Lấy ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn
Công đoàn - 26/06/2020 19:44 PV
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Cùng dự có các đồng chí nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI; các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài hệ thống công đoàn; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, theo chương trình xây dựng chính sách pháp luật năm 2020 - 2021, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), thông qua tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV, dự kiến tháng 3/2021.
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, việc sửa đổi Luật Công đoàn diễn ra trong bối cảnh Bộ luật Lao động năm 2019 vừa ban hành, nước ta hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phê chuẩn các công ước quốc tế, các công ước lao động cơ bản. Đặc biệt, tới đây, chúng ta có sự cạnh tranh của tổ chức khác đại diện cho người lao động…
“Đây là những thách thức rất lớn, theo đó, chúng ta cần nhanh chóng sửa đổi Luật Công đoàn, qua đó thể hiện được sứ mệnh là tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam, đồng thời là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này nhằm: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau hơn 7 năm áp dụng trên thực tế cũng như các vấn đề mới phát sinh mà luật chưa điều chỉnh. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng nên giữ nguyên Điều 26; sửa đổi, bổ sung Điều 27 về tài chính công đoàn. |
Tại Hội nghị, đồng chí Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cần đặt vấn đề bảo vệ cán bộ công đoàn và giải quyết những vấn đề bức xúc của người lao động. Về tài chính công đoàn (Điều 26, Luật Công đoàn 2012), bao gồm cả kinh phí công đoàn 2%, Dự án phải làm rõ nội dung chi tại cơ sở, nhất là cho công tác chăm lo trực tiếp cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. “Trách nhiệm của cán bộ công đoàn là phải giải thích để các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội hiểu rõ những nội dung về chi tài chính công đoàn tại cơ sở” - đồng chí Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 27), đồng chí Đặng Ngọc Tùng đề nghị ngoài các quy định đã nêu tại khoản 1 và 2 thì cần bổ sung quy định về phân phối tài chính. Theo đó, kinh phí công đoàn 2% do cơ quan, tổ chức doanh nghiệp chuyển sang được phân chia cho các tổ chức đại diện người lao động theo tỷ lệ đoàn viên của tổ chức đó.
PGS. TS. Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn nêu ý kiến, cần luận giải tại sao chỉ có tổ chức Công đoàn mới được thu kinh phí 2%. Đưa những lý lẽ được luận giải trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 20/NQ-TW, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đồng chí Dương Văn Sao khẳng định tính quốc tế của tổ chức Công đoàn, điểm này khác với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Do đó, chỉ có tổ chức Công đoàn Việt Nam mới có kinh phí 2%. Bản chất kinh phí công đoàn là tiền của người lao động, sử dụng để tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động, trả lương cho cán bộ công đoàn… Kinh phí này được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội băn khoăn về quyền lợi của người lao động nếu không phải là đoàn viên của Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người lao động. |
Cùng với băn khoăn về cách thức phân bổ và sử dụng kinh phí công đoàn, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt câu hỏi, nếu người lao động không phải là đoàn viên của Công đoàn Việt Nam và của tổ chức đại diện người lao động thì khi gặp khó khăn họ có được công đoàn cấp trên hỗ trợ không? Về nội dung này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, Công đoàn Việt Nam bảo vệ tất cả người lao động khi có yêu cầu, kể cả chưa phải là đoàn viên công đoàn. Đây là quy định của Hiến pháp năm 2019, cũng là nhiệm vụ mà Đảng giao cho tổ chức Công đoàn.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia Hội thảo còn đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan vào báo cáo tác động, trong đó có tác động của thu kinh phí công đoàn đối với người lao động, người sử dụng lao động… Ngoài ra, một số điều, khoản đã rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện, vẫn còn phù hợp thì giữ nguyên, đồng thời sửa đổi, bổ sung những nội dung nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và có lợi cho đoàn viên, người lao động; thảo luận để đưa ra các nguyên tắc trong phân chia tỉ lệ kinh phí công đoàn giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người lao động; xác định trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn trong kiểm soát quyền lực của Nhà nước để bổ sung quyền kiểm tra giám sát, phản biện xã hội của công đoàn.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cảm ơn những ý kiến góp ý thẳng thắn, có giá trị lý luận và thực tiễn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài hệ thống công đoàn; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật. “Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp thu tối đa để phân tích, đánh giá, thiết kế vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu tiếp tục quan tâm, theo dõi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự án, trình Quốc hội khóa XIV thông qua.
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 02/09/2024 10:12
Cầm trên tay quyết định luân chuyển công tác về dạy Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân (thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), tôi cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt, một cảm giác lo sợ bất an, muốn gục ngã. Thế nhưng Công đoàn trường đã cho tôi niềm tin để vững bước.
Hoạt động Công đoàn - 02/09/2024 07:39
Tôi là Nguyễn Thị Ngọc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty Greystone Data System Viet Nam (TP. Hồ Chí Minh). Sau nhiều năm tháng làm việc ở công ty có 100% vốn nước ngoài này, tôi mới nghiệm ra: ngay cả những người xa lạ cũng có thể làm thay đổi cuộc sống và mang đến nhiều điều đẹp đẽ, kì diệu cho ta. Đó là Mái nhà Công đoàn.
Hoạt động Công đoàn - 02/09/2024 06:55
Thực hiện nhiệm vụ Bác Hồ giao, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các cán bộ của 2 Xứ ủy giải quyết hàng loạt những công việc cấp bách.
Hoạt động Công đoàn - 01/09/2024 18:38
Thầy Nguyễn Minh Thành (SN 1965), đoàn viên Trường THCS Đồng Rùm, xã Tân Thành (Tân Châu, Tây Ninh) là tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, được học sinh yêu mến.
Vòng tay Công đoàn - 01/09/2024 06:00
Khi thấu hiểu hoàn cảnh nghiệt ngã của tôi, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi Công đoàn các cấp cùng “nối vòng tay lớn”, tạo mọi điều kiện để tôi có thể “biến ước mơ thành hiện thực”... Cùng với tài đức của các thầy thuốc, y bác sĩ, tôi đã được tái sinh cuộc đời thứ hai.
Hoạt động Công đoàn - 31/08/2024 19:38
Chị Phan Thị Lan (SN 1989), Công đoàn viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là người nhiệt huyết với công việc, không may bị bệnh hiểm nghèo. Chính vòng tay Công đoàn đã giúp chị vượt qua tất cả, tìm lại được giá trị cuộc sống.