Xăm hình trên cơ thể đã trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Và chủ yếu, mọi người đi xăm hình là do sở thích. Tuy nhiên, việc có hình xăm nhiều khi lại gây ra ảnh hưởng bất lợi cho bạn khi đi .
Một bạn có nick facebook Tâm An chia sẻ trên mạng xã hội: “Khu công nghiệp thiếu công nhân mà lại kì thị người xăm hình. Thế xăm hình không là người à?”.
Vào bình luận trò chuyện với bạn thì được biết: Đúng lúc bạn đang muốn đi làm trong công ty điện tử ở Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng thì đọc được thông tin phía công ty đăng tuyển thiếu công nhân, bạn đã liên hệ bên tuyển dụng hỏi thủ tục. Đến ngày hẹn phỏng vấn, thấy bạn có hình xăm trên cổ, đại diện bên tuyển dụng đã từ chối không nhận. Vì quá bức xúc nên bạn đã đăng thông tin lên facebook.
Xăm hình trở thành sở thích của nhiều người trong xã hội hiện nay. |
Người lao động bức xúc khi không được tuyển dụng chỉ vì có hình xăm. |
Chẳng riêng gì Tâm An, rất nhiều người đã từng và đang là nạn nhân của việc “trông mặt mà bắt hình dong”, đoán tính cách người khác chỉ qua vẻ bề ngoài.
Bạn Hoàng Tuấn (Thanh Miện - Hải Dương) là một ví dụ như vậy: “Thời gian trước vì bạn bè rủ và bản thân mình cũng thấy thích nên đã xăm một hình bông hoa hồng trên cánh tay. Hình xăm cũng không phải “hổ báo” gì cả. Vậy mà đến khi có nhu cầu đi làm, mình liên hệ với mấy bên tuyển dụng công nhân thì kết quả họ đều không nhận. Lúc ấy, mình cũng không hiểu lí do tại sao mình lại không đủ điều kiện, trong khi mọi thứ về sức khỏe hay hồ sơ rất ổn. Mãi sau này, mình mới được biết là cứ có hình xăm thì họ không tuyển. Nhiều lần xin việc không được, mình phải đi xóa hình xăm mới đủ tiêu chuẩn vào làm công ty hiện tại.”
Các mẫu hình xăm phổ biến hiện nay. |
Thông tin tuyển dụng lao động công khai không tuyển người có hình xăm. |
Để tìm hiểu về vấn đề này, trong vai một người lao động có nhu cầu tìm việc làm, phóng viên đã liên hệ với một số . Sau khi ngỏ ý cho biết bản thân từng xăm hình thì họ liền từ chối với lý do không tuyển những người có hình xăm và tắt máy.
Chị Lê Phương, một người làm tuyển dụng công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang cho biết: "Đúng là không có quy định nào cấm xăm hình, cũng không có quy chuẩn đạo đức rõ ràng về việc này. Nhưng về mặt cảm nhận, tôi không có cảm giác tin cậy khi người lao động có hình xăm. Đặc biệt tại hầu hết các công ty điện tử ở nước ta hiện nay chủ yếu đều của nước ngoài, các ông chủ công ty người Hàn Quốc hay Nhật Bản đều không muốn nhận công nhân có hình xăm. Vì vậy, những người tuyển dụng thường quy định ngầm với nhau là bất cứ ai có hình xăm thì không nhận. Bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần từ chối tuyển dụng người xăm hình".
Nói là quy định ngầm nhưng trên thực tế có khá nhiều thông báo công khai để thông tin không tuyển dụng người xăm hình. Điều này phải chăng họ đang mặc định suy nghĩ rằng “cứ xăm hình là đối tượng xấu” và hình thành tâm lý “kỳ thị” những người lao động xăm hình.
Thực trạng này, một phần cũng là do tâm lý đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân nước ta. Trước đây, xăm trổ chỉ có thể là dân giang hồ, còn bây giờ, xăm hình đã được coi là một bộ môn nghệ thuật. Vậy nên đối tượng khách hàng đi xăm hình có đủ cả từ dân chơi đến học sinh, sinh viên, công chức, công nhân,...; từ tuổi teen cho đến những người già.
Xăm hình là quyền và là sở thích của mỗi người. Chúng ta không thể dựa vào hình xăm đó để đánh giá nhân cách hay năng lực của một ai đó. Tuyển dụng lao động vì thế cũng không nên chỉ nhìn vào hình xăm để phán xét xem người lao động có năng lực làm việc hay chấp hành kỷ luật lao động tốt hay không.
Bài và ảnh: Phương Thuận