã tổ chức dạy các lớp võ tự vệ cho ngay tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM (quận 3, TP.HCM). Tuy nhiên, do điều kiện đi lại khó khăn, thời gian học không phù hợp nên số chị em đi học không nhiều. Sau đó, đơn vị đã phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện và các doanh nghiệp, trực tiếp dạy các kỹ năng tự vệ cho chị em ngay tại doanh nghiệp hoặc trụ sở LĐLĐ quận, huyện, công viên. Bên cạnh đó, các Nhà Văn hóa Lao động ở quận, huyện cũng tổ chức dạy võ cho các nữ công nhân.
Hệ thống công đoàn TP.HCM đang quản lý Cung Văn hóa Lao động và 17 Nhà Văn hóa Lao động quận, huyện, khu công nghệ cao. |
Từ năm 2018, Cung văn hóa Lao động TP.HCM đẩy mạnh hoạt động này, bước đầu tập trung vào lực lượng nữ công nhân vệ sinh. Bởi đặc thù ngành nghề, thời gian làm việc đêm khuya nên nữ công nhân vệ sinh ở các quận, huyện rất cần được trang bị kỹ năng tự vệ trong khi dọn dẹp vệ sinh đường phố. Hướng sắp tới, Cung Văn hóa Lao động TP.HCM sẽ mở rộng các lớp học ra các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có công nhân đi ca về khuya, địa bàn hẻo lánh để chị em có kỹ năng phòng vệ khi cần thiết.
Cần sự ủng hộ, tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp “Để thực hiện được mục tiêu “mang” nhà văn hóa xuống tận nơi ở, nơi làm việc của công nhân lao động, chúng tôi rất mong có sự chia sẻ của các chủ doanh nghiệp. Đối với chương trình dạy võ tự vệ cho nữ công nhân, để thực hiện được cần chủ doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian cũng như địa điểm luyện tập thì chị em nữ công nhân mới có thể tham gia” – Ông Phạm Hữu Phước Huy – Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM cho biết. “Muốn các nhà văn hóa luôn “sáng đèn” thì trước hết địa điểm đặt nhà văn hóa phải phù hợp với điều kiện đi lại của người lao động, các hoạt động phải đáp ứng được nhu cầu của họ. Muốn nhà văn hóa “di động” được thì trước hết phải có sự ủng hộ, tạo điều kiện của doanh nghiệp để công nhân lao động thu xếp công việc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ” – Ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động quận 11 chia sẻ. |
Bài, ảnh: Lê Tuyết
Đồ họa: Ngô Thụy