LTS: Chiều 27/11/2022, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, một số khó khăn liên quan lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang tác động và có thể gây rủi ro cho nền kinh tế. Trên thực tế 2 quý trở lại đây, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu giảm tốc rơi vào trạng thái “ngủ đông” thì trên khắp cả nước, hàng ngàn dự án xây dựng lớn nhỏ đã dừng thi công, hàng trăm ngàn người lao động mất việc làm, từ người lao động trực tiếp là công nhân xây dựng trên công trường; công nhân các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, đến các lao động gián tiếp giải quyết đầu ra của thị trường là lực lượng môi giới bất động sản. Tạp chí Lao động và Công đoàn có loạt bài đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và những vấn đề khó khăn của ngành này và câu chuyện thực tế người lao động, chủ doanh nghiệp đang phải đối mặt. |
Ghi nhận thực tế của Tạp chí Lao động và Công đoàn cho thấy, hiện khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn đang phải cắt giảm tối đa chi phí để có thể sống sót và tồn tại. Các sàn giao dịch lớn “thoi thóp”. Điều này đã ảnh hưởng mạnh tới thu nhập, đời sống của những người làm nghề môi giới bất động sản. |
Chia sẻ thông tin về tình hình thị trường bất động sản trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, cả nước hiện có gần 1.500 sàn giao dịch bất động sản, nhưng 1/3 trong số đó đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, có nguy cơ đóng cửa. Nguồn cung – cầu của thị trường sụt giảm rõ rệt. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, khoảng 30%. Các cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của đại bộ phận người lao động, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Giá bất động sản bị đẩy lên cao, không phù hợp với khả năng thanh toán cũng như nhu cầu của người dân. Áp lực tăng giá đầu vào phát triển bất động sản cũng rất mạnh, từ vật liệu xây dựng, máy móc, nhân công, chi phí vốn... Nguồn vốn được coi là mạch máu, là "nguồn oxy" của thị trường thì đang có dấu hiệu bị khóa chặt. |
"Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết. Ảnh: M.A |
Theo ông Đính, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn; thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu mạnh, trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu tăng. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên. "Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Đính cho biết. Tính riêng tại Quảng Ninh, một thị trường vốn dĩ có nhiều tiềm năng và tín hiệu sôi động, thì đến nay, các sàn giao dịch bất động sản lớn tại thị trường này đang rơi vào tình trạng “thoi thóp” và một vòng quay chi phí luẩn quẩn để có thể sống sót và tồn tại, đó là giảm lương, giảm quyền lợi, đóng bớt những sàn giao dịch trực thuộc hoạt động không có hiệu quả. Thị trường bất động sản tại Quảng Ninh trong năm 2022 cũng được đánh giá là một năm gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa. |
“Ở Quảng Ninh, nhiều môi giới không có chiều sâu, không có kiến thức sẽ không bám trụ được với nghề. Con số này chiếm đến 70 – 80%”. Ông T.V.T, giám đốc một sàn giao dịch tại địa bàn này cho biết. Với một sàn giao dịch bất động sản lớn như Đất Xanh Miền Bắc, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc - cho biết, đến thời điểm hiện tại có gần 3.000 nhân sự, nhưng cũng đã phải cắt giảm 30%. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm từ giờ đến cuối năm, thậm chí sang tới năm 2023, thì con số phải cắt giảm có thể tăng thêm 20% nữa trên hệ thống toàn miền Bắc. Nhân sự buộc phải cắt giảm, chi phí phải thắt chặt, đó cũng chỉ là những giải pháp được cho là tạm thời, ngắn hạn để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian này. Nhưng về lâu dài, nếu không có giải pháp tháo gỡ quyết liệt thì thị trường bất động sản không biết đến khi nào mới có thể hồi phục trở lại. Dường như lúc này, tất cả đều đang chờ đợi những cơ chế, những cơ hội từ trong những khó khăn, thách thức. |
Chị L. (45 tuổi), một môi giới tại Hà Nội cho biết, chị theo công việc này tính đến nay cũng đã được 7 năm. Trước đó, chị cũng từng làm tại một sàn giao dịch bất động sản có tiếng tại Hà Nội. Chị chủ yếu làm về mảng đất thổ cư, thi thoảng có kết nối sang một chút ở phía dự án nhưng không nhiều. Vào những thời điểm thị trường sôi động ở mức cao, có những tháng tất bật làm không hết việc, chỉ cần làm vài tháng là ổn định được cho cả năm. Nhưng kể từ khi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng toàn bộ đến nền kinh tế chung của thế giới cũng như trong nước, khi mà tất cả đều phải thắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng để duy trì cuộc sống, thì công việc của chị bị ảnh hưởng nhiều. “Đối tượng khách hàng của chị thường là những hộ gia đình có nhu cầu mua nhà ở thực, kinh tế ở mức vừa phải. Cũng có những đối tượng khách hàng mua để đầu cơ, nhưng không nhiều, và có mua để đầu cơ thì cũng tìm những căn với mức giá vừa phải, dưới 3 tỷ”. Chị L. cho biết. Khi nền kinh tế có sự suy giảm, tất cả các ngành nghề bị ảnh hưởng, thì thu nhập khách hàng trong phân khúc của chị L. cũng bị ảnh hưởng theo. Nhu cầu bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà trong thời gian kinh tế khó khăn và thời điểm lãi suất đang có sự tăng lên cũng làm cho nhiều đối tượng khách hàng có sự so sánh. Mặc dù mua nhà ở thời điểm này, có thể giá sẽ hạ nhiệt, nhưng nhiều khách hàng vẫn lựa chọn việc gửi ngân hàng để lấy lãi suất tiết kiệm. 2 năm trở lại đây, chị L. bắt đầu quay lại kết hợp thêm công việc làm may vốn có, thậm chí phải nghĩ đến kinh doanh online để duy trì các khoản chi phí cho cuộc sống. Chồng chị làm việc tự do, có việc thì đi nên thu nhập thường không ổn định. Hai con vẫn đang trong độ tuổi ăn học nên chi phí hằng tháng rất lớn. Mặc dù hai vợ chồng đã có nhà, nhưng thu nhập bấp bênh hiện tại khiến cả hai vợ chồng đều phải xoay xở tìm nhiều nguồn công việc để kiếm thu nhập. “Mình không có ý định bỏ nghề. Nhưng ở thời điểm thị trường chững và khó khăn như hiện tại, mình cũng như các đồng nghiệp đang rất vất vả để xoay xở cuộc sống. Vì làm cộng tác với các sàn giao dịch, chưa phải nhân viên chính thức nên thu nhập trước giờ phụ thuộc vào việc bản thân có bán được hàng hay không. Giờ cũng phải chờ đợi thị trường bất động sản có tín hiệu tích cực trở lại thì những người làm nghề môi giới như mình mới tiếp tục được công việc.” |
Anh chị em môi giới phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau như chạy thêm grab, bán hoa, thậm chí giúp việc theo tiếng,… tận dụng thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập để giữ đam mê. Anh Nguyễn Tùng Lâm - Quản lý đội nhóm môi giới bất động sản cho biết. |
Trường hợp của chị L. chỉ là một trong nhiều môi giới bất động sản bị ảnh hưởng ở các thành phố lớn. Ở thị trường tỉnh, nhiều môi giới cũng đang phải loay hoay, xoay xở không kém khi mà các sàn giao dịch hoạt động không hiệu quả, buộc phải đóng cửa. Thị trường bất động sản có sự biến động tiêu cực, thì thị trường tỉnh được nhận định là ảnh hưởng đầu tiên. Anh B. (33 tuổi – quê ở Hưng Yên, hiện đang làm việc tại Quảng Ninh) là một trong những nhân viên môi giới bị rơi vào tình trạng mất việc do Công ty hoạt động không hiệu quả, buộc phải trả lại mặt bằng. Công ty của anh hoạt động chủ yếu phân phối sản phẩm cho các công ty có kinh tế hơn hoặc các chủ đầu tư. Nhưng hiện tại, nhiều dự án không có sản phẩm để bán, thậm chí treo dự án, nhà đầu tư lo sợ về tính pháp lý. “Với môi giới chúng tôi, không bán được hàng là không có việc, không có thu nhập”. Theo công việc hiện tại cũng mới chỉ được 4 năm, có thể nói anh B. vẫn còn khá mỏng kinh nghiệm trong nghề, chưa có những nhận định cũng như đánh giá sâu về thị trường. Sống một mình cũng xoay xở với đủ mọi chi phí, vào những lúc thị trường bất động sản còn cao điểm, là thời gian anh được cọ xát thực tế với công việc để tích lũy thêm kinh nghiệm, thêm những mối quan hệ khách hàng. Nhưng khi thị trường rơi vào trạng thái “im lìm” như hiện tại, Công ty thì đóng cửa do không còn nguồn tiền để duy trì hoạt động, từ quý I năm nay, hầu như anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác không có một giao dịch nào. “Có những lúc bản thân nghĩ về quê vì không gánh nổi chi phí sinh hoạt hằng tháng trên này”. Anh B. cho biết. Nhưng có một thực tế, giờ về quê cũng không có việc để làm, khi mà kinh tế ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề. Thuê chung phòng để giảm bớt chi phí, thậm chí chạy thêm dịch vụ xe công nghệ để có thêm thu nhập đeo đuổi niềm đam mê công việc, chờ đến khi thị trường nhộn nhịp trở lại. Vào thời kỳ hoàng kim của thị trường bất động sản, không thể phủ nhận rằng có rất nhiều môi giới có thu nhập vượt trội, thậm chí có nhiều người còn “đổi đời” nhờ công việc này. Nhưng giờ đây, khi thị trường như bong bóng, ảm đạm và tụt dốc, thì thời kỳ hoàng kim ấy không biết đến bao giờ mới quay trở lại. |
SONG MINH - MINH ANH Video: Nhóm PV Đồ họa: AN NHIÊN |