Ngành dịch vụ, khách sạn lao đao vì “thời điểm vàng” đã qua
***
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước đã có những dấu hiệu khả quan, thế nhưng người lao động trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn để có thể quay trở lại với công việc. Do thời điểm này đã bước vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa, còn lượng khách quốc tế thì bị ảnh hưởng do việc hạn chế các chuyến bay tới Việt Nam.
Nhân sự lao đao tìm công việc mới
Bước vào những tháng cuối năm, cũng là lúc mùa du lịch nội địa đã qua. Nếu như các năm trước, ngành Du lịch bù đắp khoản doanh thu nội địa sụt giảm bằng lượng khách quốc tế, thì năm nay tình hình càng thêm khó khăn khi mà các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam vẫn đang bị hạn chế bởi . Điều này khiến những người lao động và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang trông chờ vào sự hồi phục của thị trường khách quốc tế vẫn phải “chật vật” để duy trì cuộc sống.
Nhiều khách sạn ở Hà Nội liên tục giảm giá nhưng vẫn vắng khách.
Theo tìm hiểu của phóng viên trên địa bàn Hà Nội, hiện nay để ổn định thu nhập, có không ít nhân viên ngành Du lịch, khách sạn phải chuyển sang làm các công việc như: phục vụ quán ăn, bán hàng online, thậm chí là chạy xe ôm công nghệ….
Từ sau dịp Tết Nguyên đán, khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, hàng loạt hoạt động du lịch, dịch vụ lưu trú phải tạm ngưng. Anh Nguyễn Văn Nam, hướng dẫn viên du lịch Công ty Du lịch Vietravel đã phải chuyển qua bán hàng online. Anh chia sẻ: “Bản thân mình gắn bó với nghề hướng dẫn viên từ lúc mới ra trường, tính đến giờ cũng hơn chục năm nhưng chưa bao giờ phải nghỉ việc lâu đến như vậy. Không có khách để đi dẫn tour nên mình phải tìm cách nhập các mặt hàng ở chợ đầu mối về đăng bán trên Facebook để có tiền ”.
Nhiều nhân viên đang làm việc trong khách sạn dù rất yêu nghề nhưng vẫn phải tìm công việc mới để có thu nhập trang trải cuộc sống. |
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Tiến, nhân viên bộ phận F&B của một khách sạn 5 sao tại Hà Nội chia sẻ: “Theo chính sách luân phiên của khách sạn, mỗi tháng, số ngày công đi làm của tôi chưa đầy 20 ngày, nguồn thu nhập như vậy không ổn định nên tôi phải kiếm thêm thu nhập bằng cách chạy Grab vào những ngày nghỉ. Công việc của tôi ở khách sạn chủ yếu là tiếp xúc phục vụ khách hàng, nay phải làm một công việc không liên quan gì đến chuyên môn nên cũng khó khăn lắm nhưng biết sao được, không làm thì biết lấy gì sống?”.
Làn sóng Covid-19 lần thứ hai đã dập tan hy vọng trước đó về sự phục hồi nhanh chóng của ngành Du lịch và khách sạn trong năm 2020.
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn vì thế gặp nhiều khó khăn hơn. Doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TP.HCM lần lượt giảm xuống khoảng 50% - 60% so với cùng thời điểm năm 2019.
Dạo quanh một số khách sạn, nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội như: Khách sạn De l'Opera Hanoi - MGallery; Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi; Nhà hàng Press Club… thì cảnh đìu hiu, vắng bóng khách diễn ra thường xuyên, khác hẳn với cùng thời điểm vào những năm trước.
Ngành F&B vốn rất sôi động nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19.
Vấn đề ở thời điểm hiện tại không chỉ là câu chuyện riêng của những người làm dịch vụ khách sạn mà còn là của hàng nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch.
Ông Lê Hồng Hải – Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch & Thương mại Dân chủ - Hotel de L’Opera - MGalerry Hanoi cho biết: “Nếu như cùng thời điểm này vào năm ngoái, công suất buồng phòng khách sạn của chúng tôi đạt trên 90%, thì hiện tại chỉ còn đạt khoảng dưới 30%. Con số đó cho thấy doanh thu của khách sạn không đủ để bù vào các chi phí hoạt động, vận hành nên chúng tôi cũng như nhiều khách sạn khác buộc phải thực hiện các cách giảm tải chi phí và nhân sự. Tính đến cuối năm 2019, khách sạn của chúng tôi có khoảng 200 người lao động làm việc, nhưng hiện tại, số nhân viên đi làm chỉ còn khoảng 100 người, giảm 1 nửa so với trước dịch Covid-19”.
Công đoàn của Khách sạn Hotel de L’Opera - MGallery Hanoi vẫn cố gắng duy trì và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cho người lao động.
Trên tình hình thực tế khó khăn là vậy, thế nhưng khi đề cập tới vấn đề quyền lợi của người lao động trong khách sạn, ông Hải khẳng định: “Chúng tôi, cũng như phía Công đoàn của khách sạn vẫn luôn cố gắng duy trì và đảm bảo quyền lợi của nhân viên trên tinh thần chia sẻ hết mức có thể để cùng nhau vượt qua khó khăn. Ngoài việc đóng bảo hiểm đầy đủ, thăm hỏi ốm đau, thì những nhân viên đang đi làm vẫn được nhận thêm khoản thu nhập từ tiền Service charge”.
“Thách thức song hành cùng cơ hội”
Nói về cách giải bài toán vượt qua khó khăn cho người lao động trong giai đoạn này, ông Lương Ngọc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality thì có phần lạc quan hơn. Ông nhận định đây là tình hình khó khăn chung của cả ngành Du lịch và công ty của ông cũng không tránh khỏi. Thế nhưng trong cái khó khăn này cũng lại là cơ hội để những người làm trong ngành Dịch vụ thay đổi và tập trung phục vụ nhu cầu của khách nội địa tốt hơn.
“Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng đảm bảo ngày công đi làm cho nhân viên, để làm sao những nhân viên yêu nghề vẫn có nguồn thu nhập bám trụ vượt qua được giai đoạn khó khăn này và tôi cũng tin rằng, khó khăn ở thời điểm hiện tại nhưng nó cũng lại là cơ hội để chúng tôi có thời gian đào tạo nhân viên và vận hành khách sạn một cách trơn tru hơn", ông Lương Ngọc Khánh cho biết.
"Khó khăn nhưng lại là cơ hội để chúng ta tập trung vào phục vụ khách hàng bài bản và tốt hơn ", ông Lương Ngọc Khánh cho biết.
Ông Khánh cũng đặt ra vấn đề lo ngại rằng, do có nhiều người lao động có tay nghề, kinh nghiệm nhưng do các công ty thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc tạm ngừng hoạt động nên nhiều nhân viên đã phải tự chuyển đổi sang làm các công việc khác, những ngành nghề không liên quan tới kinh nghiệm, chuyên môn của họ. Điều này dẫn tới nguy cơ khi dịch được kiểm soát tốt, ngành Du lịch được khôi phục lại hoàn toàn thì sẽ xảy ra bài toán không có đủ nguồn nhân lực “cứng” để có thể đáp ứng, phục vụ cho sự tái khởi động của thị trường du lịch vốn rất sôi động và khó tính này.
Bài & ảnh: Tùng Nguyễn