Tình trạng mất vệ sinh tại các quán ăn vặt
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện có trên 300 nhà máy hoạt động. Đây là địa bàn thu hút hàng chục nghìn lao động từ khắp các tỉnh thành đến thuê trọ. Do đó, nhu cầu sinh hoạt, ăn uống cũng ngày càng gia tăng. Ngoài chợ Bầu, chợ Mun… thì những quán ăn vặt tại các chợ cóc cũng “mọc lên như nấm” để phục vụ nhu cầu ăn uống của công nhân sau giờ làm. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng quán này hiện nay chưa được bảo đảm.
Hàng bánh tráng trộn được bày bán ngay lề đường.
Đến một số địa bàn dân cư gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), không khó để nhận ra những quán nhỏ chuyên bán đồ ăn vặt. Các quán này khá đơn giản, nhưng đủ các mặt hàng. Chỉ một chiếc bàn nhỏ hay một chiếc xe đẩy là có thể bày bán trên đó đủ loại thức ăn nhanh như ốc luộc, hàu nướng, xúc xích, nem chua rán, bánh khoai, viên chiên…. Hầu hết món ăn đều không để trong tủ bảo quản, không có dụng cụ che đậy mà được xếp ngay trên bàn sát lề đường, chẳng khác gì… phơi bụi.
Đầu giờ sáng và chiều tối, các quán ăn vặt ở đây sẽ hoạt động hết công suất, bởi đó là thời điểm công nhân đi làm và tan ca. Một số người mua về, còn phần đông công nhân sẽ lựa chọn hình thức ăn trực tiếp tại quán. Để tránh mọi người phải chờ đợi lâu, thường được chế biến sẵn. Giá cả những mặt hàng này cũng khá rẻ, chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/món ăn nên hoàn toàn phù hợp với thu nhập của những người công nhân.
Bát đũa và thực phẩm để chung trong nhà vệ sinh tại một quán ăn phía cổng sau chợ Mun.
Chúng tôi vào một quán ăn chuyên bán chân gà nướng và óc trần ở cổng sau của chợ Mun, người vào ra khá đông. Theo quan sát, bàn chưa kịp lau đã có khách khác vào ngồi. Trên bàn, giấy lau miệng được đựng trong chiếc hộp cáu bẩn, bên cạnh là những chiếc cốc nhựa uống nước cũng bẩn không kém. Trong không gian quán chật hẹp, nhà vệ sinh nằm ngay cạnh bếp nướng cũng chính là nơi để rửa bát và rửa rau. Bát đũa của khách sau khi ăn chủ quán cũng xếp hết vào đây.
Đồ ăn vặt chế biến sẵn, không được bảo quản, che chắn.
Chị Hằng, công nhân Công ty Daikin cho biết, bản thân rất thích ăn vặt, nhất là món bún trộn nhưng vì vài lần đi ăn cùng bạn tại quán và chứng kiến những hình ảnh mất vệ sinh quá nên sau này chị thường mua đồ về và chế biến món ăn vặt mình yêu thích. Chị Hằng chia sẻ: “Một lần mình đi ăn bún trộn, trong lúc chờ đợi, mình nhìn thấy chị chủ quán không nhặt rau sống mà dùng dao cắt bỏ phần gốc, trong đó lẫn cả lá vàng, lá sâu nhưng vẫn cho vào rửa. Khi ăn mình không dám động đũa vào món rau đó nữa, dù trước đây rau sống là thứ mình luôn gọi để ăn kèm". Ngoài ra chị Hằng cũng “tiết lộ” chính bạn cùng phòng chị đã từng bị đau bụng và tiêu chảy sau một lần mua bánh chuối ngoài chợ Mun về ăn.
Khu vực quanh chợ Mun, các hàng ăn vặt "mọc lên như nấm".
Dạo quanh một vòng chợ Mun và chợ Bầu, chúng tôi thống kê có đến hàng trăm quán ăn vặt với đủ các chủng loại. Màu sắc, cách thức chế biến món ăn khá bắt mắt.
Anh Hùng, chủ một xe đẩy bán viên chiên cho biết, chiều nào anh cũng bán một xe hàng đầy. Hôm nào đắt hàng thì chỉ khoảng 7 – 8 giờ tối là hết. Nhưng cũng có ngày mưa gió, công nhân hết giờ làm sẽ về thẳng phòng trọ thì món nào cũng đều ế.
Khi được hỏi rằng bán hàng ở lề đường, bụi bặm bám vào thức ăn liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh? Anh Hùng cho hay: “Cũng biết là không bảo đảm vệ sinh đấy, nhưng cuộc sống phải mưu sinh thôi. Bọn anh làm sao có đủ tiền mà thuê mặt bằng hay mở hàng quán. Có tiền sắm chiếc xe đẩy đi bán hàng thế này cũng đã là tốt lắm rồi. Mà công nhân họ cũng dễ tính lắm, miễn cứ rẻ, ngon hợp túi tiền là họ mua thôi, mấy ai để ý an toàn vệ sinh đâu”.
Việc ở quanh Khu công nghiệp Bắc Thăng Long khá phổ biến. Nguyên liệu để chế biến các món ăn vặt tại đây cũng không hề có nguồn gốc rõ ràng. Chủ quán thường mua nguyên liệu về tự chế biến thành phẩm sau đó đem bán. Nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến hoàn toàn không được kiểm tra. Và nhất là khi các món ăn vặt được chế biến sẵn nhiều như vậy, thì có thể bán hết trong ngày hay không? Trong trường hợp còn hàng, người bán sẽ đem hủy bỏ hay ngày hôm sau lại tiếp tục chế biến lại để bán tiếp.
Ngô nướng và khoai nướng là những món ăn vặt được công nhân yêu thích.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Những hàng quán này chủ yếu hoạt động tự do tại điểm chợ cóc. Họ bán lưu động trên các xe đẩy, nên nay có thể bán chỗ này, mai lại di chuyển đến khu vực khác. Hơn nữa, những mặt hàng này lại đáp ứng được nhu cầu của những người công nhân nơi đây nên chúng tôi rất khó quản lý và kiểm soát".
Có thể nói rằng, ăn uống là , tuy nhiên tình trạng mất vệ sinh tại các hàng quán bán đồ ăn vặt như hiện nay thật sự đáng lo ngại. Thiết nghĩ, lực lượng chức năng tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cần tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực có bán hàng ăn vặt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người lao động về những nguy cơ từ thực phẩm bẩn, thực phẩm trôi nổi, thức ăn nhanh đến sức khỏe con người.
"Những hàng quán này chủ yếu hoạt động tự do, chúng tôi rất khó quản lý và kiểm soát" - Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Bầu
Bài và ảnh: Phương Thuận