Xây dựng Khu Kinh tế (KKT) thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) - Đensavan (Sê Pôn, Savanakhet, Lào) đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam và Lào từng bước triển khai. |
Hiện tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới; làm việc với các bộ, ngành trung ương có liên quan để trình chính phủ hai nước. Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Đại Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị xung quanh câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới kinh doanh, đầu tư. |
PV: Trên thế giới, việc xây dựng KKT xuyên biên giới đã có những thực tiễn như thế nào? Đối với Việt Nam đã có kinh nghiệm gì trong vấn đề này, thưa đồng chí? Đồng chí Hồ Đại Nam: Khái niệm khu hợp tác xuyên biên giới (Cross Border Economic Zone, viết tắt là CBEZ) được chuyên gia quốc tế đưa ra từ năm 2007. Trên thế giới có nhiều KKT xuyên biên giới đã hình thành và phát triển. Năm 2010, Chính phủ Trung Quốc và Lào đã ký kết và triển khai “Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Mohan - Boten”. Phía Lào xây dựng Đặc KKT Boten, phía Trung Quốc xây dựng Khu thí điểm mở cửa phát triển trọng điểm Mãnh Lạp (Mohan). Về mô hình quản lý đối với các KKT biên giới, hai nước Trung - Lào thống nhất áp dụng thử nghiệm mô hình “một khu hai nước, lần lượt quản lý, hiệp đồng thống nhất, mô hình đa tiểu khu”; áp dụng mô hình phát triển các khu ngành nghề mang tính tổng hợp, đưa ra các chính sách hỗ trợ có liên quan, thúc đẩy phát triển ngành nghề tập trung. Quá trình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trung Quốc - Lào chủ yếu do Trung Quốc lập kế hoạch, cấp vốn, tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trong những lối thông quan của cửa khẩu Trà Lĩnh. Đối với Việt Nam, năm 2007, thỏa thuận giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về việc xây dựng KKT biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) đã được ký kết. Ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định thành lập KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng với tổng diện tích tự nhiên hơn 30.130 ha, bao gồm 37 xã và 3 thị trấn của 7/13 huyện, thành phố. Trong đó, cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ tập trung phát triển trở thành trung tâm của KKT cửa khẩu Cao Bằng. Tiếp đó, Bản thỏa thuận giữa Thành ủy thành phố Bách Sắc và UBND tỉnh Cao Bằng về việc cùng nhau hợp tác xây dựng Khu hợp tác kinh tế Trà Lĩnh - Long Bang đã được ký ngày 26/4/2016 tại Cao Bằng. Cả hai địa phương đang nghiên cứu xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh - Long Bang theo mô hình hai khu riêng biệt trên lãnh thổ của 2 nước, có sự trao đổi, thỏa thuận về cơ chế, nhằm đảm bảo tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, đảm bảo tính tương thích với nhau về cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm giữa hai bên. |
Toàn cảnh khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. |
PV: Để đảm bảo lợi ích 2 quốc gia, doanh nghiệp và nhân dân hai nước, những nền tảng, nguyên tắc nào luôn được đảm bảo thực thi, thưa đồng chí? Đồng chí Hồ Đại Nam: Việc xây dựng khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách là đặc biệt quan trọng và là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thành công của CCBE. Để xây dựng thành công Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, giữa hai quốc gia phải có niềm tin chính trị cao; phải cùng có nhu cầu hợp tác; xây dựng CBEZ nên lựa chọn cách tiếp cận từ dưới lên, làm từng bước, từ dễ đến khó; các chính sách, mô hình đưa ra phải được thí điểm, hoàn thiện trước khi nhân rộng; chủ thể hợp tác CBEZ của hai quốc gia là địa phương, nhưng có sự quản lý, điều phối, giám sát từ trung ương. Ở giai đoạn chuẩn bị xây dựng CBEZ, hai bên cần thành lập một nhóm chuyên gia chung để phối hợp hoạt động của chính phủ và doanh nghiệp trong việc thiết kế và thực hiện các dự án đầu tư và dịch vụ xuyên biên giới. Các mô hình mang tính đối xứng (hai nước hai khu) có tính khả thi hơn trong điều kiện giữa các quốc gia láng giềng còn nhiều quan ngại về an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. |
Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị trao đổi với phía Lào về các chủ trương, nghiên cứu phương án xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan. |
PV: Đồng chí có thể chia sẻ về lộ trình xây dựng Đề án và phác thảo sơ bộ về mô hình mà KKT xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavan đang hướng đến? Đồng chí Hồ Đại Nam: Xuất phát từ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng của tuyến Đường 9 và khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan; tại cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày 07/1/1997, hai bên đã thống nhất nội dung “Hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo - Densavan”, “giao cho chính phủ và ủy ban hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án… nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước”. Từ chủ trương đó, năm 1998, Chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo (gọi tắt là Khu Thương mại Lao Bảo); đến năm 2005 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quy chế KKT - Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Đây là mô hình kinh tế được hoạt động theo một quy chế riêng thông qua việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, KKT - thương mại đặc biệt Lao Bảo được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, hình thành diện mạo của khu đô thị biên giới. Về phía Lào, năm 2002, Chính phủ Lào đã thành lập Khu thương mại biên giới Đensavan. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan nên bên cạnh những kết quả, mục tiêu đạt được còn có những hạn chế, bất cập; các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại KKT - thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan chưa được như kỳ vọng. Để tiếp tục thực hiện kết luận ngày 07/1/1997 của Bộ Chính trị hai nước Việt Nam và Lào, cần thiết phải nghiên cứu, có cơ chế thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách mang tính “chung”, “xuyên biên giới’ tạo động lực mới, hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KKT - thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan. Năm 2019, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Phân ban trong Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Trị và cơ quan liên quan xây dựng Đề án Phát triển KKT - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavan (Savannakhet - Lào). Trên cơ sở dự thảo Đề án, Chính phủ giao tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và trao đổi với phía Lào về các chủ trương của bạn, xem xét, nghiên cứu phương án tổng thể xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan (lưu ý đánh giá tính khả thi và hiệu quả kinh tế) để hướng tới xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung. |
Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào. |
Tại phiên làm việc giữa đoàn cấp cao tỉnh Quảng Trị do đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị và đồng chí Xẳn Ty Phạp Phôm Vi Hản - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Savannakhet đồng chủ trì được tổ chức vào tháng 2/2022, hai bên thống nhất phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù trình chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan. Mỗi tỉnh thành lập một tổ công tác để phối hợp triển khai nghiên cứu, báo cáo kết quả với lãnh đạo 02 tỉnh để có cơ sở trình Phân ban Hợp tác Việt - Lào và chính phủ hai nước. Tại phiên làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào ngày 04/9/2022 vừa qua, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Phân ban Hợp tác Lào – Việt Nam thống nhất cao chủ trương xây dựng “Đề án xây dựng KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan” giao cơ quan quản lý và phát triển các khu kinh tế trực thuộc Bộ phối hợp tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet xây dựng Đề án sớm trình Phân ban hợp tác Việt - Lào và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước. Dự kiến KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan sẽ vận hành theo mô hình KKT thương mại xuyên biên giới chung đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình. Tiến hành xây dựng hàng rào cứng đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD), khu công nghiệp...; thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư... Trung tâm Thương mại Lao Bảo tại thị trấn Lao Bảo, từng bày bán các mặt hàng miễn thuế. Miễn thuế hàng hóa đưa vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất, gia công, tái chế tại các dự án trong KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan. Hàng hóa là nông, lâm, thủy sản do cư dân hai bên biên giới sản xuất đưa vào khu vực KKT thương mại xuyên biên giới chung trao đổi, mua bán, đưa vào nội địa hai tỉnh (Quảng Trị, Savannakhet) được miễn các loại thuế (trừ một số mặt hàng có phụ lục riêng). Cư dân biên giới và những người làm việc tại các khu chức năng có đăng ký thường trú trong khu vực KKT thương mại xuyên biên giới chung được cấp “Thẻ thông hành biên giới” và được tự do sang lãnh thổ của nước láng giềng (trong phạm vi KKT thương mại xuyên biên giới chung). Không thu lệ phí đối với lao động nước ngoài vào làm việc tại các dự án trong khu vực KKT thương mại xuyên biên giới chung. Tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc tại các dự án trong Khu thương mại biên giới Đensavan, lao động Lào làm việc tại KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo được phép cao hơn quy định của mỗi nước đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại các dự án FDI. Khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan sẽ được quy hoạch mở rộng, phục vụ dịch vụ logistics, khu phi thuế quan. Hình thành cặp điểm thông quan mới phục vụ hàng hóa quá cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu vào (và từ) KKT thương mại xuyên biên giới chung tại điểm thông quan mới này sẽ áp dụng mô hình “một cửa, một điểm dừng” để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư chung cho doanh nghiệp của hai nước và nước thứ 3 đầu tư vào KKT thương mại xuyên biên giới chung. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Khu thương mại biên giới Đensavan được áp dụng thủ tục đầu tư và vay vốn đơn giản như đầu tư trong nước. Hiện nay, trên tuyến biên giới Việt - Lào duy nhất chỉ có cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavan đã có sẵn hai KKT của hai nước đối xứng nhau đang vận hành. Chúng tôi tin tưởng các chính sách, cơ chế phi thuế quan như trên được chính phủ hai nước cho phép áp dụng thí điểm sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vào Khu thương mại biên giới Đensavan, tạo động lực cho KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo phát triển. Xin cảm ơn đồng chí! |
Toàn cảnh cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). |
LAM CHI – NGUYỄN KHIÊM Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |