khi công nhân ăn vặt
Gần đây, ăn vặt ngày càng phổ biến và đang dần trở thành một trào lưu lan rộng của một bộ phận công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ tại các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước.
Ăn vặt để xả stress
Nếu như đàn ông thường lựa chọn tụ tập ở các quán bia, quán rượu sau giờ làm để , thì việc xả stress của phụ nữ lại thông qua hoạt động mua sắm, ăn vặt cùng bạn bè. Mặc dù vậy, nhiều nam thanh niên cho biết cũng thường xuyên tham gia các cuộc tụ tập ăn vặt, đặc biệt là khi đi chơi với bạn gái.
Những buổi chiều, tối, sau giờ tan làm, hoặc vào ngày nghỉ, công nhân thường đi theo nhóm vào các quán ăn vặt với rất nhiều sự lựa chọn về món ăn và đồ uống khác nhau: Nem chua rán, xúc xích, phở cuốn, ốc, các món nộm, hoa quả dầm, trà chanh, hướng dương, cà phê, trà sữa...
Chị Nguyễn Thị Nhung (32 tuổi), công nhân Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) nói: “Tuỳ thuộc vào ca, kíp, nhóm chị em trong xưởng chúng tôi có tuần 3 - 4 lần, cũng có tuần 1 lần rủ nhau đi ăn vặt. Khi thì ra quán trà sữa, khi thì ăn bánh xèo, bánh gối, khoai chiên… Ai biết ở đâu có gì ngon lại rủ cả nhóm cùng đi, có lần đi cả chục cây số chỉ để ăn kem. Ăn vặt thành thói quen rồi”.
Theo chị Nhung, việc cả nhóm bạn đồng nghiệp thân thiết tập trung tại quán ăn vặt cũng đem lại nhiều niềm vui, giúp giải toả được nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống. Họ cùng nhau tán gẫu, trò chuyện về nhiều chủ đề, thậm chí đưa ra lời khuyên, giúp mà một thành viên trong nhóm đang gặp phải.
Nhóm công nhân Công ty Changshin tổ chức sinh nhật tại một quán ăn.
Tương tự, chị Nguyễn Linh (29 tuổi), công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) cho biết: “Tôi thường xuyên cùng bạn bè đi ăn vặt. Chỉ cần cái cớ “có quán mới mở đồ ăn ngon” là chị em lại tụ tập tám chuyện. Mỗi lần như thế, chuyện vui, chuyện buồn được chia sẻ, giảm bớt stress của bản thân. Tôi thấy việc ăn vặt bây giờ trở thành xu hướng, đặc biệt là các công nhân trẻ. Nhờ vậy mà quán xá càng đông đúc hơn”. Chị cho biết, mỗi cuộc tụ tập ăn vặt của nhóm thường kéo dài từ 2 - 3 tiếng, sau giờ làm việc hoặc vào buổi tối. Do biết cách cân đối nên việc tham gia các hoạt động này không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và thời gian chăm sóc gia đình của chị.
“Nhóm mình biết tính toán sao cho phù hợp với hoàn cảnh công nhân. Hơn nữa, đi theo nhóm thì việc ăn uống sẽ được chia đều”, chị Linh nói.
An toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu
Ăn vặt và kinh doanh đồ ăn vặt ở địa bàn các khu công nghiệp hiện nay không phải là một vấn đề nhỏ lẻ, nó không “vặt” như trước nay người ta vẫn nghĩ. Theo khảo sát của chúng tôi, một công nhân có thể chi hơn 1 triệu đồng/tháng cho việc ăn vặt. Một quán ăn vặt ở đường Kim Chung, gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng có doanh thu tới vài trăm triệu/tháng.
Kinh doanh đồ ăn vặt hay đồ ăn nhanh cũng trở thành một thị trường béo bở, tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực của các nhà đầu tư lẫn những người làm dịch vụ, buôn bán nhỏ. Mặc dù vậy, không phải hàng quán nào cũng tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi PV Cuộc sống an toàn trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) – khu vực tập trung nhiều quán ăn vặt dành cho cư dân địa phương và công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, ông thừa nhận: “Những hàng quán hoạt động tự do, trên các xe đẩy, nay bán chỗ này mai di chuyển đến chỗ khác. Hơn nữa những mặt hàng này đáp ứng được nhu cầu của công nhân nơi đây nên chúng tôi rất khó quản lý và kiểm soát”.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng cho biết có đến 70% thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy hại tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người sử dụng.
Nguyên nhân chính của vấn đề ngộ độc thực phẩm là do nguồn nguyên liệu bị nhiễm bẩn; điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn; bày bán đồ ăn dưới lòng lề đường đầy khói, bụi, vi khuẩn… Trong khi đó, hầu hết những người có thói quen ăn vặt, sử dụng thức ăn đường phố lại ít quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Các cơ quan y tế khuyến cáo khi chưa chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh.
Chị Nguyễn Linh cho hay, nhóm của chị đã từng phát hiện một quán ăn vặt giá rẻ không đảm bảo vệ sinh gần Công ty TNHH Changshin Việt Nam sau khi gọi được vài món ăn. Sau đó, họ ngừng ăn, chuyển đến nơi khác.
Chị Linh chia sẻ: “Nhóm chúng tôi hầu hết đều là những người sành ăn nên kịp thời phát hiện. Kinh nghiệm của chúng tôi, nên chọn những nơi có uy tín, phù hợp với túi tiền, vì làm công nhân cực lắm mà lương không cao. View đẹp, đồ ngon là tốt, nhưng an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu”.
Để hạn chế rủi ro mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các chuyên gia đưa ra lời khuyên như sau: Quán ăn hoặc nhà hàng phải đảm bảo an toàn thực phẩm và được kiểm tra thường xuyên bởi các cơ quan có chuyên môn. Cần lựa chọn những hàng quán quen, có bếp ăn và khuôn viên sạch sẽ, bát đĩa đồ dùng được giữ sạch và thức ăn được chế biến cẩn thận.
Bài: Thanh Lam
Ảnh: Kỳ Anh, Tùng Nguyễn