Làm việc mỗi ngày 15 tiếng, tối nào con cũng hỏi "Sao mẹ chưa về ăn cơm?" |
Chị Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch LĐLĐ huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh mỗi ngày đều ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi đã quá giờ cơm. Hai con của chị, thương mẹ chỉ dám bẽn lẽn hỏi: "Sao ngày nào mẹ cũng không về ăn cơm?" |
Những con số tượng hình Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe chở thực phẩm cứu trợ công nhân lao động trong khu vực bị phong toả đến với . Công việc của chị Vân và các cán bộ công đoàn là kiểm đếm, phân chia rồi bàn giao cho địa phương theo danh sách. Những chiếc xe tải chở theo hàng tấn thực phẩm đến địa điểm tập kết, cán bộ công đoàn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ đón xe, sẵn sàng vào dây chuyền bốc - xếp. Dây chuyền chính có năm người, ba cán bộ công đoàn cấp huyện và hai nam thanh niên. Hàng chục chuyến xe chở thực phẩm cứu trợ công nhân lao động trong khu vực bị phong toả đến với huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chị Vân chia sẻ: “Thực phẩm cứu trợ có mì, rau củ, trứng, dầu ăn, gia vị, có cả sữa, bánh kẹo cho mẹ bầu và các gia đình có con nhỏ nhưng cần nhất là gạo. Người Việt mình vẫn quen ăn cơm cho chắc dạ, mì cũng chỉ là giải pháp tình thế.” Những khi gạo về, cán bộ công đoàn mừng hơn ngày làng mở hội. Cả dây chuyền xắn tay áo, hoạt động nhịp nhàng như trong phân xưởng. Gạo đóng bao lớn 25kg, bao nhỏ 10kg, thao tác bốc, vác, xếp, kiểm đếm nhanh và dứt khoát. “Phải nhanh tay, một ngày không thể vận chuyển mấy tấn mà phải mấy chục tấn vì cả nghìn anh chị em công nhân đang chờ”, chị Vân hô hào. Những chuyến xe gạo về đến huyện Quế Võ. Công việc bắt đầu từ sáng sớm và thường kết thúc vào lúc 8-9 giờ tối, cường độ lao động trung bình khoảng 13-14 tiếng một ngày. Ngày cao điểm, chị Vân cùng mọi người bốc xếp hơn 50 tấn hàng, đến khi hoàn thành bước cuối cùng, chia suất trước khi trao cho công nhân cũng là lúc đồng hồ điểm 11 giờ đêm. Chị Vân cho biết: “Nhiều khu vực bị phong toả, mình không thể trực tiếp gần với công nhân, chỉ biết động viên anh chị em cán bộ cố gắng đẩy nhanh tốc độ bốc hàng, phân chia để kịp vận chuyển cho các tổ Covid cộng đồng trên địa bàn công nhân thuê trọ”. Các chị em nhanh tay phân chia để kịp phát trong ngày. Trong số các cán bộ tham gia vận chuyển thực phẩm cứu trợ, chị Vân là người ở xa địa điểm tập kết nhất, cách chừng 20km. Từ ngày 21/5, sau 10 ngày ra khỏi nhà từ lúc gà gáy và về bên gia đình khi đã quá giờ cơm, những con số ấn tượng đã được chị Vân cùng đồng nghiệp thiết lập: 131 tấn gạo, 80.000 quả trứng gà, 5.500 gói bột canh, 5.213 chai dầu ăn cùng nhiều nhu yếu phẩm đã được trao tận tay 26.220 công nhân lao động đang thực hiện cách ly y tế trên địa bàn huyện. 10 ngày, 131 tấn gạo, trung bình 25kg/bao, hơn 500 lượt bốc - xếp mỗi ngày chưa kể rau củ, trứng sữa. Những "con số tượng hình" cũng đủ khiến bất kì ai tưởng tượng ra cảnh hai vai của các anh phồng đỏ, bàn tay của các chị nhăn nheo vì ngâm mồ hôi. Trao đổi với PV, anh Nguyễn Hữu Nhân, phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Có những hôm giữa trưa xe gạo về, thời tiết phải lên tới 39-40 độ. Anh em bảo nhau cố gắng để chị em tranh thủ nghỉ ngơi nhưng Vân không nghe. Không bê được một mình thì Vân rủ thêm chị em khác, hai người một bao. Cán bộ huyện, còn bao nhiêu thôn phải lo nhưng mỗi lần theo xe gạo qua hỗ trợ, Vân đều cố làm cùng anh em, cũng là để động viên tinh thần mọi người.” Những hạt gạo dẻo thơm mang theo tình thương của người dân ủng hộ Bắc Ninh từ khắp mọi miền Tổ quốc và sự quan tâm của LĐLĐ tỉnh nay được gồng gánh trên vai của những người vận chuyển “thầm lặng” để gửi tận tay những công nhân trong tâm dịch. Ngày làm việc 18-20 tiếng Trước ngày bầu cử, về nhà vào nửa đêm sau khi đã phân chia xong số lượng hàng cứu trợ, chị Vân tiếp tục làm việc với máy tính. Vừa cập nhật và tổng hợp danh sách F2 phải cách ly tại nhà để theo dõi, phục vụ công tác truy vết và kịp thời cứu trợ; vừa kiểm tra lại các khâu chuẩn bị cho “Ngày hội non sông”, hôm đó chị Vân thức tới sáng. Công việc không yêu cầu chị phải làm việc khuya, thậm chí đến sáng nhưng chị nhìn nhận đó là trách nhiệm của cán bộ công đoàn. Nhớ về gương cán bộ công đoàn, chị Nguyễn Thị Huệ, thành viên tổ Covid cộng đồng thôn Dương Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh kể: “Ngày đầu tiên thôn em bị phong toả, người thôn thì ít mà công nhân đến trọ thì nhiều. Ai cũng lo vì công nhân sáng đi tối về, nhà nào cũng chỉ có đủ thực phẩm ăn ngắn ngày. Thế mà ngay trong hôm đấy chị Vân đã kết nối được với tổ Covid tụi em. 1-2 ngày sau là có gạo, công nhân không bị đói bữa nào. Chị Vân xông xáo mà nhiệt tình lắm. Lần đầu em gặp, hai chị em vừa nói chuyện vừa xắn áo vào bốc gạo ngay.” Kiểm đếm cẩn thận để đảm bảo không công nhân nào bị bỏ lại. Trường hợp hơn 1.000 công nhân thuê trọ tại xã Việt Hùng thuộc diện phong toả không có sẵn lương thực trong nhà, không có người thân ở gần vì đều là người nơi khác đến làm việc tại các KCN. Nhận được thông tin từ cán bộ xã, chị Vân liên hệ ngay các đồng nghiệp để chuẩn bị công tác cứu trợ khẩn cấp. “Lúc các anh dưới xã gọi, mình phải ra điểm tập kết luôn, tranh thủ gọi mọi người đến để làm cho kịp. Công nhân ngoại tỉnh ngày hai bữa ăn ở công ty, trong nhà thường không có nhiều đồ dự trữ. Mình phải nhanh, tiếp tế ngay, không thì công nhân đói”, chị Vân kể lại. Những hạt gạo dẻo thơm mang theo tình thương của người dân ủng hộ Bắc Ninh từ khắp mọi miền Tổ quốc Lúc xem video do cán bộ xã, tổ Covid cộng đồng khu vực ghi lại hình ảnh công nhân được nhận đồ tiếp tế, những đôi mắt biết nói ánh lên sự cảm ơn chân thành và xúc động không thành lời, chị Vân không kìm được nước mắt. “Xem qua video, nhìn ánh mắt nụ cười, thấy công nhân hoan hỉ mình khóc vì vui chứ không thấy mệt. Người ta cũng đâu muốn phải nhận cứu trợ, ai cũng muốn tự lao động nhưng hoàn cảnh bắt buộc thì phải chịu thôi”, chị Vân chia sẻ. “Sao mẹ chưa về ăn cơm?” Bắc Ninh đang trong những ngày cao điểm khi liên tiếp phát hiện thêm nhiều ca nhiễm bệnh mới. Công việc của chị Vân lại tiếp tục sớm tối, hai đứa con ở nhà đều phải nhờ vào mẹ chồng và chồng chăm sóc. Thực phẩm ngày nào cũng có, phải chia cho nhanh còn kịp vận chuyển. Các ca nhiễm mới ngày nào cũng phát sinh, thông tin liên tục thay đổi, phải cập nhật để phục vụ công tác truy vết và kịp thời cứu trợ. Công việc bận rộn cuốn chị Vân đi, không có thời gian để nghĩ đến con cái. Công việc bận rộn cuốn chị Vân đi, không có thời gian để nghĩ đến con cái. Trưa nghỉ tay, mọi người tranh thủ ăn cơm, chợp mắt 5-10 phút. Có những hôm xe gạo về giữa trưa, hai bạn thanh niên trong “dây chuyền” mới đặt lưng, chị Vân không nỡ gọi dậy nên mấy chị em lại bảo nhau ra nhận. “Hầu như ngày nào công việc cũng vậy. Mình theo nhịp công việc mà chẳng nghĩ được gì khác. Con ở nhà, nói thật chỉ có lúc ngơi tay mới có tâm trí để thương để nhớ”, nữ cán bộ công đoàn và cũng là một người mẹ tâm sự nghẹn ngào của một . Tôi hỏi chị có mong mỏi điều gì, chị chỉ mong mọi người ở nhà theo đúng khuyến cáo, chủ động khai báo để công việc bớt phần nào. Đại dịch đi qua để hoạt động sản xuất trở lại bình thường, công nhân được đi làm. Và hai con của chị sẽ không phải hỏi “Sao mẹ chưa về ăn cơm?”. |