Mái ấm Công đoàn Trường Đại học Sài Gòn – ngôi nhà thân yêu của tôi!
- 15/11/2024 09:13 Trần Thị Thùy Nhung
Kiên cường chống chọi với bệnh tật
Công đoàn là ngôi nhà thân yêu thứ 2 của mỗi một người lao động. Ở đó, chúng ta tìm thấy sự sẻ chia và đồng cảm, bình yên và và tiếp thêm cho mỗi chúng ta vượt qua sự khó khăn gian khổ. Tôi thật may mắn khi tốt nghiệp đại học năm 2007, tới tháng 10 năm 2008 tôi được tuyển dụng vào làm nhân viên văn phòng khoa Thư viện – Văn phòng, Trường Đại học Sài Gòn. Tôi rất hạnh phúc và gắn bó với công việc văn phòng cho đến giờ.
Tôi yêu công việc văn phòng được phục vụ cho các bạn sinh viên, các giảng viên nhiệt huyết và hơn hết tôi rất hạnh phúc khi được sinh hoạt công đoàn trong một tập thể lớn, đó là ngôi nhà thứ hai, giàu tình yêu thương của tôi – đó chính là Công đoàn Trường Đại học Sài Gòn.
Thời điểm tôi bị rụng tóc vì vô hoá chất. Ảnh: NVCC |
Công đoàn trường đã chăm lo rất tốt cuộc sống của viên chức người lao động chúng tôi. Các hoạt động với mục tiêu đẩy mạnh phong trào thi đua 2 tốt và cuộc vận động “Dân chủ – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm“, “Học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phấn đấu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học: “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội” và luôn luôn quan tâm, gắn bó sát sao với người chúng tôi với nhiều hành động thiết thực.
Vào năm 2021, không may trong một lần bị ốm, đi khám bệnh tôi phát hiện ra mình bị ung thư vú, mọi thứ dường như sụp đổ trong tôi. Tôi mất hết đi niềm vui sống và sợ hãi khi thấy con trai còn bé bỏng bé mới chỉ hơn 2 tuổi. Tôi lo sợ nếu mình mất đi, con cái sẽ sống ra sao? Đó là nỗi lo lớn nhất trong tôi lúc bấy giờ, đặc biệt là năm đó là đại dịch Covid-19 và thời gian đầu đi khám bệnh trong đại dịch thật khó khăn, vất vả.
Gia đình hai vợ chồng và một con trai nhỏ thuê một phòng trọ ở quận 8, ông xã bán hàng rong, anh mải miết bán từng hộp khoai mì để có tiền lo cho gia đình. Tấm lòng tôi đau nhói khi nghĩ đến chồng, con sẽ buồn như thế nào khi tôi bước vào hành trình chữa bệnh dài ngày với nhiều chi phí phải lo toan. Tôi nhớ lúc đó đi khám bệnh do dịch nên nhiều điểm chốt chặn rất khó đi lại. Từ nhà chạy đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 rất xa, gần 20km. Ông xã bảo tôi đi Grab nhưng vì thương chồng và thương con, muốn để dành dụm được để lo cho con nên tôi đã chạy xe máy đi một mình để tiết kiệm chi phí đi lại.
Có cả những lần vô hóa chất xong tôi mệt lả đi chỉ muốn buông xuôi. Nhưng rồi tôi nghĩ đến sự sống thật quý giá, nghĩ đến gia đình, con nhỏ cần tôi chăm sóc. Tôi lại động viên mình rằng phải lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống nhất định sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Vì khối u lớn, bác sĩ nói tôi phải vào hóa chất 8 toa và sau đó cắt bỏ ngực trái, 16 lần xạ trị và uống thuốc ít nhất 5 năm.
Nghe bác sĩ nói biết là hành trình thật dài, gian khổ và nghĩ không biết lấy tiền đâu ra để chi phí khám chữa bệnh, lúc đó tôi chỉ biết khóc và gọi cho mẹ. Mẹ động viên nhiều, tình yêu thương của mẹ khiến tôi quyết tâm cố gắng hơn và nhìn vào gia đình, vào con nhỏ. Cha mẹ động viên chia sẻ khiến tôi mạnh mẽ can đảm đối diện với thực tại.
Vô thuốc 8 toa hóa chất, không ăn uống được, tóc bị rụng, người lúc nào cũng mệt lả và suy nhược. Khi vô tình nhìn vào trong gương tôi đã òa khóc vì mất đi mái tóc... Người phụ nữ mất đi mái tóc trông thật buồn và đầy tủi thân, tôi không ăn được, không có sức sống. Trong lúc ấy, ông xã động viên tôi lạc quan và hỗ trợ nhiều công việc nhà. Đồng lương ít ỏi của tôi, gần nửa năm dịch bệnh, ông xã không buôn bán được gì. Hai vợ chồng rất khó khăn, bố mẹ hai bên đều xa và lớn tuổi cũng không khá giả gì nên hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm để lo cho con và tôi chữa bệnh.
Công đoàn trường không để tôi đơn độc
Tôi tìm thêm việc để làm, tôi xâu hạt thành dây đeo thẻ tên bán cũng có thêm thu nhập chút xíu thêm đồng rau, đồng cháo cho con... Có lúc xâu xong một vài dây thẻ tên bằng hạt là mắt tôi mờ đi nhưng nghĩ đến có thể bớt đi gánh nặng cho chồng tôi lại cố gắng. Có những lúc tôi nghĩ đến có nên bỏ về quê với bố mẹ vì không muốn ông xã và con trai nhỏ cảm thấy mệt mỏi. Nhưng lúc đó, mọi người ở trường, ở khoa đặc biệt là Trường đã hỗ trợ thăm hỏi rất nhiều, vực dậy tinh thần ủ dột của tôi.
Được sự quan tâm động viên, giúp đỡ của Công đoàn nhà trường và sự hỗ trợ của gia đình, ca mổ của tôi được tiến hành thành công. Sau ca mổ là khoảng thời gian tôi kiên cường bước vào các đợt điều trị. Những đợt xạ trị đau đớn, truyền hóa chất khiến cơ thể tôi gầy guộc, mệt mỏi, rụng hết tóc. Tôi tưởng như có những lúc bản thân không thể vượt qua.
Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường cùng khoa Thư viện Văn phòng đã tiếp tục đồng đồng hành cùng tôi, hỗ trợ tôi về vật chất, động viên tinh thần. Từ sự hỗ trợ của công đoàn đã tiếp thêm nghị lực cho tôi vượt lên bệnh tật. Tôi dần vững vàng tinh thần, tự tin mình sẽ nhanh khỏe để về với gia đình và đến trường.
Tôi vẫn tận hưởng cuộc sống bên đồng nghiệp, bên gia đình. Vẫn chưa biết được liệu căn bệnh ung thư sẽ còn tái phát hay không. Tôi chỉ thấy biết ơn cuộc đời khi tôi còn được sống. Ảnh: NVCC |
Từ đó tới nay đã hơn 3 năm trải qua thời gian dài điều trị định kỳ theo phác đồ của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 và 2. Ơn trời, sau hơn nửa năm điều trị tôi có thể đi làm trở lại. Đó là niềm vui của sự chiến thắng bản thân, chiến thắng bệnh tật và con trai bé bỏng là nguồn động lực mong muốn sống mãnh liệt trong tôi.
Tôi gọi cuộc điện thoại báo tin vui cho ba mẹ. Và ở cơ quan, đầu tiên là cuộc gọi về cho chị Chủ tịch Công đoàn khoa, cảm xúc vỡ òa khi tôi biết mình còn cơ hội được sống, được chăm sóc cho con trai nhỏ bé bỏng, nụ cười đã nở trên môi và cả những giọt nước mắt rơi vì vui mừng. Vẫn biết rằng cuộc chiến đấu với bệnh tật của tôi vẫn chưa kết thúc, nhưng chiến thắng ban đầu trong cuộc hành trình chiến đấu với bệnh tật này là niềm vui của gia đình, của đồng nghiệp, cũng là cầu nối gắn kết thêm tình cảm yêu thương của mọi người trong ngôi nhà chung đó chính là mái ấm Công đoàn Trường Đại học Sài Gòn tràn đầy ấm áp.
Tôi rất cảm động và trân quý tấm lòng của mọi người đặc biệt là Công đoàn Trường ĐH Sài Gòn đã thăm hỏi tận tình và rất nhiều. Đó là một món quà thật ý nghĩa, vô giá trong cuộc đời tôi; động viên bên cạnh sẻ chia và cổ vũ tôi vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.
Hiện nay tôi vẫn phải kiểm tra và uống thuốc định kì. Mặc dù sức khỏe yếu đi nhưng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân cố gắng hoàn thành thật tốt công việc. Tự luôn hứa sẽ cố gắng làm việc thật chăm chỉ để đền đáp tấm lòng trân quý mọi người, đặc biệt công đoàn dành cho tôi.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm Y Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected] |
Cô Trần Huyền Trang, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) là một giáo viên yêu nghề, tận ... |
Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao hằng trăm căn nhà “Mái ... |
Tập thể đoàn viên Trường THCS Lê Thanh Liêm (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) là một mái ấm luôn có sự yêu thương, sẻ ... |
Tin cùng chuyên mục
- 15/11/2024 09:17
Mô hình Sức khỏe của bạn được LĐLĐ tỉnh An Giang phối hợp Sở Y tế triển khai từ năm 2017 đã phát huy hiệu quả thiết thực và được duy trì đến nay. Hai đơn vị thường xuyên phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức đầy đủ nội dung, ngắn gọn trong các công ty vào dịp cuối tuần, giúp NLĐ được tham gia thuận tiện, nhất là lao động nữ.