Lao động tự do chật vật mưu sinh khi giãn cách xã hội |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 từ ngày 29/6/2021 khiến cho những lao động tự do đang “gồng mình” chống chọi trong “cơn bão” Covid-19 càng khó khăn hơn. Để có tiền trang trải cuộc sống, họ phải xoay xở mọi cách, làm nhiều nghề để mưu sinh… Không ít những giọt nước mắt bất lực đã rơi. |
TP HCM lúc này ảm đạm, hàng quán đóng cửa. Trên những con đường, người ta dễ dàng bắt gặp những lao động tự do đang chật vật mưu sinh. Có người ngồi trên vỉa hè chờ đợi cơm từ thiện. |
Chợ tự phát tạm dừng hoạt động, nhiều lao động đi bán hàng rong. Ảnh N.N |
Cô Lê Út Bảy, 51 tuổi, quê Quảng Ngãi vào TP HCM kiếm sống đã gần 20 năm nay. Công việc chính của cô là bán hàng rong như bánh tráng trộn, mực khô nướng… Nhưng suốt một tháng nay, cô Bảy nghỉ bán hàng theo chỉ thị của thành phố. Cô đành chuyển sang bán vé số và nhặt thêm ve chai, phế liệu để có đồng ra đồng vào. Nhưng cô cho hay, tình hình hiện tại không ổn cho lắm. |
Người lao động tự do ăn vội bữa trưa thời Covid. Ảnh chụp gần chợ Thái Bình, quận 1, TP HCM |
Cô Bảy kể: "Cả tháng nay tôi đi nhặt ve chai và bán vé số, cứ đi quanh mấy con đường lớn, đứng ở ngã tư để mời người ta mua. Vì dịch bệnh, người dân ít ra đường nên bán ế lắm, ngày nào cũng còn dư cả tập mang trả cho đại lý. Vừa đi bán vé số tôi cũng tiện nhặt luôn đống chai nhựa trên đường để bán. Nhưng thành phố đợt này không có hàng quán mở cửa, người ta không đi nhậu cũng chả lấy đâu vỏ lon bia cho mình. Dịch giã thế này đến cái chai nhựa cũng không có để nhặt”. Không biết đi xe đạp, hằng ngày đôi chân của người phụ nữ này hoạt động hết công suất. Dẫu vậy, có ngày cô chỉ kiếm được 30.000 đồng. Nếu may mắn xin được cơm từ thiện, cô sẽ dành dụm số tiền ít ỏi đó để duy trì sinh hoạt cho ngày hôm sau. |
Người lao động mưu sinh trên đường Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM - Ảnh N.N
Mỗi tối, cô Bảy sẽ ngồi ở dưới chân cầu Kiệu, phía quận 1, TP. HCM để chờ người ta đến phát cơm chay. Có hôm may mắn xin được hai hộp, cô để dành một hộp cho bữa sáng hôm sau. Đó cũng là niềm vui nhỏ với cô trong thời điểm này. Ở giữa thành phố này, cô Bảy không có người thân. Cô sống chung với mấy lao động tự do trong một khu trọ ở quận 5. Tất cả đều nghèo khổ như nhau, gặp thời dịch, họ động viên nhau gắng gượng mỗi ngày. “Dù khó khăn thế nào tôi cũng phải vượt qua thôi. Tôi vẫn luôn tin những điều tốt đẹp sẽ đến với mình, đến với thành phố này. Dịch bệnh ở đâu cũng khó khăn cả, mọi người cùng đùm bọc, hỗ trợ nhau. Hiện tại, những người lao động như chúng tôi được các nhà hảo tâm phát cơm miễn phí, có nhiều nơi tặng thực phẩm miễn phí để chúng tôi đến lấy về. Lúc khó khăn thế này mà vẫn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tôi cũng đỡ tủi thân”, cô Bảy chia sẻ. |
Cùng cảnh lao động tự do, anh Huỳnh Thiên Đức, 35 tuổi, quê ở Kiên Giang than phiền: "Trước đây, mỗi ngày tôi đánh được hơn chục đôi giày, thu nhập vài trăm ngàn đồng. Thời gian gần đây các quán cà phê, quán nhậu đóng cửa, nhiều người hạn chế ra đường nên tôi không có việc để làm". Anh nói thêm: “Tôi phải đi tìm nhiều việc khác kiếm sống bởi tôi là trụ cột chính trong gia đình. May mà đầu tháng 5 tôi đã cho vợ và con về quê sống, nếu không thì bây giờ chưa biết phải xoay xở ra sao. May mắn là mấy tháng dịch bệnh tôi được chủ nhà giảm cho một nửa tiền phòng nhưng thu nhập vẫn quá ít khiến cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn”. |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, hiện thành phố có khoảng 230.000 lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19. Cơ quan này cũng mới gửi tờ trình tới UBND TP. HCM về việc dự toán kinh phí thực hiện hỗ trợ người lao động. Theo đó, mức hỗ trợ đối với mỗi lao động tự do là 50.000 đồng/người/ngày, thời gian tạm tính trong 30 ngày. |
Những tâm sự cảm động của công nhân gửi đến gia đình
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam, Công ty TNHH Luxshare-ICT (Nghệ An) đã tổ chức cuộc thi viết thư với ... |
Nữ công nhân tình nguyện vào tâm dịch: “Chưa bao giờ xa gia đình lâu thế”
Hơn 1 tháng tham gia tình nguyện ở tâm dịch Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), gần 2 tuần “3 tại chỗ” tại công ty, chị ... |
Nước mắt ngày hết cách ly: Về nhà chồng đã đi xa mất rồi!
Chị Nguyễn Thị Mùi (công nhân Công ty QC Solar) nghe tin được về nhà mà vừa mừng, vừa rơi nước mắt. Chị phải chịu ... |