Bộ luật Lao động 2019 sẽ được áp dụng vào 01/01/2021 nêu rõ người lao động có quyền được chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; phụ nữ mang thai có chỉ định nghỉ dưỡng thai của bác sĩ… Và còn nhiều quyền lợi khác của người lao động được đề cập trong Bộ luật Lao động 2019.
***
Để cán bộ công đoàn các cấp hiểu rõ hơn về Bộ luật Lao động 2019, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có buổi tập huấn cho gần 400 cán bộ công đoàn cấp trên và công đoàn cơ sở có đông lao động trên địa bàn thành phố trong chiều ngày 15/10/2020 tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận 4 . Theo đó, các điểm mới, bổ sung được đồng chí Ngọ Duy Hiểu nêu ra tại Hội nghị nhằm cung cấp thêm cho cán bộ công đoàn những hiểu biết nhất định để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động hiện nay.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh N. N
Cụ thể, những thông tin một số nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động 2019 tập trung vào một số điểm mới như thời gian làm thêm giờ, các hình thức hợp đồng lao động, tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt là việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; thời gian tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 cũng đề cập đến vấn đề tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của các bên trong quan hệ lao động về tiền lương.
Tại Hội nghị tập huấn, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh đến quyền lợi của người lao động liên quan đến hợp đồng lao động.
Cán bộ công đoàn TP HCM đến tập huấn. Ảnh: N. N |
Cụ thể, Khoản 2, Điều 35 của Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ người lao động có quyền đơn phương không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này; Bị người sử dụng lao động (NSDLĐ) ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này; Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Đồng chí Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM. Ảnh N. N
Tại Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cũng trao đổi, chia sẻ với cán bộ công đoàn về kỹ năng, quy tắc sống áp dụng trong công việc, cuộc sống, hoạt động công đoàn... Đồng chí nhấn mạnh chức năng cơ bản và bao trùm của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Cho nên, cán bộ công đoàn ngoài bản lĩnh, tình cảm, trách nhiệm thì cần phải nắm vững luật mới bảo vệ tốt nhất cho đoàn viên, người lao động. Nhất là trong bối cảnh sẽ có thêm tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.
Chị Minh Anh (học viên tại Hội nghị tập huấn) chia sẻ rằng, bản thân rất quan tâm đến những đổi mới của Bộ luật Lao động 2019. Chị cũng đã tìm hiểu qua, nhưng còn một số vấn đề chưa rõ lắm. Nhưng hôm nay được nghe đồng chí Phó Chủ tịch hướng dẫn, chỉ ra những điều mấu chốt, chị Minh Anh đã hiểu rõ hơn.
“Đây là những kiến thức quan trọng của Bộ luật Lao động 2019 mà cán bộ công đoàn chúng tôi cần nắm vững. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người lao động, nên chắc chắn rằng chúng tôi sẽ truyền đạt lại những kiến thức này cho công nhân tại cơ sở", chị Minh Anh nói.
Nguyễn Nga