|
Sự sống diệu kỳ của con trai sản phụ L.T.M.M. không chỉ là niềm vui lớn với các y, bác sĩ điều trị mà còn là động lực giúp người mẹ vượt lên những khó khăn để chiến thắng Covid-19. |
Nguồn năng lượng của mẹ |
Ba ngày sau cuộc phẫu thuật bắt con, vết thương vẫn để lại những cơn đau âm ỉ cho chị M. (công nhân Công ty TNHH Daiwa, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Vậy nhưng, nỗi mong ngóng được ôm con vào lòng khiến chị M. tạm quên đi tất cả. Nhớ lại ngày phát hiện mình bị dương tính với virus SARS-CoV-2, chị M. không khỏi lo lắng. Trên chuyến xe cấp cứu chuyển từ Bệnh viện Phụ sản – Nhi sang Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, chị M. đưa mắt nhìn xuống bụng mình hồi lâu. “Mạnh mẽ, an toàn bên mẹ con nhé”, chị M. thầm thì với con trong bụng. Từ khi biết mình mang thai, chị M. và chồng đã luôn mong chờ giây phút được nhìn ngắm và nghe con cất tiếng khóc chào đời. Vậy nhưng, tin dữ ập đến, chị được các bác sĩ chẩn đoán là khô ối, suy thai cấp, tình thế vô cùng nguy hiểm, lại mắc Covid-19. Không có chồng bên cạnh vì anh bị đưa đi cách ly, điểm tựa duy nhất tiếp sức mạnh cho chị lúc này chính là đứa con trong bụng. |
|
“Anh ấy (chồng chị M. - PV) đưa mình đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi nhưng khi mình được phát hiện dương tính thì anh được đưa đi cách ly ngay. Bản thân mình lúc đó vừa lo sợ, vừa hụt hẫng bởi chỗ dựa duy nhất cũng không thể đồng hành cùng mình vượt cạn. Chàng trai của mình khi ấy mới chỉ 35 tuần trong bụng nhưng thật sự đã là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho mẹ”, chị M. tâm sự. Với những chẩn đoán về tình hình nguy cấp của thai nhi, ngay trong tối đó, ca phẫu thuật đã được tiến hành. Lần đầu làm mẹ và bước vào một trong những “trận chiến” lớn nhất cuộc đời, trước khi lịm dần trên bàn mổ, chị M. vẫn nhớ những lời động viên của các y, bác sĩ dành cho mình. |
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, điều đầu tiên chị M. mong muốn là ôm con trai vào lòng nhưng vẫn chưa được vì cơ thể còn yếu. Hai ngày đầu, sữa mẹ chưa về, con phải nhờ đến sự hỗ trợ của Ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi. Chị M. không thôi trách bản thân vụng về, không thể cho con được những điều tốt nhất. Vậy nhưng, sau khi bé ổn định, giây phút đầu tiên bé được các y, bác sĩ ấp bằng Phương pháp Kangaroo (phương pháp chăm sóc trẻ sinh non hoặc nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực người mẹ), chị M. đã rưng rưng trong niềm vui lần đầu gần con. Cũng từ đây, quyết tâm của chị càng lớn hơn. Người mẹ trẻ chịu khó trong những bài tập vận động sau sinh. Mỗi bữa dù khó ăn, chị vẫn cố gắng từng chút để vừa có sữa, vừa có sức cho bản thân chống Covid-19. |
“Sau sinh, vết thương mổ đau nhói khiến mình không muốn ăn và cũng buồn vì không có gia đình bên cạnh. Nhiều lúc, nhấc máy gọi cho chồng mà lòng không kìm nén được. Nhưng rồi khi nhìn con, được tiếp xúc với con lần đầu, mình biết rằng mình phải cố gắng hơn từng ngày để được chăm sóc chàng trai dũng cảm này”, chị M. tâm sự. Chỉ sau 9 ngày điều trị, chúng tôi có dịp được gặp chị M. và con trai vào ngày xuất viện. Em bé ngủ ngoan trong vòng tay mẹ, thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười. Câu chuyện về chị M. cùng sức sống kỳ diệu của em bé được các y, bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang kể cho nhau với niềm vui không thể diễn tả. Em đã cho các y, bác sĩ thấy được những sự sống nảy sinh nơi lằn ranh sinh tử và cũng vì có em bé, chị M. đã mạnh mẽ hơn để chiến thắng Covid-19. “Đến lúc này mình cũng không tin được là cả hai mẹ con đã đạt được những điều tuyệt vời như vậy. Mình gọi điện cho chồng để báo tin xuất viện, anh mừng reo rồi khen hai mẹ con quá giỏi. Chồng mình đi cách ly theo diện F1 đến 14 ngày mới được về, mình và con chỉ điều trị 9 ngày. Có lẽ vì có con nên mọi điều đều trở nên đặc biệt hơn. Gia đình mình sắp được đoàn tụ rồi”, chị M. vui mừng cho biết. |
Tình thân nơi Bệnh viện Dã chiến |
Khoảng thời gian 9 ngày điều trị đó cũng đọng lại trong chị M. nhiều kỷ niệm khó quên, nhất là tình cảm chân thành và những nỗ lực không biết mệt mỏi của các y, bác sĩ hai bệnh viện. “Đã có lúc, mình từng tuyệt vọng nghĩ rằng sẽ mất con nhưng lúc này mọi chuyện thật kỳ diệu. Mình nghĩ nếu chỉ có hai mẹ con thì sẽ không thể có những điều tốt đẹp, trọn vẹn như ngày hôm nay. 9 ngày qua, không có gia đình ở bên động viên nhưng mình may mắn khi có những y, bác sĩ tận tâm đã luôn đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ mình rất nhiều”, chị M. tâm sự. |
Một trong những kỷ niệm khiến chị M. nhớ nhất là khi bé được ấp bằng Phương pháp Kangaroo trực tiếp lên người mẹ. Khi ấy, điều dưỡng Lê Trọng Đại, khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản - Nhi không chỉ dành nhiều thời gian để theo dõi hai mẹ con mà còn bón từng thìa cháo cho chị M. ăn lấy sức. “Mình chỉ được thấy đôi mắt, nghe giọng nói và tên các y, bác sĩ trên những bộ đồ bảo hộ trắng để phân định nhưng mình luôn cảm thấy sự gần gũi. Cứ đều đặn mỗi ngày, các y, bác sĩ lại ghé thăm hai mẹ con, lúc thì động viên, lúc cho con ấp lên mình rồi bón từng thìa cháo”, chị M. nhớ lại. Những ngày đầu sau sinh là lúc chị M. yếu lòng nhất, các y, bác sĩ đã luôn động viên chị cố gắng điều trị cùng con sớm khỏi bệnh để về với gia đình. “Lần đầu làm mẹ, có những điều mình bỡ ngỡ, lóng ngóng, đôi khi là lạ lẫm, lại trong hoàn cảnh phải ở xa gia đình. Vì vậy, mọi người ở bệnh viện đã cho mình nhiều lời khuyên hữu ích. Những tình cảm đó không khác gì tình thân trong gia đình”, chị M. tâm sự. Trước lúc rời Bệnh viện Dã chiến, chị M. dành lời cảm ơn gửi đến lãnh đạo bệnh viện và tất cả các y, bác sĩ đã quan tâm và giúp hai mẹ con vượt qua thử thách, trở về đoàn tụ với gia đình. “Sau này, con lớn hơn, mình sẽ kể cho cháu nghe về hành trình chào đời đặc biệt của con. Cháu sẽ luôn ghi nhớ những tình cảm chân thành của các y, bác sĩ tại bệnh viện này”, chị M. chia sẻ. |