Công ty phát hiện một ca nhiễm Covid-19, gần 3.000 nhân viên, người lao động (NLĐ) hoang mang, lo lắng. Lãnh đạo công ty đã viết tâm thư gửi toàn bộ nhân viên để trấn an, động viên. Sau lời kêu gọi đã có hơn 2.000 công nhân tự nguyện ở lại công ty để làm việc. |
Ngày 20/7, một nhân viên tại Phòng Tổ chức Hành chính, Công ty CP May mặc 29-3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) mắc Covid-19 khiến toàn bộ lãnh đạo chủ chốt phải thực hiện cách ly tập trung. Mặc dù toàn bộ công nhân tại các xí nghiệp đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng công ty vẫn bị phong tỏa để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Gần 2.500 công nhân được yêu cầu ở lại công ty. Đến ngày 23/7, hơn 2.000 công nhân tình nguyện ở lại nhà máy để thực hiện (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) trong vòng 14 ngày. |
LÃNH ĐẠO xin cách ly tại chỗ để lO cho NLĐ |
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 nhận định đây là tình huống chưa có tiền lệ và là một thử thách chưa từng có trong lịch sử 45 năm xây dựng và phát triển của công ty. Tình hình dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất gặp khó khăn trong nhiều năm qua. Khi dịch bệnh ở các nước tạm lắng, các đơn hàng từ các nước châu Âu, châu Mỹ tăng lên đáng kể. Khi công ty bắt tay vào đẩy mạnh sản xuất thì lại phát hiện ca bệnh Covid-19, toàn bộ lãnh đạo là F1 phải cách ly tập trung, công nhân lo lắng muốn về nhà để tránh dịch. "Hơn lúc nào hết chúng tôi phải duy trì sản xuất, giữ uy tín và giao hàng đúng cam kết với đối tác. Đây không chỉ là uy tín nhất thời mà là truyền thống lâu đời của công ty. Khi chúng tôi thực hiện các đơn hàng này đúng tiến độ sẽ đảm bảo việc làm ổn định lâu dài cho công nhân, NLĐ. Chính vì vậy công ty phải quyết tâm, bằng mọi cách phải duy trì sản xuất cho bằng được", ông Chính chia sẻ. |
Việc thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ" ở Công ty CP Dệt may 29-3. |
Xuất phát từ lý do đó, ông Chính đã trút cả tâm can để viết tâm thư gửi cho gần 3.000 NLĐ trong công ty với mong muốn mọi người cùng đồng lòng, vượt qua khó khăn. Ngay sau khi bức tâm thư được gửi qua Zalo cho toàn thể nhân viên công ty, hơn 2.000 công nhân đã tình nguyện ở lại, tiếp tục bám trụ nhà máy để thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ". Số công nhân còn lại do có nguyện vọng riêng và nhà ở xa công ty nên đã xin phép về quê tránh dịch. Lãnh đạo công ty đã giải quyết theo nhu cầu và nhắc nhở họ phải tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Trong thư gửi NLĐ, ông Chính viết: "Tôi biết đêm qua nhiều anh chị em sẽ mất ngủ và phải ngủ chập chờn trong những lo toan bề bộn. Tổng Giám đốc phải xin được cách ly tại chỗ để cho anh chị em lao động đang ở lại đây có điểm tựa của "người đầu tàu", không cảm thấy mình như "rắn không đầu". "Thuyền trưởng" đã phải thức trắng đêm để giải quyết những sự cố xảy ra và xây dựng kịch bản cho phương án vừa duy trì sản xuất vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo chủ trương sản xuất "3 tại chỗ". Anh chị em công nhân đêm qua bất ngờ ở lại đêm trong công ty, đặc biệt chị, em có con nhỏ không tránh khỏi bâng khuâng, lo âu... Song tất cả đều vào ca sản xuất, nhiều công nhân làm tăng giờ, đặc biệt đáng biểu dương Xí nghiệp 1. Anh chị em thuộc diện F1 dù được cách ly trong môi trường tốt hơn ở khối văn phòng, nhưng tôi biết tất cả đều có những mối lo chung. Tôi thật sự cảm kích trước những lo toan không mệt mỏi của Tổng Giám đốc về công tác đối nội, đối ngoại tại công ty trong giai đoạn này, vừa tổ chức giao ban trực tuyến vừa hoàn chỉnh kịch bản chuyển đổi trạng thái sản xuất..." |
Tâm thư của ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 đã gây xúc động cho nhiều người. |
Ông Chính cũng thay mặt công ty, cảm ơn NLĐ và những người thân của họ đã thấu hiểu và "đồng cam cộng khổ": "Từ đáy lòng mình, thay mặt HĐQT tôi bày tỏ niềm xúc động và sự trân trọng trước những nỗ lực vượt bậc của Tổng Giám đốc và tất cả anh chị em trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này. Tôi cũng xin đặc biệt tri ân những người là vợ, chồng, cha mẹ, con cái của anh chị em, những người đã trở thành hậu phương vững chắc để "tiền tuyến" chúng ta an tâm với công việc trong trạng thái mới, đảm bảo bộ máy sản xuất kinh doanh được vận hành liên tục, không bị đứt gãy". Chia sẻ về việc gửi thư cảm ơn những người thân của NLĐ, ông Chính kể có lần đứng trước cổng công ty, ông thấy một nhân viên nữ bị chồng đánh và không cho làm việc tăng ca. Sau đó nữ nhân viên này lên xe để người chồng chở về nhà. Chính điều đó ông thấy vai trò quan trọng của người thân trong việc động viên NLĐ yên tâm lao động, sản xuất. Ông Chính nói: "Nếu người thân, gia đình không đồng ý thì NLĐ cũng khó chấp nhận ở lại nhà máy làm việc". Chính vì vậy mà trong thư ông Chính không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến người thân của những công nhân phải ở lại công ty để sản xuất trong vòng 14 ngày. |
Công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 ở lại nhà máy làm việc và thường xuyên tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. |
quyết tâm không để việc sản xuất bị ngưng trệ |
Sau khi nhận được những lời tri ân chân thành từ bức tâm thư của ông Chính, cùng với những phân tích hợp tình, hợp lý, hàng ngàn NLĐ đã đồng lòng và quyết tâm không để việc sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Những ngày đầu khi chưa thích nghi với cuộc sống thiếu thốn ở nhà máy, chị Phương Nguyên, công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 thấy khó chịu, bức bí. Sau vài ngày chị cũng đã quen với nề nếp, sinh hoạt ở đây và tập trung vào sản xuất. "Bức thư của Chủ tịch HĐQT gửi đến công nhân thật xúc động và là sự động viên kịp thời với cán bộ, nhân viên và NLĐ", chị Nguyên chia sẻ. Chị Nguyên đang có 2 con nhỏ (đứa nhỏ 2 tuổi) và những ngày qua chị rất nhớ con. Đêm nào chị cũng gọi điện về nhà để nói chuyện thật nhiều với 2 đứa nhỏ. Ngày sinh nhật con gái chị cũng không có mặt để tặng quà, mua bánh kem về làm tiệc nhưng chị tự hứa với lòng mình, sau 14 ngày ở công ty chị sẽ về nhà và bù cho con bằng một "sinh nhật thật to bự". Một số hình ảnh công nhân "sống ảo" trong khi thực hiện "3 tại chỗ" trong Công ty CP Dệt may 29-3. Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên Công ty CP Dệt may 29-3 cũng cho biết khi ở lại làm việc, công ty lo cho NLĐ 3 bữa cơm, chỗ ngủ sạch sẽ, an toàn và tinh thần ai cũng lạc quan. Tất cả mọi thứ công ty đều chuẩn bị chu đáo và đầy đủ. Chị Hoa cũng hy vọng thời điểm khó khăn này sẽ giúp mọi người trong công ty đoàn kết và gắn bó hơn trong công việc cũng như đời sống. Trong lúc hàng ngàn công nhân tại Đà Nẵng thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" thì các công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 (tại Xí nghiệp May Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) không bị phong tỏa do chưa phát hiện ca nhiễm Covid- 19. Vì vậy công nhân ở Xí nghiệp May Duy Trung đã tự đăng ký làm thêm giờ để tăng năng suất và bù đắp vào sản phẩm thiếu hụt do nhà máy ở Đà Nẵng bị ảnh hưởng và giảm số lượng. Ngoài ra anh chị em công nhân Xí nghiệp May Duy Trung cũng vận động công nhân góp: chanh, gừng, sả, đường,.... gửi các đồng nghiệp ở Đà Nẵng để họ uống và tăng cường sức đề kháng. Nhận được những món quà này nhiều công nhân đã cảm động và nhắn tin cảm ơn rối rít. Hoạt động sản xuất "3 tại chỗ" ở Công ty CP Dệt may 29-3. Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 cho rằng, chi phí ăn ở, sinh hoạt cho hơn 2.000 công nhân ở lại nhà máy là rất lớn. Mỗi ngày, công ty phải chi ra gần 200 triệu đồng tiền ăn uống, chăm sóc y tế và các chi phí khác. Ngoài ra công ty cũng mua sắm các trang thiết bị cần thiết để NLĐ có thể ở lại công ty. Dù tốn kém nhưng công ty vẫn sẵn sàng. Ngoài ra, công ty cũng cam kết sẽ chi trả đầy đủ lương thưởng và lương thêm giờ trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ". Video công nhân tình nguyện ở lại nhà máy để thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ": Cũng theo ông Chính, dù sản xuất trong điều kiện "3 tại chỗ" không đạt hiệu quả, nhưng kế hoạch giao hàng vẫn đảm bảo, giữ được niềm tin với đối tác. "Hiện tại chúng tôi lo nhất không phải là việc chăm lo đời sống cho NLĐ mà là làm sao để mọi người yên tâm thực hiện "3 tại chỗ", cách ly đúng thời gian quy định. Không để nguy cơ lây truyền mầm bệnh ra bên ngoài cộng đồng, gây gánh nặng, áp lực cho chính quyền và ngành Y tế Đà Nẵng. Nếu chỉ một hay vài công nhân của chúng tôi làm lây lan dịch bệnh cho người thân, cho xã hội là công ty sẽ mất uy tín và bản thân tôi cũng sẽ rất áy náy", ông Chính bộc bạch. |
Tâm thư của ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 gửi nhân viên: Anh chị em trong ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên thân mến! Chúng ta đang trải qua thử thách lớn lao chưa từng có trong lịch sử 45 năm xây dựng và phát triển - Đó là trường hợp toàn bộ cán bộ chủ chốt phải cách ly, doanh nghiệp phải phong toả do sự bất cẩn của một nhân viên mang mầm bệnh Covid- 19 gây ra. Tuy nhiên điều đáng mừng là toàn bộ anh chị em tiếp xúc gần, thuộc diện F1 đang cách ly đều âm tính. Tôi biết đêm qua nhiều anh chị em sẽ mất ngủ và phải ngủ chập chờn trong những lo toan bề bộn. Tổng Giám đốc phải xin được cách ly tại chỗ để cho anh chị em lao động đang ở lại đây có điểm tựa của "Người đầu tàu", không cảm thấy mình như "Rắn không đầu". "Thuyền trưởng" đã phải thức trắng đêm để giải quyết những sự cố xảy ra và xây dựng kịch bản cho phương án vừa duy trì sản xuất vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo chủ trương sản xuất "3 tại chỗ". Anh chị em công nhân đêm qua bất ngờ ở lại đêm công ty, đặc biệt chị em có con nhỏ không tránh khỏi bâng khuâng, lo âu ... song tất cả đều vào ca sản xuất, nhiều công nhân làm tăng giờ, đặc biệt đáng biểu dương Xí nghiệp 1. Anh chị em thuộc diện F1 dù được cách ly trong môi trường tốt hơn ở khối văn phòng, nhưng tôi biết tất cả đều có những mối lo chung. Tôi thật sự cảm kích trước những lo toan không mệt mỏi của Tổng Giám đốc về công tác đối nội đối ngoại tại công ty trong giai đoạn này, vừa tổ chức giao ban trực tuyến vừa hoàn chỉnh kịch bản chuyển đổi trạng thái sản xuất. Bây giờ công ty chúng ta đã được các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đăng nên mọi người ai cũng nghĩ rằng Công ty 29-3 là địa chỉ lây nhiễm. Chính vì vậy, tôi có lời khuyên đến các Giám đốc thông báo với công nhân mình rằng: Trong thời gian này toàn công ty như là mặt trận, mỗi cán bộ công nhân viên là một chiến sĩ. Công ty đang xây dựng mặt trận "3 tại chỗ" để vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất. Tất cả anh em ở lại sản xuất sẽ được công ty chăm sóc ăn nghỉ, thuốc men khi ốm đau, đầy đủ lương thưởng và lương thêm giờ. Đặc biệt là không ai phải sợ mầm bệnh lây lan từ bên ngoài. Đối với anh chị em trong lúc này không tham gia trong mặt trận này, sẽ có 2 vấn đề cần lưu ý: 1. Với gia đình, với xóm giềng anh chị em đó xem như là người từ vùng dịch trở về. Chịu sự cách ly tại chỗ có giám sát của địa phương, song điều chắc chắn anh chị em đó sẽ khiến gia đình, cộng đồng phải lo lắng. 2. Khi hết thời gian cách ly tại địa phương, anh chị em ấy phải xét nghiệm PCR với kết quả âm tính mới vào lại công ty và chi phí xét nghiệm do anh chị em tự thanh toán. Từ đáy lòng mình, thay mặt HĐQT tôi bày tỏ niềm xúc động và sự trân trọng trước những nổ lực vượt bậc của Tổng Giám đốc và tất cả anh chị em trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này. Tôi cũng xin đặc biệt tri ân những người là vợ, chồng, cha mẹ, con cái của anh chị em, những người đã trở thành hậu phương vững chắc để "tiền tuyến" chúng ta an tâm với công việc trong trạng thái mới, đảm bảo bộ máy sản xuất kinh doanh được vận hành liên tục, không bị đứt gãy. Dịch bệnh làm gián đoạn nhiều thứ, nhưng dây chuyền chắc chắn phải vận hành, hợp đồng với đối tác phải đảm bảo. Đó là công việc, là nguồn sống lâu dài, bền vững nếu chúng ta đồng lòng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu bỏ "trận tuyến" lúc này, chúng ta sẽ thua, công việc của mỗi người, cuộc sống của mỗi gia đình sẽ không có gì để đảm bảo. Xin gửi đến Tổng Giám đốc và tất cả anh chị em toàn công ty lời chúc sức khoẻ và thành công trong cuộc chiến này. Chào thân ái! |
Nam Trân
|