|
Nguyễn Thị Thúy Diễm sinh năm 1997, từ một vùng quê nghèo của tỉnh Bến Tre, tuổi thơ không may mắn khi cô không có gia đình đầy đủ từ năm 2 tuổi. Từ nhỏ, lớn lên trong cảnh khó khăn về cơm ăn áo mặc, Diễm đã ý thức được hoàn cảnh của gia đình. Lớn lên, cô đặc biệt thích giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn, cơ nhỡ như người bán vé số, những đứa trẻ mồ côi. Ngoài thời gian làm ở công ty, cứ lúc rảnh Diễm lại vẽ tranh và làm từ thiện. Nhiều khi, cô còn tranh thủ bán tranh mình vẽ để có tiền giúp đỡ người nghèo. |
|
Rất khó khăn để Thúy Diễm có thể cởi mở về gia đình, về tuổi thơ đầy “giông bão” cho tôi. Cô gái nhỏ nhắn, đôn hậu và có phần rụt rè này quê ở ấp Định Nghĩa, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre và đã sống trong sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ từ nhỏ. Cô ở với cha và ba người chị gái từ năm 2 tuổi. Gia cảnh thiếu thốn khó khăn cha phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi các con ăn học... “Tuổi thơ của mấy chị em là những ngày phải đi kiếm tiền (chuốt cọng dừa và cọng lá, làm hạt điều, đan hạt cườm...), phụ cha trang trải học phí, mua tập vở, bút viết… Nhà chỉ có 1.4 công đất nên không trồng trọt được gì lại ở nơi hẻo lánh của huyện, không có đất dựng nhà nên gia đình em phải ở nhờ trên đất của ông bà nội” Diễm nhớ lại. |
Diễm phát quà tặng các em nhỏ ở trại mồ côi. |
Thấy được hoàn cảnh éo le của gia đình Diễm, nhà trường đã cấp học bổng cho cô để bớt chi phí gia đình. Không những thế, chính quyền địa phương cũng giúp đỡ và cấp chứng nhận hộ nghèo cho gia đình. Vào những dịp lễ Tết, chị em Diễm cũng được nhận những phần quà từ thiện cùng quần áo cũ, rồi được xã xây dựng nhà tình nghĩa cho cha con ở. Lớn lên trong nghèo khó và sự đùm bọc của mọi người đã khiến cô bé Diễm sớm có tính thiện lương, thương người. Đến năm Diễm học lớp 8, cha Diễm đi lấy vợ mới, rồi có con riêng… Lúc này, Diễm đã biết suy nghĩ và có một khát khao, đó là mong mình mau lớn để có thể đền ơn cho xã hội, đi làm cố gắng dành dụm tiền, giúp đỡ những người khó khăn. |
Đã rất nhiều lần Diễm tự tay chuẩn bị những món quà để tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. |
“Vì bản thân đã từng trải qua cuộc sống nghèo khó, đói khát, ăn từng miếng cá vụn và rau rừng, nước mắm cùng cơm trắng… nên em rất đồng cảm với những thân phận bất hạnh, phải lo từng bữa cơm trong xã hội”, Diễm trầm ngâm. Đến tuổi trưởng thành, Thúy Diễm quyết tâm lên TP. HCM lập nghiệp và theo đuổi đam mê làm thiện nguyện, tính đến nay đã được 6 năm. Năm 2017, Diễm nộp hồ sơ vào Công ty Nidec Việt Nam tại Khu Công nghệ cao quận 9 (nay là TP Thủ Đức, TP. HCM). Kể về cơ duyên làm công nhân trong nhà máy, Thúy Diễm chỉ nói: “Học hết cấp 3 do sức khỏe em yếu quá nên các chị gái đã đi làm công nhân để có tiền nuôi em học thêm 2 năm Trung cấp, sau đó em đi làm tại nhà máy như các chị mình”. |
Tranh của Diễm vẽ rất đơn giản, đôi khi chỉ là một ly trà sữa. Ảnh NVCC
Lúc mới vào công ty, Diễm còn khó khăn nên cô làm từ thiện, giúp đỡ người khác bằng những điều nhỏ nhất trong khả năng của mình. Ở công ty có chế độ cho mỗi người mỗi ngày 1 bịch sữa, Diễm không uống mà gom lại lúc nào nhiều thì mang cho những người bán vé số già, khổ cực. Sau dần, Diễm thấy nhiều anh chị trong công ty không uống sữa nên cô đã chủ động đến xin để đi làm từ thiện. Các anh chị em sẵn lòng cho ngay, thậm chí có người còn quyên góp 10.000 đồng đến 20.000 đồng phụ Diễm giúp đỡ người nghèo. “Sau này, được mọi người ủng hộ, em đã tổ chức nhiều dịp đi thiện nguyện để giúp người nghèo. Hoạt động của bọn em được mở rộng hơn như thăm trại mồ côi, giúp đỡ người già neo đơn, cấp học bổng... Và giờ nhóm em đã có áo nhận diện cùng tên nhóm là “Diệu Tâm”. Nhờ mọi người tin tưởng nên khi có hoạt động gì em kêu gọi là nhận được sự ủng hộ của anh chị em trong công ty ngay. Được mọi người tin tưởng và giúp đỡ nên em rất mang ơn”, Diễm bày tỏ. |
|
Công việc tại nhà máy khiến Diễm khá vất vả, làm tăng ca 12 tiếng/ngày nhưng cô không hề kêu than mà vẫn luôn chăm chỉ. Để đi làm từ thiện, cô cũng cần xen kẽ lịch làm việc. Lương của cô khoảng 8 triệu đồng/tháng, trừ hết các khoản chi phí, ăn uống và thiện nguyện, Diễm có thể tích lũy 1 triệu đồng/tháng. Cô đang có một ấp ủ lớn đó là xây cầu hoặc làm một đoạn đường nhỏ cho người dân quê mình. Diễm đam mê vẽ và vẽ rất đẹp. Ngay từ những năm lớp 2, Diễm đã bộc lộ năng khiếu hội họa bằng những bức tranh vẽ Phật, vẽ phong cảnh… Cho đến thời điểm hiện tại, vẽ tranh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Diễm. “Có ngày đi làm về muộn khoảng 10 giờ đêm em vẫn vẽ, vẽ như để thổ lộ nỗi lòng mình. Và thời gian gần đây em đã suy nghĩ sao không vẽ để bán rồi có tiền đi giúp đỡ người nghèo khó hơn? Nghĩ là làm, nên em đã rao bán chúng từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng tùy bức tranh…”, Diễm nói. |
Diễm không muốn kể về mình vì cô nghĩ rằng việc làm của mình rất nhỏ, không đáng để nhắc đến. Một mình, lặng lẽ, cô gái nhỏ nhắn ấy chọn cách âm thầm giúp đỡ người nghèo khó xung quanh. “Giúp đỡ người khác thực ra chính là đang giúp đỡ mình, em luôn suy nghĩ vậy. Có lần đi thăm trại trẻ mồ côi, em gặp một bé khiếm thị và bế bé để cùng chơi. Khi về, bé không bỏ em ra mà cứ ôm chặt lấy. Lúc đó, em chỉ biết nắm tay bé và khóc. Một lần khác, em gặp một bà cụ bán vé số, bà đã tặng em 1 tờ vé số và 2 quả nhót. Hỏi ra thì em mới biết bà nhớ mặt em vì trước đó em đã mua ủng hộ nhiều vé số của bà dịp Tết, nên lần đó gặp lại bà bảo nếu không nhận quà của bà thì sẽ không bán vé số cho nữa…”, Thúy Diễm xúc động nhớ lại. |
Nói về công việc thiện nguyện, Diễm thật thà tâm sự rằng, ban đầu nhiều người cũng hiểu sai nhưng rồi cũng dần nhận ra cái tâm trong sáng của cô. Bản thân Diễm cũng rất hiểu và trân trọng tình cảm của đồng nghiệp trong công ty, nhất là trong tình hình dịch dã có nhiều khó khăn nhưng với tấm lòng tương thân tương ái, họ vẫn luôn sẵn lòng chia sẻ với người khó khăn hơn và luôn ủng hộ cô. Còn đối với Diễm, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến thu nhập nhưng cô rất lạc quan nói rằng: “Em đã từng không có gì để ăn nên việc khó khăn do dịch bệnh không ảnh hưởng đến mình. Tiết kiệm một chút là được và em nghĩ mình vẫn ổn”. Hiện tại, Diễm đang ấp ủ một dự định thiện nguyện lớn. Nhưng Diễm không muốn chia sẻ nhiều về dự án này vì sợ rằng “nói trước bước không qua”. Xin chúc cô gái nhỏ bé một đời bình an và thật nhiều sức khỏe thực hiện được dự định sắp đến! |
"Thúy Diễm là một cô gái nghị lực giàu lòng nhân hậu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trong công việc em luôn làm tốt và sắp xếp được thời gian hợp lý. Hy vọng rằng trong thời gian tới em sẽ đạt được những mong ước của riêng mình và gắn bó với công ty, anh chị em công nhân". Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐCS Công ty Nidec Việt Nam cho biết |
Nữ tỷ phú từng là công nhân với thu nhập 1 USD/ngày: Bài học thành công đến từ hai chữ
Ít ai có thể ngờ rằng Chu Quần Phi, người phụ nữ từng có tuổi thơ cơ cực, làm công nhân với mức lương ít ... |
Công nhân Bắc Giang trở lại làm việc: Khó khăn vì giấy xác nhận của địa phương còn chậm
Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 30 doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện về an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 được cho phép hoạt ... |
Chuyển 2.800 công nhân ra khỏi ổ dịch ở Bắc Giang
Ngay trong chiều 5/6, tỉnh Bắc Giang đưa thêm 2.800 công nhân ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu đi cách ly tập trung trên ... |