LĐLĐ Bình Dương
Hỗ trợ vốn vay lãi suất
“cực thấp” cho CNLĐ
50 tỷ đồng là tổng số tiền gói hỗ trợ mà LĐLĐ tỉnh Bình Dương kiến nghị với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam được sử dụng nguồn tài chính công đoàn tích lũy của LĐLĐ tỉnh, thông qua Tổ chức Tài chính vi mô CEP, triển khai cho công nhân lao động (CNLĐ) bị tác động bởi dịch Covid-19 vay với lãi suất “cực thấp”.
Tính đến ngày 27/5/2020, toàn tỉnh có 280 doanh nghiệp ngừng hoạt động với 143.901 CNLĐ bị ảnh hưởng. Trong đó, số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 11.146 trường hợp, số lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương 50.001 trường hợp, số lao động phải giảm giờ làm việc 82.736 trường hợp.
Theo đó, tổng số tiền từ gói hỗ trợ này là 50 tỷ đồng. Thông qua Tổ chức Tài chính vi mô CEP, đoàn viên, CNLĐ vay với lãi suất 2%/năm, thời gian vay từ 6 đến 12 tháng, có thể ân hạn 3 tháng. Đối tượng được vay là đoàn viên, CNLĐ tại các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đang làm việc hoặc ngừng việc có hưởng lương bị giảm 1/3 thu nhập trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đoàn viên, CNLĐ có thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ 2 năm trở lên và hợp đồng lao động đang còn hiệu lực.
Đến nay đã có hơn 2.000 đoàn viên gửi hồ sơ vay lên công đoàn cơ sở. Các hồ sơ này sẽ được chuyển về các chi nhánh CEP trên địa bàn để thẩm định và triển khai. “Việc thẩm định hồ sơ là cần thiết nhưng phải nhanh, gọn để kịp thời giải quyết nhu cầu tài chính cho đoàn viên, CNLĐ”, bà Trương Thị Bích Hạnh cho hay. Ước tính, gói hỗ trợ sẽ có thể cho ít nhất 10.000 CNLĐ vay vốn.
Bên cạnh các giải pháp thiết thực, cụ thể dành cho người lao động, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ngừng việc, mất việc do dịch bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay đã có 1.712 trường hợp được các đơn vị chi hỗ trợ với mức 500.000 đồng/trường hợp, với số tiền 856 triệu đồng.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn Bình Dương cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như: Vận động các chủ nhà trọ để miễn giảm tiền thuê nhà trọ cho công nhân; đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị đối tác trong Chương trình Phúc lợi đoàn viên trong Tháng Công nhân để có thật nhiều phúc lợi cho CNLĐ; chi nguồn ngân sách của công đoàn để thăm hỏi những trường hợp CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Đặc thù là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, nhiều CĐCS tại Bình Dương đã chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời nỗ lực phát huy tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, đảm bảo việc làm và thu nhập của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tại Công ty Cổ phần Sao Việt, với hơn 4.000 CNLĐ, các hoạt động về công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được lãnh đạo và công đoàn công ty nghiêm túc thực hiện ngay từ những ngày đầu. Theo ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Sao Việt, CNLĐ tại công ty đều được phát khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn,... Công ty cũng bố trí làm vách ngăn bàn ăn, đo thân nhiệt hằng ngày cho CNLĐ. Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng công ty vẫn hoạt động bình thường, thậm chí thời gian qua CNLĐ còn tăng ca, việc làm vẫn được duy trì khá ổn định với mức thu nhập hầu như không bị giảm sút. Trong thời gian qua, công đoàn công ty cũng đã vận động đoàn viên để hỗ trợ và giúp đỡ cho một số trường hợp công nhân gặp khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn giao thông. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục tăng cường sản xuất để đảm bảo việc làm cho CNLĐ.
Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc Tập đoàn Foster của Nhật Bản, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 tại KCN Việt Nam - Singapore II. Anh Trần Hưng Đạo, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, công ty luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh cho người lao động và công ty. Ban Chấp hành CĐCS Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam đã tập trung vào các biện pháp phòng chống dịch ngay tại nơi làm việc cho CNLĐ, trong đó có thể kể đến như trang bị bồn và nước rửa tay sát khuẩn; đo thân nhiệt cho toàn bộ CNLĐ trước khi vào công ty; bố trí vách ngăn, ngồi lệch vị trí và nới rộng khoảng cách tại khu vực nhà ăn; thường xuyên vệ sinh sát khuẩn các cửa ra vào, phun thuốc khử trùng vệ sinh công ty; phát khẩu trang, sổ tay thông tin (tổng hợp những khuyến cáo về dịch bệnh của Bộ Y tế) cho CNLĐ... Trong thời gian dịch bệnh, công ty vẫn có đơn hàng nên người lao động luôn có việc làm và thu nhập ổn định. Những trường hợp CNLĐ không thể tới làm việc được do giãn cách ở quê nhà, công ty cũng đều có hỗ trợ và trả lương đầy đủ.
Bài: Ngọc Anh
Đồ họa: Nguyễn Trường