Giàu từ biển, “chết” cũng vì biển
Giàu từ biển, “chết” cũng vì biển

Trần Đề là cửa sông cuối cùng của dòng Cửu Long Giang hùng vĩ. Nơi đây có Cảng Trần Đề nằm tại vàm Kinh Ba (nay thuộc thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là một khu phố mới, nhà cửa sầm uất, tàu bè tấp nập, xe cộ dập dìu, cá khô đầy ắp. Mỗi khi tàu cá về bến, cả khu vực cảng rộn rã tiếng cười, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Còn những lúc biển động hoặc qua mùa đánh bắt cá, thuyền của ngư dân lại về đậu kín từ vàm cho tới cống Kinh Ba.

Anh Nguyễn Hoàng Tánh (ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) là thế hệ thứ 3 trong gia đình đã 3 đời hành nghề đi biển ở xứ này. Theo anh, nghề biển nơi này đã có từ lâu, trước đây gọi là xóm Lưới và xóm Đáy. Xóm Lưới là xóm chuyên đánh lưới, bẫy cá… Còn xóm Đáy thì chuyên đóng đáy. Đóng đáy thì có muôn hình vạn trạng, từ dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông gọi là “đáy sông” hay dùng dây neo đáy gọi là “đáy neo”. Nếu dùng thuyền kết bè để căng đáy gọi là “đáy bè”, còn đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là “đáy hàng cạn”. Giăng ra trên biển từ 10 đến 20 hải lý, nước sâu trên 10 sải tay được gọi là “đáy hàng khơi”.

Khi nghiệp đoàn vươn ra biển lớn

Các đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề đang làm việc trên cầu cảng - Ảnh: Trần Lưu

Theo dòng chảy của phát triển, nghề đánh bắt đã ngày càng hiện đại. Từ vài chục, đến nay, thị trấn Trần Đề đã có hơn 410 tàu đi biển, trong đó có 334 chiếc đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu hậu cần chuyên vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt.

Ông Trần Văn Tiến (56 tuổi, thị trấn Trần Đề) kể: Mấy chục năm trước, vùng quê này còn heo hút lắm. Khi các tàu ra khơi, thanh niên trai tráng và phụ nữ ở nhà không có việc gì làm thì ra cảng cá.

Cửa biển Trần Đề được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy, hải sản dồi dào, phong phú, đa dạng chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Không chỉ cưu mang, nuôi sống ngư dân mà còn tạo ra công ăn việc làm cho những người trên đất liền tham gia vào các dịch vụ hậu cần.

Giàu từ biển, “chết” cũng vì biểnNgư dân sửa lưới sau những chuyến ra khơi

Gần 40 năm trước, ông Tiến ra cảng làm công nhân bốc xếp, rồi gắn bó với nghề cho đến tận nay. “Xung quanh cảng có hàng chục vựa mua bán thủy hải sản, rồi đơn đặt hàng của các mối ở xa. Mỗi ngày, khi tàu thuyền cập bến, cá tôm đầy ắp, thì những người bốc xếp như tui giống là “một mắt xích” trong khâu lên cá, phân loại, cân - đếm số lượng theo yêu cầu của chủ vựa…

“Ngày đó chưa có máy móc hỗ trợ, lao động chủ yếu là chân tay với sức người là chính, mỗi khay hàng được khiêng lên nặng mấy chục kg, đòi hỏi phải có sức khoẻ dẻo dai mới làm được. Để bảo quản, ướp cá, người ta toàn dùng đá cây (nước đá nguyên cây) nặng tới 50kg, nhân công phải hì hục khuân vác. Nơi cầu cảng trơn trượt, tấp nập người ra kẻ vào, chuyện trợt té cũng như…cơm bữa”, ông Tiến kể.

Khi nghiệp đoàn vươn ra biển lớnMột bữa ăn trưa của các đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề - Ảnh: Trần Lưu

Bà Trần Thị Lạc (SN 1966, vợ ông Tiến) thì nói: “Hồi còn con gái, tui và ổng chưa quen nhau thì mỗi ngày cũng ra cảng cá mưu sinh. Mình là phụ nữ, không khuân vác nổi thì đi lựa cá. Công việc này không đòi hỏi sức lao động nặng nhọc, nhưng người làm buộc phải ngửi cho được mùi tanh nồng của cá. Đã mấy lần tui bị ngất xỉu khi xuống hầm cá, ở đó vừa lạnh, còn mùi tanh nồng... Nhưng làm riết nhiều năm, ngửi riết rồi cũng quen. Cực dữ lắm! Nhưng nghề cá là vậy, không thể khác được”. Câu nói của bà Lạc khiến cổ họng tôi như nghẹn lại, bởi vừa khi nãy khi cúi thấp để xem hầm cá tôi đã “nhợn cổ” khi ngửi thứ mùi tanh nồng này. Một mùi đặc trưng của những bến cá!

Trên luồng nước, những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp cá tôm. Từng tổ bốc vác hơn chục thanh niên, đàn ông lực lưỡng nhanh chân ra sát mép nước nhận cá từ ghe rồi vội vàng kéo lên bờ. Những phụ nữ cũng không kém bận rộn đi đi lại lại.

Giàu từ biển, “chết” cũng vì biển

Giàu từ biển, “chết” cũng vì biểnAnh Võ Văn Bình - Chủ tịch đầu tiên của Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề.

Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Võ Văn Bình (46 tuổi) - Chủ tịch đầu tiên của Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề chia sẻ: “Với ngư dân, biển là cuộc sống, cuộc đời, mỗi chuyến vươn khơi, họ luôn mong muốn trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang khi về bến. Nhưng xưa nay, nghề đi biển chưa bao giờ là dễ dàng. Đã bao lần, gió lớn ập đến cướp đi biết bao sinh mệnh của ngư dân, rồi hư hỏng tàu, sự cố giữa trùng khơi cũng nhiều vô số kể”.

“Mỗi chuyến ra biển mất tới vài tháng, các chủ tàu phải thuê hàng chục nhân công (ngư phủ) đi theo. Trước khi rời bến, chủ tàu phải ứng trước tiền để ngư phủ lo cuộc sống gia đình trong những ngày xa đất liền. Cùng với đó là chi phí xăng dầu các thứ… có thể lên đến hơn 500 triệu đồng. Do vậy, chỉ cần một chuyến ra khơi “thất mùa” là chủ tàu đổ nợ. Dân ở đây hay nói vui: “Làm giàu từ biển, nhưng chết cũng vì biển” là vậy!

Anh Bình cho biết thêm, dù là ngư dân đánh bắt ngoài khơi, hay công nhân bốc xếp trên bờ đều có quan hệ mật thiết, “sinh tử” với nhau. Những chuyến tàu về, nếu đầy ắp cá tôm đồng nghĩa với việc ngư dân trúng đậm, anh em trong nghiệp đoàn có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Còn gặp khi tàu ra khơi “thất mùa”, các anh em trong bờ kể như cũng “đói” theo”.

Giàu từ biển, “chết” cũng vì biển

Anh Bình quê ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Hồi nhỏ học đến nửa năm lớp 6 thì nghỉ, lớn lên anh từng là công nhân bốc xếp tại cảng từ năm 2003.

Qua năm sau, khi huyện Long Phú (trước đây) thành lập nghiệp đoàn bốc xếp, được sự giới thiệu của Ban quản lý Cảng, anh Bình trở thành Chủ tịch đầu tiên của Nghiệp đoàn bốc xếp. Ngày đó, khu vực cửa biển Trần Đề còn hoang sơ và nghèo lắm, bà con đi làm thuê, làm mướn rất vất vả mới đủ trang trải cuộc sống. Từ khi có cảng cá rồi nghiệp đoàn thành lập đã trở thành điểm tựa cho người lao động khu vực phi chính thức.

Vốn gần gũi, am hiểu hoàn cảnh, tinh thần, tính nết của đa số anh em, Bình khéo léo sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em phát huy sở trường và khắc phục dần “sở đoản”. Ví dụ, anh em nào không chí thú làm ăn lại hay nhậu nhẹt say sưa, “quậy quạng”, Bình mạnh dạn cho nghỉ việc. Ít lâu sau, anh em quay lại xin làm, Bình giải quyết kèm yêu cầu “phải sửa đổi, khắc phục khuyết điểm”. Có phạt thì phải có thưởng. Đối với anh em làm lâu năm, quản lý tốt công việc nhưng nhà xa cảng, không đất đai sản xuất, như 2 tổ trưởng Thạch Cảnh, Trần Dết - Bình hỗ trợ tiền sắm xe làm phương tiện đi làm. Hay như với Trần Thanh Long, được Nhà nước giải quyết trao tặng nhà, Bình “hùn” vô 5 triệu đồng giúp Long “bồi đắp” thêm nhà cửa...

Khi nghiệp đoàn vươn ra biển lớn

Khung cảnh quen thuộc tại Cảng cá Trần Đề. Những đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp hăng say lao động - Ảnh: Trần Lưu

Nghiệp đoàn hiện có trên 120 lao động, trong đó 70% là đồng bào dân tộc Kh’mer, chia làm 5 tổ hoạt động. Nghiệp đoàn và mỗi tổ đều có quan hệ chặt chẽ với các chủ tàu. Trước khi tàu cập cảng chỉ cần điện thông báo trước 1 giờ để bố trí, xắp xếp công việc. Tuỳ thời điểm mà các tổ điều phối, bổ sung nhân sự qua lại với nhau nhằm bảo đảm công việc lên hàng được nhanh chóng nhất. Cách tính thu nhập dựa trên bảng điểm để tính điểm, dựa theo phần trăm doanh thu sẽ ra thu nhập trong tháng. Hiện tại trung bình thu nhập của mỗi đoàn viên là từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Khi hàng nhiều, đặc biệt là vào mùa cá cơm thì đạt từ 14 đến 15 triệu đồng/tháng.

Trước mắt tôi là 6 tàu đang cập bến. Từng đội nhân công đang tất bật vận chuyển những khai hàng trên băng chuyền đang hoạt động liên tục. Các công nhân cho biết: Biên độ triều vùng cửa biển Sông Hậu có dao động khá lớn khi nước ròng kiệt và khi nước lên. Những hôm nước ròng kiệt, sàn tàu cá nằm sâu phía dưới cách xa mặt cầu cảng tầm hơn 2m nên việc vận chuyển hàng từ tàu lên cảng khá khó khăn, mất nhiều thời gian và nhân lực bốc dỡ - lên xuống hàng hoá.

Một dạo, các anh em trong nghiệp đoàn chợt nhớ đến băng chuyền chuyển nước đá xay từ nhà máy ra xe tải; rồi đem áp dụng vào việc lên hàng. Băng chuyền có cấu tạo rất đơn giản, dài trung bình từ 12-15m. Khi hoạt động, một đầu của băng chuyền di chuyển đến gần miệng hầm tàu, khay hàng trượt theo băng chuyền lên điểm tập kết hàng trên cầu cảng một cách nhẹ nhàng, nhanh gọn.

Khi nghiệp đoàn vươn ra biển lớn

Đặc biệt là băng chuyển không cố định nên các tàu hậu cần cập bến có thể neo đậu ở bất kỳ đâu quanh cầu cảng cũng đều lên được hàng nhanh chóng. Xe đông lạnh cũng theo điểm tập kết cá tôm để “ăn hàng” một cách linh hoạt.

“Đây không phải sáng kiến gì to tát, nhưng được cái áp dụng đúng môi trường cần thiết nên mang lại nhiều hiệu quả cao. Vừa giảm được tiêu hao sức hao động, vừa giảm số nhân công bốc xếp hàng hoá nhưng lại tăng hơn 2 lần năng suất lao động. Quan trọng nhất, khi hàng được lên bờ nhanh, chất lượng cũng tốt hơn, bán được giá cao hơn”, anh Bình thông tin.

Mấy năm gần đây, vì một số lý do Bình đã thôi giữ chức Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp và nhường vị trí này lại cho anh Nguyễn Đăng Luân đảm trách. Hiện anh Bình là cấp phó giúp việc, nhưng ngày ngày anh vẫn ra bến cảng “điều quân”, giải phóng hàng hóa, để các chủ tàu tiếp tục hành trình bám biển.

Khi nghiệp đoàn vươn ra biển lớnMột đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề đang bốc xếp cá vào vị trí tập kết - Ảnh: Trần Lưu

Giàu từ biển, “chết” cũng vì biển

Hôm chúng tôi trở lại Cảng cá Trần Đề, ông Trần Văn Tiến kể chuyện mà mặt buồn rười rượi. Mấy năm gần đây, do lớn tuổi, không còn đủ sức khỏe khuân vác, nhưng ông vẫn trụ lại cảng cá làm công việc quét dọn vệ sinh. Rồi tai ương ập đến khiến ông mắc bệnh tai biến (mức độ nhẹ). Khi sức khỏe chưa ổn định, ông lại phải mổ thêm một con mắt. Mất hết sức lao động, giờ ông chỉ có thể ở nhà cho vợ chăm sóc.

Ông nói: “Lao động riết rồi quen, giờ ở nhà ngồi một chỗ, ngứa ngáy tay chân không chịu nổi. Nhưng tình hình sức khỏe như thế này phải đành chịu, không thể làm gì khác hơn được. Mấy bữa nay, mỗi khi có dịp ra cảng, nhìn thấy tàu về là tui lại nôn nao vì biết ngư dân mình còn bám biển vươn khơi trong màu cờ Tổ quốc”.

Xóm lưới - khát vọng giữa trùng khơiGia đình ông Trần Văn Tiến có nhiều thế hệ gắn bó với Cảng cá Trần Đề

Là lao động chính trong gia đình, nay ông Tiến đổ bệnh, bà Lạc phải một mình gồng gánh mọi thứ lo toan. Bà đi bán vé số dạo, kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày để trang trải cuộc sống. “Cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, tui lại ra cảng cá. Đây là thời điểm tàu về cảng đông nhất, vé số bán được cũng nhiều hơn. Một đời gia đình tui bám biển, nhờ có biển mà duy trì cuộc sống đến hôm nay. Giờ cũng may mà còn biển cưu mang, dù mình không còn làm việc trực tiếp ở cảng”.

Với bà Lạc, nghề đã đeo, không bỏ được, có lẽ chưa “dứt nghiệp” với cái xóm Đáy này nên giờ đây, con trai của bà là Trần Minh Hoài nối nghiệp cha trở thành đoàn viên trong Nghiệp đoàn bốc xếp. Hoàn cảnh của Hoài cũng rất éo le. Anh từng làm trong Nghiệp đoàn rồi tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi xuất ngũ thì trở lại đây làm việc.

Giàu từ biển, “chết” cũng vì biển

Những con tàu vươn khơi bám biển - Ảnh: Trần Lưu

Vợ Hoài vừa mới sinh thêm một đứa con nên chỉ ở nhà làm nội trợ, trong khi đứa con trai lớn (4 tuổi) mắc bệnh bại liệt. Một mình anh phải gồng gánh lo 4 miệng ăn.

Hoài tâm sự: “Tui làm công việc bốc xếp với thu nhập từ 7 triệu đồng trở lên/tháng. Những khi hàng về nhiều có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng, nhờ đó mà duy trì được cuộc sống gia đình. Quan trọng nhất là ở đây giống như một gia đình, các anh chị em luôn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau. Như anh Thanh ở Tổ 5, mọi người vẫn hay gọi là “Anh Hai. Hễ ai gặp chuyện cưới hỏi, cất nhà, bệnh hoạn này kia, nhờ tới ảnh là ảnh hỗ trợ liền, không nhiều thì cũng ít”.

“Anh Hai” mà Hoài vừa nhắc chính là anh Dương Hoài Thanh, Tổ trưởng Tổ 5, thuộc Nghiệp đoàn bốc xếp của cảng cá. Một dạo, thấy anh em lao động vất vả, nhưng ăn uống chẳng tới đâu, nên Thanh bàn bạc với vợ lo bữa ăn cho anh em.

“Với người lao động xa nhà thì chuyện chi phí cho ăn uống, sinh hoạt cũng là một áp lực tài chính không nhỏ. Để anh em trong tổ chuyên tâm vào công việc thì khoản chi phí này Tổ trưởng “bao” luôn. Ngoài bữa trưa, đến 3 giờ chiều sẽ có thêm một bữa “ăn dặm”. Hôm nào hàng nhiều phải làm tới tối thì Tổ trưởng lo luôn bữa tối. Tính ra mỗi tháng, anh em công nhân tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng. Bữa ăn trưa hôm nay có 3 món: Canh chua bắp chuối nấu mẻ, thịt ba rọi ram mặn, khô cá lóc cửng chiên giòn. Nhà báo thấy hông, toàn đặc sản miền Tây”, anh Thanh nói vui với nụ cười sảng khoái.

Video: Hoạt động của đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề

Đồng chí Hoa Trần Thế, Chủ tịch LĐLĐ huyện Trần Đề cho biết: Toàn huyện hiện có 3 nghiệp đoàn, bao gồm: Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề, Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Trần Đề và Nghiệp đoàn nghề cá xã Trung Bình, với tổng số hơn 800 đoàn viên. Riêng Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề, từ chỗ có 24 thành viên ban đầu vào năm 2004 (năm thành lập), đến nay nghiệp đoàn đã có quân số “cứng” hơn 100 người, chia làm 5 tổ. Những hôm ngư dân trúng mùa cá, tàu về đông ken nơi bến cảng, Nghiệp đoàn phải tìm thuê thêm lao động, cao điểm có thể lên tới 130 người. Nghiệp đoàn tự thu, chi, lao động hưởng lương theo sản phẩm, với mức thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng. Khi qua mùa cá, các anh em trong nghiệp đoàn lại tranh thủ làm việc nhà như: chăn nuôi, làm ruộng, làm vườn, hoặc đi làm hồ... để có thêm thu nhập.

Những năm qua, LĐLĐ tỉnh và huyện đã nỗ lực tập trung vào công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; đề xuất với các cơ quan có liên quan về chế độ chính sách đối với lao động nghề cá trên vùng biển xa. Cùng với đó là quan tâm công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cứu hộ, cứu nạn trong quá trình sản xuất trên biển. Tham mưu, đề xuất phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển và chăm lo cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai, tai nạn.

Theo đồng chí Thế, phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp công đoàn tỉnh tập trung thực hiện với đa dạng các lĩnh vực ngành nghề để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Giàu từ biển, “chết” cũng vì biển

Như mới đây, LĐLĐ huyện đã trao tặng 1 căn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên Trần Minh Hoài có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở (trị giá 50 triệu đồng) thuộc Nghiệp đoàn bốc xếp cảng cá Trần Đề.

“Bệnh tật hay tai nạn không chỉ là nỗi đau với bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình họ về nhiều phương diện: sức khỏe, tinh thần, kinh tế… Người bệnh nằm xuống, người thân phải nghỉ việc thăm nuôi. Thu nhập của cả nhà giảm sút trong khi chi phí điều trị có khi lên đến hàng trăm triệu đồng đối với những bệnh hiểm nghèo. Thấu hiểu những khó khăn này, Công đoàn luôn dành sự quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ cho đoàn viên lúc khó khăn, ốm đau. Những hỗ trợ tuy không đáng là bao, nhưng đó là niềm động viên để người lao động có thêm động lực vượt khó, xem nghiệp đoàn như ngồi nhà thứ hai của mình”.

Vừa trải qua ca phẫu thuật mắt, thị lực của ông Tiến bây giờ đã kém đi; nhưng ông vẫn hay dõi mắt nhìn ra biển khơi. “Nghe nói dự án cảng nước sâu Trần Đề đang được triển khai. Mong rằng một ngày không xa, nơi ngoài khơi ấy, một “siêu cảng biển” sẽ hình thành, khơi thông dòng chảy phát triển cho quê hương, đất nước. Những công nhân lao động như con em chúng tui có thêm công ăn việc làm, cuộc sống đỡ vất vả hơn”, ông nói.

Bài viết nằm trong chuyên mục của Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Phóng sự của CAO LONG - TRẦN LƯU

Ảnh, clip: TRẦN LƯU

Đồ họa: AN NHIÊN