|
Nhằm kịp thời giải quyết chế độ cho người bị tai nạn và có biện pháp khắc phục những sai phạm, qua đó giúp người lao động rút ra kinh nghiệm trong quá trình làm việc, nhiều ý kiến cho rằng cần phải điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ tai nạn lao động (TNLĐ); đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động, nhất là các hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ. Vấn đề bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn đã được pháp luật quy định. Thế nhưng, hàng loạt vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về điều kiện thiếu an toàn trong quá trình lao động, sản xuất. |
Liên tiếp những vụ việc thương tâm! Theo thông tin phóng viên Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn vừa nhận được, Sở lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Tháp đang điều tra 3 vụ TNLĐ làm chết người, xảy ra tại Hộ kinh doanh Hiệp Hưng (xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò); Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Bình và Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Công (thành phố Hồng Ngự), cùng với đó là 1 vụ tai nạn giao thông được xem là TNLĐ của Công ty Cổ phần Thế giới di động. Còn ở TP HCM, trao đổi với cơ quan báo chí chiều ngày 13/3, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP cho hay, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra tại dự án Khu nhà ở xã hội - Nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc vào ngày 11/3. ban đầu cho biết, vụ việc khiến một nữ lao động (17 tuổi, quê ở Sóc Trăng) làm việc tại tầng 15 Block B2 của dự án này tử vong. |
|
Dự án nhà ở Vạn Gia Phúc - nơi xảy ra vụ việc còn có tên gọi là The Western Capital (địa chỉ 116 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP HCM). Chủ đầu tư là Công ty TNHH Quản lý BĐS Hoàng Phúc; tổng thầu thi công dự án là Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Thành. |
Tại tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hồng Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ xác nhận, tối 15/3, trên địa bàn phường xảy ra vụ TNLĐ ở dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 2. Thời điểm này, nhà thầu thực hiện công tác đấu nối ống uPVC D160mm từ đường ĐX51 vào hố ga hiện hữu trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch với đoạn ống đấu nối dài 3m, độ sâu 3,6 m. Trong quá trình tháo dỡ thi công để hoàn trả mặt bằng xảy ra sạt lở phui đào, kéo theo hai công nhân xuống phui. Hậu quả, một công nhân tử vong tại chỗ. |
|
Nói thêm về vụ TNLĐ tại công trình Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 2, trước đó UBND phường Phú Mỹ (TP Thủ Dầu Một) đã có các văn bản báo cáo, nêu ra hạn chế, thiếu sót trong quá trình thi công dự án này trên địa bàn. UBND phường Phú Mỹ cho biết đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến công trình và có nhiều buổi làm việc thực tế với các đơn vị thi công tại công trình và mời đơn vị chủ đầu tư đến UBND phường trao đổi làm việc cụ thể nhưng vẫn chưa cải thiện được nhiều trong các nội dung đã trao đổi. Cũng theo UBND phường, thực tế đã nêu gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân, gây ra một số vụ tai nạn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Quá trình thi công xe vận chuyển vật liệu công trình thường xuyên chở quá tải trọng cho phép, gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường giao thông do phường Phú Mỹ quản lý. UBND phường Phú Mỹ từng chỉ ra các hạn chế, thiếu sót mà nguyên nhân do các yếu tố chủ quan của các đơn vị nhận thầu thi công. Theo Trung tâm Quốc gia về lao động (Cục An toàn Lao động - Bộ LĐ-TB&XH): Báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ TNLĐ làm 8.610 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2020 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: TP HCM, TP Hà Nội; các tỉnh: Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Nghệ An. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm 2020, lĩnh vực Xây dựng chưa phải là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất (đứng thứ hai), nhưng có nhiều vụ nghiêm trọng, gây chết nhiều người trong một vụ (tương ứng với đó yếu tố ngã cao, rơi, đổ sập, đột xuất trở thành yếu tố gây chết người hàng đầu trong năm 2020). |
Một số giải pháp cần thực hiện trong năm 2021 Cũng theo Trung tâm Quốc gia về An toàn lao động, căn cứ vào tình hình và nguyên nhân TNLĐ trong năm 2020, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung như: Các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy,…. |
Theo thống kê, số vụ TNLĐ làm chết người trong năm 2020 là 919 vụ, so với năm 2019 giảm 8 vụ tương ứng 0,87%, (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 629 vụ, tăng 57 vụ tương ứng với 9,97% so với năm 2019; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 290 vụ, giảm 65 vụ tương ứng với 18,31% so với năm 2019). Cùng với đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng (thang máy, thiết bị nâng, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo…), chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động; Tăng cường tổ chức điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, cơ quan Công an cấp tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rà soát triển khai xây dựng quy chế phối hợp điều tra TNLĐ chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm;... Người lao động đang làm việc tại một công trình xây dựng (chưa rõ tên dự án) trên địa bàn phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM có dấu hiệu thiếu an toàn, không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ theo quy định. Để công tác kiểm soát an toàn lao động được thực hiện tốt trong thời gian tới, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ TNLĐ, từ đó kịp thời giải quyết chế độ cho người bị tai nạn và có biện pháp khắc phục những sai phạm. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác an toàn lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản... Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động, nhất là các hành vi vi phạm dẫn đến TNLĐ, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ. |
Bài viết và thiết kế: Lê Tuấn Ảnh: Lê Tuấn
|