|
Hơn 1 tháng cách ly tại nhà ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, sức khỏe đã ổn định, chị Nhung mong từng ngày được công ty dưới Bắc Giang gọi đi làm trở lại. Áp lực mất thu nhập trong những ngày cả gia đình phải đi điều trị, cách ly do Covid-19 khiến chị Nhung lại càng thêm sốt ruột. Nghĩ đến cảnh hai đứa con sắp bước vào năm học mới với biết bao chi phí, nữ công nhân Công ty TNHH Luxshare-Ict nhiều đêm mất ngủ. “Cháu lớn mới trở lại Bắc Giang cùng bố để thi vào cấp 3, còn cháu thứ hai thì vừa ra viện cách đây mấy hôm, đang cách ly ở quê. Gia đình 4 người lại phải chia hai nơi. Tôi chỉ mong công ty sớm gọi đi làm để gia đình đoàn tụ và quan trọng hơn là có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”, chị Nhung bộc bạch. |
Vợ chồng chị Nhung rời quê Thái Nguyên xuống Bắc Giang làm việc từ nhiều năm trước. Sau một thời gian, chị về quê làm để có điều kiện gần gũi, chăm sóc con cái, anh vẫn ở lại Bắc Giang làm công nhân xây dựng. Hè năm ngoái, gia đình anh chị bàn nhau sum họp. Chị đưa hai đứa con gái chuẩn bị bước sang lớp 9 và lớp 6 xuống Bắc Giang, xin nhập học ở đây để tiện việc chăm sóc, dạy dỗ. Cả gia đình 4 người thuê một phòng trọ hơn 20m2 tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên với giá 1,5 triệu/tháng. |
Mẹ con chị Nhung đoàn tụ sau 50 ngày xa cách vì Covid-19 Cuộc sống của họ có lẽ vẫn diễn ra một cách ổn định nếu không có Covid-19. Tháng 5 vừa rồi, nơi gia đình chị Nhung ở trở thành “tâm dịch”. Công ty chị làm việc cũng có nhiều ca nhiễm. Nhà máy tạm đóng cửa, chị phải đi cách ly rồi trở thành F0 vào một đêm cuối tháng 5. Cùng ngày hôm đó, chồng chị cũng thu dọn đồ đạc, theo chân cán bộ y tế vào khu điều trị Covid-19. Hai cháu nhỏ tự chăm sóc nhau trong nhà trọ gần một tuần trước khi dương tính với Covid-19, phải đưa đi điều trị mỗi người một nơi. “Chúng tôi không dám nhớ lại khoảng thời gian đó. Vô cùng khủng khiếp! Cháu bé phải ở bệnh viện điều trị, cách ly lâu nhất, tới 40 ngày. Cả nhà khóc hết nước mắt. Cháu sợ quá còn bảo: “Lần này về con từ biệt Bắc Giang”, chị Nhung nói và cho biết, hiện chồng chị đã trở lại làm việc ở Bắc Giang. “Anh ấy đi làm rồi. Làm thợ xây nên sẵn việc. Chưa hết cách ly chủ đã gọi đi làm. Nhưng anh ấy chờ hết cách ly mới đi. Buổi trưa anh ấy vẫn về nhà cơm nước cho cháu lớn. Hai hôm nay thì phải nghỉ làm để đưa cháu đi thi”. Khu cách ly tập trung F1 tại Bắc Giang, nơi chị Nhung cách ly trước khi được chuyển tới khu điều trị Covid-19, tháng 5/2021 |
Cả tuần nay, chị Nhung tất bật với việc hái chè, sao chè và phát quang cây cối đỡ đần bố mẹ chồng. Chị nói rằng công việc này vất vả hơn đi làm công nhân nhưng thu nhập rất thấp. “Vừa rồi ông bà (chỉ bố mẹ chồng – PV) làm được 2-3 tạ chè khô nhưng dịch bệnh khiến chè ế ẩm. Bán rẻ hơn nhiều so với mọi năm mà người mua còn nợ tiền, khó khăn lắm! Tôi mong từng ngày được công ty gọi đi làm trở lại”, chị Nhung chia sẻ. Thỉnh thoảng, chị gọi điện hỏi người quản lý ở công ty thì được cho biết tạm thời vẫn chưa thể trở lại công việc. Đồi chè của gia đình chị Nhung ở Thái Nguyên “Hiện sức khỏe của tôi ổn. Chờ đợi thêm một thời gian nữa, nếu lâu quá mà chưa được gọi, có lẽ tôi phải tính xin vào công ty khác. Dịch bệnh khiến vợ chồng tôi không có thu nhập, cuộc sống gia đình khó khăn. Hồi đi cách ly điều trị ở Bắc Giang được miễn phí nhưng về quê cách ly cả nhà mất hơn 4 triệu. Bây giờ không có tiền. Anh nhà tôi mới xuống Bắc Giang còn chưa thanh toán được tiền nhà trọ, đành xin họ cho khất”, nữ công nhân bộc bạch. Chị cho biết sẽ phụ giúp bố mẹ chồng thêm vài buổi hái chè nữa rồi chuẩn bị hồ sơ để xuống Bắc Giang cùng chồng con. “Đi làm sớm ngày nào thì tốt ngày ấy”, nữ công nhân nói. |
|
Ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare-Ict (Vân Trung) cho biết, sau khi công ty trở lại sản xuất, các đơn hàng bị giảm nhiều. Hiện chỉ có khoảng 62% người lao động đi làm. “Công ty ưu tiên gọi người lao động ở trong các “vùng xanh” (vùng không có dịch – PV) nội tỉnh và “vùng xanh” ngoại tỉnh, đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định trước khi vào làm việc. Chưa thể trả lời được rằng bao giờ 100% người lao động được đi làm trở lại bởi điều đó còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu đơn hàng. Ban lãnh đạo công ty cũng đang rất cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Trường cho hay. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare-Ict cho biết công ty thường xuyên thông báo về thực trạng công việc và mức độ đi làm trở lại, đồng thời khuyên người lao động tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch an toàn. “Không tránh khỏi việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Chúng tôi sẽ giải quyết các thủ tục một cách hợp pháp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Trường nói. |
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Fuhong Precision Component - Ảnh: Báo Bắc Giang Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện 100% các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở địa phương này đã hoạt động sản xuất trở lại với trên 126 nghìn lao động. “Việc đi lại đối với các lao động ngoại tỉnh còn khá phức tạp nên các doanh nghiệp đang tập trung tuyển người lao động ở Bắc Giang. Thời gian vừa qua có mấy chục nghìn người lao động địa phương làm việc ở các tỉnh ngoài, do dịch nên họ trở về Bắc Giang. Nhiều người mong muốn làm việc tại khu công nghiệp trong tỉnh. Do đó lượng lao động cũng tương đối ổn định”, ông Cường nói và thông tin thêm: “Hiện nay cơ hội việc làm ở Bắc Giang rất nhiều. Tỉnh vẫn đón công nhân ở “vùng xanh”, tuy nhiên phải đảm bảo quy trình chặt chẽ về phòng, chống dịch”. |
Bài viết: Ý YÊN |
Nữ công nhân F1 nghẹn ngào với nỗi đau mất con giữa mùa dịch: “Mẹ xin lỗi con!”
Đến tận bây giờ, khi nghĩ lại khoảng thời gian trong tháng 6 vừa qua, chị Lộc Bích Ly (29 tuổi, Công ... |
Đi về nhà
Từng tốp, hàng chục, hàng trăm người lao động trên địa bàn các tỉnh phía Nam đã đi xe máy về quê. Hình ảnh đoàn ... |
Bình Dương sẽ tổ chức tiêm vắc xin cho trên 1 triệu người dân, lao động
Đây là thông tin được UBND tỉnh Bình Dương cho biết tại Lễ phát động tiêm chủng vắc xin và phun khử khuẩn trên diện ... |