|
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, hoạt động du lịch một lần nữa bị “đóng băng”, các doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc vì không có doanh thu. Hậu dịch bệnh, ngành Du lịch đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để "tái thiết". |
|
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch TP HCM cùng doanh nghiệp hội viên đã phối hợp các đơn vị vận chuyển và Hiệp hội Du lịch các địa phương tích cực triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc, hứa hẹn một mùa du lịch Tết 2021 với nhiều khởi sắc. Tuy nhiên ngày 28/1, Việt Nam ghi nhận 82 ca nhiễm Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh, rồi liên tiếp các ca nhiễm những ngày sau đó. Để bảo vệ chính mình cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, người dân và du khách đã đồng loạt hoãn, hủy tour du lịch, đặc biệt là các tour du lịch Tết đã đăng ký trước đó. "Điều này một lần nữa làm chồng chất khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch khi phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn đối với khách hàng trong khi vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Khánh, cho biết. |
Có thể nói, chưa bao giờ ngành Du lịch gặp khó khăn như hiện nay. |
Tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch đã hủy tour không chỉ ở khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Nhiều địa phương trên cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, người dân. Tại Khánh Hòa, lượng khách du lịch lao dốc không phanh, lao động thất nghiệp ngày càng nhiều… Sự giảm sút về lượng khách, doanh thu du lịch đã kéo theo một số lượng lớn người lao động mất việc. Theo ước tính của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hoà, có thời điểm dịch Covid-19 đã khiến khoảng 17.100 lao động trong ngành Du lịch bị mất việc, trong đó lĩnh vực lưu trú giảm khoảng 15.000 người (chiếm 30% tổng số lao động lĩnh vực lưu trú), lĩnh vực lữ hành giảm 2.100 người (giảm 60%). Số lượng xe kinh doanh vận tải lĩnh vực du lịch bị ngưng hoạt động là 1.780 xe. Còn tại Bình Thuận, du lịch cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết khách đều hủy tour, hủy booking do tâm lý e ngại dịch bệnh. Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, doanh thu từ hoạt động du lịch giảm kéo theo là nguồn lao động du lịch cũng bị ảnh hưởng, số lao động đi làm cố định chỉ khoảng từ 30 -50%, còn lại doanh nghiệp sẽ thuê theo công nhật khi có khách. Theo Tổng cục Thống kê, trong một số ngành Dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới, tác động tiêu cực trực tiếp tới kinh tế và ngành Du lịch. Người lao động đang rất nhớ hình ảnh du khách nườm nượp dạo quanh các tuyến phố, mua sắm. |
Anh Liêu Kinh Quốc - chủ khách sạn trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, TP HCM) chia sẻ: “Giai đoạn trước Tết Tân Sửu, hoạt động du lịch đang trên đà hồi phục sau nhiều tháng “đứng yên” vì dịch bệnh, thấy vậy chúng tôi rất mừng. Vậy nhưng, khi đợt dịch lần này bất ngờ bùng phát trong cộng đồng thì hoạt động du lịch trên địa bàn lại rơi vào tình cảnh điêu đứng. Bây giờ nhiều tour thì bị hủy, khách sạn đã hết khách nên tạm ngừng hoạt động, nhân viên rất buồn và lo lắng. Chúng tôi cũng cố hết sức liên hệ tìm việc làm cho nhân viên để giữ chân họ ở lại thành phố, đợi tình hình ổn hơn sẽ gọi làm tiếp nhưng nhiều bạn cũng không trụ được, phải về quê tìm việc khác”. Chị Trần Thị Thanh Tâm (26 tuổi, nhân viên khách sạn trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM) tâm sự: "Khi khách sạn đóng cửa, chúng em phải lao đi các nơi tìm việc, nhưng tìm việc ở thời điểm này cũng không dễ dàng bởi tỉ lệ cạnh tranh cao, nhiều người ứng tuyển trong khi nhu cầu tuyển người của doanh nghiệp thấp, lương và đãi ngộ hạn chế, công việc ít ỏi". “Nhiều người bạn của em nhảy việc trái ngành, nhưng đi ứng tuyển không đúng chuyên môn và chưa có kinh nghiệm nên nộp đơn khắp nơi mà chưa chỗ nào nhận. Còn số khác nếu thành công, được nhận cũng phải trải qua 1-2 tháng thử việc khắt khe. Thật sự giai đoạn này, người lao động ngành Du lịch như em đều chật vật mưu sinh. Không ít người vì muốn đợi chỗ làm cũ gọi trở lại mà làm tạm một vài công việc khác như kinh doanh online, buôn bán vỉa hè”, Chị Tâm kể. |
Nguy cơ “chảy máu nhân sự” ngành Du lịch rất cao. |
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định: Hiện nay, người lao động du lịch bị ảnh hưởng của dịch bệnh phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được hỗ trợ trong khi những chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn được chi, khiến nhiều nhân sự vững tay nghề có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành mới. Điều đó báo hiệu nguy cơ “chảy máu nhân sự” ngành này sắp tới sẽ rất cao. Khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, doanh nghiệp sẽ lại cần thời gian và chi phí để đào tạo đợt nhân viên khác, không chỉ là kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ mà còn phải trau dồi cái tâm nghề nghiệp cho . Vì vậy, cần sớm tìm lời giải cho "bài toán" thiếu hụt nhân lực ngành Du lịch càng sớm càng tốt. |
|
Ngày 1/2/2021, Hiệp hội Du lịch TP HCM có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch để kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Khánh, trong thời gian qua, các chính sách ứng phó của Chính phủ với dịch Covid-19 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy các chính sách này vẫn đang phát sinh một số bất cập, hạn chế. Trước những thiệt hại dồn dập và nặng nề của doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch TP HCM kiến nghị với các ngành chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để doanh nghiệp cầm cự vượt qua đại dịch. Đó là, miễn hoặc giảm 50% thuế GTGT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021 vì hiện nay đa số doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021; cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp BHXH năm 2021 đến hết tháng 6/2022, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi năm 2021… "Đây là nguyện vọng tha thiết và mong chờ của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và các ngành chức năng kịp thời đề xuất Chính phủ nhằm tiếp sức doanh nghiệp vượt khó", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, nhấn mạnh. |
Bài viết và Thiết kế: Lê Tuấn
|