H’ Chuyên Niê, 33 tuổi, lần đầu tiên trong đời đi máy bay. Chuyến đi “xa nhất từ bé đến giờ” được báo trước 3 ngày, khi cô đang mải phát cỏ ở lô cao su trên Nông trường Cuôr Đăng. Nữ công nhân bay hơn 1.300 cây số trong sự hồi hộp, xen lẫn niềm tự hào, vui sướng âm ỉ. Cô sau đó có mặt tại Hội trường Diên Hồng và nói về sự cần thiết của việc tăng lương.
Tháng lương gần nhất và cũng là tháng lương đầu tiên trong năm nay, H’ Chuyên Niê nhận hơn 5 triệu tiền công phát cỏ. Trừ tiền bảo hiểm và vài quỹ chưa đóng từ đầu năm; trừ thêm tiền thuê máy, xăng dầu và thuê người làm cho kịp tiến độ, cô tính ra… “bị âm”.
Trong khi, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, nơi nữ công nhân sinh sống, giá cả các mặt hàng thiết yếu leo thang từng ngày. “Mắm, muối…, cái gì cũng tăng. Lương không thấy tăng, đi làm có khi bị âm. Chưa được xài, cái lương đã hết rồi”, cô nói, dẫn chứng gói muối trong buôn trước giá 5.000 đồng, giờ tăng gần gấp đôi.
Một ngày làm việc trên nông trường của H’ Chuyên Niê - Ảnh: NVCC |
Tốt nghiệp Trung cấp Y vào 8 năm trước, H’ Chuyên Niê mong muốn kế nghiệp bố làm ở trạm y tế xã nhưng không thành bởi địa phương hết chỉ tiêu. Cô đành chuyển hướng, xin làm công nhân Nông trường Cao su Cuôr Đăng ngay gần nhà. Cô gái Ê đê lớn lên dưới những gốc cao su. Mẹ cô ăn lương hưu cao su. Nhà có 5 chị em gái thì 4 người làm công nhân cạo mủ. H’Chuyên Niê thấm thía nỗi khổ của đời công nhân cao su, song vẫn chọn nghề này bởi “muốn được gần nhà”.
Mùa cạo mủ bắt đầu từ cuối tháng Tư đến tháng Hai năm sau, khi cây cao su vào đợt thay lá. Mỗi ngày, H’ Chuyên Niê thức dậy từ 12h đêm, lúc nhiệt độ thấp nhất và sương xuống. Nữ công nhân nhiều năm đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở đúc kết kinh nghiệm: “Cái mủ cao su lạ lắm. Trời càng lạnh, càng ra nhiều. Thích nhất là trời rét. Người mình lạnh cỡ nào thì mình càng mừng cỡ đó. Mủ nhiều thì được nhiều tiền công”.
Gương mặt cô rạng rỡ khi kể về tháng lương “kỷ lục”, khoảng 8 triệu đồng, còn bình quân từ 3 đến 5 triệu. Lương của vợ nhưng có công của chồng. Bởi chẳng mấy khi cô đi làm mà không có chồng phụ giúp.
“Cuối tháng nhận lương dù không có nhiều nhưng cũng có cái để mình trông mong. Được nghe hai chữ nhận lương là thấy vui lắm. Tháng nào đạt sản lượng, Công ty thưởng mắm, muối, bột ngọt, mỗi thứ một tí vậy đó”, H’Chuyên Niê chia sẻ.
H' Chuyên Niê vẫn tranh thủ lúc rảnh rỗi đi trồng khoai, bón phân... để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: NVCC
Nhưng niềm vui của cô không kéo dài. Ba năm trước, lô cao su già cỗi, kém năng suất, nông trường cho phá để trồng lớp mới. H’ Chuyên Niê chuyển sang chăm sóc. Việc ít, lại ăn lương khoán. Mỗi héc-ta phát cỏ được khoán 5-6 ngày công, đơn giá 170 nghìn đồng/ngày. Với 5 héc-ta được giao, vợ chồng Niê làm không xuể, phải thuê người, thuê máy mới kịp tiến độ. Ngày lĩnh lương, trừ đầu trừ đuôi, hầu như “chỉ vừa đủ tiền đóng bảo hiểm”.
Tính cả năm ngoái, H’ Chuyên Niê chỉ có việc trong 3 tháng, gói trong 2 đợt phát cỏ, 1 đợt bón phân. Năm nay thì tệ hơn: “Sắp tới phát cỏ đợt hai là hết việc cả năm”. Cô nhẩm tính sẽ trải qua tình trạng này ít nhất 5-6 năm nữa, khi những cây cao su bắt đầu “mở miệng” (đến giai đoạn thu hoạch).
“Cũng may em đóng bảo hiểm thuộc nhóm thấp...”, bà mẹ hai con, nói.
Nếu H’ Chuyên Niê chọn nghề công nhân vì muốn gần nhà thì Phạm Anh Tây (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) buộc phải rời nhà để đi làm công nhân.
Cả hai có điểm chung: từng học ngành Y. Thậm chí, Tây từng làm điều dưỡng hợp đồng tại một bệnh viện ở Nghệ An. Song, anh giấu bố mẹ bỏ việc vì lương quá thấp, không đủ ăn và thường xuyên phải khất tiền thuê trọ. Anh bươn chải vài công việc tự do ở thành phố Vinh rồi quyết “một phen ăn chửi”, mò về quê lấy vợ. Quê nghèo, chẳng làm gì ra tiền, vợ chồng Tây gửi lại đứa đầu cho ông bà, ra Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tìm cơ hội.
5 năm đi công ty, họ có thêm một đứa con. Trung tuần tháng 9 năm 2022, việc ít, lương thấp, Tây quyết định nghỉ việc, vay ít vốn bán hàng online và trông con cho vợ đi làm.
Buôn bán lẹt đẹt, Tây đúc kết: “Chẳng ăn thua”. Vợ anh đi làm công ty, lương hơn 6 triệu/tháng. Trừ tiền nhà trọ, điện, nước mỗi tháng khoảng triệu rưỡi, trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt, tháng nào còn dư mới dám gửi về cho ông bà nội nuôi đứa con gái lớn sắp vào lớp 2. Có khi một triệu, có khi vài trăm nghìn, tháng nào không có, vợ chồng anh xin khất. Lâu nay, họ chẳng dám hứa nữa...
Vợ chồng Tây không phải là cá biệt. Theo Tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, trong một cuộc khảo sát quy mô trên 6.200 công nhân khắp ba miền vào tháng 11/2022, có đến 59% người lao động không có tích luỹ; 11,7% có tích luỹ nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng; 16,7% có tích luỹ, duy trì được 1-3 tháng; 12,7% có tích luỹ, có thể cầm cự trên 3 tháng. Đáng chú ý, khảo sát thời điểm ấy cho biết, 38% công nhân đang nợ nần; 14% trong số đó rất khó trả đúng hạn, nguy cơ mắc bẫy “tín dụng đen”.
Trước đó, vào năm 2019 cơ quan này phối hợp với Oxfam có cuộc khảo sát và đưa ra con số gần như tương tự, minh chứng cho hệ luỵ của “lương không đủ sống”. Và khi lương không đủ sống, họ buộc phải làm thêm, cắt giảm chi tiêu được xem là tối thiểu nhất. Thậm chí vẫn không thể tiết kiệm bởi các khoản chi tiêu đột xuất như ốm đau, hiếu, hỷ… Cũng vì lương thấp, nhiều công nhân cho biết “khó khăn về quyết định sinh con”.
Nhưng, cũng năm đó, dư luận từng xôn xao trước câu chuyện được kể bởi TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn tại tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động, rằng ngay tại khu công nghiệp ở phía Bắc có những nữ công nhân chấp nhận “bán mình”, nhận đẻ thuê với mức thù lao 10.000 – 12.000 USD. Và các nữ công nhân hỏi lại, như một cách phân trần, như một lời giãi bày về một sự thật chua chát với ông Thọ rằng: “Nếu lương 4-5 triệu đồng/tháng, chưa trừ hàng loạt các chi phí sinh hoạt, thì cháu làm đến bao giờ mới tích lũy được cả chục ngàn đôla".
Riêng Tây thì không ngại đẻ bởi anh quan niệm “con cái là lộc trời cho”. Tây, tất nhiên cũng không thể đẻ thuê. Có điều, giờ đây – giữa nơi từng coi là “miền đất hứa”, anh lại phải giũ áo tìm cơ hội mới.
Chiều 28/7, trong lúc Diễn đàn Người lao động 2023 được tường thuật trên nhiều mặt báo, thì ở một góc phòng trọ bên Đông Anh, Hà Nội, Tây ngồi trước máy tính cố gắng “chốt đơn” cho lô áo điều hòa mới nhập.
Toàn cảnh Diễn đàn Người lao động 2023 - Ảnh: Văn Quân |
“Mọi người hỏi em có dám phát biểu không và muốn nói điều gì? Em bảo chỉ muốn nói về tăng lương để công nhân bớt khổ”, H’ Chuyên Niê kể lại khoảnh khắc được chọn phát biểu trước Diễn đàn Người lao động 2023.
Thực ra, Niê đã hồi hộp, lo lắng suốt 2 ngày. Cô sợ run quá không nói nổi. Lúc ngồi trong Hội trường Diên Hồng, cô cố gắng sắp xếp từng câu chữ, viết nắn nót ra giấy.
Là người thứ 11 được phát biểu trước Chủ tịch Quốc hội, H’ Chuyên Niê nói: “Với người lao động, đi làm trước hết là để có lương nuôi sống bản thân và gia đình, sau đó để cống hiến xây dựng đất nước. Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động. Nhưng trong thực tế, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng; gần đây giá thịt lợn, nhiều loại mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tổi thiểu của người lao động”.
Nữ công nhân đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát, có giải pháp cải thiện lương cho công chức, viên chức và mức lương tối thiểu vùng để người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống.
H’ Chuyên Niê phát biểu tại Diễn đàn Người lao động 2023 - Ảnh: Văn Quân |
Những điều Niê nói cũng là nguyện vọng của đa số công nhân lao động. Còn nhớ năm ngoái (2022), để chuẩn bị cho sự kiện Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả hình thức trực tiếp lẫn gián tiếp. Kết quả là trong 10 nhóm vấn đề lớn rút ra từ gần 10.000 kiến nghị, đề xuất, nổi bật là kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới.
Theo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, mức lương tối thiểu vùng vừa tăng từ 1/7/2022 còn thấp, trong bối cảnh các mặt hàng, nhu yếu phẩm thiết yếu, giá nhiên liệu, điện nước đã tăng trước đó. Do vậy, lương tối thiểu vùng thực tế không đáp ứng được mức sống tối thiểu, đặc biệt ở các đô thị. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang trả cho người lao động mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, vì vậy dù có chính sách tăng lương nhưng thực chất cơ bản thu nhập chung của họ không tăng, nếu có tăng chỉ tăng ở mức đóng bảo hiểm. Vì vậy có 20% người lao động cho rằng cần tiếp tục tăng mức lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo phù hợp với mức tăng của hàng hóa, giá cả sinh hoạt. Mức lương hiện nay không đủ đảm bảo cuộc sống.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế xã hội – theo Bộ luật Lao động 2019.
Nhiều năm qua luôn có những tranh luận về tăng lương tối thiểu, giữa một bên là tổ chức đại diện người lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và một bên là đại diện doanh nghiệp (VCCI) tại các kỳ họp Hội đồng tiền lương quốc gia. Cả hai bên đều có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Và “mức sống tối thiểu” vẫn luôn là yếu tố gây tranh cãi. Các bên chưa thống nhất được thông số tính toán.
Trong khi, cơ quan độc lập có trách nhiệm “công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương” (theo Nghị quyết 27-NQ/TW) là Tổng cục Thống kê thì hiện vẫn... “chưa công bố”.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong phần trả lời H’ Chuyên Niê tại Diễn đàn Người lao động vừa qua, cho biết, dự kiến ngày 8/8/2023, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp nghe ý kiến đại diện doanh nghiệp và đại diện người lao động nhằm đánh giá tình hình sản xuất, thu nhập và tình hình lao động,… Từ đó tính toán xem năm 2023 có thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng không và điều chỉnh ở mức độ nào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì thừa nhận thực tế một bộ phận đoàn viên, công nhân lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Quốc hội cũng nhiều lần có Nghị quyết về lương tối thiểu và cải cách tiền lương. “Tại kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét lộ trình, cân đối các nguồn lực”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
“Hằng năm chúng ta đều xem xét cải cách tiền lương, khi chưa cải cách căn bản được tiền lương thì sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc đảm bảo mức sống cơ bản, năng suất lao động, chỉ số lạm phát CPI, giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động, ổn định tiến bộ của doanh nghiệp và người lao động. Trên cơ sở đó có hội nghị hiệp thương của Hội đồng tiền lương sẽ tham mưu với cùng các cơ quan liên quan xem xét trình Chính phủ. Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát để có quyết định phù hợp nhất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chưa có công bố về “mức sống tối thiểu” của người lao động từ Tổng cục Thống kê, phương pháp cũ dự kiến lại được các thành viên kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia đem ra tính toán. Không ai dám đảm bảo rằng những tranh luận, tranh cãi sẽ không tiếp tục xảy ra.
Trong lúc đó, thì H’ Chuyên Niê hằng ngày vẫn tranh thủ từng cơ hội để làm thêm. Khi thì làm cỏ gừng, khi thì bón phân khoai lang, cơm canh tự mang. Và, mỗi cuối tuần, cô lại mong ngóng có người gọi đi phục vụ các bữa cỗ, từ tờ mờ sáng đến chiều tối, bao cơm, công 200 nghìn/buổi.
Bài viết: MINH KHÔI Ảnh, video: Văn Quân, Minh Khôi, Tuyết Hằng, Tô Thế, NVCC Đồ họa: AN NHIÊN |