|
Ở nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng, một “thiên thần” của sản phụ nhiễm Covid-19 được giành lại sự sống một cách diệu kỳ. Để có được giây phút ấy là những nỗ lực bằng cả trái tim của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và Bệnh viện Phụ sản – Nhi. |
Nỗ lực bằng cả trái tim |
“Quyết định mổ cấp cứu của chúng tôi lúc đó là nhằm đảm bảo an toàn cao cho cả mẹ (đang là BN Covid-19) và bé. Chúng tôi đã có sự phối hợp nhịp nhàng với ekip Bệnh viện Phụ sản - Nhi”, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang chia sẻ về thời khắc đưa ra quyết định quan trọng ấy. Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được Sở Y tế TP Đà Nẵng thành lập là Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 từ tháng 7/2020. Trong suốt thời gian đó, đã có nhiều mẹ bầu nhiễm Covid-19 được hỗ trợ vượt cạn thành công, đón những “thiên thần” chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Ngày 27/8, chị L.T.M.M. được xét nghiệm nhanh và phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 khi đang đi khám thai tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi. Ngay sau đó, chị M. được chuyển viện đến Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang – một trong những Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng. Khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ có dấu hiệu khô ối, tim thai yếu. Để “chạy đua” trong thời khắc sinh tử đó, ca phẫu thuật bắt con đã được tiến hành ngay trong đêm. |
Nhớ lại thời điểm đó, bác sĩ Vũ Huy Đạt (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản – Nhi) và bác sĩ Trương Đình Sách (Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang) trực tiếp phẫu thuật, điều trị cho chị M. cho biết: “Nhận được tin báo khẩn sau khi xác định sản phụ mang thai 35 tuần, khô ối, nhiễm Covid-19. Thai nhi được chẩn đoán mức độ suy thai nặng, chậm tăng trưởng trong tử cung, ước lượng cân nặng khoảng 1,9kg. Ekip Bệnh viện Phụ - Sản Nhi phối hợp với các bác sĩ Gây mê hồi sức Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã hội chẩn liên viện quyết định mổ cấp cứu ngay trong đêm 27/8/2021”. |
20h, ca mổ được tiến hành trong gần 1 tiếng đồng hồ, nhưng sau mổ như các bác sĩ dự đoán trước đó, mức độ suy thai nặng đã khiến em bé rơi vào trạng thái nguy cấp. Một cuộc hồi sức cấp cứu sơ sinh được tiến hành chớp nhoáng ngay tại phòng phẫu thuật. Nhiều phương án được đưa ra với mục tiêu cao nhất là giành giật lại sự sống cho đứa trẻ. Sau 2-3 phút, hồi sức hỗ trợ bóp bóng em bé không tự thở, ekip đã quyết định hỗ trợ đặt Nội khí quản. Thời gian hồi sức khoảng 5-6 phút trẻ có nhịp thở trở lại. Với những nỗ lực của cả ekip, trải qua 30 phút căng thẳng, dần dần, tình trạng của em bé cải thiện hơn, tự thở tốt. Đó là những tín hiệu sự sống hồi sinh đáng mừng nhưng vẫn cần thời gian để em được phục hồi. Sau đó, các bác sĩ đã chuyển phòng hồi sức sơ sinh và rút ống thở CPAP qua gọng mũi của em. Sau nhiều năm gắn bó với chiếc áo blouse trắng, bác sĩ Lê Trương Thùy Trang (Khoa Sơ sinh cấp cứu – Hồi sức tích cực và Bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản – Nhi), người trực tiếp hồi sức và chăm sóc em bé mới lại có những phút giây hạnh phúc đặc biệt đến vậy. Bác sĩ Trang tâm sự: "Tôi đã gặp rất nhiều ca bệnh khó và cũng hỗ trợ nhiều ca mà sản phụ là người mắc Covid-19. Nhưng đây là một trong những ca đầu tiên mà mẹ mắc Covid-19 lại thêm tình trạng khô ối và suy thai nặng. Gần một giờ đồng hồ phẫu thuật và hồi sức, cả hai mẹ con đều ổn định, toàn bộ ekip mới có được những phút giây thở phào nhẹ nhõm". “Thú thật, ban đầu khi nhận lệnh lên Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang hỗ trợ, biết tình trạng mẹ em bé nặng như vậy, cả ekip rất lo lắng. Tôi không rõ rằng nguồn nhân lực, vật lực trên này có đủ để cấp cứu, điều trị cho hai mẹ con. Nhưng khi đến đây, tôi mừng là sự phối hợp giữa hai bệnh viện là rất tốt, mọi người đã sắp xếp, chuẩn bị các trang thiết bị và phương tiện đầy đủ cho ca cấp cứu giúp ekip tiến hành điều trị tốt hơn”, bác sĩ Trang cho biết. |
Cẩn thận trong từng khâu |
Khác với việc hỗ trợ những ca sản phụ nhiễm SARS-CoV-2 thông thường, cả ekip Bệnh viện Phụ Sản – Nhi đã ở lại Bệnh viện Dã chiến để tiếp tục quá trình điều trị cho con chị M. Những ngày đầu khi em bé còn chưa ổn định, các y, bác sĩ đã “chăm sóc” từng nhịp thở còn non yếu của em. “Mỗi ngày, chứng kiến em tiến triển tốt hơn, chúng tôi vui mừng lắm. Có lẽ, em đang đáp lại những nỗ lực của ekip hai bệnh viện trong thời gian qua bằng những điều tốt đẹp, diệu kỳ”, bác sĩ Trang tâm sự. Hai ngày đầu chị M. chưa có sữa, em bé được hỗ trợ sữa mẹ thanh trùng từ Ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi. Sự phối hợp chăm sóc và theo dõi từ mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, sau 2 ngày ổn định, bé đã được các bác sĩ ấp bằng Phương pháp Kangaroo trực tiếp trên người mẹ và đảm bảo các nguyên tắc phòng lây nhiễm. “Bộ Y tế đã có quy định là em bé và mẹ vẫn có thể ở chung phòng được nhưng phải đảm bảo được công tác phòng ngừa lây nhiễm. Vì vậy, bệnh viện sẽ chuẩn bị một phòng riêng biệt cho mẹ và em bé chứ không nằm chung với các ca bệnh khác nhằm tránh lây nhiễm chéo giữa mọi người. Giường của mẹ và em bé phải cách nhau 2m để giảm thiểu sự lây truyền, phòng phải có khóa, có cửa sổ để lưu thông không khí, tất cả mọi vật dụng của em bé là riêng biệt, không được dùng chung.”, bác sĩ Trang cho biết. Bên cạnh đó, các y, bác sĩ hướng dẫn chị M. rất kỹ trong việc phòng tránh lây nhiễm cho con. Chị M. phải đeo khẩu trang thường xuyên khi trong phạm vi 2m với con. Cách đeo khẩu trang phải đúng, phải sát khuẩn tay thường xuyên, đeo kính chắn giọt bắn. Hơn nữa, cách từ 4 đến 6 tiếng, mẹ phải thực hiện việc thay khẩu trang đúng cách một lần, hoặc thấy ẩm ướt hay khi ho và hắt hơi là phải thay ngay. Những lúc cho bé bú hay vắt sữa thì mẹ đều phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, sát khuẩn tay, tất cả mọi thứ đều phải được thực hiện đúng chuẩn. “Với nhân viên y tế thì hạn chế đụng chạm đến trẻ ít nhất có thể, bởi chúng tôi tiếp xúc nhiều thì cũng là một trong những nguy cơ cho em bé, chỉ những công việc nào cần thiết thì sẽ hỗ trợ. Giảm nguy cơ lây lan thì tất cả các y, bác sĩ hay điều dưỡng khi tiếp xúc với trẻ đều thực hiện quy trình chuẩn và thường xuyên vệ sinh những vận dụng xung quanh em bé hằng ngày”, bác sĩ Trang cho biết. Không chỉ tuân thủ nghiêm các hướng dẫn chăm sóc sản phụ nhiễm bệnh và trẻ, trong qua trình điều trị, bác sĩ Trang còn chủ động liên lạc với các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi để nhận được những sự tư vấn phù hợp. |
“Quá trình điều trị ở đây, tôi vẫn liên lạc về để nghe sự tư vấn, ý kiến của bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc và bác sĩ Huỳnh Thị Lệ, Phó Trưởng khoa Nhi sơ sinh thuộc Ban Chống dịch là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị cho những em bé Covid-19. Hằng ngày, tôi đều báo cáo, gọi điện thoại và quay những video gửi để các bác sĩ đánh giá tình trạng của em bé”, bác sĩ Trang chia sẻ. Qua thời gian điều trị, dần dần em bé cai được máy thở, bắt đầu tự thở tốt hơn rồi cai được oxy và ăn được sữa. Giây phút lần đầu tiên chị M. được nhìn thấy con, những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ là đền đáp xứng đáng cho mọi nỗ lực của ekip Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Thêm một “mầm xanh” nảy mầm từ nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19 là thêm nhiều hy vọng cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Câu chuyện về sức sống kỳ diệu của em được các y, bác sĩ trong Bệnh viện Dã chiến truyền tai nhau thành nguồn động lực để vượt qua những ngày tháng “chiến đấu” vất vả với Covid-19. Mời bạn đọc theo dõi tiếp kỳ 2: Vì con mẹ đã chiến thắng Covid-19 trên cuocsongantoan.vn vào 10h ngày 11/9/2021. |