|
Trước nay có nhiều đề tài nghiên cứu về công nhân nhưng về con của công nhân, đặc biệt công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) thì hầu như chưa có. Trong khi, con cái chính là mối bận tâm, lo lắng lớn nhất của công nhân khi mà cuộc sống của họ vẫn còn nhiều thiếu thốn. Gặp ThS Lê Thị Huyền Trang – Viện Công nhân và Công đoàn khi chị đang tất bật với những công trình nghiên cứu còn đang dang dở. Dù rất bận rộn, song khi nghe tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về đề tài đầy tâm huyết của mình liên quan đến con của công nhân các KCN, chị gật đầu đồng ý. Đề tài “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các KCN ở Việt Nam hiện nay” của ThS Lê Thị Huyền Trang mới được Hội đồng nghiệm thu Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá xuất sắc cả về ý nghĩa lý luận và tính thực tiễn, tính nhân văn. Đề tài đã phản ánh được vấn đề mang tính thời sự về thực trạng còn nhiều bất cập của hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong gia đình công nhân làm việc tại các KCN, đồng thời đề xuất được các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để hỗ trợ công nhân chăm sóc con mình đủ đầy hơn. Trong căn phòng làm việc xếp đầy tài liệu nghiên cứu của mình, ThS Lê Thị Huyền Trang chia sẻ với tôi về đề tài và cả những nỗi niềm của một người mẹ khi làm nghiên cứu khoa học. |
Vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là con công nhân KCN còn nhiều bất cậpPV: Thưa chị, trong rất nhiều công trình nghiên cứu không riêng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, công nhân là đối tượng chủ yếu được nói đến, chứ con của công nhân thì rất ít hoặc chưa có. Vậy, điều gì khiến chị đi sâu và tìm hiểu về vấn đề này? ThS Lê Thị Huyền Trang: Tôi cũng là một người mẹ, cũng từng phải xa con mình, nhất là trong mấy năm vừa rồi khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tôi đã phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, cho con học online vì ở đây tôi vẫn phải đi làm. Con còn nhỏ không tự ở nhà một mình và chủ động việc học được, nên tôi cũng không có lựa chọn nào khác. Là phụ nữ nên tôi dễ đồng cảm và thấu hiểu hơn về vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con cái. Cũng vì lẽ đó mà đề tài này có sức hút đối với tôi. ThS Lê Thị Huyền Trang luôn tâm huyết với các vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó có con của công nhân các KCN. Ảnh: HỒNG NHUNG |
PV: Chị có thể khái quát về thực trạng vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các KCN ở Việt Nam hiện nay? Ths Lê Thị Huyền Trang: Khi bàn về vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là con công nhân thì đây là một vấn đề rất rộng, nhiều chiều cạnh. Đảng và Nhà nước ta cũng rất quyết tâm và đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sự quan tâm đó được thể hiện ở Luật trẻ em năm 2016; thể hiện ở các chỉ thị, các chương trình hành động vì trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em là con công nhân KCN thì còn nhiều bất cập. Khi tìm hiểu về một số vấn đề của con công nhân KCN hiện nay, số liệu điều tra khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy những con số đáng báo động: Có 29.3% trẻ không được vui chơi cùng cha mẹ; 31.1% trẻ phải sống trong những phòng trọ dưới 15m2; 40.6% bữa ăn của trẻ hiếm khi có thịt, rau xanh, hoa quả; 54.2% trẻ chưa được chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ; 59.6% trẻ chưa được đáp ứng về nhu cầu được vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi; và có 25.0% trẻ đang không sống cùng cha mẹ, phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc. |
Không sống cùng cha mẹ, trẻ dễ tổn thương về tinh thầnPV: Qua quá trình nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với công nhân lao động, chắc hẳn chị có nhiều cảm xúc và những trăn trở? Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang: Như đã chia sẻ ở trên, tỉ lệ con công nhân không được sống cùng cha mẹ khoảng 25%. Và khi trẻ không được sống cùng cha mẹ thì sẽ rất thiệt thòi và dễ bị tổn thương, đặc biệt là tổn thương về tinh thần. Chia sẻ của một nữ công nhân thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tại Bình Dương làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều: “Em phải gửi con về quê, nhớ lắm chị. Em lên đây vẫn hộ khẩu ở quê (Kiên Giang), không xin con được vào trường công, gửi tư thục thì đắt và em cũng phải đi làm tăng ca nên không chăm con được, về đến nhà là mệt lắm. Vợ chồng em ở đây cố đi làm kiếm chút tiền gửi về quê nhờ ông bà chăm con. Xa con tình cảm của con chắc cũng không dành nhiều cho mình. Về có khi con còn không nhận ra em...”. Hay một trường hợp khác là nữ công nhân ngành Điện tử tại Đà Nẵng nói với tôi rằng: “Em rất muốn được giống như những người mẹ khác, được sống cùng con và gần gũi với con mỗi ngày, được dỗ dành con, nói chuyện với con, dẫn con đi chơi mỗi khi rảnh rỗi… có lẽ với nhiều người mẹ khác điều đó thật dễ dàng, nhưng đối với em điều này thật khó”… Người công nhân khi phải gửi con về quê, bản thân họ cũng rất tâm tư bởi vì: họ lo lắng, liệu xa con như vậy khi về con có nhận ra mình không, con còn có tình cảm với mình không? Và rõ ràng, trước những tình huống này, sợi dây gắn kết trong gia đình sẽ lỏng lẻo. Nhiều đứa trẻ có cha mẹ là công nhân đang phải sống trong điều kiện chật chội. Ảnh: Ý YÊN |
"29.3% trẻ không được vui chơi cùng cha mẹ; 31.1% trẻ phải sống trong những phòng trọ dưới 15m2 ; 40.6% bữa ăn của trẻ hiếm khi có thịt, rau xanh, hoa quả; 54.2% trẻ chưa được chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ; 25.0% con công nhân đang không sống cùng cha mẹ". |
ThS Lê Thị Huyền Trang trong buổi nghiệm thu đề tài: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các Khu Công nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. Ảnh: VCNVCĐ |
Hãy coi người lao động là trung tâmPV: Thông thường, doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến công nhân lao động, chứ chưa chú ý đúng mức đến con của họ. Theo chị, lý do vì sao? Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang: Về vấn đề này có thể thấy doanh nghiệp chưa thực sự xác định được vai trò của mình trong vấn đề này. Đa số các chế độ, phúc lợi mà doanh nghiệp quan tâm đang chỉ dừng lại với đối tượng là người lao động, còn những vấn đề liên quan đến con công nhân cũng như gia đình công nhân thì còn nhiều khoảng trống. Một nữ công nhân bế con trước cửa xóm trọ tại Hà Nội - Ảnh: Lâm Dũng PV: Trước thực trạng như vậy, chị có những kiến nghị, đề xuất gì để việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân được thực hiện tốt hơn? Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang: Khó mà có thể khẳng định được kiến nghị những nội dung nào để việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân trước vấn đề này, tôi có những kiến nghị cơ bản như sau: Chính phủ nên có sự chỉ đạo toàn diện đối UBND cấp tỉnh, thành phố và các bộ ngành liên quan trong vấn đề thu hút đầu tư, xây dựng các dự án, đặc biệt là dự án xây dựng các KCN, Khu kinh tế, Khu chế xuất… phải đảm bảo có quỹ đất và nguồn kinh phí để xây dựng các hạng mục phúc lợi phục vụ người lao động (NLĐ) như: nhà ở, nhà trẻ, trường học, … Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề này. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Tổ chức Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, đặc biệt là chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Để làm sao NLĐ được hưởng những quyền lợi tốt nhất và yên tâm làm việc gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cần xác định rõ hơn vai trò của mình trong vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân đang làm việc tại đơn vị. Hãy coi NLĐ là trung tâm, quan tâm không chỉ riêng cá nhân NLĐ mà quan tâm đến gia đình NLĐ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến con em công nhân để NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! |
Bài viết: HỒNG NHUNG Ảnh: HỒNG NHUNG - Ý YÊN Thiết kế: HN |