Nằm trên cánh đồng của một xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, thửa đất được Công ty Cổ Phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) quảng cáo giá trị lớn hiện vẫn còn là ruộng rau muống, lổn nhổn bèo, nơi chăn thả vịt của người dân địa phương.
Để lấy niềm tin đối với các nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam luôn quảng cáo có quỹ đất lớn, nằm ở những vị trí đắc địa, giúp doanh nghiệp tự tin triển khai những “chiến lược kinh doanh độc nhất thị trường”, hướng đến gia tăng tài chính cho các nhà đầu tư.
Trong số các quỹ đất của Công ty Nhật Nam, nhiều nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến quỹ đất thuộc huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Nhân viên tư vấn giới thiệu Công ty Nhật Nam có hàng nghìn mét vuông đất ở địa phương này, đều ở những vị trí đẹp, có giá lên tới vài chục triệu đồng/mét vuông.
Địa phận huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội - Ảnh: Ý YÊN |
Đường vào xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, nơi có một số thửa đất được quảng cáo là của Công ty Nhật Nam - Ảnh: Ý YÊN |
Công ty Nhật Nam đăng ảnh một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Mỹ Đức mang tên nhiều cá nhân khác nhau, có cả hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Một trong số các hồ sơ được công bố trên website của Công ty Nhật Nam là hồ sơ chuyển nhượng đất của ông Ng.D.D. cho ông M.Th.T. (quê Thanh Hoá) – người được cho là thành viên HĐQT Công ty Nhật Nam. Thửa đất này nằm ở thôn Phú Thanh, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, được giới thiệu là đã đứng tên Công ty Nhật Nam, là tài sản giá trị của doanh nghiệp.
Thửa đất được đăng trên website của Công ty Nhật Nam (có diện tích 100 mét vuông) nằm trong khu đất giãn dân thuộc thôn Phú Thanh, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Khu vực này hiện vẫn chưa được san nền. Ảnh: Ý YÊN
Sau khi xem thông tin về thửa đất này, ông Trần Hải Nam, công chức Địa chính – Xây dựng xã An Phú xác nhận đây là đất giãn dân, diện tích 100 mét vuông, nằm trong khu phân lô gồm 20 thửa đất ở thôn Phú Thanh. Ông Nam cho biết, giai đoạn 2017-2018, chính quyền xã An Phú cho đấu giá quyền sử dụng đất ở đây 2 lần nhưng không thành vì người dân không mặn mà, sau đó xã đề nghị UBND huyện Mỹ Đức cho giao đất thu tiền đối với các hộ gia đình hoặc cá nhân có nhu cầu.
Thửa đất được quảng cáo thuộc sở hữu của Công ty Nhật Nam thuộc khu đất giãn dân nằm giáp cánh đồng thuộc thôn Phú Thanh, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội - Ảnh: NGỌC TIẾN |
Vị này khẳng định: “Xã không bán cho Công ty Nhật Nam một tí đất nào mà cũng không có quy hoạch một dự án nào của Nhật Nam ở đây cả. Toàn đất nông thôn. Các thửa đất này là đất giãn dân, sau đó dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân chứ không phải cho Công ty Nhật Nam. Còn sau này họ có sáp nhập vào Công ty hay không thì chúng tôi không biết”.
Cánh đồng thôn Phú Thanh, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội - Ảnh: Ý YÊN |
Khi được hỏi về giá trị các thửa đất trên, ông Nam nói: “Giá trị đất ở đây có đáng bao nhiêu đâu? Tại thời điểm Nhà nước giao đất thu tiền có 1 triệu/mét vuông, một thửa 100 mét vuông chỉ có 100 triệu đồng. Vừa rồi ở đâu cũng "sốt đất" nhưng giá đất ở đây là đất nông thôn, vẫn còn rẻ, không như các nơi. Nhiều chỗ vẫn chỉ hơn 1 triệu đồng/mét vuông”.
Vị cán bộ địa chính – xây dựng xã An Phú mở tờ bản đồ các thửa đất giãn dân. Thửa đất mà Công ty Nhật Nam chia sẻ trên website của mình nằm trên cánh đồng thuộc thôn Phú Thanh.
Ghi nhận của PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, thời điểm 31/5/2022, nơi đây chỉ là ruộng rau muống, bèo tây lổn nhổn, được người dân dùng để chăn thả vịt.
Nhắc đến Công ty Nhật Nam, ông Hoàng Văn Hoàn, công chức Địa chính – Xây dựng xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức nhớ ngay đến một sự việc hy hữu, chưa từng xảy ra ở địa phương. Ông Hoàn kể, vào năm 2019, Công ty Nhật Nam cho người dựng một tấm biển quảng cáo dự án bất động sản của Công ty trên địa phận xã Phù Lưu Tế.
"Họ cho người về trước đặt tấm biển dự án bất động sản Nhật Nam rồi đưa đoàn khách tham quan đến chụp ảnh, bảo là đất chuẩn bị phân lô bán nền, sau đó họ lại tháo biển rồi nhanh chóng rời đi", ông Hoàn kể.
“Vị trí họ đặt biển ở giáp ranh đất Tế Tiêu (thuộc thị trấn Đại Nghĩa) và xã Phù Lưu Tế, gần cánh đồng... Sau đó Công an TP Hà Nội có về địa phương làm việc, xác nhận xem có dự án nào của Nhật Nam không, tôi là người trực tiếp làm việc với đoàn. Sự thật là Công ty Nhật Nam không có một dự án nào ở đây cả", ông Hoàn nói.
Hình ảnh tấm biển "Dự án bất động sản" của Công ty Nhật Nam đặt tại xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội hiện vẫn được đăng tải trên website Công ty kèm lời giới thiệu: "Chào mừng các sổ đất tại Mỹ Đức - Hà Nội về với Bất động sản Nhật Nam" - Ảnh chụp từ website: dautunhatnam.com.vn, ngày 26/6/2022.Vị trí lán tôn, nơi từng đặt biển "Dự án bất động sản" của Công ty Nhật Nam. Chỉ có điều, tấm biển màu vàng đã được tháo dỡ từ lâu. Hình ảnh được PV Tạp chí Lao động và Công đoàn chụp ngày 24/6/2022.
Ông Nguyễn Duy Thuế, nguyên Chủ tịch xã Phù Lưu Tế xác nhận với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, thời điểm Công ty Nhật Nam về đặt biển quảng cáo dự án bất động sản đã giao cho bên chuyên môn làm việc. "Địa phương sau khi phát hiện ra đã xuống giải quyết, họ (Công ty Nhật Nam - PV) rút đi hết ngay", ông Thuế nói với PV chiều 24/6/2022.
Ông Trần Văn L., người dân sống cạnh khu đất nói trên, cho biết: "Cách đây vài năm tôi thấy thỉnh thoảng lại có các đoàn xe chở khách về tham quan khu đất. Họ đứng đó ngắm nghía, chỉ trỏ, mà toàn người đứng tuổi thôi. Có những xe đến 45 chỗ ngồi".
Rồi ông L. dẫn phóng viên đi mục sở thị nơi đặt biển dự án bất động sản của Công ty Nhật Nam trước đây. Đó là cái lán tôn tạm bợ, hiện đang được một người quản trang địa phương tận dụng để chứa đồ đạc.
Chiều 24/6/2022, ông L. - người dân địa phương dẫn phóng viên ra chiếc lán tôn - nơi từng đặt biển dự án bất động sản của Công ty Nhật Nam - Ảnh: Ý YÊN
Để chứng minh điều mình nói là đúng, ông L. tiếp tục kết nối cho chúng tôi liên hệ với người quản trang. Anh này tên D., 35 tuổi, là người xã Phù Lưu Tế. Nói về cái lán tôn, D. kể vanh vách: "Công ty Nhật Nam bỏ lại từ năm kia (2019). Họ dựng biển (dự án bất động sản - PV) trên đó xong thấy cơ quan chức năng vào là họ "chạy mất dép" luôn mà!".
Nhắc đến Công ty Nhật Nam, người đàn ông tỏ vẻ bực bội: "Họ dựng biển xong thấy tôi làm ở gần đấy thì thuê trông nom, bảo vệ luôn. Được ít hôm, còn chưa lấy được đồng tiền công nào thì họ bảo tôi dỡ biển rồi "chuồn luôn" từ đấy, không liên lạc được nữa. Nói thật, tôi trông nom ở đấy đã lĩnh được nghìn tiền công nào đâu, mà còn phải bỏ tiền túi ra mua cho họ 2 bình nước lọc hết 4 chục nghìn".
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức khẳng định: “Chúng tôi không biết và cũng chưa nghe tên Công ty Nhật Nam bao giờ. Chắc chắn không có một dự án nào của Công ty này ở địa phương cả!”.
Mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo: Huy động vốn bất thường ở Công ty Nhật Nam: Kỳ 4 – Nhà đầu tư nắm chắc rủi ro.
Bài viết: Ý YÊN Đồ họa: AN NHIÊN |
Huy động vốn lãi suất cao bất thường ở Công ty Nhật Nam: Kỳ 1 – Nhà đầu tư “vỡ mộng”
Thời gian vừa qua, hàng ngàn nhà đầu tư đã góp vốn cho Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam ... |
Huy động vốn bất thường ở Công ty Nhật Nam: Kỳ 2 - Hé lộ “chiêu thức” dụ dỗ nhà đầu tư
Ngoài việc quảng cáo rầm rộ các chương trình đầu tư siêu lãi suất, Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật ... |