Hướng phát triển bền vững cho công nghiệp dệt may Việt Nam
Kinh tế - Xã hội - 12/09/2019 16:06 Tuấn Nguyễn
Sử dụng máy laser để mài quần jean tại Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú |
Đó là một ngày làm việc bình thường tại một trong những nhà máy dệt hàng đầu của Việt Nam. Phan Chí Cao, 27 tuổi sử dụng máy laser để “mài” các sản phẩm may mặc bằng vải jean — một kỹ thuật được sử dụng để làm bạc màu và sờn rách các sản phẩm jean được người tiêu dùng ưa thích.
Với những chiếc máy laser như thế này, Cao có thể xử lý khoảng 300 sản phẩm jean một ngày, so với chỉ khoảng 20 đến 30 sản phẩm nếu theo quy trình xử lý thủ công thâm dụng lao động trước đây, và công nhân phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Công ty của Cao, Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ), đã mua và lắp đặt những chiếc máy laser này trong kế hoạch dài hạn nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm cung cấp sản phẩm dệt may chủ chốt của Châu Á.
Năm 2016, các nỗ lực của PPJ đã được hỗ trợ bởi Chương trình Cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên Việt Nam, một sáng kiến của IFC nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên trong các ngành may mặc, dệt, và da giày. IFC hiện đang làm việc với 70 nhà máy cung cấp cho các nhà bán lẻ và công ty may mặc lớn toàn cầu bao gồm Adidas, New Balance, Puma, Tập đoàn Target, và Tập đoàn VF.
Để bắt đầu, IFC đánh giá tiềm năng sử dụng hiệu quả năng lượng và nước của PPJ. Sau khi thực hiện xong khảo sát, IFC giúp PPJ ứng dụng các công nghệ mới và các thực hành tốt nhằm giúp công ty tiến đến gần hơn mục tiêu của mình.
Với 20 nhà máy và 14.000 công nhân sản xuất và cung ứng các sản phẩm may mặc bằng vải jean, dệt kim và dệt thoi cho các thương hiệu lớn trên thế giới, PPJ đã triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên trước tiên tại nhà máy giặt (wash) của công ty Thành Châu, một công ty thành viên trực thuộc PPJ, vào các năm 2016 và 2017.
Không chỉ có thêm các đơn hàng mới, các biện pháp này đã giúp PPJ tiết giảm được lượng điện sản xuất gần 7 triệu kWh/năm, và tiết kiệm được 200.000 m3 nước/năm. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được 700.000 USD/năm, đồng thời tăng lương cho công nhân, khuyến khích họ ở lại làm việc cho công ty.
Nâng cấp công nghệ để sử dụng tài nguyên hiệu quả và tiết kiệm
Tham gia vào Chương trình Cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên Việt Nam, PPJ đã đạt các kết quả tích cực nói trên. Trước tiên, PPJ đã thay nồi hơi hiệu năng thấp sang sử dụng nồi hơi hiệu suất cao. Công ty cũng đạt được hiệu quả sử dụng nước cao bằng cách tái sử dụng 80% lượng nước thải.
Để đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên cao hơn và năng suất tốt hơn, PPJ đã thay quy trình xử lý thủ công bằng máy laser, và chuyển đổi việc sử dụng máy giặt truyền thống sang các máy ozone hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc PPJ nhận định “Cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và gia tăng sản lượng đã giúp chúng tôi thu hút được thêm các khách hàng mới vốn đang tìm kiếm những nhà cung cấp đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.”
Bà Liên cũng tin rằng lợi nhuận gia tăng sẽ giúp công ty trả được mức lương tốt hơn cho người lao động. Điều này góp phần giúp công ty giữ chân được những công nhân có tay nghề như Cao, những người có dự định gắn bó lâu dài với công ty nhờ vào chế độ đãi ngộ cạnh tranh.
Cao cho biết, “Mức lương 400 USD cho phép tôi có thể tiết kiệm, gửi tiền về quê lo ăn học cho em gái, và chữa bệnh cho cha mẹ.”
Công ty cũng đã triển khai các biện pháp cải tiến tương tự tại tất cả các nhà máy trực thuộc công ty trong năm 2018. Năng suất tăng lên tối thiểu 30% giúp PPJ đạt 300 triệu USD tổng doanh thu năm 2018— mức tăng 30% so với năm 2017. Chi phí vận hành đã giảm khoảng 20%. PPJ hiện có kế hoạch xây dựng một nhà máy may tự động hiện đại hàng đầu Châu Á vào năm tới.
Đầu tư vào một tương lai sạch
Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may hơn 30 tỷ USD/năm, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào kinh tế của cả nước. Song, chất thải hóa chất đã khiến ngành công nghiệp dệt may trở thành nguồn gây ô nhiễm nước lớn thứ hai tại Việt Nam.
Các nhà máy dệt may của Việt Nam cũng nằm trong số những nhà máy sử dụng năng lượng nhiều nhất trên thế giới, sử dụng đến một phần mườitổng tiêu dùng năng lượng của tất cả các ngành công nghiệp trong cả nước. Chương trình Cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên Việt Nam của IFC mang đến cơ hội giúp Việt Nam thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn của khu vực tư nhân.
Đã có những tín hiệu cho thấy các nỗ lực này đang trở thành hiện thực. Từ năm 2016, chương trình đã hỗ trợ 70 nhà máy đầu tư 26 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp họ tiết kiệm được 24 triệu USD dưới hình thức tiết giảm chi phí sử dụng nước, năng lượng và hóa chất.
Một khi các khuyến nghị của chương trình được triển khai toàn diện trong ba năm tới, với tổng đầu tư 40 triệu USD để nâng cấp và trang bị các thiết bị sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, các nhà máy tham gia chương trình sẽ tiết kiệm được 4 triệu m3 nước và cắt giảm được 788.500 tấn phát thải khí nhà kính một năm, tương đương với việc loại bỏ 1,1 triệu xe hơi mới đang lưu thông trên đường.
Chỉ tính riêng ngành dệt may, mức tiêu dùng năng lượng có thể giảm khoảng 30% nhờ vào việc nâng cấp công nghệ và cải thiện việc sử dụng tài nguyên.
Vay vốn để đổi mới
Các lợi ích nêu trên sẽ khuyến khích các công ty khác xem xét áp dụng các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn — và mạng lưới các ngân hàng là khách hàng của IFC cũng có thể hỗ trợ các nỗ lực này.
Để triển khai các giải pháp nâng cấp do IFC đề xuất, Công ty TNHH Samil Vina, một nhà cung cấp chiến lược của Target, đã tìm kiếm một khoản vay ngân hàng để lắp đặt các máy nhuộm tiên tiến hơn, nhờ đó giảm sử dụng một cách đáng kể nước, năng lượng, và hóa chất dùng để nhuộm vải.
Với sự tư vấn và giới thiệu của IFC, Samil Vina đã vay 4 triệu USD từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), một ngân hàng đối tác của IFC để tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với các điều khoản cạnh tranh.
Công ty đã nhận thấy rõ ngay các cải thiện sau khi hoàn thành việc nâng cấp. Các máy nhuộm vải mới với dung tỷ (MLR) thấp đã giúp Samil Vina giảm lượng tiêu dùng nước, hóa chất và năng lượng khoảng 45%. Hệ thống mới cũng giúp giảm thời gian sản xuất khoảng 17%.
Hệ thống máy nhuộm vải |
Cách tiếp cận mới này cho phép Samil Vina tiết kiệm được 2 triệu USD chi phí vận hành một năm. Nhờ đó, công ty có thể tăng lương cho người lao động khoảng 60% chỉ trong vòng một năm kể từ khi lắp đặt máy nhuộm vải mới. Công ty dự kiến xây dựng một nhà máy dệt mới trị giá 60 triệu USD và tuyển dụng thêm 2.000 công nhân khi nhà máy đi vào vận hành vào năm 2020.
Ông I.B.Park, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samil Vina cho biết “Sự hỗ trợ của IFC đã giúp chúng tôi nhận ra rằng thay vì xây dựng một nhà máy mới để mở rộng sản xuất, chúng tôi có thể tăng gấp đôi năng suất chỉ với một số biện pháp nâng cấp đơn giản nhưng hiệu quả. Hiện nay, Samil Vina là một trong số các công ty dệt có năng suất cao nhất tại Việt Nam. Và tiết kiệm tài nguyên chính là bí quyết của chúng tôi.”
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:27
Bộ Công an vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá biển số ô tô phiên đấu giá thứ năm, với 388.389 biển số được đưa lên sàn.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:25
Khách hàng có cơ hội nhận ưu đãi hấp dẫn lên tới 100% lệ phí trước bạ khi kết hợp ưu đãi từ Chính phủ, Toyota Việt Nam và tại hệ thống đại lý trong tháng 9 này.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 06:58
Hãng xe Đức dự kiến sẽ hợp nhất hai dòng sedan hạng sang chủ lực là S-Class (động cơ đốt trong) và EQS (điện) thành một dòng xe vào năm 2030.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:02
Ford Territory Sport mang khác biệt về ngoại hình như lại có trang bị tương tự như phiên bản Titanium X.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:00
Kính ô tô bị ố không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 11:19
Ít nhất có 6 mẫu xe hybrid sẽ ra mắt thị trường Việt Nam cuối năm nay, đến từ nhiều thương hiệu và phân khúc khác nhau.