Chuyên gia tài chính Nguyễn Cao Hữu Trí cho rằng: "Lương 5 triệu đồng/tháng vẫn có thể nghĩ đến việc mua nhà nếu biết cách tiết kiệm!" |
"Để không phải vay tín dụng đen hoặc thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu, người lao động cần biết cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Việc tiết kiệm không phụ thuộc vào lương của bạn bao nhiêu, lương 5 triệu đồng/tháng vẫn có thể nghĩ đến việc mua nhà nếu bạn biết cách tiết kiệm" – chuyên gia tài chính Nguyễn Cao Hữu Trí chia sẻ. |
Ai cũng NÊN BIẾT VỀ NGUYÊN TẮC “6 CHIẾC LỌ” |
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập anh chị em công nhân giảm, cuối năm, rất nhiều anh chị em công nhân, người lao động có thu nhập thấp chia sẻ “không có ngàn nào trong túi” và “cả năm qua làm chỉ đủ ăn, không để dành được đồng nào cả”! Ông Nguyễn Cao Hữu Trí: Thực ra, nếu anh chị em công nhân hiểu được nguyên tắc “6 chiếc lọ” thì anh chị em sẽ luôn có một khoản tiết kiệm dài hạn mà không phụ thuộc vào thu nhập tăng hay giảm. 6 chiếc lọ tức là thu nhập hàng tháng nên được chia làm 6 phần. Theo đó, chiếc lọ thứ nhất chiếm 55% tổng thu nhập dành cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như tiền nhà, điện, nước, ăn uống, đi lại. Chiếc lọ thứ hai là tiết kiệm dài hạn chiếm 10% thu nhập. Tương tự, các lọ còn lại sẽ là 10% dành cho giáo dục, cập nhật kiến thức, trình độ. 10% nữa dành cho hưởng như đi nhậu, uống bia, cà phê với bạn bè. 10% là phần để dành cho cá nhân được tự do tài chính trong tương lai ví dụ như đầu tư vào một cái gì đó phù hợp. Chiếc lọ thứ 6 là 5% thu nhập còn lại sẽ dùng cho từ thiện, giúp đỡ người khác, hỗ trợ cha mẹ cũng được tính vào phần này. |
Một gia đình công nhân ở Bình Dương đã tiết kiệm tiền và mua được một căn nhà ở xã hội gần nơi mình làm việc |
- Những năm qua, rất nhiều anh chị em công nhân chỉ có thu nhập là lương cơ bản, khoảng 5 triệu đồng/tháng thôi, không được 8-10 triệu đồng/tháng như trước thì tiết kiệm có vẻ cũng khó! Ông Nguyễn Cao Hữu Trí: Thu nhập bao nhiêu, tiêu xài tương ứng! Nếu 10 triệu đồng/tháng thì chiếc lọ thứ nhất tương ứng số tiền là 5,5 triệu đồng/tháng nhưng khi thu nhập giảm xuống còn 5 triệu đồng/tháng thì chiếc lọ này sẽ còn 2.750.000 đồng, các lọ khác cũng sẽ giảm xuống, chúng ta phải tìm cách tiêu xài sao cho phù hợp với số tiền đó. Trước đây, lương 10 triệu đồng/tháng thì ta ở 1 mình 1 phòng trọ, tự do thoải mái, thế nhưng khi thu nhập giảm xuống còn 5 triệu đồng/tháng thì phải tìm người ở ghép, ăn uống mua về tự nấu, lựa chọn thực phẩm phù hợp với túi tiền. Ví dụ, cũng là cung cấp chất đạm, trước đây có thể ăn cá, thịt giờ có thể chuyển sang trứng, đậu phụ. Trước đây, với thu nhập 10 triệu đồng, mình có 1 triệu đồng dành cho thụ hưởng, đi nhậu với bạn bè, giờ đây chỉ còn 500 ngàn đồng thì đi nhậu ít lại, hoặc chuyển từ uống bia sang uống cà phê. Và quan trọng nhất, chúng ta vẫn để dành được 500 ngàn đồng cho chiếc lọ thứ hai là tiết kiệm dài hạn và 500 ngàn đồng cá nhân được tự do tài chính trong tương lai. Số tiền này tuyệt đối không được đụng đến. Có một thực tế là rất nhiều bạn thu nhập 10 triệu đồng/tháng nhưng mua 1 chiếc điện thoại gần 30 triệu, tức là bằng 3 tháng làm việc cật lực của mình. Thực tế, mình không bao giờ xài hết các chức năng trên chiếc điện thoại 30 triệu đồng đó nhưng vẫn cứ mua. Nhiều bạn mua bằng cách trả góp, đến khi trả xong góp thì chiếc điện thoại sắp lỗi thời, hãng điện thoại lại chuẩn bị ra mẫu mới. Chúng ta lại rơi vào cái vòng mua - làm - trả nợ. Không ai cấm chúng ta hưởng thụ, tuy nhiên phải phù hợp với thu nhập của mình. Chúng ta phải biết tiếc sức lao động của mình. Nhiều người bảo “mỗi tháng góp 1 triệu đồng, có gì đâu”. Hãy nghĩ xem, 1 ngày công làm từ sáng đến tối của các bạn được trả bao nhiêu tiền, hơn 200 ngàn đồng cho 1 ngày làm từ sáng đến tối, 1 triệu đồng tức là 5 ngày làm miệt mài. Với tôi như vậy là quá lớn! Với nguyên tắc 6 chiếc lọ, 55% cho thu nhập cơ bản và 10% tiết kiệm cho tương lai đó là nguyên tắc dành cho phần thu nhập cơ bản, ngày làm 8 tiếng đồng hồ. Nếu các bạn tăng ca, làm thêm thì phần để dành cho tiết kiệm phải tăng lên, có thể 55% phần thu nhập từ tăng ca phải dành cho tiết kiệm, đầu tư để mình được tự do tài chính cho tương lai vì để có phần thu nhập đó, mình phải tốn nhiều sức lực hơn, sử dụng thời gian nghỉ ngơi để làm việc. |
ĐỪNG VAY NẾU TIỀN Đó KHÔNG “ĐẺ” RA TIỀN |
- Nhiều anh chị em công nhân chia sẻ cũng muốn tiết kiệm, nhưng mà tiền để trong thẻ ATM ngân hàng, nhiều lúc không kiềm chế được. Họ thừa nhận, có khi mua về rồi hối hận nhưng đã muộn rồi! Ông Nguyễn Cao Hữu Trí: Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều có chương trình “Tiết kiệm tích lũy”, anh chị em có thể đăng ký với ngân hàng mình mở thẻ, mỗi tháng ngân hàng sẽ tự động trích tiền, cuối năm sẽ trả lại về thẻ cả gốc lẫn lãi. Đặc biệt, rất nhiều ngân hàng có các ứng dụng (app), người lao động tải ứng dụng của ngân hàng mình đang sử dụng về điện thoại, đăng ký và có thể tiết kiệm online. Ngoài ra, chỉ cần có 1 triệu đồng, các ngân hàng cũng sẽ làm sổ tiết kiệm cho anh chị em. Đừng bao giờ nghĩ tiết kiệm 500 ngàn đồng/tháng là ít, không bõ bèn gì. Nếu không có 500 ngàn đồng thì không thể có 5 triệu đồng, không có 50 triệu đồng và mãi mãi mình không có gì cả. Nếu một ngày, có ai đó rủ mình mở quán chè, bán hủ tíu gõ ban đêm kiếm thêm, mình không có 5 triệu đồng thì cơ hội qua đi, đi vay thì tiền lời từ buôn bán lại lo trả lãi. Thực tế, rất nhiều anh chị em công nhân mua được đất, cất được nhà, mua được căn hộ để ở là bởi vì họ tiết kiệm từ vài chục, vài trăm ngàn đồng/tháng. Không phải lúc nào mình cũng có đủ sức khỏe để làm việc, kiếm tiền hãy nghĩ đến việc tiết kiệm để dành để tái đầu tư! |
- Sắp đến Tết rồi, nhiều anh chị em không có tiền để dành nên muốn vay tiền để tiêu Tết. Hiện có rất nhiều nguồn cho vay, thủ tục cực kỳ đơn giản, chỉ cần chụp hình chứng minh nhân dân, cho số điện thoại người thân, hoặc nhiều ứng dụng (app) yêu cầu cho phép truy cập danh bạ điện thoại là được… Ông Nguyễn Cao Hữu Trí: Là người làm ở ngân hàng nhưng tôi khuyên anh chị em công nhân là đừng vay tiền nếu tiền đó không “đẻ” ra tiền, không vay nếu tiền đó đi vào mục đích tiêu sản như mua sắm quần áo, ăn uống… Vay tiền mà tạo ra tài sản hãy vay, đừng vay để tiêu Tết, đừng vay để mua vé tàu xe về Tết, ăn Tết, chơi Tết. Nếu muốn về thăm nhà mà tài chính lại eo hẹp, để ra Tết hãy về vì khi đó mọi thứ không còn đắt đỏ, phù hợp với thu nhập của mình. Đừng để đến khi túng thiếu lại đi vay tiền để tiêu, hãy nghĩ đến việc tiết kiệm, kiểm soát chi tiêu. Tiết kiệm không bao giờ là muộn cả!
|
Nếu năm nay tài chính khó khăn, anh chị em công nhân hãy hoãn chuyến về thăm quê vào dịp sau Tết để giảm chi phí, hạn chế mua sắm, đặc biệt không vay tiền để "tiêu Tết, chơi Tết" |
LÊ TUYẾT Đồ họa: NGÔ THỤY |