|
Nhìn ngôi nhà kiên cố được xây lên bằng chính số tiền tiết kiệm của chàng thanh niên nghèo 20 tuổi Nguyễn Quốc Toàn, những người dân trong khu phố 5, phường Thác Mơ, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước ai cũng mừng. Không chỉ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, chàng trai ấy còn khát khao mở một xưởng chẻ hạt điều để tạo việc làm cho thanh niên trong vùng. |
|
Câu chuyện của chàng thanh niên nghèo khó nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc đời mình làm tôi xúc động và quyết định tìm hiểu. Té ra, không con đường nào được rải hoa hồng. Trong hành trình nhọc nhằn, đòi hỏi nhiều nghị lực, mồ hôi và nước mắt của anh luôn có sự sẻ chia, đồng hành của tổ chức Công đoàn và những người cán bộ công đoàn. Giữa cái nắng gay gắt trong một ngày cao điểm mùa khô, tôi tới thăm gia đình anh. Gọi là gia đình nhưng chỉ có Toàn và người em trai nương tựa lẫn nhau. Tuổi thơ của hai anh em không trọn vẹn do ba mẹ phải chật vật mưu sinh bằng nghề thợ nề, thợ hồ, không có điều kiện nuôi dưỡng. Anh em Toàn từ nhỏ đã phải cùng nhau sinh sống trong ngôi nhà lợp ván tuềnh toàng bên bờ vành đai hồ Thác Mơ. Cuộc sống khó khăn khiến ba mẹ rơi vào bế tắc. Những trận cãi vã, bất đồng giữa họ trở thành nỗi ám ảnh với hai anh em mỗi ngày. Rồi ba mẹ chia tay mỗi người mỗi ngả. Hai anh em vừa thiếu hơi ấm gia đình vừa phải tự lực mưu sinh. Anh lớn sớm phải làm trụ cột kiếm tiền nuôi em. Khó có thể nói hết những cơ cực mà hai anh em Toàn phải trải qua. |
Công đoàn cơ sở phường Thác Mơ tham gia chấm Hội thi “Bàn tay vàng” cạo mủ cao su. |
Toàn từ giã sách vở, trường lớp khi đang là học sinh lớp 7. Hằng ngày, Toàn đi mót mủ cao su, chẻ hạt điều hoặc lượm điều thuê để kiếm tiền nuôi em. Năm 2010, cảm thông với hoàn cảnh hai anh em Toàn, anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Công đoàn cơ sở phường Thác Mơ đến nhà khuyên Toàn đăng ký lớp học nghề cạo mủ cao su ngắn hạn do Hội Nông dân phường tổ chức. Toàn học xong, anh Hùng lại đến nhà vận động và hướng dẫn Toàn nhận một diện tích cao su để cạo. “Chịu khó sẽ có thu nhập ổn định, hơn lang thang đi mót hạt điều. Ban đầu chậm, ít sản phẩm, rồi em sẽ nâng dần năng suất lên. Có gì khó khăn cứ báo cho anh biết”, anh Hùng dặn. Nhận cạo mủ cao su theo diện tích, tính ra mỗi tháng Toàn được trả 4 đến 5 triệu đồng. Số tiền chưa đủ chi tiêu, anh Hùng lại hỗ trợ Toàn sắp xếp thời gian làm thêm việc chẻ hạt điều. Công đoàn cơ sở phường còn giúp em tu sửa nhà cửa để em có nơi ăn chốn ở ổn định. Sớm hôm anh Hùng và Toàn quấn quýt như ruột thịt. Toàn vui lắm. Thiếu hơi ấm bàn tay bố mẹ, sự động viên, gần gũi của anh Hùng giúp anh em Toàn thêm động lực và niềm tin vào cuộc đời, vào con người. Với Toàn, khó khăn không sợ, sợ nhất là nỗi cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi. Bản thân ý chí vươn lên của Toàn cũng làm anh Hùng và cán bộ Công đoàn cơ sở phường Thác Mơ thêm yêu thương, càng cố gắng làm hết mình chăm chút cho em. “Chúng tôi luôn hướng tới các để giúp đỡ họ. Riêng trường hợp của em Toàn, ban đầu chúng tôi chỉ định giúp như giúp 120 đoàn viên khác học cạo mủ cao su để giải quyết công ăn việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, giúp cho bản thân và gia đình. Song, sự cố gắng của Toàn đã làm chúng tôi cảm động. Chúng tôi như được cổ vũ bởi thấy những việc mình làm thực sự có tác dụng, hiệu quả và đang đi đúng hướng. Nghị lực của em thật đáng trân quý”, anh Hùng tâm sự. |
|
Anh Toàn kể, mỗi ngày nhận tiền công đi làm về anh phân chia tiền ăn, tiền tiêu, còn lại gửi vào thẻ tiết kiệm. Thật không dễ dàng làm việc này khi các nhu cầu hằng ngày cái gì cũng đòi hỏi phải chi tiêu. Lắm lúc Toàn không biết phải làm thế nào. May mắn là cùng với anh Hùng, anh Lê Văn Hậu, cán bộ Công đoàn cơ sở phường cũng thường xuyên đến nhà giúp anh em Toàn hoạch định việc mua sắm sao cho hợp lý nhất. “Thế rồi tích tiểu thành đại. Một thời gian hai anh em cũng dành dụm được một khoản tiền”, anh Toàn nói. Làm gì với khoản tiền này cũng là cả một vấn đề. “Chưa bao giờ em có khoản tiền to thế. Nên mua cái gì thiết thực nhất hay tiếp tục tích lũy cho sau này là câu hỏi khó với em”, anh Toàn cười. Anh Hùng và anh Hậu lại là những người sốt sắng mách nước cho Toàn. Nghe lời khuyên của hai anh, Toàn mua một chiếc xe máy để đi làm. Mỗi ngày Toàn dậy từ 12 giờ đêm để đi hàng chục cây số vào tận xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập) cạo mủ cao su. Tới 9 giờ sáng, Toàn trở về chẻ hạt điều. Anh Hùng và anh Hậu lại động viên Toàn sắp xếp thời gian theo học và hoàn thành chương trình học lớp 9. |
Anh Toàn tham gia Hội thi “Bàn tay vàng” cạo mủ cao su. |
Cứ thế, mỗi ngày với Toàn diễn ra một chuỗi công việc, vất vả nhưng đầy ắp niềm vui. Rồi, với sự hỗ trợ của nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn tỉnh, anh còn cất được ngôi nhà chưa dám nói là to và khang trang, nhưng cũng là niềm mơ ước mà chỉ vài năm trước thôi anh em anh không dám nghĩ tới. “Việc trang trải cuộc sống hằng ngày phải gọi là tằn tiện. Em còn nuôi em nhỏ hay đau yếu nên chưa bao giờ nghĩ đến việc tự xây dựng mái ấm cho mình. Bao năm ở nhà lụp xụp, tạm bợ, nay hai anh em đã có được mái ấm riêng nhờ sự hỗ trợ của chương trình “”, các mạnh thường quân, chính quyền địa phương và các anh chị cán bộ công đoàn phường. Hai anh em rất vui. Em sẽ cố gắng làm việc, lo cho em ăn học đến nơi, đến chốn”, anh Toàn xúc động nói. Anh Lê Văn Hậu, cán bộ Công đoàn cơ sở phường Thác Mơ cho biết, giờ đây tay nghề cạo mủ cao su của Toàn đã điêu luyện, nhiều năm liền anh đạt danh hiệu Thợ cạo mủ xuất sắc. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, hiện Toàn đã làm chủ hoàn toàn các công đoạn cạo mủ, chăm sóc cao su. Toàn biết cần và nên cạo mủ thế nào vừa đạt năng suất cao, tiết kiệm, không thất thoát, hao hụt mủ mà vẫn bảo đảm không làm hại đến cây cao su, giữ cho sản lượng mủ ổn định. |
|
Dù còn rất trẻ, nhưng do phải lăn lộn với đời, giờ Toàn đã trưởng thành, già dặn hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Chuyện lúc này không còn là vấn đề lớn với anh. Hơn hai năm nay, Toàn luôn là thành viên tích cực của Đội dân quân khu phố 5; anh còn là Phó Bí thư Chi đoàn nhiệt tình và là đoàn viên công đoàn của đội cạo mủ cao su. Rút kinh nghiệm từ chính hoàn cảnh của mình, anh nhận thấy tham gia công tác xã hội phải nhiệt huyết và khéo léo, nhất là việc vận động những thanh niên mới lớn. Nhờ biết hòa đồng, Toàn đã phối hợp xử lý nhanh gọn các trường hợp bất hòa, gây rối trong khu phố. |
Anh kể, có những lần thanh niên uống rượu vào gây rối, xích mích đánh nhau trong đám cưới, khi đó đội dân quân được gọi tới. Phần lớn các vụ việc đều được dân quân giải quyết nhanh gọn vì họ biết rõ từng người; biết rõ với mỗi người ấy phải làm gì, nói gì. “Nhờ tổ chức Công đoàn giúp đỡ, giáo dục, nếu không em không những không có công việc, thu nhập ổn định mà cũng rất dễ mắc các tệ nạn xã hội. Em học được cách đối nhân xử thế từ các anh chị cán bộ công đoàn. Đến lượt mình, em muốn giúp đỡ các bạn thanh niên tránh sa vào con đường đua đòi, lêu lổng, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và trở thành người có ích cho xã hội”, anh Toàn nói. Ước mơ lớn nhất của Nguyễn Quốc Toàn lúc này là mở được một xưởng chẻ hạt điều cho các bạn trẻ thanh niên trong vùng có việc làm, từ đó tránh xa cám dỗ, tệ nạn xã hội. “Nhưng khó khăn là không có vốn anh ạ. Em cũng đang nghĩ cách và sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành giấc mơ. Trong việc này em biết cũng có thể trông cậy vào ”, anh Toàn nói, mắt lấp lánh niềm tin. Anh Trần Đức Văn, Chủ tịch Công đoàn phường Thác Mơ thì khẳng định: “Nguyễn Quốc Toàn là đoàn viên gương mẫu. Dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu bàn tay chăm sóc của ba mẹ nhưng Toàn rất giàu nghị lực vươn lên. Toàn cũng năng nổ trong các hoạt động của các đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Công đoàn cơ sở, an ninh khu phố. Ghi nhận thành tích của Toàn, thị xã, phường đã kịp thời khen thưởng, biểu dương. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực chung sức với kế hoạch mở xưởng chẻ hạt điều của Toàn, dù biết rằng sẽ còn nhiều điều phải làm và không dễ dàng...”. |
Ảnh minh họa. |