Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng xem xét việc ban hành quy định riêng về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lao động đặc thù như thuyền viên.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 9/2020 (do Nhà nước giữ cổ phần chi phối). Tổng công ty sản xuất kinh doanh 03 ngành nghề chính: Vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Trong đó, khối vận tải biển có vị trí quan trọng đối với hoạt động của Tổng công ty. Đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng doanh thu lớn và liên quan đến thị phần của khối khai thác cảng và dịch vụ.
Đối tượng lao động làm của Tổng công ty là thuyền viên, với số lao động của các đơn vị là gần 5.000 người. Thuyền viên trên các tàu là nam giới có độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi, được đào tạo từ các trường dạy nghề đến trình độ đại học và sau đại học. Thời gian công tác của thuyền viên trên các tàu hàng khô là 10 tháng (+/- 2 tháng) và các tàu dầu/tàu container là 08 tháng (+/- 2 tháng). Trong suốt thời gian công tác, thuyền viên sinh hoạt và làm việc liên tục trên tàu.
Theo đồng chí Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: “Kinh doanh vận tải biển rất khó khăn từ nhiều năm nay. Thu nhập của thuyền viên thấp. Thuyền viên bỏ việc nhiều. Các trường đào tạo nghề đi biển không có học viên. Các công ty vận tải biển không tuyển dụng được thuyền viên để cung cấp cho đội tàu. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cùng với doanh nghiệp để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thuyền viên. Trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Hiện nay, tổng số lao động thuyền viên Việt Nam là trên 40.000 người. Đây là lực lượng lao động đòi hỏi sức khỏe tốt, được đào tạo bài bản (thời gian đào tạo từ 6 tháng đến 5 năm). Độ tuổi bắt đầu làm việc của thuyền viên trung bình khoảng 22 tuổi.
Về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của , theo quy định tại Khoản 3, Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: "Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản". Còn theo quy định tại Khoản 3, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với trong điều kiện lao động bình thường. Tức là thuyền viên có thể nghỉ hưu từ 57 tuổi.
Đồng chí Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi thuyền viên |
Điều này bất cập ở chỗ: Theo quy định về thời gian làm việc và nghỉ phép của thuyền viên thì thuyền viên làm việc 9 tháng sẽ được nghỉ phép, nghỉ bù 3 tháng, tổng số là 12 tháng.
Nếu một thuyền viên ra trường bắt đầu đi làm năm 22 tuổi và nghỉ hưu ở tuổi 57 thì thời gian công tác tại doanh nghiệp là 35 năm. Thời gian thuyền viên có tham gia đóng bảo hiểm xã hội là thời gian làm việc ở dưới tàu được tính là 35 năm x 9 tháng = 315 tháng (tương đương 26,25 năm). Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay, từ năm 2022 trở đi quy định người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được hưởng 45%. .
Tổng cộng tỷ lệ phần trăm tiền lương hưu tối đa của thuyền viên là: (45% cho 20 năm đầu) + (6,25 năm còn lại x 2%/năm) = 57,5% mức lương làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mặc dù thuyền viên đi làm đủ thời gian và nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định đối với nghề đi biển nhưng mức lương hưu sẽ giảm 17,5% so với người làm việc trên bờ (nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và đủ thời gian đóng bảo hiểm thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%).
Một điều thiệt thòi nữa là việc không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nghỉ dự trữ sẽ ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh khi thuyền viên không may bị ốm đau, tai nạn rủi ro trong thời gian này. Đồng thời sẽ là khó khăn khi giải quyết chế độ thôi việc cho thuyền viên. Do pháp luật hiện hành quy định mức trợ cấp thất nghiệp bằng tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi thôi việc, mất việc làm.
Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam có quy định riêng đối với lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo Công đoàn Tổng công ty, nên quy định thuyền viên được tính cứ đóng đủ 15 năm được hưởng 45%. Từ năm thứ 16, cứ đóng thêm mỗi năm được tính thêm 2%, tối đa hưởng không quá 75%. Hoặc để giảm bớt thiệt thòi cho người lao động thì trong thời gian thuyền viên nghỉ dự trữ không làm việc, không có tiền lương vẫn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian và mức đóng cho phép người sử dụng lao động và thuyền viên tự thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng lao động. Nhà nước chỉ quy định mức lương thấp nhất làm cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thuyền viên trong thời gian nghỉ dự trữ.
“Việc tháo gỡ những vướng mắc về chế độ chính sách lao động, trong đó có chế độ bảo hiểm đối với thuyền viên là rất cần thiết để anh em gắn bó với tàu, với nghề” - anh Nguyễn Danh Chính, nguyên thủy thủ tàu viễn dương chia sẻ.
Bài: Duy Minh
Ảnh: ST
Đồ họa: Duy Minh