những ngày đầu hè nắng như đổ lửa, dọc theo tuyến đường Quốc lộ 1A tìm đến thị trấn Ái Tử, từng cơn gió Lào mang hơi nóng hầm hập phả vào mặt chúng tôi thật oi bức. Tuy nhiên, mọi trở ngại về thời tiết không làm chúng tôi nao núng bởi tâm trí tò mò về Công ty Gỗ Nguyên Phong, nơi 22 năm qua giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nghèo, phụ nữ sống đơn thân, và tất cả họ là lao động ở xung quanh nhà máy, người con cháu quê hương thị trấn Ái Tử, đã thôi thúc chúng tôi lên đường tìm đến. Nhà máy của Công ty Gỗ Nguyên Phong nằm nép mình giữa vạt xanh của hàng keo tươi mát Cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Ái Tử. Lúc chúng tôi đến, không khí làm việc bên trong nhà máy của Công ty khẩn trương, lao động không ngơi tay, còn xe tải liên tục vào ra chở hàng hóa đi giao cho khách hàng. Người lao động đang sản xuất tại nhà máy của Công ty Gỗ Nguyên Phong ở Cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Ái Tử. Ông Lê Văn Hưởng - Giám đốc Công ty Gỗ Nguyên Phong chia sẻ, công ty thành lập từ năm 2002 đến nay đã 22 năm, trải qua bao ngọt bùi để đứng vững đến ngày hôm nay. Vị Giám đốc luôn trân trọng và cảm ơn đến lực lượng lao động ban đầu từ 10 người cho đến quy mô mở rộng cao nhất gần 100 người đã đồng hành, cùng Ban lãnh đạo công ty chèo lái đến bấy giờ. Khi được hỏi xuất phát từ đâu công ty có lựa chọn lực lượng lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ nữ đơn thân nuôi con, vị lãnh đạo Công ty Gỗ Nguyên Phong không ngại ngần thổ lộ: “Đó là điều bình thường, thực sự là sự lựa chọn đồng hành cùng nhau. Từ khi lập nghiệp trên chính vùng đất quê hương đón gió Lào khô nóng, tâm tư tôi thôi thúc làm sao để người dân trên chính quê hương của mình có việc làm, ngày càng nâng cao đời sống lên, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua…”. Đồng chí Lê Duy Trinh - Chủ tịch Công đoàn đồng thời là Trưởng Phòng Hành chính - Kế toán chia sẻ, các đoàn viên, người lao động tại công ty đều mang trong mình một câu chuyện riêng về gia cảnh nhưng đều là thành viên thân nhau như ruột thịt trong “mái nhà Gỗ Nguyên Phong". |
Đồng chí Lê Duy Trinh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Gỗ Nguyên Phong (phải) trao đổi với |
Trong nhiều lao động đang hăng hái xẻ gỗ, chúng tôi chú ý đến một người phụ nữ nhỏ nhắn, dù đeo khẩu trang che phần lớn gương mặt nhưng lộ ra những vết chân chim ở tuổi xế chiều. Người phụ nữ đó là Đặng Thị Ngọc Dung (55 tuổi) đã có khoảng 10 năm làm việc dưới mái nhà Gỗ Nguyên Phong. Lau những giọt mồ hôi chảy dài trên gò má, chị Dung tâm sự, hằng ngày đạp xe đến công ty làm việc với quãng đường khoảng 4-5km. Tùy ngày làm, nhưng đa số trưa đến chị lại đôn đáo chạy về lo cơm nước cho hai con đang còn đi học và người chồng bị bệnh tâm thần rồi mới trở lại làm việc. “Nhà chị thuộc hộ nghèo, chồng bị , mỗi tháng tốn chí phí điều trị, săn sóc khoảng 2,5 triệu đồng. Hai đứa con cũng còn đang đi học nên bao khoản tốn kém. Chị chủ yếu làm nông từ đất cha mẹ, tranh thủ ai gọi gì làm nấy nhưng cũng không được bao nhiêu, cứ mãi thiếu trước hụt sau. Thấy khó khăn quá, chị xin vào Công ty Gỗ Nguyên Phong làm việc. Hồi mới xin vào, cứ lo tuổi chị cao quá, công ty chỉ thích người trẻ nên mãi lo. Cho đến khi được tiếp nhận vào làm, chị vui lắm!”, chị Dung kể thật tình. Chị Đặng Thị Ngọc Dung - công nhân Công ty Gỗ Nguyên Phong chia sẻ Theo chị Dung, hồi mới vào làm còn luống cuống. Tuy nhiên, chỉ một hai hôm là quen việc ngay vì “dân nhà nông" không nề hà việc nặng nhọc, lại được đồng nghiệp hướng dẫn tận tình. Sau giờ làm, hoặc vào cuối tuần chị còn tranh thủ đi ra đồng làm vụ lúa để bớt khoản phải mua gạo ăn, dồn tiền chữa bệnh cho chồng, lo các con ăn học. “Mỗi tháng chị làm đều, không nghỉ là nhận lương được hơn 4 triệu đồng. Mừng lắm! Bởi đó là khoản tiền lớn để chăm lo gia đình ở vùng nông thôn còn khó khăn, đang trên đường phát triển. Ngoài được trả lương đầy đủ, công ty còn đóng đầy đủ chế độ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho chị. Mỗi khi ốm đau đi bệnh viện khám, chị cũng không tốn tiền”, người phụ nữ tuổi xế chiều tự hào khoe điều giản dị, rất đỗi bình thường khi đi làm. |
Chị Đoàn Thị Sáu làm công nhân ở Công ty Gỗ Nguyên Phong nhiều năm nay. Trong không gian rộng lớn của nhà máy, chúng tôi còn bắt gặp trường hợp chị Đoàn Thị Sáu, vào làm việc cho từ năm 2018. Như bao người, ở thì con gái đẹp nhất chị đã xây dựng tổ ấm với người đàn ông cùng quê, ước mong xây dựng một gia đình hạnh phúc, đầy tiếng cười con trẻ. Thế nhưng cuộc sống trắc trở, cả hai đã không thể đồng hành cùng nhau. Khi ra đi, chị chọn hai con nhỏ theo mình - vì các con là tất cả. Trước khi vào làm công nhân, chị Sáu cũng là nông dân chính hiệu. Hằng ngày, chị đầu tắt mặt tối ngoài đồng làm lụng để lo có gạo nuôi hai con, giản dị sống qua ngày. Các con dần lớn cũng là động lực thôi thúc chị phải nỗ lực hơn, kiếm tiền cho con ăn học, thoát khỏi cái nghèo cái khổ như mình. “Chỉ có con chữ mới mong đời con khác mình em à. Chị thấy may mắn khi được công ty nhận vào làm dù ngoài kia còn bao người trẻ có sức khỏe hơn. Mỗi tháng cố gắng làm chị nhận được hơn 3 triệu đồng, ngoài ra còn được công ty tạo điều kiện khoảng trống thời gian để được về lo cho con, chăm đồng lúa để có gạo đong. Đời chị, vào làm công ty như hiện nay đã thấy may mắn rồi. Mong sao sức khỏe luôn tốt để làm việc và cũng mong sao công ty luôn có việc để làm", chị Sáu trải lòng. |
Công nhân lao động đang làm việc tại Công ty Gỗ Nguyên Phong đều là người ở địa phương, có hoàn cảnh khó khăn. |
Chúng tôi hỏi anh, chị, em công nhân Công ty Gỗ Nguyên Phong: Vào tổ chức Công đoàn, mọi người thấy thế nào, được chăm lo gì? Chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời thật chân tình về những chăm lo quý giá, tận tâm từ phía công đoàn công ty. Trong đó, mọi người nhấn mạnh đều thấy được chia sẻ nhiều về công việc hàng ngày để điều chỉnh, hỗ trợ khi cần thiết, cải tiến; được thăm hỏi những khoản vật chất thiết thực khi đến dịp sinh nhật, lễ, Tết, hay khi gặp biến cố, khó khăn đột xuất; được đi du lịch, gắn kết với nhau. “Hôm rồi chị nhận thăm hỏi 01 triệu đồng, cách đó trước nhận vài trăm nghìn từ công đoàn khi gia đình gặp khó khăn cho chồng chữa bệnh. Đời chị trước giờ làm nông, có biết công đoàn là gì, được quan tâm, hỗ trợ đến vậy khi vào công đoàn đâu. Vào làm công ty rồi mới thấy được quan tâm, chia sẻ từ ban lãnh đạo công ty và công đoàn nhiều lắm. Cảm ơn công đoàn đồng hành, giúp vơi đi nỗi lo đời sống, để chị có thêm động lực cố gắng mỗi ngày!”, chị Dung nói trong niềm cảm kích. |
Đồng chí Lê Duy Trinh kể, khi được vận động thành lập tổ chức Công đoàn vào năm 2018 trong Công ty gỗ Nguyên Phong, ban lãnh đạo công ty đồng ý ngay. Bởi lợi ích người lao động là trên hết, cái gì tốt nhất cho người lao động thì làm - điều đó đã được lãnh đạo công ty ghi nhận, đồng ý ngay khi được vận động với số lượng 100% đều là đoàn viên (hiện nay tổng 52 người). “Có thể nói, từ trước khi có công đoàn cơ sở, việc chăm lo cho công nhân, người lao động đã được ban lãnh đạo quan tâm thường xuyên. Khi thành lập, việc chăm lo càng đi vào nề nếp với nhiều chương trình, thiết thực hơn nữa, làm tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, công đoàn ghi nhận từ đoàn viên, và có những kiến nghị, đề xuất, ý tưởng tốt, phát động mọi người nỗ lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, an toàn, vệ sinh lao động, chấp hành chính sách pháp luật về lao động được công đoàn giám sát kỹ, luôn được đặt lên hàng đầu vì sức khỏe người lao động”, đồng chí Lê Duy Trinh chia sẻ. |
Khi chúng tôi hỏi về những việc làm cụ thể mà công đoàn cơ sở đã làm được vì đoàn viên, người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng chí Chủ tịch Công đoàn Gỗ Nguyên Phong cung cấp cho chúng tôi một thống kê dài đến 4 mặt trang giấy A4, đều đặn làm hằng năm. Nếu tính riêng về hỗ trợ vật chất là hàng trăm triệu đồng. “Đều đặn 8 năm qua, Công đoàn Công ty Gỗ Nguyên Phong thực sự là chỗ dựa vững chắc, cùng ban lãnh đạo công ty đồng hành, chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong khả năng của mình. Những điều công đoàn làm được kể ra thì rất dài nhưng có thể tóm lại là: Không để đoàn viên, người lao động nào không được chăm lo, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần; không để xảy ra tai nạn lao động từ khi công ty thành lập cho đến khi công đoàn bắt đầu hoạt động cho đến nay; không để một lợi ích hợp pháp, chính đáng nào của đoàn viên, người lao động bị xâm phạm", đồng chí Lê Duy Trinh nói trong niềm phấn khởi. Công đoàn phối hợp với công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ Nói về Công ty Gỗ Nguyên Phong, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến - Chủ tịch LĐLĐ huyện Triệu Phong nhấn mạnh, Công ty Gỗ Nguyên Phong với ngành nghề sản xuất kinh doanh chế biến gỗ rừng trồng, đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ lao động từ khi thành lập năm 2002, đặc biệt là khi thành lập công đoàn cơ sở. Gần đây nhất, vào năm 2022 và 2023, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, tình hình khó khăn của nền kinh tế dẫn đến nhiều công ty không có đơn hàng và đơn hàng bị cắt giảm nhưng Gỗ Nguyên Phong vẫn không ngừng nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn thử thách, duy trì hoạt động ổn định, tạo ra công ăn việc làm cho đoàn viên, công nhân lao động địa phương. Cán bộ công đoàn các cấp trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng việc làm tại Công ty Gỗ Nguyên Phong. “Công ty Gỗ Nguyên Phong là đơn vị sử dụng lao động chủ yếu đến từ vùng nông thôn trên địa bàn đến làm việc, trình độ công nhân lao động là phổ thông, đặc biệt có hơn 50 % đoàn viên, người lao động đang làm việc đều có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp luôn nổ lực vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và phát triển đã không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống mà còn hỗ trợ công đoàn cơ sở trong các hoạt động chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động đơn vị. Công đoàn công ty đã trở thành một tổ ấm, một khối đoàn kết, chia sẻ, động viên giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn; cùng nỗ lực phấn đấu nâng cao năng suất lao động xây dựng công ty và quê hương Triệu Phong ngày càng phát triển”, đồng chí Tiến chia sẻ. |
Ông Lê Văn Hưởng - Giám đốc Công ty Gỗ Nguyên Phong nói: “Công đoàn công ty đã làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, cùng chăm lo đời sống cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp và cả người lao động trong việc chấp hành các chính sách pháp luật, xây dựng mối quan hệ lao động bền vững hơn. Về lâu dài, Công ty định hướng trở thành doanh nghiệp chế biến gỗ đi đầu tại địa phương trong sử dụng nguyên liệu và nguồn lao động sẵn có, tuân thủ triệt để pháp luật của Nhà nước, phát triển bền vững”. Chia tay ban lãnh đạo công ty và công nhân để ra về khi nắng chiều đã dần buông, chúng tôi thầm chúc công ty sẽ ngày càng phát triển, đời sống đoàn viên công nhân, người lao động công ty ngày càng được nâng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, công đoàn công ty luôn là chỗ dựa vững chắc, chăm lo những gì tốt nhất cho đoàn viên để niềm tin yêu vào công đoàn mãi mãi không phai. Video: Chia sẻ của chị Đặng Thị Ngọc Dung - Công nhân Công ty
|
Bài viết: NGUYỄN LUẬN - TRƯỜNG SƠN Ảnh/video: Đ.V.C.C - T.S Đồ họa: THIÊN SƠN |