|
Là một trong những doanh nghiệp có đông công nhân ở KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đứng vững qua nhiều “đợt tấn công” của dịch bệnh Covid-19 nhưng trong đợt bùng dịch thứ tư, Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam xuất hiện ca lây nhiễm. Để yên lòng người lao động, Ban chấp hành công đoàn và lãnh đạo công ty đã có sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng kiểm soát tình hình. |
Có lo nhưng không sợ |
Có mặt tại điểm xét nghiệm Covid-19 dành cho công nhân Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam từ sáng sớm ngày 15/7, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (công nhân khu Chế tạo) không giấu được sự lo lắng. Chị chia sẻ, trong mấy đợt dịch vừa qua, chị rất yên tâm về công tác phòng dịch của công ty. Dù vậy, khi đối mặt với thông tin về ca lây nhiễm nơi mình làm việc, chị Thoa cũng không tránh được những phút hoang mang ban đầu. “Tôi nhận được thông tin công ty có ca nhiễm từ chị quản lý chiều 14/7. Chị ấy gọi điện báo tình hình, sau đó căn dặn phải thực hiện 5K, ở yên tại nhà, đến sáng hôm sau lên điểm xét nghiệm ngay”, chị Thoa nhớ lại. Sau tin nhắn đó, chị Thoa còn nhận thêm nhiều tin nhắn từ những người công nhân khác cũng hỏi về việc đi xét nghiệm hay bàn tán về ca nhiễm. Hầu hết mọi người đều lo lắng vì đây là lần đầu tiên đối mặt với thông tin ca lây nhiễm gần mình đến vậy. “Tôi lo chứ, trước kia vẫn nghe những thông tin ca nhiễm trong khu công nghiệp nhưng nay lại chính công ty mình nên cảm giác rất khác”, chị Thoa chia sẻ. |
Bác sĩ Phạm Phú Điềm – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, một trong những người có mặt tại công ty chiều 14/7 đã rất hoan nghênh tinh thần hợp tác và ý thức tự giác của công nhân ngày hôm đó. Theo bác sĩ Điềm, đó là sự bình tĩnh, chủ động và phối hợp rất chuyên nghiệp của công ty và lực lượng y tế. “Các công nhân tuân thủ nghiêm những yêu cầu. Chúng tôi nhanh chóng phân luồng các nhóm F1, F2 và F nguy cơ, truy vết được 66 F1 để đưa đi cách ly và thực hiện xét nghiệm cho 1.589 người có mặt tại công ty lúc đó”, bác sĩ Điềm chia sẻ. Chị Thoa sau khi thực hiện xong việc lấy mẫu xét nghiệm đã đi thẳng về nhà, thực hiện cách ly và đợi kết quả. Trong chiều tối 15/7, chị Thoa nhắn chúng tôi rằng phải đi cách ly tập trung vì chuyền sản xuất bên cạnh có ca nhiễm. Dù bản thân chị không tiếp xúc trực tiếp nhưng để cho an toàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đã quyết định sẽ cách ly nhóm F nguy cơ để nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Chị Thoa chia sẻ: “Tôi lo có lo, nhưng sợ thì không hẳn, giờ cứ theo hướng dẫn của công ty, của y tế mà chấp hành”. Cũng với tinh thần “có lo nhưng không có sợ” đó, hơn 1.589 công nhân ở lại cách ly tại công ty đợi kết quả xét nghiệm đã được Ban chấp hành công đoàn và lãnh đạo công ty động viên, chia sẻ với quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn và hy vọng những dấu "-" (âm tính) sẽ xuất hiện trong từng tờ phiếu xét nghiệm. |
Kịp thời trấn an người lao động |
Chia sẻ về những giờ phút đầu tiên khi tiếp nhận thông tin có ca lây nhiễm tại công ty, chị Trần Thị Kim Hạnh - Ủy viên Ban chấp hành công đoàn công ty cho biết, toàn bộ các cán bộ công đoàn và ban lãnh đạo đã phối hợp chặt chẽ với nhau để ổn định tâm lý công nhân có mặt ngay lúc đó. “Khi có thông tin về ca nhiễm bệnh, chúng tôi nhanh chóng triển khai lực lượng để trấn an người lao động. Trước hết là vòng ngoài, chúng tôi sẽ không cho công nhân xuống ca nữa, đồng thời sẽ phát loa trong các phân xưởng. Từng vị trí có nhiệm vụ ổn định công nhân, tránh sự hoang mang, yêu cầu công nhân ở tại chỗ, không để xảy ra vấn đề lây chéo. |
Sau đó ngành Y tế triển khai lực lượng đến công ty, khoanh vùng khu vực, chúng tôi phối hợp để cho công nhân di chuyển trật tự qua nơi lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm xong, công nhân phải về lại vị trí của mình. Công ty chưa có khu vực riêng lắp đặt "3 tại chỗ" nên công nhân vẫn ở tạm trong khu vực sản xuất. Công đoàn và công ty đã phối hợp để hỗ trợ công nhân hết sức có thể. Tình huống bất ngờ nên vẫn chưa đáp ứng được cơm cho người lao động nhưng ngay lập tức, công đoàn và ban lãnh đạo công ty đã liên hệ các nguồn để cung cấp bánh, sữa cho người lao động”, chị Hạnh chia sẻ. |
Không chỉ vậy, toàn bộ Ban chấp hành công đoàn của công ty trong hôm đó cũng đã ở lại với công nhân, cùng ăn, cùng ngủ, động viên nhau bình tĩnh và hy vọng mọi chuyện sẽ ổn. Dù gặp phải tình huống bất ngờ nhờ ứng phó kịp thời cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn và ban lãnh đạo công ty đã phần nào đó giúp người lao động yên tâm, tránh những tình huống đáng tiếc và góp phần giúp lực lượng y tế triển khai nhanh hơn công tác truy vết các F. |
|
Không chỉ nhanh chóng triển khai các biện pháp trấn an người lao động, công ty còn sẵn sàng chi trả chi phí cho các F1 cách ly tại khách sạn để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch được an toàn nhất. Theo ông Trần Văn Tỵ - Phó Ban quản lý khu CNC và Các KCN Đà Nẵng, trong chiều tối ngày 14/7, lực lượng y tế đã phân luồng được các F1, F2 và F nguy cơ. Để đảm bảo tốt nhất việc cách ly những công nhân F1, công ty đã quyết định đưa họ đi cách ly tại khách sạn ngay trong đêm. Toàn bộ chi phí do công ty chi trả. “Xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của công ty để đảm bảo việc cách ly những công nhân là F1 được tốt nhất, đồng thời duy trì việc hoạt động, tránh làm đứt gãy sản xuất nên công ty đã quyết định cách ly F1 tại khách sạn và sẽ chi trả toàn bộ chi phí. Hiện nay, những ca dương tính mới đã được phát hiện, các F1 và F2 vẫn sẽ được cách ly theo phương án trên để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh và duy trì hoạt động sản xuất”, ông Tỵ cho hay. |
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chấp hành công đoàn và lãnh đạo công ty trong việc động viên, trấn an người lao động và quyết định phương án phòng, chống dịch góp phần giúp công ty kiểm soát và chủ động nắm bắt tình hình. |